VnReview
Hà Nội

Người dùng Trung Quốc chỉ trích Sony không "tinh tế" trong việc chọn ngày tổ chức sự kiện

Gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản Sony đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi thông báo tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới tại thị trường Trung Quốc vào đúng ngày Nhật Bản xâm lược nước này cách đây 84 năm.

Hôm 30/6, Sony đã đăng tải dòng trạng thái trên Weibo thông báo về buổi ra mắt smartphone mới vào ngày 7/7 tại Trung Quốc. Tuy nhiên, công bố của tập đoàn Nhật Bản nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích từ cư dân mạng Trung Quốc vì 7/7 là ngày kỷ niệm sự kiện Lư Câu Kiều diễn ra vào năm 1937. Đây được xem là khởi đầu cho cuộc chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai.

Ngay sau khi hứng nhận làn sóng tiêu cực từ dư luận, Sony ngay lập tức đăng đàn trên Weibo để xoa dịu người dùng.

"Do khâu chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng nên việc chọn ngày ra mắt sản phẩm của chúng tôi đã gây nhiều hoang mang và khó chịu cho mọi người. Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất và đã lập tức hủy bỏ các sự kiện liên quan", nguyên văn nội dung xin lỗi của Sony trên Weibo.

Bên cạnh việc "đụng chạm" đến sự kiện lịch sử, ngay cả thông báo của Sony được đưa ra vào trước một ngày lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra cũng không được lòng người dân nơi đây. Xuyên suốt thời gian diễn ra lễ kỷ niệm, nhiều hoạt động quảng cáo đã được hoãn nhằm thể hiện sự tôn trọng.

"Đây là món quà của Sony cho dịp lễ kỷ niệm lần này? Thật sự rất táo bạo! Họ có còn muốn hoạt động ở Trung Quốc nữa không vậy?", một người dùng Weibo đã viết.

Sai lầm của Sony là ví dụ mới nhất cho việc công ty Nhật Bản tự lao mình vào cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng liên quan đến những vấn đề bị người tiêu dùng yêu nước ở Trung Quốc xem là đề cập tới chiến tranh.

Trước đó, hãng game Nhật Bản Capcom cũng gặp phải tình huống tương tự khi ra mắt trò chơi điện tử Resident Evil 3 dùng con số "918" làm mật mã. Chi tiết này đã khiến nhiều game thủ Trung Quốc cho rằng gợi nhớ đến trận đánh Phụng Thiên, diễn ra vào ngày 18/9/1931, đánh dấu cuộc xâm lược của Nhật Bản tấn công vào Trung Quốc trước Thế chiến II.

Tháng 6 vừa qua, My Hero Academia, anime và manga nổi tiếng từ Nhật Bản, đã bị gỡ khỏi 2 nền tảng phát trực tuyến của Trung Quốc là Tencent và Bilibili sau khi người hâm mộ nước này ném đá cách đặt tên nhân vật của tác giả gợi nhớ đến đơn vị chiến tranh sinh học 731 của Nhật Bản trong Thế chiến II.

Không riêng gì các thương hiệu Nhật làm phật lòng người dùng Trung Quốc, một số công ty Trung Quốc cũng đã vô tình làm điều ngược lại với người dùng Nhật Bản. Tháng 5/2020, Xiaomi đã phát hành một đoạn quảng cáo cho Redmi Note 9 Pro, song nó lại gây tranh cãi khi sử dụng hình ảnh một người đàn ông béo mập như một quả bóng màu trắng, bay lên trời rồi nổ tung thành đám mây hình nấm.

Điều này khiến người Nhật Bản phẫn nộ vì nó gợi nhắc đến vết thương chiến tranh Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Thậm chí, Xiaomi còn phải đối mặt với làn sóng kêu gọi tẩy chay tại đất nước mặt trời mọc.

Trước những phản ứng đó, Xiaomi đã nhanh chóng xóa đoạn clip và đưa ra lời xin lỗi, mặc dù phía nhà sản xuất này cho biết quảng cáo đó không cố ý nhằm vào thị trường Nhật Bản.

Ngọc Diệp (Theo SCMP)

Chủ đề khác