VnReview
Hà Nội

Chùm ảnh chưa từng được công bố về nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau 36 năm sự cố

Phóng viên Arkadiusz Podniesinski của trang PetaPixel đã có dịp ghé thăm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, thậm chí còn được phép vào lò số 4 và tận mắt chứng kiến căn phòng điều khiển nơi xảy ra thí nghiệm thất bại dẫn đến sự cố phóng xạ kinh hoàng nhất lịch sử loài người.

Một thập kỷ trước, để có được giấy phép cần thiết cho chuyến đi đến Chernobyl, nơi xảy ra sự cố phóng xạ vào tháng 4/1986, bạn phải trải qua một quá trình cực kỳ khó khăn và phức tạp. Ngày nay, địa điểm này đã trở thành một nơi phải ghé thăm trong lịch trình của hầu hết các đoàn du lịch đến Pripyat (Ukraine).

Nhưng Arkadiusz muốn hơn thế. Anh muốn thấy những địa điểm mới chưa từng được bất kỳ du khách nào chụp lại. Sau nhiều tháng tìm kiếm, gửi thư và vô số cuộc gọi, anh đã được cấp phép tiếp cận nhà máy điện hạt nhân và mang đến cho thế giới những tư liệu quý giá về những thay đổi đang diễn ra trong Khu vực Đặc biệt Chernobyl - từ toà nhà New Safe Confinement (hoàn thành tháng 7/2019) cho đến nhiều cơ sở công nghiệp khác được xây dựng để hỗ trợ quá trình phá dỡ nhà máy điện, bao gồm lò phản ứng số 4 đã hư hại nặng, diễn ra tốt đẹp và an toàn hơn.

BK-2 - Toà nhà Quản trị số 2

Mọi du khách đến nhà máy điện Chernobyl đều phải đi ngang qua ABK-1, toà nhà quản trị và xã hội nơi có văn phòng của bộ phận quản trị cùng các cơ quan trọng yếu khác, và cả một hầm ngầm trú ẩn khi có thảm hoạ xảy ra. Từ đây, một hành lang dài 800 mét sẽ dẫn bạn đi đến phần còn lại của cơ sở.

Lần trở lại này, Arkadiusz bắt đầu chuyến đi tại BK-2, còn gọi là ABK-2. Khi cả 4 lò phản ứng vẫn còn hoạt động, chức năng của BK-2 được chia sẻ với ABK-1. Khi lò phản ứng cuối cùng đóng cửa nhiều năm về trước, toà nhà này không còn cần thiết nữa và cũng đóng cửa theo.

BK-2 (trái), lò phản ứng số 3 (giữa), và đằng sau nó là toà nhà New Safe Confinement che phủ lò phản ứng số 4 đã bị phá huỷ

Thang máy trong sảnh chính rõ ràng không dành cho người yếu tim. Ánh đèn nhấp nháy và những cánh cửa cực kỳ khó mở khiến bạn thà cuốc bộ suốt 9 tầng lầu còn hơn. Từ cửa sổ, bạn có thể thấy rõ lò phản ứng số 3 khá lớn và đằng sau nó là toà nhà New Safe Confinement đang che phủ lò phản ứng số 4. Góc nhìn này gợi nhớ đến những sự kiện vào năm 1986, khi các thợ mỏ lúc bấy giờ đang làm việc ở chân bức tường cao hàng chục mét. Họ ra sức đào một hầm ngầm để đổ một tấm bê-tông xuống bên dưới lò phản ứng đã hư hại nhằm ngăn dung nham phóng xạ không thấm vào lòng đất. Sau đó, trong vài tháng đầu tiên sau thảm họ, mọi cửa sổ của BK-2 đã được che phủ bằng các tấm chì để giảm lượng phóng xạ xuyên qua. Hầu hết các tầng được chuyển đổi công năng thành phòng thay đồ và tắm rửa phục vụ các nhân viên xử lý phóng xạ. Công việc của họ là dọn sạch rác thải phóng xạ từ vụ nổ lò phản ứng, và để đảm bảo an toàn, họ phải mang những bộ áo liền quần dày cộm bằng cao su gắn những tấm chì nặng gần 20kg, sau đó chạy vài chục mét giữa BK-2 và bức tường của lò phản ứng số 3, xúc vài xô đầy rác thải phóng xạ rồi nhanh chóng trở ra - bạn đã hình dung được mức độ phóng xạ ở khu vực này cao đến thế nào rồi chứ? Dù chỉ một thời gian ngắn, tác động của nó lên sức khoẻ những nhân viên này là không thể tránh khỏi, nhưng họ không hề nghĩ về lợi ích, tiền bạc, hay phần thưởng - họ đơn giản là đang làm nghĩa vụ của những người lính.

Góc nhìn về phía lò phản ứng số 3 từ nóc của toà nhà BK-2

Ngày nay, không còn chút dấu tích nào về những sự kiện đó nữa. Bên ngoài, không khí tĩnh lặng và yên bình; những đống đất và rác nhiễm phóng xạ từ dưới lò phản ứng từ lâu đã biến mất. Khu vực xung quanh đã được phủ nhựa đường. Nhìn vào từng căn phòng, dù hầu hết những vật phẩm giá trị hay các tài liệu quan trọng không còn nữa, vẫn có nhiều thứ thú vị sót lại từ nhiều năm trước. Đối với một số người, chúng có thể trông vô dụng hoặc vô nghĩa; với số khác, chúng là những tạo vật giá trị mang trong mình ký ức về một thời huy hoàng khi nhà máy này còn sản xuất ra điện phục vụ nhu cầu con người.;

Ấm trà và đĩa sứ  khắc logo của nhà máy điện

Một bức ảnh cũ về lò phản ứng số 1 vừa được xây dựng xong

Xưởng điện tử

Kho lưu trữ trong toà BK-2

Một văn phòng trong toà BK-2

Đồng hồ bị vỡ nát trong một căn phòng của toà BK-2

Bảng chuyển mạch điện thoại trong một văn phòng của toà BK-2

Trước khi rời toà nhà BK-2, hãy xem tầng trệt của nó có gì. Chính những nơi tối tăm, khó tiếp cận như thế này thường chứa khá nhiều đồ vật giá trị còn vẹn nguyên.

Lối vào hầm trú ẩn dưới lòng đất ở tầng trệt toà BK-2

Ngay khi vừa xuống tầng trệt, bạn sẽ thấy nhiều cánh cửa thép khổng lồ, giống như những hầm trú ẩn ở tầng trệt toà ABK-1. Chúng dẫn xuống trung tâm ứng phó khủng hoảng, nơi chỉ đạo hoạt động khắc phục thảm hoạ 1986. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể đi qua những cánh cửa này bởi chúng đã hoàn toàn rỉ sét, không thể mở và đóng được.

ISF-1 - Cơ sở lưu trữ tạm thời nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng số 1

Bất kỳ ai từng ghé thăm Khu vực Đặc biệt Chernobyl và đứng trước "cỗ quan tài đá" (tên gọi cấu trúc bằng thép và bê-tông bao quanh lò phản ứng số 4) cũ kỹ và sau này là toà nhà New Safe Confinement che phủ nó có lẽ sẽ tự hỏi không biết toà nhà màu xám bên trái nó có chức năng gì? Đó là Cơ sở chứa tạm nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, địa điểm tiếp theo mà chúng ta sẽ khám phá.

Giống như mọi cơ sở hạt nhân đang hoạt động, quy định vào khu vực này rất nghiêm khắc. Đầu tiên bạn phải bước qua những cánh cửa an ninh khổng lồ điều khiển bằng điện. Tuy nhiên, trước hết nhân viên nhà máy đi cùng chèn thẻ vào và nhập mã PIN, anh ta sẽ phải gọi an ninh và thông báo về chuyến thăm này. Ngay bên ngoài cửa là một cổng dò kim loại với hai anh lính đứng hai bên. Một trong số họ sẽ kiểm tra số hộ chiếu và trang thiết bị bạn mang theo một cách kỹ càng. Tiếp theo, trước khi bước vào khu vực chính của tổ hợp - còn gọi là "khu vực bẩn", bạn phải thay trang thiết bị bảo hộ, đồng thời được cung cấp một xạ lượng kế để đo nồng độ phóng xạ hấp thụ. Khi ra ngoài, quy trình sẽ được lặp lại theo chiều đảo ngược - mọi tổ hợp khác ở Chernobyl cũng y hệt như vậy. Đôi lúc, quá trình diễn ra thủ tục còn lâu hơn thời gian bạn được ở bên trong cơ sở nữa.

Thay giày trước khi vào "khu vực bẩn"

Hãy bắt đầu chuyến thăm quan ISF-1 thôi.

Đầu tiên là sảnh lớn nhất cơ sở này, nơi có một bể chứa khổng lồ lưu giữ hơn 21.000 cụm nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng số 1, 2 và 3. Tuỳ thuộc vào vị trí, mức độ phóng xạ có thể giao động từ 40 đến 800 uSv/h, tức cao hơn khoảng 200-400 lần so với bình thường. ISD-1 là một cơ sở lưu trữ nhân liệu đã qua sử dụng dạng ướt, có nghĩa là các cụm nhiên liệu được trữ dưới nước. Bể chứa khổng lồ này bao gồm 5 bồn bê tông gia cố bao phủ bởi hàng trăm tấm thép. Khi bước bên trên, bạn chắc chắn sẽ có cảm giác kỳ quặc và không an tâm chút nào, bởi bạn biết thứ gì nằm bên dưới chân mình rồi đấy! Bên cạnh đó, mỗi bước bạn đi sẽ khiến những nắp thép dịch chuyển, tạo ra một âm thanh vang vọng khắp sảnh. Khi một kỹ sư đến mở nắp một cụm nhiên liệu ra, mức độ phóng xạ sẽ tăng rất nhẹ - nắp này không có vai trò quan trọng lắm, bởi rào chắn mạnh mẽ nhất trước phóng xạ chính là nước.

Văn phòng quản lý ca

Bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng

Các cụm nhiên liệu

Các cụm nhiên liệu được kéo ra trong sảnh tiếp theo. Ở khu vực này bạn có thể đứng xem thoải mái, nhưng mức độ phóng xạ trong quy trình này là rất cao - khoảng 2 Sv/h, rất cao, có thể gây nhiễm xạ nghiêm trọng, hoặc thậm chí là chết. Do đó, toàn bộ quy trình sẽ được kiểm soát từ xa thông qua một cửa sổ nhỏ làm từ kính bọc chì dày hoặc thông qua một hệ thống giám sát và camera từ một căn phòng nhỏ nằm phía trên đầu bạn vài mét.

Phòng trích xuất nhiên liệu

Bên trong bể chứa

Một khi những thỏi kim loại dài chứa nhiên liệu được kéo ra khỏi nước và đặt trong một cái rổ lớn hình hoả tiễn, chúng sẽ được hạ xuống và đặt vào một con tàu thiết kế đặc biệt. Chỉ lúc này, chúng mới được an toàn đưa ra ngoài. Để làm gì? Đúng như tên gọi của tổ hợp, nó không được thiết kế để lưu trữ nhiên liệu lâu dài, mà vòng đời của nó sẽ chấm dứt vào năm 2028. Địa điểm này sẽ là nơi tiếp theo chúng ta đi đến.

Cái lỗi mà thông qua đó, các cụm nhiên liệu sẽ được chuyển đến con tàu bên dưới

Con tàu đưa nhiên liệu ra ngoài

Kiểm tra xạ lượng trước khi rời tổ hợp

ISF-2 - cơ sở lưu trữ tạm thời nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng số 2

Tổ hợp ISF-2 đóng vai trò một cơ sở lưu trữ tạm thời các cụm nhiên liệu đã qua sử dụng dạng khô. Trước khi nhiên liệu được đưa vào đây, nó sẽ được xử lý trước trong một toà nhà nằm ở cùng khu đất.

ISF-2

Bên trong, mọi sự chú ý đổ dồn vào "căn phòng nóng", trái tim của toàn bộ toà nhà. Một căn phòng lớn niêm phong kín mít, hoàn toàn cách biệt với môi trường bên ngoài nhờ những bức tường bê tông dày; bạn có thể nhìn vào bên trong thông qua những cửa sổ bọc chì nhỏ đặt ở cả hai bên của căn phòng. Camera kháng bức xạ cao và máy móc cũng như công cụ điều khiển từ xa được lắp đặt trong phòng. Đây là nơi những cụm nhiên liệu từ các lò phản ứng đã ngừng hoạt động bị cắt ra làm đôi, sấy khô, và sau đó đóng gói vào những hộp thép nhỏ hai lớp.

Bên trong "căn phòng nóng"

Bên ngoài căn phòng là hệ thống máy móc giám sát và những cánh tay máy lớn gắn thiết bị điều khiển và nút bấm dùng để tiến hành từ xa những tác vụ phức tạp nhất. 

Bảng điều khiển

Những gì bên trong căn phòng nóng khiến bạn nhận ra sự nguy hiểm của công việc này. Và đó là một công việc lâu dài, bởi các đồng vị phóng xạ trong nhiên liệu hạt nhân sẽ mất hàng ngàn năm mới phân rã hết. 100 năm, thời gian lưu trữ nhiên liệu đã qua xử lý trong ISF-2, chẳng khác gì một cái nháy mắt đối với các đồng vị phóng xạ. Tiếp theo sẽ là gì? ISF-3? Chúng ta chưa biết được. Có lẽ công nghệ mới sẽ xuất hiện, cho phép chúng ta tái xử lý và sử dụng nhiên liệu này cho mục đích khác, hoặc có lẽ nó sẽ được đưa xuống một hố rác thải phóng xạ dưới lòng đất chăng? Đây là vấn đề chúng ta sẽ phải đối mặt - thực ra là những thế hệ tương lai của chúng ta mới chính xác.

Những hộp chứa nhiên liệu đã tái xử lý

Xe đẩy vận chuyển những hộp chứa nhiên liệu đã tái xử lý đến mô-đun bê-tông, nơi nó sẽ được lưu trữ trong 100 năm

Vào tháng 12/2020, các "bài kiểm tra nóng" đối với toàn bộ tổ hợp đã kết thúc. Vào thời điểm đó, 22 bồn chứa với 186 cụm nhiên liệu đã được xử lý lần đầu tiên và sau đó đóng gói vào hai hộp chứa bằng thép và lưu trữ trong các mô-đun bê-tông đằng sau toà nhà chính. Ước tính toàn bộ quy trình xử lý nhiên liệu sẽ mất khoảng 10 năm, và khu tổ hợp này sẽ trở thành cơ sở lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng dạng khô lớn nhất thế giới.

Các mô-đun bê-tông được dùng để lưu trữ các hộp thép

ICSRM - Tổ hợp Công nghiệp để Quản lý Chất thải Phóng xạ rắn

Bên cạnh ISF-1 và ISF-2, vốn được xây dựng để xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, hai cơ sở khác đã được xây dựng trong khuôn viên để xử lý chất thải phóng xạ rắn và lỏng thu được từ quá trình hoạt động và sau đó là quá trình chấm dứt hoạt động của nhà máy điện và từ "cỗ quan tài đá". Cơ sở đầu tiên là nơi xử lý chất thải cấp độ thấp, trung và cao để lưu trữ tạm thời hoặc vĩnh viễn, bao gồm bê-tông, cát và kim loại. Toà nhà khổng lồ này có chứa một hệ thống thùng khí nén yếm khí, những căn phòng nóng, và những khu vực khác nơi chất thải phóng xạ được cắt, nghiền nát, bẻ gãy, phân loại theo mức độ phóng xa, nén và đốt cháy. Tất cả đều được thực hiện bằng những cỗ máy điều khiển từ xa gắn các công cụ thay thế được - bao gồm búa tạ, máy nghiền bê-tông, cưa máy, và máy xén thuỷ lực. Chất thải đã qua xử lý sau đó sẽ được đóng thùng và niêm lại trong các bồn chứa bê-tông trước khi được gửi đến một kho chất thải phóng xạ. Giống như ISF-2, nhà máy này đã xử lý lô chất thải phóng xạ đầu tiên của nó và hiện đang trong những giai đoạn thử nghiệm nóng và xác nhận cuối cùng.

Thùng khí nén

Một trong các trạm điều khiển

Bảng điều khiển

Bên trong căn phòng nóng

Phía sau là máy BROOK đa chức năng

Máy nghiền chất thải

Nơi chứa các bồn chất thải phóng xạ rỗng

New Safe Confinement (NSC)

NSC là một cấu trúc bằng thép cao 110 mét, được xây dựng để che phủ "cỗ quan tài đá" cũ. Nó giúp giảm tác động tiêu cực của phóng xạ lên môi trường, người dân xung quanh, và các nhân viên của Khu vực đặc biệt Chernobyl. Những cần trục gắn trên đỉnh của cấu trúc này sẽ giúp việc tháo dỡ "cỗ quan tài đá" cũ, bất ổn đỉnh, trở nên dễ dàng hơn, đồng thời giúp loại bỏ nhiên liệu hạt nhân và những vật liệu chứa nó đặt bên trong.

Toà nhà New Safe Confinement

"Cỗ quan tài đá" cũ

"Cỗ quan tài đá"

Bạn đã nghe đến cái tên này khá nhiều từ đầu bài viết. "Cỗ quan tài đá" ám chỉ cấu trúc được xây dựng trên tàn tích toà nhà bao phủ lò phản ứng số 4 nhằm giảm lượng phóng xạ phát ra sau thảm hoạ. Dưới áp lực thời gian và trong những điều kiện cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, các công nhân đã hoàn thành công việc xây dựng "cỗ quan tài đá" trong thời gian kỷ lục 206 ngày. Hiện nay, mọi hoạt động diễn ra bên trong nó đã chấm dứt, dù cấu trúc của toàn bộ tổ hợp và tình trạng của trang thiết bị điều khiển/đo đạc lắp đặt bên trong nó vẫn được định kỳ kiểm tra để đảm bảo mọi thứ, từ phóng xạ hạt nhân đến địa chất đều trong ngưỡng an toàn. Đây là trách nhiệm của đội ngũ ban điều hành và ban an toàn phóng xạ. Ban an toàn phóng xạ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho mọi nhân viên trong quá trình bảo trì và sửa chữa, cũng như thường xuyên giám sát tình trạng phóng xạ bên trong cơ sở. Công việc này được thực hiện bởi các nhân viên đo xạ lượng.

Hầu hết căn phòng chứa đầy bàn ghế, đặt trên đó là máy tính và màn hình, cùng những bản sơ đồ chi tiết của từng tầng lầu trong "cỗ quan tài đá". Trên tường có treo một tấm bản đồ của toàn bộ tổ hợp, trong đó những vùng có mức độ truy cập khác nhau đều được đánh dấu. Tuy nhiên, hầu hết không gian được dành cho vô số tủ chứa đồ với máy xạ lượng xếp thành nhiều hàng ngăn nắp. Các chuyên gia đo xạ lượng thường không nói chuyện nhiều lắm và miễn cưỡng phản hồi khi được hỏi về công việc. Họ chỉ năng nổ hơn khi Arkadiusz đề nghị được đưa vào trong "cỗ quan tài đá" và thực hành công việc của chính mình.

Một chuyên gia đo xạ lượng

Sơ đồ bên trong "cỗ quan tài đá"

Sơ đồ tầng 0

Để vào được bên trong "cỗ quan tài đá", bạn phải đi cầu thang lên tầng 3, rồi từ đó đi qua một hành lang dài, xuống những bậc thang bằng thép. Nước sơn cũ bị bong tróc ở khắp nơi, những ống kim loại dày và dây điện rối nhùng thả xuống từ hai bên. Mọi thứ được phủ bởi một dung dịch đặc biệt có khả năng thu hút bụi và ngăn sự phát tán của các đồng vị phóng xạ. Nó khiến các bề mặt có một màu hồng bóng loáng.

Ban đầu, mức độ phóng xạ còn tương đối thấp

Trước mỗi phòng có treo một mẩu giấy với một con số và một cái tên chẳng có chút ý nghĩa nào với người chụp ảnh: 101/4 - Трасса откачки ЖРО ОУ, rồi 101/3 - РУСН-6kB… Thực ra, con số ở trước là tuyến đường bơm chất thải phóng xạ lỏng, chữ ở sau có nghĩa là cơ cấu chuyển mạch 6kV…

Trong mê cung của những hành lang dài hao hao nhau, bạn sẽ nhanh chóng mất cảm giác về phương hướng, và sau một lúc, sẽ chẳng muốn đề ý đến các bảng chỉ dẫn nữa. Dù khẩu trang sẽ giúp bạn không hít vào bụi phóng xạ, nhưng bạn chẳng thể làm gì để tự bảo vệ bản thân trước việc phóng xạ gamma xâm nhập vào cơ thể. Những mối nguy vô hình có thể lượn lờ ở mọi ngóch ngách.

Chuyên gia đo xạ lượng phát hiện mức độ phóng xạ tăng cao, hơn 1000 uSv/h, và tiếp tục tăng - con số này gấp khoảng…5.000 lần so với bên ngoài.

Xạ lượng kế liên tục báo hiệu

1000 uSv/h và tiếp tục tăng cao

Đã đến lúc quay trở lại; mức độ phóng xạ đã quá cao. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng đã có một chuyến đi khá thú vị cùng phóng viên Arkadiusz và thu được kha khá những bức ảnh chưa từng được công bố trước đây.

Kiểm tra mức độ phóng xạ trước và sau khi thăm nhà máy điện để xác định mức nuclide phóng xạ trong cơ thể

Có lẽ chúng ta sẽ kết thúc bài viết bằng một thông tin khá thú vị: sau khi về nhà, Arkadiusz bắt đầu xử lý hậu kỳ ảnh chụp được. Hoá ra, bên cạnh những thứ bên trong "cỗ quan tài đá", anh còn chụp được một thứ khác. Một thứ không kém phần thú vị, nhưng nguy hiểm gấp nhiều lần. Trong không ít bức ảnh, anh để ý thấy những điểm nhỏ, sáng màu. Ban đầu, Arkadiusz cho rằng đó là do ISO cao, cảm biến bị bẩn, hay sơ suất trong quá trình hậu kỳ. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ ảnh, anh nhận ra rằng cảm biến máy ảnh của mình đã bị dính phóng xạ vô hình! Chuyện không đùa được đâu!

Minh.T.T (theo Petapixel)

Chủ đề khác