VnReview
Hà Nội

Tìm hiểu phần cứng smartphone: màn hình (phần 4)

Với quá nhiều smartphone từ các nhà sản xuất như Samsung, Nokia, HTC, Apple, LG, Motorola…, người tiêu dùng hiện nay thực sự rất khó để hiểu được những phần cứng bên trong smartphone. Có ít nhất 10 loại bộ vi xử lý khác nhau được dùng trong các smartphone, nhiều loại bộ vi xử lý đồ họa, nhiều loại màn hình và không ít các loại cảm biến, pin và camera.

Để giúp bạn đọc tìm hiểu về phần cứng smartphone, VnReview sẽ chuyển ngữ loạt bài hướng dẫn về những thành phần quan trọng bên trong smartphone của trang công nghệ Neowin.com. Loạt bài này được chia làm nhiều phần, mỗi phần tập trung giới thiệu thông tin cần thiết về một loại phần cứng. Nội dung mỗi phần hơi dài, có chỗ hơi kỹ thuật nhưng hữu ích với việc lựa chọn smartphone.

Sau ba phần đầu tiên giới thiệu về bộ vi xử lý, bộ vi xử lý đồ họa, RAM và bộ nhớ lưu trữ, hôm nay chúng tôi sẽ đề cập chi tiết rất quan trọng trên smartphone là màn hình. Các phần tiếp theo sẽ đề cập lần lượt về các kết nối, các cảm biến, pin và cuối cùng là camera.

Phần 1: Bộ vi xử lý

Phần 2: Bộ xử lý đồ họa

Phần 3: RAM và lưu trữ

Loại màn hình thứ nhất: LCD

Khi nói về màn hình smartphone, có hai loại chính được sử dụng: đầu tiên là LCD. LCD là viết tắt của cụm từ Liquid Crytal Display, nghĩa là màn hình tinh thể lỏng. Bài viết này sẽ không đi vào giải thích thiết kế phức tạp của các bảng mạch của tấm màn hình LCD và cách hoạt động của chúng mà chỉ tập trung vào các thành phần khác nhau của màn hình LCD và giải thích về hoạt động của loại màn hình này.

Có bốn lớp chính trong một tấm màn hình LCD (LCD panel): lớp bảo vệ bên ngoài, lớp (hoặc nhiều lớp) phân cực, lớp tinh thể lỏng và đèn nền. Lớp bảo vệ bên ngoài có nhiệm vụ bảo vệ các linh kiện khác khỏi bị hư hỏng và thường được làm từ nhựa hoặc kính. Lớp phân cực giúp lớp tinh thể lỏng truyền ánh sáng chính xác tới mắt người xem.

Sơ đồ đơn giản của một tấm nền LCD TFT | Ảnh: TEAC

Phần quan trọng nhất chính là lớp tinh thể lỏng, nơi điều khiển màu sắc xuyên qua và hình ảnh hiển thị. Khi dòng điện đi qua lớp tinh thể, các tế bào tinh thể lỏng được ghép với bộ lọc đỏ, xanh da trời hoặc xanh lá, tương ứng với điểm ảnh con của màn hình và được "xoắn" để ánh sáng đi qua với những cường độ khác nhau. Các tinh thể sẽ lọc ánh sáng từ đèn nền thành những màu sắc khác nhau và kết hợp nhiều tinh thể cạnh nhau sẽ cho ra dải hàng triệu màu.

Lớp đèn nền gần như luôn là đèn nền LED (light-emitting diode) và tuy có nhiều loại đèn nền LED song loại đèn nền LED màu trắng được sử dụng phổ biến nhất. Lớp đèn nền rất mỏng và các đèn nền LED màu trắng được đặt ngay phía sau lớp tinh thể lỏng để cung cấp ánh sáng cho các tinh thể lọc thành màu. Loại đèn nền LED RGB (gồm các màu đỏ, xanh da trời và xanh lá) cũng tồn tại và có khả năng tái tạo màu sắc tốt hơn loại đèn trắng nhưng đắt hơn và thường ít được sử dụng trong smartphone.

Các màn hình LCD được sử dụng trên smartphone đều thuộc loại "ma trận động" (active matrix), từ mô tả cách các điểm ảnh được sắp xếp và chúng đều sử dụng công nghệ TFT (thin-film transistor). TFT cho phép tái tạo màu sắc thực hơn và độ tương phản cũng như tốc độ hiển thị nhanh hơn. Công nghệ TFT cũng có 2 loại khác nhau:

Twisted Nematic (TN) LCD

Các nhà sản xuất hiếm khi dùng cụm từ Twisted Nematic mà thường chỉ gọi màn hình của họ là "TFT LCD". Twisted Nematic là một phương thức các tế bào tinh thể được "xoắn" trong màn hình để tái tạo lại màu sắc và thường được dùng cho các smartphone giá rẻ do dễ sản xuất.

Chiếc Sony Xperia S sử dụng màn hình TN TFT LCD, tuy nhiên là loại chất lượng cao

Nếu so với loại màn hình LCD còn lại là In-Plane Switching (IPS), màn hình TN có góc nhìn hẹp hơn, màu sắc và độ tương phản cũng kém hơn do đó không được sử dụng cho các smartphone đắt tiền. Tuy nhiên, những màn hình LCD của máy tính hay TV thì nhiều khả năng sử dụng tấm màn hình loại TN. Hình ảnh hiển thị của tấm màn hình TN không hề xấu nhưng nó vẫn xếp sau những công nghệ khác.

Loại màn hình TN chất lượng cao nhất là Super LCD hay S-LCD do Sony và Samsung sản xuất có độ tương phản và màu sắc trung thực hơn hẳn so với tấm nền TN bình thường. Những màn hình loại này từng được dùng trên HTC Desire khi sản lượng màn AMOLED thấp không đủ đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, thế hệ Super LCD 2 đã xuất hiện.

In-Plane Switching (IPS) LCD

Các màn hình IPS LCD sử dụng phương pháp xoắn các tế bào tinh thể có tổ chức hơn và cung cấp hình ảnh chất lượng hơn nên thường được dùng trong các smartphone cao cấp. Các ưu thế chính của màn hình IPS LCD so với màn hình TN là góc nhìn tốt hơn và màu sắc trung thực hơn do cách tấm nền này hoạt động giúp làm giảm hiện tượng chuyển màu khi thay đổi góc nhìn. Các tấm nền IPS có tỉ lệ tương phản cao hơn so với màn hình TN và trong một số trường hợp có thể so sánh với công nghệ AMOLED.

Điện thoại HTC One X sử dụng màn hình Super LCD 2 IPS với chất lượng cao

Hầu hết màn hình IPS trên smartphone là Super IPS (S-IPS) hoặc Advanced Super IPS (AS-IPS). Đôi khi các nhà sản xuất gọi các màn hình của họ là IPS LCD hoặc TFT IPS LCD nhưng nhiều trường hợp sử dụng tên riêng như:

Retina;- từ được dùng cho các tấm màn hình IPS do LG sản xuất cho Apple có mật độ điểm ảnh cao được sử dụng trong iPhone 4 và iPad thế hệ 3.

NOVA – từ để tiếp thị của LG sử dụng cho những màn hình IPS LCD của hãng này có khả năng cho độ sáng tới 700 nits, cao hơn phần lớn các màn hình khác.

Super LCD 2 – thế hệ tấm màn hình S-LCD thứ hai do Sonysản xuất sử dụng công nghệ IPS thay vì TN. Super LCD 2 cho màu sắc rất trung thực, độ tương phản cao, độ sáng và góc nhìn rất tốt do làm giảm kích thước và khoảng cách giữa các lớp thành phần và được một số tổ chức đánh giá là màn hình smartphone tốt nhất hiện nay.

Các ưu và nhược điểm của màn hình LCD

LCD là một trong hai loại màn hình lớn nên nếu biết được những điểm tốt và hạn chế về loại màn hình này sẽ rất hữu ích trong việc lựa chọn smartphone.

Ưu điểm:

·        Giá thành rẻ

·        Màn hình IPS LCD có khả năng tái tạo màu sắc chính xác.

·        Ít bị hiện tượng biến đổi màu

·        Có thể đạt độ sáng cao giúp dễ nhìn khi xem ngoài trời

Nhược điểm:

·        Do cần có đèn nền nên màn LCD khó đạt được tỉ lệ tương phản cao và màu đen tuyệt đối

·        Màn hình TN LCD có góc nhìn kém

·        Trong một số trường hợp, màn hình LCD tiêu tốn nhiều điện năng và kích cỡ dày

Loại màn hình thứ 2: AMOLED

Nếu cơ chế hoạt động của LCD khá phức tạp với nhiều lớp kết hợp với nhau, cơ chế hoạt động của AMOLED đơn giản hơn nhiều. AMOLED, viết tắt của cụm từ Active-Matrix Organic Light-Emitting Diode, là màn hình phát các màu trực tiếp từ các đèn đi-ốt hữu cơ (organic diode) không cần tới lớp phân cực, tinh thể hay đèn nền. Nhờ cơ chế này, AMOLED có một số ưu điểm so với công nghệ LCD.

Cách thức hoạt động của màn hình AMOLED rất đơn giản: lớp bóng bán dẫn (transistor) ở dưới điều khiển dòng điện đi qua lớp đi-ốt hữu cơ ở trên, khi có dòng điện thì các đi-ốt ở lớp này sẽ phát sáng. Cường độ sáng có thể điều chỉnh bằng dòng điện trên các bóng bán dẫn, từ đó có thể tạo ra hàng triệu màu sắc giống như màn hình LCD.

Sơ đồ tấm hiển thị AMOLED | Ảnh: Wikimedia Commons

Do các đi-ốt tự chúng phát sáng nên không cần thêm đèn nền để lọc màu. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn giúp màn hình mỏng hơn, một đặc điểm quan trọng khi mà các smartphone đang đua nhau trở thành sản phẩm mỏng nhất. Khi hiển thị màu đen, các đèn đi-ốt chỉ cần ngừng phát sáng không hiển thị nguồn sáng nào.

Tất nhiên, màn hình AMOLED cũng có những nhược điểm. Khi các điểm ảnh con (subpixel) màu xanh nhạt, xanh lá cây và màu đỏ được dùng để tạo ra đầy đủ các dải màu, nó đòi hỏi cần sử dụng các hợp chất hữu cơ khác nhau. Đặc tính của những hợp chất này rất khác nhau do đó rất khó để kiểm soát cường độ sáng phát ra từ các đi-ốt cho đều nhau ở bước sóng chính xác.

Điều này dẫn tới một số vấn đề. Giả sử đi-ốt phát ra 1 trong 3 màu sáng hơn các diode khác, màn hình sẽ bị biến màu đôi chút. Thường thì các đi-ốt phát ánh sáng xanh dương là nguyên nhân khiến cho các trang web có nền trắng bị ngả sang màu xanh. Thêm nữa, dù cho màn hình AMOLED thường cho màu sắc rất rực rỡ, song độ chính xác của màu sắc lại không được bằng màn IPS LCD.

Màn hình HD Super AMOLED trên Samsung Galaxy Note cho màu sắc rất rực rỡ

Vấn đề cuối cùng là thời gian sử dụng của mỗi loại đèn đi-ốt khác nhau: do mỗi màu là một hợp chất hữu cơ khác nhau nên chúng sẽ chỉ "sống" (phát ánh sáng) trong một thời gian và lượng thời gian cụ thể còn tùy thuộc vào màu. Ở thế hệ AMOLED đời đầu, các đèn đi-ốt phát sáng màu xanh dương "chết" nhanh gấp đôi đi-ốt màu xanh lá, tuy nhiên nhờ sự phát triển của công nghệ mà những thế hệ AMOLED gần đây không còn gặp vấn đề tương tự. Dù sao thì độ chính xác của màu sắc vẫn là vấn đề cần được cải thiện.

Cũng giống như màn hình LCD, có một số thương hiệu về màn hình AMOLED:

·        Super AMOLED – thế hệ màn hình đầu tiên do Samsung sản xuất tích hợp cảm ứng vào màn hình và có khả năng hiển thị tốt trong ánh nắng

·        Super AMOLED Plus – thế hệ màn hình AMOLED mới của Samsung thay thế màn hiển thị ma trận PenTile bằng ma trận RGB, giúp hiển thị màu chuẩn xác hơn.

·        HD Super AMOLED – một loại màn hình khác do Samsung sản xuất sử dụng ma trận PenTile. Chữ "HD" cho biết độ phân giải những màn hình này đều đạt đến chuẩn HD với mật độ điểm ảnh cao.

·        ClearBlack AMOLED – được Nokia sử dụng. Đây là loại màn hình AMOLED dùng công nghệ "ClearBlack", lớp phân cực chống chói giúp hiển thị tốt ngoài nắng.

Những ưu và nhược điểm của màn hình AMOLED

Ưu điểm:

·        Rất mỏng và linh hoạt

·        Màu sắc rực rỡ và độ tương phản cao

·        Góc nhìn rộng

·        Tiêu thụ điện ít hơn

Nhược điểm:

·        Màu sắc không trung thực, đôi khi bị biến màu

·        Tuổi thọ màn hình thấp hơn màn LCD

·        Các nhà sản xuất sử dụng màn hình loại ma trận PenTile, rẻ hơn nhưng chất lượng kém hơn

Các loại ma trận điểm ảnh

Từ khi màn hình với kiểu điểm ảnh con "PenTile" xuất hiện đã có rất nhiều tranh luận về việc màn hình ma trận "PenTile" có chất lượng thấp hơn màn hình ma trận "RGB Stripe". Quả thực màn hình ma trận PenTile có chất lượng hiển thị kém hơn và phần sau đây sẽ giải thích lý do.

Để tạo ra hình ảnh, màn hình phải sử dụng kết hợp các điểm ảnh; lý tưởng nhất là mỗi điểm ảnh tạo ra một màu. Nhưng đến nay như chúng ta biết, không có chất nào cho phép tạo ra các màu đơn lẻ, do vậy chúng ta phải sử dụng mẹo và sử dụng kết hợp các điểm ảnh con (subpixel) có màu cố định ở các cường độ khác nhau để tạo ra các loại màu sắc.

Hầu như mọi máy tính đều sử dụng những điểm ảnh con với 3 màu đỏ, xanh lá, xanh dương, tạo nên mô hình màu RGB cung cấp số lượng lớn các màu sắc kết hợp. Mỗi điểm ảnh con có 256 mức cường độ màu khác nhau. Như vậy, ba điểm ảnh màu với 256 cường độ màu khác nhau theo cấp số nhân có thể tạo ra 16.777.216 triệu màu với mỗi điểm ảnh.

Một màn hình hiển thị RGB. Mỗi điểm ảnh con có màu đỏ, xanh lá hoặc xanh dương. Phần màu đen là những transistor. | Ảnh: Wikimedia Commons

Để tạo nên hơn 16 triệu màu sắc, bạn cần một số ba điểm ảnh con RGB, trong đó phương pháp được dùng phổ biến là sắp xếp cả 3 điểm ảnh con thành một hình vuông và hình vuông này chính là một điểm ảnh. Đây được gọi là phương pháp "RGB Stripe" và nó được sử dụng rất rộng rãi trên các màn hình LCD do đem lại màu sắc chính xác và độ rõ cao nhất.

Màn hình AMOLED ngoài các vấn đề đã đề cập ở trên, nó còn có một vấn đề khác: hiện tại rất khó để sản xuất một màn hình AMOLED với mật độ điểm ảnh cao và có giá hợp lý vì công nghệ sản xuất những điểm ảnh con siêu nhỏ vẫn chưa xuất hiện với màn hình AMOLED, trong khi với màn hình LCD điều này có thể thực hiện dễ dàng.

Do đó, Samsung đã đưa ra thiết kế ma trận điểm ảnh con PenTile. Thay vì mỗi điểm ảnh tích hợp cả 3 điểm ảnh con RGB, ma trận PenTile RGBG đặt một điểm ảnh con màu xanh lá liên tục cạnh những điểm ảnh con màu xanh dương và đỏ. Điều này đồng nghĩa mỗi điểm ảnh của ma trận PenTile RGBG chỉ có hai điểm ảnh con, so với 3 điểm ảnh con ở thiết kế RGB Stripe.

Do cấu tạo quang học của mắt người và khả năng nhận biết những bước sóng ánh sáng khác nhau, màn hình ma trận PenTile vẫn có thể đem lại số màu sắc tương đương màn hình RGB Stripe. Do mỗi điểm ảnh có ít điểm ảnh con hơn, màn hình có thể có mật độ điểm ảnh cao hơn so với màn hình RGB Stripe và đôi khi  sử dụng ít năng lượng hơn. Thêm nữa, do có ít điểm ảnh màu xanh dương hơn, màn hình này có thời gian sống dài hơn so với màn hình AMOLED truyền thống.

Một ma trận điểm ảnh con PenTile: mỗi điểm ảnh màu xanh lá được đặt cạnh điểm ảnh xanh dương hoặc đỏ. | Ảnh: Matthew Rollings

Tuy nhiên, do số điểm ảnh con trên mỗi điểm ảnh chỉ là 2, nên độ phân giải theo điểm ảnh con của màn hình PenTile là thấp hơn: ví dụ với màn hình độ phân giải 1280x720, nếu sử dụng công nghệ RGB Stripe thì sẽ có tổng cộng 2,76 triệu điểm ảnh con; trong khi màn hình PenTile chỉ có 1,84 triệu điểm ảnh con, ít hơn 0,92 triệu. Sự khác biệt này không đáng kể với hầu hết các trường hợp nhưng cũng có một số tình huống sự khác biệt là rõ ràng.

Đối với các góc cạnh, ví dụ như chữ hoặc rìa của các giao diện, ma trận PenTile đôi khi phải "mượn" những điểm ảnh con từ các điểm ảnh lân cận để có thể tạo ra màu sắc chính xác. Điều này dễ nhận ra khi nhìn vào cạnh trái của một biểu tượng màu trắng hoặc một chữ, ta có thể thấy một đường viền màu đỏ chạy dọc cạnh trái.

Thực ra bạn sẽ phải nhìn rất gần mới có thể nhận ra sự thiếu hoàn hảo của màn hình, tuy nhiên khi so sánh giữa màn hình PenTile và màn hình RGB Stripe, các kí tự trên màn RGB hiển thị rõ ràng hơn. Điều đáng mừng là các màn hình PenTile hiện nay hầu hết đều được sử dụng trên các thiết bị có mật độ điểm ảnh từ 250 ppi trở lên và khi màn hình đạt đến mức 300 ppi thì sẽ rất khó để nhận ra sự khác biệt.

Trên các thiết bị như Samsung Galaxy Note hay Galaxy Nexus với màn hình PenTile HD Super AMOLED, mật độ điểm ảnh cao giúp màn hình PenTile không phải là vấn đề. Tuy nhiên một màn hình AMOLED RGB với mật độ điểm ảnh cao vẫn tốt hơn và chính Samsung cũng thừa nhận là màn hình Super AMOLED Plus (sử dụng RGB) của họ hiển thị tốt hơn. Trong tương lai, chúng ta có thể chờ đợi những công nghệ hiển thị tốt hơn là PenTile.

Tầm quan trọng của mật độ điểm ảnh

Cuộc đua mật độ điểm ảnh có lẽ chỉ thực sự bắt đầu khi Apple đưa ra màn hình "Retina": kích thước 3.5 inch và độ phân giải 640 x 960. Với độ phân giải và kích thước này, màn hình có mật độ điểm ảnh tính theo ppi (điểm ảnh trên inch) là 326, nổi trội so với những màn hình vào thời điểm đó và vượt cả con số "kì diệu" 300 ppi. Vậy ppi là gì và vì sao con số 300 ppi lại quan trọng như thế?

Số điểm ảnh trên inch là con số cho biết có bao nhiêu điểm ảnh trên chiều dài 1 inch. Do điểm ảnh là hình vuông nên bạn có thể tính theo chiều ngang hay dọc đều được và bạn cũng có thể tìm thêm công thức và nhiều thông tin khác ở trang Wikipedia này.

Để đánh giá một màn hình tốt, ít nhất mắt bạn phải không thể nhận ra được từng điểm ảnh riêng biệt khi nhìn màn hình từ một khoảng cánh nhất định, nhờ đó ta sẽ thấycác hình ảnh và chữ rất sắc nét. Cũng như chuẩn khi in ấn 300 dpi, 300 ppi là một mức lý tưởng vì khi nhìn với khoảng cách 30 cm, người bình thường sẽ không thể nhận ra được từng điểm ảnh ở mức này.

Màn hình kích thước 4.3 inch và độ phân giải 720p cho mật độ điểm ảnh tới 342 ppi. Kể cả khi phóng to lên cũng khó mà nhận ra được từng điểm ảnh

Với những độ phân giải tiêu chuẩn như 1280 x 720 (720p HD), 960 x 540 (qHD) và 800 x 480 (WVGA), chiều dài của đường chéo màn hình phải ở một mức nhất định để đảm bảo mật độ điểm ảnh đạt từ 300 ppi trở lên. Với màn hình 720p, màn hình có thể có kích thước tới 4.9 inch mà vẫn có mật độ điểm ảnh 300 ppi, với màn hình qHD kích thước tối đa là 3.65 inch, còn màn hình WVGA là 3.1 inch.

Đối với máy tính bảng, do phần lớn thời gian người dùng để nó ở xa mắt hơn so với smartphone, các nhà sản xuất chỉ cần hướng tới mức 250 ppi. Điều đó có nghĩa là một màn hình 10.1 inch phải vượt qua độ phân giải 1920 x 1200 (WUXGA), với mật độ là 224 ppi. Ở độ phân giải 2560 x 1600 (WQXGA), mật độ điểm ảnh trên màn hình 10.1 inch đạt mức 299 ppi và vẫn ở trên mức 250 ppi với kích thước 12 inch. Đối với màn hình 8.9 inch trở xuống thì độ phân giải WUXGA là đủ.

Khi công nghệ màn hình ngày càng tiên tiến, đặc biệt là với màn hình AMOLED, mật độ điểm ảnh sẽ ngày càng cao hơn. Hầu hết những điện thoại cao cấp sắp ra mắt đều có màn hình với mật độ điểm ảnh lớn, thậm chí một số dòng trung cấp cũng thế và đây sẽ là bổ sung đáng giá cho các máy tính bảng mới.

Lớp cảm ứng

Phần cuối cùng của một màn hình là lớp cảm ứn, hoặc còn được gọi là lớp cảm ứng số hóa. Hầu hết những smartphone ngày nay (trừ những loại quá rẻ tiền) đều sử dụng màn hình cảm ứng điện dung chứ không phải loại cảm ứng điện trở như các thế hệ trước đây nữa.

Lớp cảm ứng điện dung hầu hết đều sử dụng công nghệ PCT (projected capacitive touch), tạo ra một "lưới" trên mạng hình. Lưới này phóng ra một trường tĩnh điện khi có hiệu điện thế và khi tay người với tính chất dẫn điện chạm vào lưới này, trường tĩnh điện bị biến đổi. Một bộ điều khiển sẽ xác định vị trí của ngón tay dựa trên các cảm ứng.

Do chỉ có những vật liệu dẫn điện mới có thể làm biến đổi trường tĩnh điện, một số vật liệu như vải hoặc nhựa không thể dùng để tác động vào màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, dựa trên cường độ trường và bộ cảm ứng, cũng như tính chất đa chiều của trường tĩnh điện, đôi khi có thể sử dụng màn hình cảm ứng mà không cần phải chạm vào lớp kính hoặc qua những vật liệu vải.

Sơ đồ cơ chế hoạt động của màn hình cảm ứng điện dung | Ảnh: Telecom Circle

Vật liệu chính tạo nên trường tĩnh điện (thường là indium tin oxide) trong suốt, do đó đối với hầu hết màn hình cảm ứng ta không thể thấy lưới điện dung trên lớp cảm ứng. Tuy nhiên, đôi khi bạn có thể thấy những chấm nhỏ trên bề mặt hiển thị khi nhìn dưới một góc ánh sáng: đây là những tụ điện nhỏ nằm ở những điểm giao nhau của lưới mang lại khả năng cảm ứng đa điểm.

Đối với những màn hình LCD, lớp cảm ứng được đặt ngay trên lớp tinh thể lỏng nhưng nằm dưới lớp kính bảo vệ. Đối với một số màn hình AMOLED, đặc biệt là những màn hình Super AMOLED của Samsung, lớp cảm ứng này được tính hợp cùng với lớp đi-ốt phát quang, khiến cho nó gần như trong suốt và đỡ tốn không gian hơn – một trong những ưu điểm của công nghệ AMOLED.

Thường thì lớp kính bảo vệ (như Gorilla Glass), lớp cảm ứng và lớp hiển thị được gắn chung vào một tấm để giảm sự phản chiếu và tiết kiệm diện tích. Do đó, rất khó để chỉ thay một thành phần trong đó, ví dụ như lớp kính bảo vệ bị vỡ hay lớp cảm ứng bị hỏng. Thay vào đó, bạn sẽ phải thay toàn bộ 3 thành phần trên, những thứ không hề rẻ.

Trong tuần tới, chúng tôi sẽ đăng phần năm của loạt bài này giới thiệu về các kết nối và các cảm biến bên trong smartphone.

Tuấn Anh

Chủ đề khác