VnReview
Hà Nội

Chứng chỉ MIL-STD-810G là gì mà nhiều smartphone hay "khoe khoang" mình có?

MIL-STD-810G là một tiêu chuẩn không thể thiếu mỗi khi chúng ta nhắc đến các dòng laptop doanh nhân trên thị trường, với độ bền và khả năng chống va đập, chống thấm nước cực cao. Giờ đây, một số nhà sản xuất đã bắt đầu đưa tiêu chuẩn này lên các mẫu smartphone của mình. Vậy chuẩn MIL-STD-810G là gì, nó thật sự có cần thiết trên các thiết bị di động?

Chứng chỉ MIL-STD-810G

Được ban hành lần đầu vào tháng 10/2008, MIL-STD-810G là một biến thể của chứng chỉ MIL-STD-810 từ những năm 1960 của quân đội Mỹ, được sử dụng như một thước đo đánh giá độ bền cho các loại công cụ hoạt động trên chiến trường. Các thiết bị cộng nghệ muốn đạt chuẩn 810G phải trải qua một loạt 29 thử nghiệm khắc nghiệt, bao gồm kiểm tra độ chống sốc, chống rung…. trước khi được lưu hành trên thị trường.

Các thiết bị công nghệ muốn được quân đội Mỹ để mắt đến thì trước tiên phải đạt chuẩn MIL-STD-810G. Vì vậy, để giành được hợp đồng, các nhà sản xuất sẽ phải chứng minh được sản phẩm của mình đủ tiêu chuẩn qua 29 bài đánh giá trên.

Tuy nhiên giờ đây, ngày càng có nhiều nhà sản xuất thiết bị tiêu dùng đang sử dụng chứng chỉ này như một phương pháp để quảng cáo sản phẩm của họ. Và cái tên mới đây nhất có thể kể đến là Doogee S90, một mẫu điện thoại đang được gây quỹ trên Kickstarter, hướng đến tầng lớp lao động chân tay và những người hay dành nhiều thời gian để đi bộ hay leo núi ngoài trời.

Nếu nhà sản xuất 'khoe khoang' rằng thiết bị của mình đạt chuẩn MIL-STD-810G, về lý thuyết, nó phải thật sự bền, có khả năng 'sống sót' cao khi bị thả rơi hay hoạt động trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.

Hiện tại, LG đang là ông lớn dẫn đầu đầu trong lĩnh vực sản xuất điện thoại đạt chuẩn quân đội 810G, gồm các thiết bị:

  • LG G8 ThinQ
  • LG G7 ThinQ
  • LG V50 ThinQ
  • LG V40 ThinQ
  • LG V30 và V35 ThinQ

Hạn chế của MIL-STD-810G

Khi một số tester thực hiện bài kiểm tra thả Doogee S90 – điện thoại chuẩn MIL-STD-810G đã nói ở trên – từ độ cao vừa phải xuống một vũng nước, thì đáng lẽ máy vẫn phải hoạt động bình thường bởi có khả năng kháng nước chuẩn IP69K. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi một số nút bấm vật lý trên thiết bị sau đó đã không còn thao tác được nữa – hay nói một cách khác, S90 đã thất bại hoàn toàn với bài kiểm tra tưởng chừng như khá đơn giản này.

Vậy vấn đề do đâu?, MIL-STD-810G không tốt như chúng ta vẫn tưởng, hay khâu kiểm soát chất lượng có lỗi?, hoặc đó thuộc về vấn đề 'may rủi'?. Không, tất cả đến từ cụm từ 'quy định'.

Để một thiết bị smartphone đạt chứng nhận MIL-STD-810G, các nhà sản xuất phải đáp ứng rất nhiều các nguyên tắc nghiêm ngặt được nêu trong bộ tài liệu quy chuẩn thông qua các bài thử nghiệm. Tuy nhiên các tài liệu này không nói rõ việc 'thử nghiệm' phải được thực hiện ở đâu, có thể một số nhà sản xuất sẽ gửi thiết bị đến các phòng thí nghiệm bên ngoài có đủ khả năng thực hiện 29 bài kiểm tra theo chuẩn quân đội. Hoặc, họ có thể tự đứng ra kiểm tra "tại nhà" mà không trái với quy định.

Tất nhiên, các nhà sản xuất cũng không có nghĩa vụ cung cấp các bằng chứng liên quan chứng minh rằng các thử nghiệm đã được thực hiện cho khách hàng. Do đó, họ có thể tùy ý tuyên bố rằng thiết bị của mình tuân thủ tiêu chuẩn này mà không ai có đủ thẩm quyền để xác minh, công nhận.

Cân nhắc lựa chọn điện thoại đạt chuẩn MIL-STD-810G

Với hiện trạng như vậy, làm thế nào để người mua hàng có thể chọn được cho mình một thiết bị 'thật sự' đạt chuẩn MIL-STD-810G?

Cách tốt nhất mà chúng ta có thể kiểm tra là thông qua quan sát bằng mắt thường, kết hợp với cảm nhận từ những người đã từng dùng qua sản phẩm.

Ví dụ như LG G8 ThinQ, là một chiếc điện thoại tuyệt vời với chứng nhận đạt chuẩn MIL-STD-810G, tuy nhiên nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài của G8, chúng ta khó mà tin rằng chiếc smartphone này có thể chống chịu va đập, khi được thiết kế hầu như hoàn toàn bằng kính – khác với ký ức của chúng ta về một thiết bị chắc chắn với các góc được bọc cao su, cấu tạo khối kim loại hay hợp chất bền và màn hình có nhiều lớp bảo vệ.

Ngược lại, với Doogee S90, vẻ bề ngoài của nó đã khiến chúng ta tin rằng chiếc máy là một "cục gạch" thật sự. Tuy nhiên các cuộc thử nghiệm thực tế đã chứng minh thiết bị có chăng chỉ là sự cường điệu của nhà sản xuất. Vậy nên, với những sản phẩm "mẫu mã" như S90, chúng ta cần phải kiên nhẫn trông chờ vào trải nghiệm bởi những người đi trước, sau đó quyết định có mua thiết bị hay không vẫn chưa muộn.

Có thể khẳng định một điều rằng, MIL-STD-819G chắc chắn là một chứng chỉ thật sự tuyệt vời, đóng vai trò là một thước đo về độ bền cho smartphone – vốn là những thiết bị hay bị hư hỏng và khó sửa chữa – ở hiện tại và tương lai. Mặc dù đây là điều đáng khích lệ, tuy nhiên cần phải kiểm chứng trong thực tế để xem độ bền của sản phẩm thật sự có đúng như quảng cáo hay không.

Quang Minh

Chủ đề khác