VnReview
Hà Nội

Là fan của dark mode? Có lẽ bạn cần phải xem xét lại sau bài viết này

Chế độ tối (dark mode) đang là một trong những tính năng khá phổ biến hiện nay. Từ các ứng dụng đến hệ điều hành, từ Apple đến Google, từ smartphone laptop, rất, rất nhiều sản phẩm chúng ta sử dụng ngày nay được tích hợp đa dạng các thể loại dark mode khác nhau.

Tuy nhiên, bạn có biết dark mode không thực sự là một phát minh thời hiện đại? Và bạn có khi nào nhận ra những nhược điểm thực sự tồn tại khi chuyển sang chế độ tối hay không?

Sơ lược: lịch sử dark mode

Những thế hệ máy tính gia đình đầu tiên trong thế kỷ trước đã sử dụng màn hình đơn sắc CRT, hiển thị chữ và ký tự màu xanh lá cây trên nền đen. Tương tự, những thiết bị chuyên dùng để xử lý văn bản (đó là các loại máy dành riêng để thực hiện các công việc giống như những gì bạn đang làm với Word) cũng có giao diện chữ màu trắng trên nền đen.

Và mọi thứ bất ngờ thay đổi kể từ những năm 80, khi các công ty công nghệ lĩnh vực tài liệu như Xerox và CPT Corporation đã tạo ra các máy xử lý văn bản với giao diện chữ đen nền trắng. Mục đích của việc tái thiết kế giao diện này là để mô phỏng lại màu mực trên giấy viết tay truyền thống.

Trải qua vài thập kỷ và giờ đây, dark mode đã quay trở lại. Các công ty dẫn đầu như Apple, Google quảng cáo rầm rộ các loại dark mode trên sản phẩm của họ, và cả thế giới công nghệ đang bước theo sau.

Tại sao phải là chế độ tối

Ưu điểm phổ biến và mang tính khoa học (đã kiểm chứng) nhất của chế độ tối là nó giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng tiêu thụ trên các thiết bị sử dụng tấm nền OLED hoặc AMOLED. Đối với OLED, mỗi pixel hoạt động một cách độc lập. Khi nền màu trắng, tất cả các pixel được bật và màn hình cần nhiều năng lượng hơn. Khi các pixel có màu đen hoặc thậm chí là màu xám đậm – như trong trường hợp dark mode – thì các yêu cầu về năng lượng hiển thị sẽ được tự động giảm xuống.

Tuy nhiên, tính chất tiết kiệm năng lượng của dark mode chỉ giới hạn ở hai loại màn hình trên, vì vậy các thiết bị điện tử sử dụng tấm nền LCD sẽ hầu như sẽ không nhận được lợi ích gì từ chế độ tối này.

Một tiện ích khác của dark mode cũng được nhắc đến khá nhiều, đó là góp phần loại trừ đi ánh sáng xanh có hại. Ánh sáng xanh là phổ ánh sáng nhìn thấy có năng lượng cao với bước sóng ngắn nhất. Nguồn ánh sáng xanh tự nhiên lớn nhất đối với con người là từ Mặt Trời, tuy nhiên điện thoại của chúng ta cũng phát ra một lượng ánh sáng xanh nhân tạo.

Theo một bài báo sức khỏe Harvard, việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh có thể ngăn chặn quá trình tiết melatonin – loại hóc-môn quan trọng để có được giấc ngủ ngon vào ban đêm – của cơ thể. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải quá quan tâm đến vấn đề này.

Các công ty thường xuyên đưa ra những tuyên bố sâu rộng về lợi ích của dark mode trong vấn đề cải thiện tầm nhìn, giảm mỏi mắt và giúp sử dụng thiết bị trong điều kiện ánh sáng yếu dễ dàng hơn. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng như vậy.

Tại sao không nên sử dụng dark mode

Phần lớn người dùng hiện nay cho biết họ cảm thấy thoải mái khi sử dụng dark mode trong điều kiện thiếu sáng. Nhưng lời khuyên chân thành ở đây là: đừng quá lạm dụng nó.

Đôi mắt con người được tiến hóa để nhìn rõ ràng mọi thứ vào ban ngày hơn là ban đêm, để nhìn thấy bóng tối trên ánh sáng, cho dù đó là những vật thể trong không gian xung quanh chúng ta vào ban ngày hay những dòng chữ được viết trên giấy. Vì vậy, trong những cách thức sơ khởi nhất và với những lý do về vấn đề tương phản tốt hơn, thì mắt chúng ta phù hợp khi nhìn thấy bóng tối trên ánh sáng hơn là ánh sáng trên nền tối, hay những thứ đại loại như vậy.

Nguy cơ loạn thị

Theo một báo cáo từ Hiệp hội Quang học Mỹ (American Optometric Association), loạn thị là một loại bệnh lý về mắt khá phổ biến trên thế giới. Hiện nay có khoảng 30% dân số đang phải chịu các mức độ khác nhau của tình trạng này. Loạn thị gây mờ mắt do hình dạng bất thường của một hoặc hai mắt. Nó có thể gây ra tình trạng khó đọc văn bản chữ màu sáng trên nền tối. Một bài viết năm 2014 của tờ Gizmodo đã trích dẫn thông tin từ nhóm nghiên cứu tại đại học Brishtish Columbia như sau:

"Những người mắc chứng loạn thị sẽ khó đọc văn bản chữ trắng trên nền đen hơn là văn bản chữ đen trên nền trắng. Một phần của vấn đề này có liên quan đến mức độ của ánh sáng: với màn hình sáng (nền trắng), mống mắt sẽ co lại một chút, làm giảm khả năng biến dạng của thủy tinh thể; với màn hình tối (nền đen), mống mắt sẽ phải mở ra để nhận nhiều ánh sáng hơn và sự biến dạng của thủy tinh thể tạo ra nhiều điểm mờ hơn tập trung tại mắt"

Có thể một số người đang đọc bài viết này bị loạn thị, và họ thậm chí còn không nhận ra điều đó. Nếu đôi mắt của bạn cảm thấy khó chịu khi sử dụng điện thoại với dark mode đang được kích hoạt, thì khả năng cao là bạn đã bị loạn thị. Tốt nhất, hãy kiểm tra kỹ đôi mắt của mình tại bệnh viên các phòng khám mắt uy tín.

"Lắng nghe" đôi mắt của bạn

Văn bản màu đen trên nền trắng là lựa chọn phù hợp nhất cho đôi mắt của bạn, đồng thời điều này còn giúp bộ não có thể hiểu và ghi nhớ một cách tốt nhất. Bởi màu trắng phản ánh tất cả các bước sóng của quang phổ nhìn thấy được. Mống mắt không cần phải mở rộng để hấp thụ thêm ánh sáng. Vì mống mắt không mở rộng khi nhìn vào màn hình trắng, đồng tử vẫn hẹp và chúng ta phần nào có thể nhanh chóng tập trung hơn vào công việc trên màn hình.

Ở chế độ tối, mống mắt cần mở rộng để lấy được nhiều ánh sáng hơn. Vậy nên khi chúng ta nhìn vào chữ trắng trên màn hình tối, thì các ký tự giống như đang chảy vào nền đen (hiệu ứng halation) làm giảm khả năng dễ đọc.

Hãy nhớ rằng, đôi mắt của con người được tạo thành từ các cơ. Càng ép buộc đôi mắt bạn cố gắng đọc thứ gì đó, thì nó càng bị "kiệt sức". Vậy nên nếu bạn cảm thấy không thoái mái khi đọc văn bản sáng trên nền tối, đừng cố ép buộc bản thân.

Brightburn

Hãy tưởng tượng, trong lúc bạn đang ngủ ngon giấc trong một căn phòng tối và ai đó đột nhiên kéo rèm cửa ra, để cho ánh sáng mặt trời tràn ngập vào phòng, thì cảm giác lúc đó của bạn như thế nào? Khá khó chịu đúng không? Và sự khó chịu đó đến từ chính đôi mắt của bạn, bởi mống mắt vẫn chưa kịp điều chỉnh sao cho phù hợp với lượng ánh sáng vào lúc đó.

Cơ thể chúng ta nói chung hay đôi mắt nói riêng đều có cơ chế thích nghi, khi con người làm việc trong môi trường dark mode trong thời gian dài, ví dụ như vài tháng, thì đôi mắt sẽ dần tự điều chỉnh để quen với việc hoạt động nơi ít ánh sáng. Và do đó khi chúng ta quay trở lại màn hình sáng trắng, đôi mắt sẽ ngay lập tức cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, cũng do bởi cơ chế thích nghi của mắt, vậy nên nếu quay trở lại sử dụng giao diện trắng thường xuyên hơn, thì cảm giác khó chịu sẽ dần tan biến.

Đen tối và ảm đạm

Bài báo sức khỏe của Harvard cũng cho rằng, bên cạnh những tác hại, ánh sáng xanh cũng có những lợi ích nhất định đối với chúng ta. Họ cho biết bước sóng màu xanh trong ánh sáng ban ngày phần nào giúp cải thiện tâm trạng của con người. Cùng ý kiến trên, các bác sĩ tại Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (American Academy of Ophthalmology) tin rằng việc tiếp xúc lành mạnh với ánh sáng xanh có thể duy trì hiệu suất tinh thần và làm giảm các triệu chứng cận thị ở trẻ em.

Thực tế hiện nay, vẫn chưa bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh ánh sáng xanh từ các thiết bị có thể gây hại cho mắt, và cũng chưa có đủ cơ sở để khẳng định rằng chế độ tối sẽ giúp cho bạn nhìn tốt hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự khó chịu mà mọi người cảm thấy sau khi nhìn vào màn hình quá lâu là bởi nguyên nhân ít chớp mắt hơn là đến từ các vấn đề liên quan đến độ sáng.

Cuối cùng, mặc dù dark mode có thể là tính năng phù hợp khi sử dụng thiết bị vào ban đêm, tuy nhiên chúng không hoàn toàn giúp chúng ta đọc tốt hơn hay bảo vệ đôi mắt chúng ta khỏi các căng thẳng do "kỹ thuật số". Thậm chí, chúng ta cũng nên hạn chế một phần hay hoàn toàn việc sử dụng dark mode nếu bắt đầu nhận thấy các vấn đề về thị lực hay tăng độ nhạy cảm với ánh sáng.

Quang Minh

Chủ đề khác