VnReview
Hà Nội

Tại sao ổ cứng/ USB không hiển thị đủ dung lượng như quảng cáo?

Tôi có lần mua một chiếc USB 2GB và khi kết nối với máy tính, tôi hơi sốc một chút khi kiểm tra dung lượng và thấy rằng chiếc USB chỉ hiển thị 1.95 GB. Lúc đó, tôi có cảm giác bị "mất cắp" 0.5GB quý giá của mình.

Do đó, tôi đã tìm kiếm vấn đề của mình trên Internet và phát hiện ra rằng rất nhiều người dùng cũng có thắc mắc tương tự.

Theo Science ABC, thật ra, hầu hết ai cũng gặp vấn đề này. Bạn có lẽ không phải ngoại lệ. Bạn có thể kiểm chứng ngay bằng cách sử dụng bất kỳ một thiết bị lưu trữ nào đó (ví dụ: USB, ổ cứng, thẻ nhớ, v.v…) và kết nối chúng với một chiếc máy tính. Bạn sẽ để ý thấy rằng tổng dung lượng được hiển thị của thiết bị lưu trữ đó ít hơn dung lượng được quảng cáo. Ví dụ, nếu bạn kết nối một chiếc USB 16Gb với máy tính, bạn sẽ thấy dung lượng được hiển thị vào khoảng 15.6 GB – như vậy có nghĩa 0.4 GB của bạn đã đi đâu đó.

Tại sao lại như vậy? Tại sao máy tính và một số phiên bản cũ của của MacOS lại hiển thị tổng dung lượng của thiết bị lưu trữ rời khác với dung lượng của chúng được quảng cáo? Một số người có thể sẽ khẳng định đây là một chiêu trò điển hình của việc quảng cáo không đúng sự thật, hoặc giả định rằng các nhà sản xuất đã cố tình nói dối về dung lượng của các thiết bị lưu trữ. Nhưng sự thật có phải như vậy không?

Trả lời ngắn gọn: Một số chương trình, bao gồm Windows, hệ BIOS và một số phiên bản cũ của MacOS, sử dụng hệ thống nhị phân. Tại đó, 1GB bằng 1024 MB, chứ không phải 1000 MB. Điều này đã dẫn đến sự khác biệt trong dung lượng nói trên.

Trước khi tìm hiểu sâu về nguyên nhân tạo ra sự khác biệt, chúng ta cần tìm hiểu một số kiến thức cơ bản về MB, GB và TB – những đơn vị đo lường của thiết bị lưu trữ.

Kiến thức cơ bản về kB, MB và GB

Đơn vị nhỏ nhất dùng để đo lường dung lượng của thiết bị lưu trữ là BIT, có thể lưu trữ một trong hai trạng thái là Có hoặc Không. 8 BIT bằng 1 BYTE. 1 Byte có thể thể hiện 256 trạng thái của thông tin, cho ví dụ như số hoặc số kết hợp với chữ. 1 Byte chỉ có thể biểu diễn một ký tự. 10 Byte có thể tương đương với một từ. 100 Byte có thể tương đương với một câu có độ dài trung bình.

Kilobyte: 1 Kilobyte bằng 1000 Byte. 1 Kilobyte tương đương với 1 đoạn văn ngắn, 100 Kilobyte tương đương với 1 trang A4.

Megabyte: 1 Megabyte bằng 1000 Kilobyte. Khi máy tính mới ra đời, 1 Megabyte được xem là một lượng dữ liệu vô cùng lớn. Ngày nay, trên một máy tính có chứa một ổ đĩa cứng có dung lượng 500 Gigabyte là điều bình thường thì một Megabyte chẳng có ý nghĩa gì cả.

Gigabyte: 1 Gigabyte bằng 1000 Megabyte. Gigabyte là một thuật ngữ khá phổ biến được sử dụng hiện nay khi đề cập đến không gian đĩa hay ổ lưu trữ. 1 Gigabyte có thể lưu trữ được nội dung số lượng sách có độ dài khoảng gần 10 mét khi xếp trên giá. 100 Gigabyte có thể lưu trữ nội dung số lượng sách của cả một tầng thư viện.

Nhiều người sẽ nói với bạn răng 1Kb bằng 1024 bytes, chứ không phải 1000 bytes. Và đó cũng chính là vấn đề mà máy tính của bạn gặp phải và góp phần tạo ra sự chênh lệch giữa dung lượng lưu trữ thực tế so với quảng cáo.

Hệ thập phân và hệ nhị phân

Cần lưu ý rằng một tập tin chiếm bao nhiêu dung lượng của ổ lưu trữ phụ thuộc vào hệ thống tập tin đó. Hiện nay, các chương trình và hệ điều hành phổ biến, bao gồm Microsoft Windows (hệ điều hành thông dụng nhất cho máy tính), hệ thống BIOS, FDISK, và ngay cả một số hệ điều hành phiên bản cũ của MacOS cũng hoạt động theo hệ nhị phân. Dĩ nhiên là có nguyên nhân chính đáng cho vấn đề trên, tuy nhiên trong phạm vi đề cập của bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng máy tính sẽ hoạt động thuận tiện và hiệu quả hơn với hệ nhị phân. Trong hệ này, 1kB sẽ bằng 2^10 – 1024 bytes.

Tuy nhiên, nếu bạn để ý, các tiền số liệu trước các đơn vị đo lường chúng ta thường sử dụng (kigo, mega, giga, v.v…) đều là lũy thừa của 10, chứ không phải lũy thừa của 2. Ví dụ: 1kg = 10^3 = 1000g. 1km = 10^3 = 1000m, v.v…. Và các tiền số liệu đo lường dung lượng bộ nhớ cũng không ngoại lệ.

Các tiền tố này thường được chúng ta sử dụng trong hệ thập phân, nhưng trong hệ nhị phân – hệ mà hầu hết các hệ điều hành và rất nhiều chương trình khác sử dụng – các thuật ngữ kilo, mega, giga, v.v… thật ra không tồn tại. Và bởi vì các máy tính làm việc với hệ nhị phân, chúng sử dụng một số thuật ngữ có sự khác biệt nhỏ để thể hiện cho các con số lớn. Ví dụ, 1024 bytes sẽ bằng 1 kibibyte, viết tắt là KiB. Cũng như vậy, 1024 kibibytes bằng 1 Mebibyte (MiB). Bảng dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Có rất nhiều sự nhầm lẫn trong vấn đề xác định dung lượng thật sự của thiết bị lưu trữ bắt nguồn từ các từ viết tắt. Chúng ta thường nhầm lẫn cách viết tắt của hai hệ thập phân và hệ nhị phân này. Ví dụ, đơn vị "KiB" thường được viết là KB và do đó rất dễ nhầm lẫn với "Kilobytes" (Thật ra nó là "Kibibytes"). Tương tự, MiB và MB cũng hay bị nhầm lẫn (mebibytes and megabytes). TiB và TB cũng vậy (tebibytes and terabytes).

Các nhà sản xuất đã quảng cáo sản phẩm của mình không đúng sự thật?

Câu trả lời là HOÀN TOÀN KHÔNG!

Đó là vì các nhà sản xuất (chứ không phải các chương trình và hệ điều hành như BIOS, Windows…) đã sử dụng các tiền tố mega và giga một cách chính xác. Có nghĩa là họ sử dụng hệ lũy thừa của 10 để thể hiện dung lượng lưu trữ khi xác định dung lượng các thiết bị lưu trữ mà họ tạo ra. Các bạn có thể nhìn bức ảnh chụp mặt sau của chiếc USB Flash Drive tôi mới mua gần đây:

Có thể để ý thấy có một dòng chữ rõ ràng trên đó viết: 1 GB = 1,000,000,000 bytes. Cách tốt nhất để kiểm tra dung lượng thật sự của thiết bị lưu trữ là kiểm tra số bytes của nó chứ không phải dựa trên số MB hay GB. Bởi như đã nói ở trên, MB và GB rất dễ khiến chúng ta nhầm lẫn. Với nhà sản xuất, 1 MB = 1000 kB, nhưng với hệ điều hành của máy tính, 1 MB = 1024 KB (thật ra là 1024 kibibyte). Đó chính là lý do tại sao khi bạn kết nối một thiết bị lưu trữ của bạn vào máy tính, tổng dung lượng máy tính đo lường được lại ít hơn so với dung lượng được ghi trên thiết bị lưu trữ bạn mua.

Dưới đây mà một bảng thể hiện sự khác biệt về dung lượng khi chúng hiển thị trên Windows:

Tuy nhiên, Windows cũng có thể cập nhật được giao diện người dung và cũng có thể sử dụng hệ thập phân để hiện thị dung lượng các thiết bị lưu trữ. Đó là cách mà hệ điều hành OS X của Apple đã áp dụng.

Lần tới, khi bạn mua một thiết bị lưu trữ nào đó, ví dụ như ổ cứng rời, và bạn nhận thấy dung lượng hiển thị trên máy tính của bạn khác với dung lượng được in trên thiết bị, thì cũng đừng băn khoăn giống tôi cách đây 2 năm. Việc bạn cần làm chỉ là kiểm tra chính xác lại dung lượng được in là 2TB hay 2TiB. Hoặc tốt hơn hết, hãy kiểm tra số byte của ổ cứng rời đó. Sau đó, bạn có thể tính toán được dung lượng chính xác. Và khi bạn kết nối nó với một hệ điều hành hoạt động trên hệ nhị phân, dĩ nhiên dung lượng hiển thị sẽ bị giảm đi đáng kể. Do vậy, đừng vội kết luận rằng các nhà sản xuất gian dối. Họ chỉ đang làm đúng với những thuật ngữ hệ thập phân mà chúng ta đang sử dụng mà thôi.

Anh Cao

Chủ đề khác