VnReview
Hà Nội

Màn hình PC và TV khác nhau những gì?

TV và màn hình PC đều sử dụng cùng một công nghệ cơ bản, thế nhưng, chúng thường có các thông số kỹ thuật hoàn toàn khác nhau, làm chúng phù hợp hơn với một số ứng dụng nhất định.

Màn hình PC và TV khác nhau những gì?

Chẳng hạn, nếu bạn muốn chỉnh sửa video, hãy chọn các màn hình PC hơn là một TV. Ngược lại, nếu đang kiếm tìm một rạp chiếu phim tại gia hoặc thiết bị hiển thị để chơi game từ console, TV lại hợp lý hơn. ;

Bài viết này sẽ đề cập đến những điểm khác biệt quan trọng nhất giữa màn hình và TV.

TV và màn hình khác nhau những gì?

TV và màn hình rất giống nhau. Chúng đều là những thiết bị xuất hình ảnh và thường có thể hoán đổi cho nhau. Sự khác biệt giữa chúng thường là mục đích sử dụng của chúng. Màn hình thường được thiết kế để đặt trên bàn nhằm nhìn gần. Chúng thường được kết nối với phần cứng khác, chẳng hạn như máy tính, để hiển thị mọi thông tin đồ họa.

Trong khi đó, TV lại là một màn hình độc lập, được thiết kế ở khoảng cách xem xa hơn rất nhiều. Các chiếc TV đều được tích hợp sẵn bộ điều chỉnh tần số vô tuyến cùng những phần cứng khác để thu phát sóng truyền hình cáp và vệ tinh.

Do các chức năng khác nhau, màn hình và TV sẽ có một vài yếu tố khác biệt.

Màn hình PC và TV khác nhau những gì?

1. Kích thước

Một trong những điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa TV và màn hình máy tính đó chính là kích thước. Thông thường, màn hình nhỏ hơn rất nhiều, bởi chúng được nhìn ở khoảng cách khá gần. TV lớn hơn nhiều vì được thiết kế để xem từ xa.

Kích thước màn hình thường được đo bằng khoảng cách giữa các góc chéo. Kích thước phổ biến của màn hình máy tính thường nằm trong khoảng 20 – 40 inch, trong khi những chiếc TV có thể lên đến 100 inch.

2. Tỉ lệ khung hình

Liên quan đến kích thước, tỉ lệ khung hình cũng là một yếu tố khác biệt quan trọng. Tỉ lệ khung hình là tỉ lệ giữa chiều rộng và chiều cao của màn hình. TV thường có tỉ lệ khung hình 16:9 (màn hình rộng), trong khi màn hình có thể sử dụng nhiều loại tỉ lệ khung hình khác nhau.

Tùy thuộc vào màn hình sẽ được sử dụng để làm gì cũng như không gian có sẵn, người dùng sẽ muốn có tỉ lệ khung hình khác biệt. Trong khi đó đối với TV, tỉ lệ 16:9 đã khá phù hợp bởi hầu hết các chương trình truyền hình và phim đều được sản xuất ở định dạng màn hình rộng.

3. Giá cả

Nói chung, màn hình càng lớn, mức giá sẽ càng cao. Vì lý do này, những chiếc TV màn hình lớn thường đắt đỏ hơn màn hình nhỏ. Có một số ngoại lệ đối với điều này, cụ thể là những màn hình chuyên dụng.

Một số màn hình được thiết kế để mang lại độ chính xác màu cao hơn (để chỉnh sửa hình ảnh hay video) hoặc sở hữu những thông số kỹ thuật phục vụ chơi game (tần số quét 144Hz hay 240Hz). Một số màn hình này có thể đắt hơn so với các TV có kích thước tương tự.

4. Loại màn hình, độ phân giải và chất lượng hình ảnh

Màn hình PC và TV khác nhau những gì?

Cả màn hình lẫn TV đều có nhiều loại màn hình. Các loại phổ biến nhất là LCD (Liquid Crystal Display), LED (Light-Emitting Diode), OLED (Organic Light-Emitting Diode) và QLED (Quantum Light-Emitting Diode). Các loại màn hình này khác biệt về cách ánh sáng được tạo trong pixel. Màn hình LCD và LED yêu cầu đèn nền, trong khi công nghệ OLED và QLED có thể chiếu sáng độc lập từng điểm ảnh.

QLED và OLED là những công nghệ mới hơn. Tuy nhiên, khi TV QLED và OLED đang dần trở nên phổ biến hơn, số lượng màn hình sử dụng các tấm nền này trên thị trường lại khá ít.

Đối với độ phân giải, cả màn hình lẫn TV đều có nhiều tùy chọn. Độ phân giải đề cập đến số lượng pixel trên toàn bộ màn hình. Các độ phân giải hiện phổ biến bao gồm 1280x720 (720p), 1920x1080 (1080p), 3840x1960 (4K) và 7680x4320 (8K).

Điều quan trọng cần cân nhắc ở đây chính là mật độ điểm ảnh (pixel density). Mật độ điểm ảnh là số điểm ảnh (pixel) có trong 1 inch2 của màn hình. Mật độ điểm ảnh càng cao, hình ảnh sẽ càng rõ ràng và sắc nét.

Do khoảng cách xem của TV, mật độ điểm ảnh không nhất thiết phải quá cao, bởi bạn càng ở xa, hình ảnh sẽ càng rõ nét. Đối với màn hình, mật độ điểm ảnh lại quan trọng hơn nhiều.

5. Tần số quét

Tần số quét đề cập đến số lần màn hình làm mới trong một giây. Tần số quét thực sự rất quan trọng. Tần số quét 60Hz có nghĩa là màn hình sẽ làm mới 60 lần trong một giây. Điều này rất quan trọng khi cân nhắc đến tốc độ khung hình của video nguồn. Bạn sẽ cần tần số quét bằng hoặc nhanh hơn so với tốc độ khung hình của nội dung hiển thị trên màn hình. Nếu không, khung hình sẽ bị bỏ qua và chuyển động sẽ mờ hơn.

TV thường có tần số quét là 60Hz (đôi khi lên đến 120Hz), tương đương với hầu hết các chương trình truyền hình và phim phát sóng. Một số màn hình chơi game có tần số quét lên đến 360Hz, trong khi 120Hz và 144Hz hiện là những lựa chọn rất phổ biến. Tần số quét càng cao, thời gian phản hồi sẽ càng nhanh và khả năng chơi game càng mượt mà hơn.

6. Độ trễ đầu vào và thời gian phản hồi

Độ trễ đầu vào là lượng thời gian cần để đầu vào (chẳng hạn như nhấp chuột hoặc bộ điều khiển) được đăng ký trên màn hình hoặc TV của bạn. Độ trễ đầu vào liên quan trực tiếp đến tần số quét. Tần số quét càng cao, các đầu vào sẽ được đăng ký nhanh hơn trên màn hình. Màn hình máy tính thường ưu tiên độ trễ đầu vào tối thiểu, trong khi TV ưu tiên video mượt mà.

TV thường có tần số quét thấp hơn (như 60Hz) và xử lý đầu vào video nhiều hơn so với màn hình máy tính, dẫn đến tăng độ trễ đầu vào. Dù sự khác biệt mili giây này dường như không nhiều nhưng bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt khi cố gắng làm điều gì đó đòi hỏi khả năng phản hồi nhanh hơn, chẳng hạn như chơi game trực tuyến. Nhiều TV có "chế độ game", giúp giảm quá trình xử lý hậu kì hình ảnh để giảm độ trễ đầu vào.

Thời gian phản hồi thường bị nhầm lẫn với độ trễ đầu vào. Thời gian phản hồi thể hiện khoảng thời gian bao lâu để mỗi pixel chuyển từ sáng sang đen. Nếu thời gian phản hồi quá chậm so với tần số quét của màn hình, hiện tượng bóng ma hình ảnh sẽ xảy ra, mang lại cảm giác các đối tượng chuyển động nhanh đang theo sau. Để tránh bóng ma trong màn hình, thời gian phản hồi cần giữ ở mức 1ms hoặc thấp hơn.

7. Góc nhìn

Góc nhìn là khoảng cách lệch tâm bạn có thể thấy được khi nhìn vào màn hình trước khi hình ảnh bắt đầu sai lệch. Điều này thay đổi tùy thuộc vào mẫu mã, thế nên, hãy chú ý đến điều này khi mua một chiếc TV cho các góc xem rộng hơn. Đối với màn hình máy tính, góc nhìn không quá quan trọng bởi chúng thường được nhìn trực tiếp từ phía trước.

Màn hình PC và TV khác nhau những gì?

Bạn cần đến TV hay màn hình?

Việc lựa chọn giữa màn hình và TV khá dễ dàng. Để đưa ra quyết định, hãy tìm ra những gì bạn cần thực hiện với nó. Chẳng hạn, bạn muốn chơi game trực tuyến tốc độ nhanh hay muốn tận hưởng các bộ phim trong phòng khách.

Bên cạnh đó, hãy chú ý đến kích thước màn hình, độ phân giải, các cổng kết nối, tần số quét cũng như độ trễ đầu vào. Ngoài ra, bạn cũng cần để ý đến những chức năng mà bạn muốn sử dụng.

Lê Hữu theo Make Use Of

Chủ đề khác