Trong thế giới tự nhiên, sinh vật luôn phải tìm cách để sinh tồn trước những mối đe dọa từ kẻ thù. Và một trong những chiến lược thú vị nhất chính là khả năng giả chết, như ở loài rắn kẻ ô (Natrix tessellata) - đối tượng nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học.
Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Biology Letters đã mô tả khả năng giả chết đáng kinh ngạc của loài rắn nước không độc này, vốn phân bố trên nhiều nước châu Á, châu Âu và Bắc Phi. TS Vukasin Bjelica thuộc Đại học Belgrade cùng các cộng sự đã quan sát quần thể rắn kẻ ô sống ở Golem Grad - một hòn đảo trên hồ ở Bắc Macedonia, và phát hiện ra rằng chúng là những diễn viên kịch nghệ tài tình.
Khác với hầu hết các loài rắn thường chạy trốn hoặc chiến đấu khi bị tấn công, loài rắn kỳ quặc này lại chọn cách... giả chết khi bị vây khốn. Nhóm nghiên cứu đã bắt và thử nghiệm 263 con rắn, lao theo và tóm lấy phần giữa thân chúng để kích thích nhiều hành vi phòng thủ nhất. Trong quá trình thử nghiệm, họ đã ghi lại một loạt hành vi đáng kinh ngạc và đôi khi khiến người khác phải bật cười.
Gần một nửa số rắn tự lăn lộn để bôi lên mình một hỗn hợp cay nồng từ xạ hương và phân. Nhiều con bắt đầu bò loạng choạng, nằm quay đơ, há miệng, thè lưỡi... Để thêm phần kịch tính, một số con còn giả vờ để máu chảy ra từ miệng, sủi bọt... Theo các tác giả, đó là một chiến lược có rủi ro cao, nhưng hữu hiệu khi bị vây khốn, không còn đường thoát.
Lý do khiến những con rắn kẻ ô chọn cách giả chết là bởi một số kẻ săn mồi không ưa xác thối và cảm thấy ghê tởm trước một con vật đang bốc mùi, quằn quại, hoặc trông như đã chết. Ngay cả khi kẻ săn mồi không từ bỏ, thì đó cũng là cơ hội cho con rắn. Bởi khi nghĩ con mồi đã chết, kẻ săn mồi sẽ lơ là hơn, có thể nới lỏng vòng vây và tạo điều kiện để con rắn thoát thân.
Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý rằng quần thể rắn kẻ ô trên đảo Golem Grad là một trường hợp bất thường, bởi chúng thường xuyên bị săn bắt bởi nhiều loài chim. Vì vậy, vẫn cần thêm nghiên cứu trên nhiều quần thể khác để làm rõ khả năng độc đáo của loài rắn này.
Khả năng giả chết không chỉ riêng có ở loài rắn kẻ ô, mà còn xuất hiện ở nhiều loài động vật khác nhau, từ côn trùng, cá, động vật lưỡng cư cho đến một vài loài động vật có vú. Đây là một minh chứng cho sự đa dạng và tài tình của thế giới tự nhiên trong cuộc đua sinh tồn.