VnReview
Hà Nội

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Được ra mắt vào đầu tháng 5 năm 2012, Vaio T11 và T13 là hai model ultrabook đầu tiên của Sony. Về cơ bản, hai model có thiết kế và cấu hình khá giống nhau, điểm khác biệt dễ nhận thấy là kích thước màn hình và bố trí nút trên bàn phím của hai máy. Hai mẫu máy T11 và T13 được Sony Việt Nam bán giá với giá lần lượt là 19 và 21 triệu đồng với màu sắc bạc sáng làm chủ đạo.

Chiếc máy chúng tôi đánh giá là model T11 (mã sản phẩm là SVT11113FGS) có cấu hình: chip xử lý Intel Core i5-3317U (Ivy Bridge), RAM DDR3 4GB, ổ cứng HDD 500GB 5200rpm lai ổ SSD 32GB, màn hình 11.6 inch. Ngoài ra, bạn có thể tùy chọn ổ SSD với dung lượng 128GB hoặc 256GB.

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Sony Vaio T11

Thiết kế và cảm nhận

Sony Vaio T11 có thiết kế hình khối cứng cáp, đơn giản nhưng vẫn sang trọng, cuốn hút. Với kích thước 297; x 17,8 x 214,5 mm (rộng x dày  x cao), nặng khoảng 1,42 kg (gồm cả pin) những con số này không gây ấn tượng cho tôi bởi dòng ultrabook hiện nay có nhiều máy mỏng nhẹ hơn như một vài mẫu máy chúng tôi đã từng đánh giá: Acer Aspire S5 màn hình 13.3 inch, dày 15mm, nặng 1,2 kg; Toshiba Portégé Z830 màn hình 13.3 inch, khu vực dày nhất 15,9 mm, nặng 1,1 kg; Zenbook UX21E màn hình 11.6 inch, nơi dày nhất 17 mm, nặng 1,1 kg. Tuy nhiên khi nhìn vào tổng thể, chiếc máy vẫn toát lên đặc trưng của dòng máy tính siêu di động ultrabook. Điều này có được là do Sony đã đưa khái niệm "phẳng phiêu" vào trong thiết kế kết hợp với phong cách "hexa shell" vốn đã từng được áp dụng trên dòng Vaio S Series. Đặc điểm của cấu trúc "hexa shell" là các cạnh được vát chéo tạo cảm giác mỏng hơn, giúp nhìn tốt ở mọi góc độ và tính toàn vẹn trong cấu trúc. Những kết hợp như vậy trong thiết kế giúp cho dòng máy ultrabook thế hệ đầu tiên của Sony trở nên độc đáo với phong cách riêng biệt. Bạn có thể dễ dàng để máy vào trong túi xách khi di chuyển.

Thiết kế "phẳng phiêu" của máy được thể hiện rõ nét khi máy ở trạng thái gập lại. Bề mặt vỏ được làm bằng nhôm cao cấp với những vệt xước mờ tạo sự tinh tế và cứng cáp. Bề mặt này không hề bắt dấu vân tay, rất khó bám bụi và khả năng chống trầy xước tốt. Điểm nhấn chính trên mặt vỏ của máy là logo VAIO viết cách điệu, biểu tượng của dòng máy tính Vaio được làm bằng crom sáng bóng. Phía sát trên đỉnh có một đường ngang chạy theo cạnh viền tạo điểm nhấn phụ giúp cho bề mặt vỏ không trở nên đơn điệu. Hai cạnh bên hông được ôm tròn xuống dưới trong khi hai cạnh trên và dưới được vát chéo vào trong.

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Mặt trước

Sony Vaio T11 được trang bị màn hình 11.6 inch công nghệ LED, độ phân giải 1366 x 768 pixel. Đây là độ phân giải phổ biến trong các máy tính hiện nay. Màn hình của máy vốn có kích cỡ khiêm tốn nay càng tạo cảm giác nhỏ hơn bởi viền màn hình của máy khá to, đặc biệt là hai viền trên dưới. Chính vì có viền màn hình hai bên hơi to nên nhìn vào tổng thể máy tôi thấy máy có vẻ nhỉnh hơn một chút so với các mẫu ultrabook khác có cùng độ lớn màn hình 11.6 inch. Với công nghệ màn hình gương bóng, chiếc máy này cho hình ảnh sắc nét khi nhìn trực diện nhưng sẽ tối dần và bóng hơn khi nhìn ở các góc lớn hơn 50 độ, đặc biệt là khi nhìn vào màn hình máy từ trên xuống. Khi sử dụng ngoài trời nắng, màn hình không tránh khỏi hiện tượng bị bóng, lóa. Tuy nhiên với công nghệ Vaio Display, vấn đề này được giảm thiểu đáng kể và bạn vẫn có thể sử dụng được ngoài trời.

Viền màn hình của máy được làm bằng hợp kim magie phủ ngoài là lớp sơn nhũ mờ màu sáng bạc như tổng thể của máy. Bề mặt này có khả năng chống bụi và vân tay tốt. Lớp sơn bên ngoài tạo cảm giác đồng nhất, nguyên khối trong thiết kế cùng với bên trong chắc chắn.

Chính giữa viền trên màn hình có một hình chữ nhật nhỏ màu đen, bên trong có chứa mắt camera HD Exmor độ nét khá tốt, bên cạnh camera có một lỗ nhỏ để thu tín hiệu âm thanh khi người sử dụng có nhu cầu chat voice, họp hội nghị… Một đường thẳng nằm ngang chạy dài sát viền mép trên của khu vực này được làm bằng cao su có màu tương đồng, nổi gờ lên một chút so với bề mặt viền có tác dụng bảo vệ màn hình khi máy được gập lại.

Xuống bên dưới là khu vực bàn phím và touchpad. Sony Vaio T11 sử dụng bàn phím chiclet có độ rộng vừa đủ, khoảng cách giữa các phím rộng rãi giúp cho việc gõ chữ trở nên thuận tiện. Tuy nhiên hành trình phím ngắn tạo ra cảm giác không đã tay khi gõ, bạn sẽ có cảm giác phím khá nông khi nhấn tay xuống. Bạn cũng cần để ý đến bốn phím điều hướng lên xuống trái phải vì chúng cũng hơi nhỏ một chút, đặc biệt là khi dùng trong trời tối vì bàn phím không có đèn nền. Bạn sẽ mất một thời gian để quen dần với bàn phím này.

Một điều hơi lạ trên bàn phím là có đến hai phím chức năng Fn trong khi nhiều hãng máy khác chỉ có một phím. Phím Fn là phím có thể kết hợp với nhiều phím khác để gọi các tính năng mở rộng (thường nằm trên các phím từ F1 đến F12). Nếu như Sony muốn nhấn mạnh đến việc sử dụng phím chức năng kết hợp với phím Fn thì dường như họ đã mâu thuẫn với thiết kế. Không những các phím chức năng phụ không nhiều như các máy khác mà còn tương đối ít. Bạn vẫn có thể tắt/bật âm thanh, tăng/giảm độ sáng màn hình hay chuyển màn hình sang máy chiếu như các máy khác nhưng tôi không thấy nút chuyển máy về chế độ nghỉ, khóa màn hình hay các nút hỗ trợ multimedia đâu cả.

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Bàn phím

Khu vực bàn phím hơi lõm xuống một chút so với chiếu nghỉ tay và phần viền bên trên. Khu vực cạnh trên có bốn nút cứng nằm hết sang bên tay phải. Trong đó phím tắt/bật máy nằm sát mép với đèn LED nền ở chính giữa logo và phát sáng được cả ra viền cạnh phải của máy khi bật. Ba phím cứng còn lại là các phím đặc trưng của Sony Vaio giúp cho việc gọi nhanh ứng dụng web (phím Web), vào tính năng Media Galery (phím Vaio) cho phép thưởng thức hình ảnh, âm thanh một cách mới mẻ và vào tính năng quản lý hiệu năng chung VaioCare (phím Assist). Phím Assist được in màu hồng để nhấn mạnh đến tính năng quản lý rộng của nó trong máy, ngoài khả năng quản lý hiệu năng các thành phần, phím này còn giúp giám sát tình trạng của hệ thống, chẩn đoán lỗi, cung cấp thông tin lỗi – hỗ trợ sửa nếu cần, quét lỗi và hỗ trợ cả fix những lỗi nhỏ. Khi máy ở trạng thái tắt, nếu bấm phím Assist thì máy kích hoạt tính năng Vaio Care Rescue (có chức năng phục hồi lại máy ở trạng thái tốt mà trước đó đã được lưu lại), nếu bấm nút Web thì máy khởi động vào hệ điều hành giống như nút bật nguồn. Còn như trong tờ quảng cáo đi kèm máy của Sony thì bấm nút Vaio sẽ thực hiện tính năng như nút Assist (nếu để mặc định), nếu bạn ấn giữ nút này thì có thể điều chỉnh để thiết lập lại nhiệm vụ của nó – tuy nhiên tôi đã thử ấn và ấn giữ nút đó nhưng chưa thấy có gì khác.

Tiếp tục với khu vực bề mặt viền trên của bàn phím, hai khe nhỏ phát loa ngoài được bố trí ở hai bên và đèn LED nhỏ nằm gần với phím bật/tắt máy có chức năng báo hiệu bật Numlock (chuyển sang phím số), Caps Lock (viết chữ hoa)…

Bên dưới khu vực bàn phím là chiếu nghỉ tay và touchpad. Cả khu vực này vẫn đồng nhất với khu vực quanh bàn phím do tạo bởi hợp kim nhôm-magie nguyên khối. Điều này hứa hẹn khả năng tản nhiệt tốt cho khu vực tiếp giáp với lòng bàn tay.

Phần bên trái chiếu nghỉ dập chìm logo VAIO. Giống như trên Macbook Pro, touchpad của Sony Vaio T11 nằm giữa khu vực chiếu nghỉ, không có rãnh phân biệt hai phím chuột và có độ lớn tương đương. Bề mặt của touchpad cũng bằng phẳng như xung quanh và được phân tách bằng rãnh nhỏ. Touchpad của máy hỗ trợ đa điểm và rất nhạy, chỉ cần chạm nhẹ là có thể sử dụng được. Một vài tính năng độc đáo nên khiến tôi sử dụng khá thích thú như hai ngón tay kéo lên/xuống để cuộn trang web, ba ngón tay kéo ngang sang trái/phải để mở trang web trước/sau, giữ xoay vòng ngón tay theo chiều kim đồng hồ để xoay ảnh khi xem…

Mặt sau của máy có nắp ở khu vực pin, RAM và ổ cứng được xoáy bằng ốc giúp cho việc vệ sinh và nâng cấp dễ dàng hơn. Màu sắc và chất liệu của khu vực này tương tự như tổng thể của máy.

Sony Vaio T11 được trang bị đầy đủ các cổng giao tiếp thông thường như USB2.0, USB3.0, HDMI, VGA, cổng cắm tai nghe, khe đọc thẻ nhớ. Bên cạnh đó, máy được tích hợp kết nối mạng không dây chuẩn IEEE 802.11b/g/n tốc độ truyền tải tối đa có thể lên tới 300Mbps và Bluetooth 4.0 HS (high speed) có tốc độ truyền tải dữ liệu 25Mbps.

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Cạnh trái

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Cạnh phải

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Cạnh trước

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Cạnh sau

Cạnh sau làm bằng crom sáng bóng rất bắt mắt và dễ dính vân tay, bụi bẩn khó lau sạch. Chính giữa dập chìm chữ Sony, hai bên có hai mấu nhựa giúp bảo vệ khỏi xước khi lật màn hình ngả rộng xuống.

Phụ kiện và bảo hành

Đi kèm máy là pin, bộ sạc pin nguồn gồm 3 chuẩn kết nối dành cho các thị trường khác nhau, đĩa cài Windows 7 Home Premium bản quyền có hỗ trợ hiển thị giao diện tiếng Việt, sách hướng dẫn sử dụng, tờ hướng dẫn nhanh, phiếu thông tin cấu hình máy và thẻ thành viên kèm thẻ bảo hành toàn cầu 12 tháng.

Tính năng

Công nghệ Rapid Wake + Eco giúp chiếc máy này có thể duy trì trạng thái ở chế độ chờ lớn hơn 10 ngày và sẵn sàng hoạt động trở lại chỉ trong 2 giây. Cùng với quá trình "ngủ" của máy,  dữ liệu sẽ được lưu lại tự động và bạn không phải lo lắng về việc mất mát dữ liệu.

Công nghệ Turbo Boost lên đến 2.60 GHz giúp máy khởi động vào hệ điều hành nhanh chóng.

Cổng USB 3.0 đồng thời là cổng hỗ trợ sạc pin (khi được kích hoạt chức năng) cho thiết bị cầm tay qua cổng USB trong khi máy tắt.

Máy có các phím bấm riêng biệt để quản lý hiệu năng, lướt web nhanh, phục hồi dữ liệu (Assist, Web, Vaio).

Ngoài ra, trên VAIO T có tích hợp chức năng điều khiển bằng chuyển động hiện chỉ tương thích với Windows Media Player, Internet Explorer 9 và PowerPoint. Trên khu vực webcam có mắt cảm ứng cho phép người dùng tương tác với máy tính thông qua các cử chỉ của bàn tay. Máy có thể hiểu được vài thao tác đơn giản như di chuyển bàn tay sang trái, phải để chuyển sang cửa sổ hoặc hình ảnh kế tiếp, hất tay xuống dưới để tạm dừng chơi nhạc, quay bàn tay để thay đổi âm lượng.

Phần mềm – tiện ích

VAIO Control Center, VAIO Gate, VAIO Gesture Control, WebCam Companion, VAIO Care, VAIO Care Rescue, VAIO Update, VAIO Transfer Support…

Trong phần mềm tiện tích VAIO Control có tính năng Battery Care Function cho phép thiết lập mức % để sử dụng nguồn. Nếu bạn set mức 20%, khi dung lượng pin còn dưới 20%, bạn cắm nguồn vào thì máy tự ngắt pin và chuyển sang dùng nguồn.

TrackID™ với BRAVIA: ví dụ bạn nghe một bài hát trên tivi Bravia internet (tivi này có hỗ trợ chương trình này) và chưa biết thông tin gì về bài hát đó, bạn có thể sử dụng phần mềm này để ghi âm một đoạn bài hát và tự động tìm kiếm thông tin liên quan đến bài nhạc và có thể gửi thông tin vào máy tính.

Bảo mật: công nghệ Intel Anti-Theft Service Signup (IATS) (cho dùng thử trong 90 ngày) - một chức năng được thành lập ở cấp độ phần cứng bảo vệ dữ liệu máy tính trong trường hợp bị mất / đánh cắp thông qua truy cập từ xa.

Hiệu năng

Điều kiện test: Chúng tôi đã tắt Windows Update, tắt Windows Firewall, tắt volume, tắt các chế độ tiết kiệm điện (nếu có), thiết lập máy ở chế độ High Perfomance để đảm bảo máy luôn chạy ở mức hiệu suất cao nhất, chuyển các trạng thái ngắt nghỉ ổ cứng và monitor sang Never để không ảnh hưởng quá trình test. Trong tất cả các bài test hiệu năng, laptop luôn được cắm nguồn điện liên tục, ngoại trừ bài test pin sẽ được sạc đầy sau đó rút nguồn để tiến hành test.

Với chương trình đánh giá hiệu năng tổng thể PCMark Vantage Pro 64 bit, mặc dù có số điểm từng mục test (music, gamming, HDD, memories…) ở mức khá (so với vài mẫu tôi test trước đó) – tuy nhiên điểm số nhận được chỉ ở mức trung bình là 6093 điểm.

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Sử dụng chương trình tính điểm khả năng đồ họa 3DMark Vantage, Vaio T11 đạt 2519 điểm – số điểm khá so với trung bình các máy khoảng tầm tiền ở mức hơn 2000 điểm.

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Với chương trình test khả năng đồ họa 3DMark06, máy đạt 3890 điểm, đây là điểm số trung bình mà các máy cấu hình như vậy đạt được.

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Đánh giá khả năng xử lý của CPU và thử đồ họa OpenGL theo thời gian thực bằng chương trình Cinebench 11.5, kết quả đồ họa trung bình là 11,21 khung hình mỗi giây và vi xử lý đạt 2,42 hình/giây. Kết quả này cao hơn một chút so với trung bình các máy khác cũng không có card đồ họa rời, cùng chip i5 (nhưng là đời 2 – Sandy Bridge) thì chỉ đạt khoảng 9 khung hình/giây.

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Test hiệu năng tổng thể bằng chương trình PassMark Performance 7 máy đạt 1105.8 điểm

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Chạy chương trình benchmark game Phantasy Star Online 2 đạt 328 điểm.

Chương trình benchmark game ResidentEvil5 kết quả trung bình là 19,5 khung hình/giây – chương trình xếp hiệu suất này vào hạng (rank) C.

Chạy chương trình benchmark game Street Fighter IV đạt 7747 điểm, trung bình 33,46 khung hình/giây.

Phần mềm đọc/ghi ổ cứng cho kết quả 98,73/91,89 MB/s – đây là kết quả của ổ cứng HDD trên máy vì phần mềm này sẽ "lấy" một khoảng dung lượng có trên ổ được hiển thị để tiến hành đọc/ghi mà không liên quan đến ổ SSD trên máy. Ổ SSD ở đây chỉ là bộ nhớ cache của HĐH có tác dụng tốt nhất khi máy ở chế độ Sleep và sẽ khởi động tức thì về trạng thái làm việc nếu người dùng sử dụng máy.

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Test nhiệt độ và độ ồn: trong môi trường phòng kín, bật điều hòa 25 độ, nếu sử dụng máy bình thường trong vòng hai tiếng tôi thấy máy chạy êm, không phát tiếng kêu mạnh và khá mát mẻ. Nhiệt độ đo được bằng phần mềm Hwmonitor vào khoảng 43 – 44 độ. Tuy nhiên khi test máy bằng các chương trình bên trên, tôi thấy quạt của máy hoạt động mạnh, tiếng kêu ro ro trở nên khá rõ ràng cùng với đó là nhiệt độ máy tăng cao, đặc biệt là khu vực tản nhiệt bên trái, khu phím Caps Lock, chiếu nghỉ tay và mặt đáy.

Tôi dùng chương trình Prime95 để chạy fullload CPU trong vòng 20 phút, nhiệt độ lúc này tăng lên trung bình khoảng 76 độ, ngắt chế độ fullload máy sẽ giảm nhiệt độ rất nhanh do kết cấu có nhiều kim loại.

Âm thanh, giải trí và webcam

Máy sử dụng công nghệ "Clear Phase" và "xLOUD" giúp cho âm thanh trở nên trong trẻo, rõ ràng. Khi sử dụng máy ở trong một phòng kín rộng 25m2, thiết lập volume ở mức cao nhất, với một bài hát thông thường tôi thấy chất lượng âm thanh khá tốt, đủ lớn. Còn với bài hát nhạc dance cần nhiều bass tôi thấy chiếc máy này cũng cho chất lượng khá.

Với những game thông thường như: Đế chế, HalfLife, MU… chiếc máy có thể chơi một cách trơn tru.

Webcam của máy là loại HD Exmor cho độ nét tốt hơn nhiều webcam trên các máy khác, webcam của máy có cảm biến 1.3MP và độ phân giải 1280 x 1024 px.

Đánh giá ultrabook Sony Vaio T11

Webcam

Thời lượng pin

Thời lượng pin của máy được nhà sản xuất giới thiệu ở mức 4,5 tiếng dùng liên tục với hiệu năng công việc thông thường. Qua kiểm chứng thực tế, chúng tôi test pin bằng cách dùng phần mềm KMPlayer mở một bộ phim HD720p (có độ dài 1h34p) thì kết quả máy chạy được 3 giờ 40 phút từ lúc đầy pin đến lúc hết pin máy tự tắt nguồn. Thời gian của máy như vậy cũng chỉ đáp ứng nhu cầu công việc thông thường của tôi trong khoảng hơn 3 giờ, hơn nữa tôi thấy máy sạc pin có vẻ hơi chậm, mất 5 tiếng để sạc pin từ lúc hết đến khi đầy 100% (khi sạc máy vẫn bật ở chế độ cao nhất, không thao tác gì trên máy).

Kết luận

Thương hiệu Sony Vaio vốn được nhìn nhận trên thị trường Việt Nam ở những sản phẩm có mức giá tương đối cao hơn so với mặt bằng chung của các hãng máy tính, bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt. Bản thân tôi cũng nghĩ nguyên nhân đó là do thương hiệu và thiết kế mang tính sang trọng mà Sony mang lại. Tuy nhiên Sony đang làm chúng ta ngạc nhiên bởi sản phẩm ultrabook Vaio T11 với mức giá hấp dẫn chỉ khoảng 19 triệu đồng (gần 1000$). Do đó đối với cá nhân tôi, Sony T11 được coi là lựa chọn hợp lý dựa trên hiệu năng, thương hiệu, thẩm mỹ, chất lượng và giá thành.

Nguyên Bình

Chủ đề khác