VnReview
Hà Nội

'Bố Già': Kết cấu phim lỏng lẻo, kịch bản chưa đủ sâu nhưng đi đúng thị hiếu khán giả

Trong ngày hôm nay (9/3), tức là chỉ sau 1 buổi sneak show và 4 ngày công chiếu, 'Bố già' khả năng cao sẽ trở thành bộ phim cán mốc 100 tỷ đồng nhanh nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam.

'Bố già' của Trấn Thành quật ngã 'Gái già lắm chiêu V' ngay tuần đầu tiên công chiếu

Kỷ lục này trước đó thuộc về 'Gái già lắm chiêu 3' với 6 ngày công chiếu đã bán được 1,3 triệu vé và đạt doanh thu 102 tỷ. Trước đó nữa, danh hiệu phim cán mốc 100 tỷ nhanh nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam thuộc về 'Mắt biếc' với 8 ngày công chiếu và 1 sneak show, 'Cua lại vợ bầu' với 6 ngày chiếu chính thức cùng 3 ngày sneak show và 'Em chưa 18' với 7 ngày công chiếu và 3 ngày sneak show. Tất cả các bộ phim kể trên đều đang nằm trong top ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Chiến thắng phòng vé của 'Bố già' gây bất ngờ cho rất nhiều người bởi bộ phim này đã xuất sắc đánh bại một đối thủ rất nặng ký là 'Gái già lắm chiêu V' của đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito. Trong ngày đầu tiên ra mắt khán giả, bộ phim với sự tham gia của Trấn Thành có tới 1.200 suất chiếu và trở thành phim Việt có số suất sneak show cao nhất sau 18h.

Đến hiện tại, 'Bố già' đã đạt gần 90 tỷ đồng tiền bán vé, với tốc độ mỗi ngày trên dưới 20 tỷ doanh thu như hiện nay thì việc bộ phim này cán mốc 100 tỷ đồng trong hôm nay (9/3) là điều rất dễ xảy ra. Nếu tiếp tục đà thăng tiến này, 'Bố già' khả năng cao sẽ trở thành bộ phim Việt Nam có doanh thu cao nhất mọi thời đại trong tương lai không xa (7 - 10 ngày tới).

Tuy nhiên, cần phải công bằng và thẳng thắn rằng một bộ phim bán được vé chỉ có thể nói là thành công về mặt doanh thu chứ chưa chắc đã xuất sắc về nội dung và ngược lại. 'Bố già' có thể lập được nhiều kỳ tích phòng vé nhưng đây chắc chắn không phải là phim xuất sắc nếu xét riêng về mặt chuyên môn. Nó thành công là bởi đưa ra những cảm xúc gần gũi, thân quen với khán giả và việc làm truyền thông quá tốt. Trấn Thành từng xuất hiện trong 2 bộ phim sở hữu doanh thu trên 100 tỷ đồng vào năm 2019 là 'Cua lại vợ bầu' và 'Trạng Quỳnh'. Cả hai tác phẩm đều rất thành công về mặt bán vé nhưng chắc chắn không ai dám nói đây là những bộ phim hay, có chiều sâu về mặt nội dung. 'Bố già' là một trường hợp tương tự.

Kết cấu phim lỏng lẻo, kịch bản chưa đủ sâu

'Bố già' là tác phẩm điện ảnh được phát triển từ web drama cùng tên của Trấn Thành, dù phần nội dung không liên quan đến nhau. Bộ phim kể về câu chuyện của gia đình Ba Sang (Trấn Thành) trong xóm lao động nghèo, làm đủ nghề để nuôi con là Quắn và Bù Tọt. Ba Sang có tính tình vui vẻ, hòa đồng, thương anh em trong gia đình trong khi đó Quắn là chàng trai thích tự lập nhưng vẫn rất yêu thương cha và em. Bộ phim lấy được tình cảm của người xem xoay quanh những câu chuyện gần gũi, thường ngày và một cái kết cảm động. 'Bố già' được thực hiện bởi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành, các diễn viên Trấn Thành (Ba Sang), Tuấn Trần (Quắn), bé Ngân Chi (Bù Tọt), NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Lan Phương...

Về tổng thể, 'Bố già' giống với một bộ phim truyền hình nhiều tập, mỗi tập từ 20 - 30 phút và ghép vào thành một tác phẩm điện ảnh. Từng lớp câu chuyện trong bộ phim diễn ra một cách từ từ, chậm rãi với những mảng màu khá không liên quan đến nhau và có sự ghép nối lỏng lẻo, sơ sài. Chính điều này khiến tác phẩm trở nên đứt đoạn, không liền mạch từ phần mở đầu đến khi kết thúc.

Những người làm phim đã cố gắng đưa vào tác phẩm của mình những câu chuyện gần với thực tế nhất, cho vào đó những câu thoại, hành động mang tính gây cười cao để làm mờ đi tính logic và sự kết nối trong từng phần của tác phẩm. Tuy nhiên, với những câu chuyện chưa mang tầm vóc điện ảnh, các tình tiết quá bình thường, cách giải quyết chưa đến tận cùng của vấn đề thì bộ phim vẫn trở nên rời rạc, thiếu điểm nhấn và thiếu sự thuyết phục.

'Bố già' cố gắng đẩy câu chuyện theo tính hài hước nhưng sâu bên trong từng chi tiết vẫn có những nút thắt để tạo ra vấn đề tổng thể là mâu thuẫn trong chuyện gia đình. Ở đó, người cha (Ba Sang, do Trấn Thành đóng) và người con (Quắn, do Tuấn Trần đóng) tranh giành nhau thể hiện tình yêu thương. Vì quá thương nhau nên họ nảy sinh ra mẫu thuẫn bởi cả 2 người đều có tính cách khá cứng đầu. Tuy nhiên, các mâu thuẫn trong bộ phim được làm chưa đủ mạnh, các tình tiết nhiều khi rườm rà, dài lê thê để gây hài nên về cuối cùng khi những biến cố lớn xảy ra thì có cảm giác ekip làm phim đã làm quá mọi thứ lên, dẫn đến tình trạng xa rời thực tế.

Đồng thời, bộ phim cũng có vấn đề lớn trong việc đưa ra vấn đề và giải quyết vấn đề. 'Bố già' đưa ra quá nhiều thứ thừa thãi như việc chọn nghề nghiệp của Quắn, việc trước đây ông Ba Sang giàu rồi sau đó nghèo, việc người mẹ ruột của bé Bù Tọt quay trở lại... Tất cả những điều này không được giải thích rõ ràng, không được làm đến nơi đến chốn. Dường như nó được nêu ra để tình tiết câu chuyện thêm phần ly kì còn tác giả không có nhu cầu giải thích và xử lý chúng. Điều này khiến 'Bố già' dài lê thê, nhiều chi tiết ghép nối vô lý, thừa thãi và chiều sâu nội tâm nhân vật không được xây dựng một cách nghiêm túc.

Tất cả những điều vừa kể trên khiến khán giả khi xem phim nếu để ý kỹ sẽ thấy gia đình ông Ba Sang tuy thương yêu nhau, gắn bó với nhau rồi nảy sinh mâu thuẫn với nhau mà chẳng hiểu tại sao lại như vậy. Ekip làm phim chỉ cố gắng giải quyết bề nổi vấn đề, cố gắng dẫn dắt khán giả vào tình yêu thương gia đình qua các tình tiết vừa hài hước, vừa cảm động. Bộ phim cố gắng 'đánh gục' cảm xúc người xem bằng cả nụ cười và nước mắt còn nội dung thì còn quá nhiều vấn đề.

Một điều không tốt nữa của 'Bố già' là lời thoại và hóa trang của các nhân vật mang tính kịch quá cao. Tạo hình của nhân vật chính Ba Sang mang nét đặc trưng của một người trung niên trên sân khấu chứ không phải một người bố thương con trong điện ảnh. Phần lời thoại tác phẩm đặc biệt có vấn đề, mang tính sân khấu quá cao, dài dòng, phức tạp chỉ để cố gắng gây hài hước hoặc cảm động. Nó trái với quy luật của điện ảnh khi phần lời thoại phải chia sẻ nhiệm vụ dẫn dắt khán giả với cả hình ảnh và âm thanh nữa. Khán giả nếu để ý sẽ thấy phần thoại bàn về chuyện mua nhà của Quắn và ông Ba Sang đoạn giữa phim giống với các tiểu phẩm trên sân khấu kịch, rất nhiều từ ngữ để khán giả cười là chủ yếu.

Vậy tại sao 'Bố già' vẫn thành công?

Trong một review trước đây về bộ phim 'Lừa để gặp lừa đảo' rất thành công của Thái Lan, tác giả bài viết đã từng đề cập rằng tác phẩm đó không mới, nội dung dễ đoán, không sâu sắc nhưng vẫn có doanh thu cao. Điều đó đến từ việc tác phẩm đi đúng theo thị yếu của khán giả hiện nay, mang tính giải trí cao, sảng khoái, dễ chịu, có cả hài hước và cảm động để vừa cười, vừa khóc được. Khi nội dung chưa đủ sâu sắc thì để thành công một bộ phim cần tạo ra tiếng cười 'giòn tan' và đạo diễn biết cách để biến những bất hợp lý trong nội dung trở nên nhẹ nhàng và có thể tha thứ được.

'Bố già' của Trấn Thành giống với trường hợp của 'Lừa đểu gặp lừa đảo'. Bộ phim này đánh đúng vào thị hiếu của khán giả hiện nay, có những tình tiết gây cười và có cả tình tiết cảm động. Điều quan trọng nhất là Trấn Thành và những người làm ra tác phẩm này biết khán giả cần gì. Họ đưa cho người xem những câu chuyện đời thường nhất, những mảnh ghép có thể gặp ở bất kỳ đâu và một nội dung về tình cảm gia đình mà tổng thể là rất dễ hiểu, dễ thưởng thức và có thể tạo ra sự đồng cảm của số đông. Khi đó, khán giả có thể dễ dàng bỏ qua những tình tiết phi lý trong tác phẩm mà đón nhận sự gần gũi của bộ phim.

Về chất lượng nội dung của một bộ phim nào đó, có thể nhiều khán giả sẽ không để ý. Tuy nhiên, việc quyết định doanh thu phòng vé của một tác phẩm thì khán giả không bao giờ là người sai. Một bộ phim hay nhưng chi tiết không đánh đúng vào thị hiếu chưa chắc đã được nhiều người xem nhưng một bộ phim dở thì chắc chắn là ít người xem. 'Bố già' của Trấn Thành không hay về nội dung nhưng hay về việc bắt xu hướng khán giả, hay trong việc đánh mạnh vào tâm lý vào người xem và hay trong việc chuyển tải thông điệp về gia đình đến khán giả. Và vì vậy, 'Bố già' không hay về nội dung nhưng cũng không phải là một bộ phim dở tệ.

Trước đây, Trấn Thành cũng thành công với một bộ phim không hay và thiếu logic nhiều về nội dung nhưng bán được rất nhiều vé là 'Cua lại vợ bầu'. Tác phẩm này thu về 191,8 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử. 'Cua lại vợ bầu' thực tế có không ít lỗi nội dung nhưng câu chuyện của nó cũng vừa mang tính hài hước, vừa cảm động và rất gần gũi với khán giả. Có vẻ như điểm mạnh của Trấn Thành là bắt được đúng những điều khán giả thích và biến những điều đó thành nghệ thuật.

'Bố già' xoay quanh câu chuyện về những người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh - nơi thị trường điện ảnh hoạt động sôi nổi nhất Việt Nam. Nó đi theo câu chuyện về tình cha con, tình cảm gia đình vượt qua những biến cố. Từng câu chuyện, từng chi tiết của nó đều tỏ ra rất gần gũi với phần đông khán giả. Người xem khi thưởng thức tác phẩm có thể hiểu được nội dung dễ dàng và thấy được những câu chuyện trên phim diễn ra xung quanh cuộc sống của mình. Chính sự gần gũi này khiến bộ phim đi vào tâm trí người xem. Điều này cộng thêm các tình tiết hài hước, cảm động, chuyện trong gia đình có vẻ như rất thật giúp khán giả cảm thấy thoải mái khi xem. Đây là yếu tố tạo nên thành công của 'Bố già'.

Trấn Thành là mấu chốt của vấn đề

Dù trong sự nghiệp có không ít những lùm xùm nhưng Trấn Thành thực sự là một nghệ sĩ rất giỏi, đa tài. Trong 'Bố già', anh gần như 'cân' hết sự hấp dẫn của bộ phim này. Trấn Thành có sức hút ở đời thực với lượng khán giả đông đảo. Trên phim, anh diễn xuất dù vẫn mang tính kịch nhưng rất duyên dáng, hài hước và phần nào đó là xuất thần trong các tình tiết cảm động.

Doanh thu rất cao của 'Bố già' cũng xuất phát từ tác phẩm có điểm tựa rất vững chắc từ thành công của web drama cùng tên. Ở đó, Trấn Thành đã xây dựng vững chắc hình tượng về nhân vật một người đàn ông thương con, luôn dành tình cảm cho gia đình. Đến bản điện ảnh, dù nội dung không liên quan đến nhau nhưng khán giả vẫn muốn ra rạp để xem Trấn Thành sẽ tiếp tục yêu thương và dành tình cảm cho gia đình đến đâu.

Cùng với đó, 'Bố già' cũng có một chiến dịch truyền thông quá tốt và tạo được hiệu ứng truyền miệng mạnh mẽ. Điều này một phần công lớn cũng thuộc về Trấn Thành. Với lượng người hâm mộ đông đảo, hơn 17 triệu lượt thích trên Fanpage, mỗi bài đăng về phim lên tới vài trăm nghìn like, diễn viên này đã liên tục quảng bá về bộ phim của mình. Điều này giúp tác phẩm có sự lan tỏa sâu rộng và tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Ra rạp cùng ngày với 'Gái già lắm chiêu V' nhưng có lẽ nhiều khán giả sẽ chọn xem 'Bố già' vì sự có mặt của Trấn Thành.

Những người còn lại trong 'Bố già' như NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Lan Phương... nhìn chung được đặt vào vai diễn không quá 'nặng đô' nên họ diễn tròn vai, mang đến nhiều tiếng cười cũng như sự cảm động cho khán giả. Tuy nhiên, đây là các vai diễn không mang tính đột phá. Tuấn Trần có bước tiến lớn trong khả năng diễn xuất nhưng đó là với bản thân anh. Thực tế, nam diễn viên trẻ xuất hiện trong 'Bố già' vẫn chưa mang tới những cảm xúc đặc biệt mạnh mẽ cho khán gả.

Kết

Tác giả bài viết từng rất bất ngờ khi 'Bố già' vượt xa 'Gái già lắm chiêu V' về doanh thu trong những ngày đầu công chiếu. Tuy nhiên, khi nhìn lại thì điều này có vẻ hợp lý bởi tuy còn những điểm rất yếu trong nội dung nhưng tác phẩm này mang lại cảm xúc thực tế cho phần đông khán giả. 'Gái già lắm chiêu V' tuy nhỉnh hơn về mặt điện ảnh nhưng lại khó có được sự đồng cảm của số đông vì câu chuyện không đủ sức hút với quá nhiều người xem. 'Bố già' chắc chắn sẽ tiếp tục tiến xa nhưng cần phải khẳng định rằng đây không phải tác phẩm xuất sắc về nội dung.

T.T

Chủ đề khác