Mặc dù mạng xã hội đã trở nên khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Người dùng có thể chia sẻ nhiều thứ trên mạng xã hội một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thói quen viết blog vì nhiều lí do: blog mang tính cá nhân nhiều hơn, dễ định hướng hoặc đơn giản đây cũng là một công cụ quảng bá...
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu với các bạn 15 nền tảng blog phổ biến nhất hiện nay với những ưu và nhược điểm để bạn có thể tìm ra nền tảng tốt nhất theo nhu cầu của mình.
1. WordPress: WordPress.com và WordPress.org
WordPress có hai lựa chọn: một dịch vụ miễn phí được cung cấp tại địa chỉ wordpress.com sẽ cho phép bạn đăng kí một tài khoản với tên miền là tên_miền_của_bạn.wordpress.com (bạn cũng có thể lựa chọn trả phí cho việc sử dụng tên miền để nhận được nhiều ưu đãi hơn). Với tài khoản miễn phí này sẽ cung cấp khả năng tùy biến hạn chế cho trang cá nhân của bạn.
Nếu không muốn sử dụng tài khoản miễn phí, bạn có thể sử dụng dịch vụ trả phí với tên miền là tên_miền_của_bạn.org để lưu site trên máy chủ WordPress của riêng bạn và được tùy biến nhiều hơn cho trang blog của mình.
WordPress được xem là một trong những nền tảng khởi nguồn của blog và hiện đang chiếm 19% thị phần các nền tảng dành cho blog với hơn 45 triệu lượt tải về.;Một trong những điểm mạnh cốt lõi của nền tảng này là nó sở hữu một cộng đồng sáng tạo lớn, những người đã tạo ra hàng ngàn các tùy chỉnh cho phép người dùng bổ sung các plug-in giúp trang WordPress cá nhân của mình mạnh mẽ hơn, chuyên sâu hơn và giao diện đẹp hơn.
Ưu điểm: khả năng tùy biến cao.
Nhược điểm: có quá nhiều tùy biến có thể cho những người dùng không chuyên cảm thấy bối rối và khó tiếp cận với nền tảng này.
Dự đoán: WordPress vẫn là một trong những nền tảng phổ biến nhất hiện nay và nó thích hợp cho các công ty để hoặc những người muốn xây dựng một trang web có độ phức tạp cao.
2. Blogger: Blogger.com
Blogger là một nền tảng bolog được khai sinh bởi Google và rất dễ sử dụng cũng như đăng kí. Bạn chỉ cần một tài khoản Gmail để sử dụng dịch vụ của Blogger.
Blogger cụng có những khả năng tùy chỉnh nhất định như thay đổi giao diện, bố trí các lớp chức năng. Ngoài ra, một số dịch vụ khác của Google cũng dễ dàng được tích hợp vào trang blog của bạn. Ví dụ như việc chèn quảng cáo bằng Google AdSense để kiếm tiền (nhiều hay ít là tùy vào mức độ nổi tiếng trang blog của bạn), hoặc comment bằng Google+,…
Ưu điểm: dễ sử dụng và dễ bắt đầu cho những người chưa biết gì về blog.
Nhược điểm: Không thể tạo ra các trang web quá phức tạp và phụ thuộc nhiều vào các chính sách của Google.
Dự đoán: Mặc dù không được phổ biến ở thời điểm hiện tại nhưng không thể phủ nhận Blogger là một nền tảng thường được nhiều người bắt đầu khi viết blog mặc dù có đôi chút hạn chế ở việc tùy biến trang web, nhưng nếu đã học được những điều cơ bản từ nền tảng này bạn dễ dàng chuyển sang những nền tảng khác phức tạp hơn.
3. Tumblr: Tumblr.com
Có thể gọi Tumblr là một nền tảng "lai" khi kết hợp giữa việc viết blog và các phường tiện truyền thông xã hội. Nền tảng này khiến ông lớn Yahoo đã phải bỏ ra 1,1 tỷ USD để hỏi mua.
Tumblr có một cộng đồng người sử dụng khá lớn, giống như Twitter hay Facebook, người dùng khác có thể post nội dung lên trang cá nhân của bạn. Nhiều người trẻ có xu hướng chuyển sang dùng blog Tumblr, tuy nhiên mục đích chủ yếu là để theo dõi những mặt hàng họ thích chứ ít quan tâm đến việc viết nội dung blog.
Tumblr cho phép người dùng tùy biến cả tên miền và khá dễ sử dụng kể cả trên điện thoại (bao gồm cả việc upload ảnh lên).
Ưu điểm: được sự hậu thuẩn mạnh mẽ từ Yahoo.
Nhược điểm: cũng vẫn là thuộc sở hữu Yahoo, cho nên người dùng phải chịu cảnh bị Yahoo gắn quảng cáo lên website của mình.
Dự đoán: Tumblr giống một trang xã hội hơn là blog, tuy nhiên nó sẽ thích hợp cho những ai tìm kiếm sự đơn giản và dễ dàng. Nhiều công ty cũng chọn Tumblr để tạo ra những trang blog phụ (bên cạnh website chính được xây dựng bằng nền tảng khác) quảng bá cho sản phẩm của họ vì người dùng nền tảng này rất đông đảo.
4. Medium: Medium.com
Medium là một nền tảng được xây dựng bởi hai nhà đồng sáng lập Twitter là Ev Williams và Biz Stone nên nó mang nhiều hơi hướng của mạng xã hội với khả năng chỉnh sửa, chú thích công việc và đặc biệt là liên kết với Twitter.
Medium khá cứng nhắc trong chính sách liên kết với các mạng xã hội do đó có thể tạo ra cảm giác khó chịu cho người viết blog. Dịch vụ này được mở ra vào tháng 10 năm 2013 nhưng đến nay nó vẫn chưa hỗ trợ trực tiếp cho các thiết bị di động ngoài trừ việc phát hành một ứng dụng "chỉ đọc" cho iOS.
Ưu điểm: Medium là một nền tảng tuyệt vời để giới thiệu những nội dung của bạn đến số đông người đọc.
Khuyết điểm: thiếu tính tùy biến.
Dự đoán: nhiều người sẽ sử dụng nền tảng này để tạo ra kênh liên lạc cho các thành viên trong lớp của mình.
5. Svbtle: Svbtle.com
Nền tảng này được sáng lập bởi nhà thiết kế Dustin Curtis. Giao diện trang cá nhân của bạn sẽ trông giống như một list công việc và nó rất thuận lợi cho việc trình bày ý tưởng của bạn. Nền tảng này ban đầu chỉ giới hạn trong phạm vi những người nhận được thư mờ nhưng sau đó nó đã được mở ra rộng rãi cho mọi người vào tháng 10 năm 2013.
Ưu điểm: Thiết kế đẹp.
Nhược điểm: không có hệ thống bình luận các chủ đề được post.
Dự đoán: Svbtle cung cấp một sự tiếp cận blog theo một hướng đặc biệt, khác hẳn những nền tảng khác và nó cũng còn khá non trẻ nên chưa thể xác định được sự phát triển trong tương lai của dịch vụ này.
6. Quora: Quora.com
Các bài viết sử dụng nền tảng này sẽ được phân chia theo các thẻ nội dung giúp cộng đồng dễ dàng tìm kiếm những nội dung mà mình thích để tham gia bình luận.
Ưu điểm: Có một cộng đồng rộng lớn với nhiều nội dung được chia sẻ.
Khuyết điểm: thiếu tính cá nhân và sự "giản dị" thường thấy ở một blog cá nhân.
Dự đoán: Quora thích hợp cho những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội như các doanh nhân, ca sĩ… để tạo kênh liên lạc cho mình với các fan hoặc những người quan tâm.
7. Postach.io: Postach.io
Nền tảng này cho phép người dùng sử dụng ứng dụng ghi chú Evernote để chia sẻ nội dung. Không những vậy, nên tảng blog này còn tích hợp nhiều công cụ khác như công cụ bình luận Disqus, Google Analytics, cho phép tùy chỉnh tên miền,…
Dịch vụ hiện đang trong giai đoạn beta nhưng cũng cung cấp cho người dùng một số tính năng tùy biến.
Ưu điểm: dung lượng nhẹ và dễ cài đặt, sử dụng.
Khuyết điểm: còn ít tùy biến.
Dự đoán: việc tích hợp nhiều công cụ và những ứng dụng của bên thứ 3 như Evernote sẽ tạo thuận lợi cho việc ghi nhanh lại những suy nghĩ hoặc trình bày một bài viết đa phương tiện. Đây là một nền tảng nhiều triển vọng trong tương lai.
8. Google+: Plus.google.com
Google+ cơ bản là một mạng xã hội và nó được hẫu thuận bởi gã khổng lồ Google. Tuy nhiên người dùng cũng có thể lợi dụng những tính năng của nó để biến trang Google+ của mình thành một blog cá nhân.
Ưu điểm: có một cộng đồng rộng lớn.
Nhược điểm: không phải là nền tảng blog chính thống nên hầu như rất ít tùy biến.
Dự đoán: Google+ chỉ thích hợp với một số người chứ không phải là lựa chọn của số đông cho việc viết blog.
9. Facebook Notes: Facebook.com/notes
Facebook Notes là tính năng ghi chú được tích hợp trên Facebook, về cơ bản có thể xem nó như một nền tảng blog. Facebook Notes cho phép người viết blog tạo ra một bài viết với chèn hình ảnh, URL, khối trích dẫn,… Thiết kế của Facebook Notes được đánh giá là khá đơn giản.
Ưu điểm: có 1,1 tỷ người sử dụng Facbook mỗi tháng.
Khuyết điểm: có nhiều dịch vụ cung cấp cho việc viết blog chuyên nghiệp hơn Facebook.
Dự đoán: những người viết blog chuyên nghiệp sẽ ít thấy hứng thú với Facebook Notes vì nó quá đơn giản và dễ bị hòa lẫn vào những nội dung khác của Facebook.
10. SETT: Sett.com
Một nền tảng blog mới tập trung vào việc xây dựng sự tương tác của cộng đồng các blogger. Nền tảng này cho phép người đọc tìm kiếm những bài blog có nội dung tương tự của các blogger khác nhau và xây dựng cả những room "chat" trên trang cá nhân của mình để cho mọi người cùng thảo luận.
Ưu điểm: nhiều cơ hội để tìm kiếm được những người viết blog có cùng chung quan điểm, ý tưởng.
Khuyết điểm: do là một nền tảng mới nên SETT thiếu hụt nhiều tính năng vốn có trên các nền tảng khác.
Dự đoán: là một nền tảng khá hứa hẹn trong việc thu hút một cộng đồng những người cùng sở thích.
11. Ghost: Tryghost.org
Ghost là một nền tảng blog mã nguồn mở từ một dự án khởi nghiệp của Kickstarter với số tiền đóng góp lên đến 300.000 USD, cao hơn con số 25.000 USD mục tiêu ban đầu.
Ban đầu, dự án chỉ dành cho những người ủng hộ nó trên Kickstarter nhưng hiện nay tất cả người dùng đều có thể tải về và cài đặt phần mềm Ghost trên máy tính của mình.
Nền tảng đã nhận được nhiều lời khen từ người dùng đặc biệt là các tùy biến mà nó mang lại cho trang blog.
Ưu điểm: mang đến một cách tiếp cận mới cho blog, thích hợp cho cho các doanh nghiệp tạo kênh giao lưu với khách hàng.
Khuyết điểm: không miển phí và hơi phức tạp với những người chưa rành về công nghệ.
Dự đoán: Ghost có thể là một nền tảng tốt nhưng với việc thu phí người dùng sẽ giới hạn rất nhiều đến việc mở rộng số thành viên tham gia nền tảng này.
12. Squarespace: Squarespace.com
Squarespace là là một nền tảng blog phổ biến dùng cho doanh nghiệp. Phát triển và lưu trữ Blog chỉ là một phần, Squarespace còn được sử dụng để tạo ra và quản lí các trang web thương mại điện tử.
Squarespace cho cho người dùng thử nghiệm trong vòng 14 ngày sau đó dịch vụ này bắt đầu thu phí, khoảng 8 USD/tháng cho hợp đồng ít nhất là 1 năm. Hợp đồng này cũng đã bao gồm các khoảng phí sửa chữa và nâng cấp.
Ưu điểm: nhiều tính năng, giao diện đẹp, hỗ trợ nhiều cho website doanh nghiệp.
Khuyết điểm: phù hợp cho một trang web kinh doanh hơn là việc viết blog.
Dự đoán: hãy xem xét chọn Squarespace nếu bạn là một doanh nghiệp, nếu chỉ muốn viết blog nên lựa chọn một nền tảng khác, ít nhất là bạn không phải trả phí.
13. Typepad: Typepad.com
Typepad là một nền tảng blog đã có từ những ngày đầu của trào lưu blog. Bây giờ, người dùng phải chi phí khoảng 8,95 USD/tháng (gần 200 ngàn/tháng) khi sử dụng dịch vụ, bao gồm tập hợp các thiết kế giao diện, lưu trữ không giới hạn và dịch vụ khách hàng.
Typepad có tính tinh cậy khá cao và khả năng tùy biến được đánh giá cao hơn cả WordPress.
Ưu điểm: dễ dàng cài đặt và sử dụng.
Khuyết điểm: không miễn phí và có một số gàng buộc không dễ chịu với người dùng.
Dự đoán: Typepad vẫn đang được sử dụng bởi nhiều người nhưng những tùy chọn khác sẽ khiến bạn thoải mái hơn trong chính sách quản lí trang cá nhân của mình.
14. Posthaven: Posthaven.com
Posthaven ra đời sau khi Posterous bị Twitter đóng cửa. Nên ít nhiều nó cũng mang những nét đặc trưng của người tiền nhiệm đặc biệt là khả năng hỗ trợ khá tốt các tập tin đa phương tiện. Người dùng phải trả cho nhà cung câp dịch vụ 5 USD/tháng (hơn 100 ngàn/tháng).
Ưu điểm: không có nguy cơ bị ngắt mạng.
Khuyết điểm: Vẫn còn ở trong gia đoạn thử nghiệm nên nhiều tính năng cần thiết vẫn bị hạn chế hơn so với các dịch vụ khác.
Dự đoán: sẽ tiếp tục phát triển với những tính năng bảo mật tốt, mặc dù có thu phí.
15. LinkedIn: Linkedin.com
LinkedIn là một nền tảng thu hút khá nhiều những doanh nhân và các nhân vật nổi tiếng tham gia như Richard Branson và Tổng thống Obama.
LinkedIn ban đầu chỉ giới hạn trong những người được mời tham gia nhưng vào tháng 2/2014 nó đã được chia sẻ cho tất cả mọi người.
Ưu điểm: đây là một nền tảng rộng mở cho tất cả mọi người tham gia.
Nhược điểm: không có nhiều tùy biến.
Dự đoán: đây có thể là một lựa chọn phổ biến cho cộng đồng những người thích chia sẻ trên mạng xã hội LinkedIn và không chú tâm quá nhiều vào những tính năng của một trang blog chuyên nghiệp.
Hi vọng bài viết sẽ mang đến cho đọc giả những thông tin hữu ích trước khi quyết định chọn cho mình một nền tảng blog phù hợp nhất. Hiện bạn đọc VnReview đang sử dụng kênh blog nào? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần bình luận dưới đây.
Minh Trung
Theo TheNextWeb