6 đại dịch giết chết nhiều người nhất lịch sử


Bệnh đậu mùa

Đậu mùa là bệnh khá lâu đời, xuất hiện lần đầu từ thời kỳ Ai Cập cổ đại. Trước khi được loại trừ hoàn toàn nhờ tiêm chủng, tỷ lệ tử vong 30%. Những người may mắn sống sót phải chịu nhiều biến chứng và mang sẹo trên cơ thể suốt cả đời.

Trẻ em xếp hàng tiêm vắcxin đậu mùa những;năm 1960. Ảnh: 22-91.ru

Ở châu Âu, đậu mùa ước tính đã giết chết 60 triệu người, tính riêng trong thế kỷ 18. Căn bệnh lây lan sang Mỹ thông qua những người nhập cư, là nguyên nhân tử vong của hầu hết dân bản địa. 

Đến năm 1980, sau chiến dịch tiêm vắcxin toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động, đậu mùa được tiêu diệt hoàn toàn. Ca bệnh tự nhiên cuối cùng được ghi nhận tại Somalia vào năm 1977. Một năm sau đó, tai nạn phòng thí nghiệm ở thành phố Bringham, Anh, gây ra một vụ dịch nhỏ, khiến một người chết.

Từ đó đến nay, thế giới chưa phát hiện thêm ca bệnh đậu mùa nào khác.

Bệnh lao

Bệnh lao xuất hiện vào năm 3.000 đến năm 2.400 trước Công nguyên, là nguyên nhân tử vong chính của người dân thế kỷ 19-20, theo Thư viện Đại học Harvard. 

Bệnh có nguồn gốc từ vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB), tấn công phổi, thận, cột sống hoặc não, lây truyền qua không khí.

Cuối thế kỷ 19, từ 70 đến 90% dân số đô thị châu Âu và Bắc Mỹ được chẩn đoán nhiễm trực khuẩn lao. Tỷ lệ tử vong 80%. 

Ngày nay, bệnh lao rất hiếm gặp tại các nước phát triển. Tuy nhiên, theo WHO, số người chết vì bệnh lao chỉ đứng sau HIV/AIDS. Năm 2012, có 8,6 triệu người mắc lao, 1,3 triệu trong số đó tử vong.

Người có hệ thống miễn dịch yếu dễ mắc bệnh lao hơn. Do đó, bệnh thường phổ biến ở các quốc gia có lượng người nhiễm HIV/AIDS cao.

Bệnh sốt rét

Hiện sốt rét vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ở các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Phi, cận Sahara. 

 

Trẻ em châu Phi được tiêm vắcxin sốt rét. Ảnh: Washington Post

WHO ước tính, trong năm 2012 có khoảng 207 triệu ca sốt rét trên toàn thế giới, khiến 627.000 người tử vong.

Sốt rét từng là nỗi ám ảnh của người dân châu Âu, lây lan cho khoảng hơn 90.000 người vào năm 1995, nhưng đã bị xóa sổ vào cuối thế kỷ 20. Các trường hợp nhỏ lẻ xuất hiện lại vào năm 2009, tuy nhiên không bùng phát thành dịch.

Bệnh sốt rét gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền sang người qua muỗi Anophen đốt.

Bệnh dịch hạch

Bệnh dịch hạch Justinian, còn có tên là "cái chết đen" bùng phát năm 541-543 sau Công nguyên, là đại dịch đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử.

Được đặt theo tên của Justinian, hoàng đế của Đế quốc Byzantine (Đế chế Đông La Mã), căn bệnh bắt nguồn từ Ethiopia, lan rộng khắp thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người dân châu Âu, châu Phi và Nga trong thời gian ngắn.  

Trong vòng 200 năm tiếp theo, dịch hạch giết chết 100 triệu người trên khắp khu vực Địa Trung Hải. 

Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật gặm nhất như chuột, sóc, thỏ... và được truyền sang người qua vét cắn của bọ chét ký sinh.

Dịch tả

Tả là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có nguồn gốc ở Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước, lây lan lần đầu sang châu Âu kể từ năm 1831 đến năm 1832. Người bệnh mắc tả do ăn phải thực phẩm bẩn hoặc uống nước ô nhiễm. Các triệu chứng bao gồm đau bụng dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy.

 

Vi khuẩn tả. Ảnh: Past Medical History

Bệnh tả ảnh hưởng tới khoảng 3-5 triệu người trên khắp thế giới, gây ra 58.000 đến 130.000 ca tử vong mỗi năm. Các ca bệnh chủ yếu được ghi nhận ở nước đang phát triển.

Cúm Tây Ban Nha

Theo giới khoa học châu Âu, cúm Tây Ban Nha được coi là một trong những dịch bệnh tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Bệnh dịch xảy ra vào Thế chiến thứ nhất, lây lan khoảng 500 triệu người, gây ra 100 triệu ca tử vong trong hai năm 1918-1919. 

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác nhận nguyên nhân của căn bệnh. Cái tên "cúm Tây Ban Nha" được đặt theo quốc gia ghi nhận các ca bệnh đầu tiên. 

Bệnh bại liệt

Bệnh bại liệt gây ra bởi một virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, có thể gây ra tê liệt, tử vong. 

Bại liệt bùng phát thành đại dịch vào những năm 1940-1950 tại châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và New Zealand, trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Chính quyền Mỹ thậm chí phải ban hành lệnh cấm du lịch giữa các thành phố để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh. 

Cao điểm năm 1952, có 21.269 người Mỹ phải nhập viện vì bại liệt, trong đó 3.145 trường hợp tử vong. 

Hiện, bệnh đã có vắcxin, hiệu quả phòng ngừa đến 90%, hy vọng sẽ được loại trừ hoàn toàn trong thập kỷ này.

Theo VNE

Top