Luôn khẳng định coi quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu, Apple có thực sự là "người hùng" của bạn?
Theo Bloomberg, Apple đã định vị bản thân là "nhà vô địch" về quyền riêng tư. Ngay cả khi Facebook và Google theo dõi hành vi của chúng ta trên internet vì lợi ích của nhà quảng cáo thì Apple vẫn không chạy theo mô hình kinh doanh đó. Khi Facebook bị lôi kéo vào một vụ bê bối rò rỉ dữ liệu với một nhà phát triển ứng dụng, Tim Cook – Giám đốc điều hành của Apple – cho biết ông sẽ không bao giờ rơi vào tình huống này. Ông nhấn mạnh lập trường trước sau như một của Apple. Cook cho rằng quyền riêng tư là nhân quyền, ông nói: "Chúng tôi không bao giờ rời xa những giá trị của mình".
Chiến dịch quảng bá được thực hiện và các phương tiện truyền thông mô tả Apple như "anh hùng", đối lập với hình ảnh kẻ phản diện là Facebook. Tuy nhiên, công ty giá trị nhất thế giới - giá trị thị trường của Apple vượt mốc 1 nghìn tỷ đô la vào ngày 2 tháng 8 – vẫn có một số vấn đề bảo mật tương tự như các gã khổng lồ công nghệ khác khi đề cập đến vấn đề ứng dụng. Apple từ bỏ trách nhiệm của mình đối với các trường hợp lạm dụng dữ liệu có thể xảy ra, thay vào đó họ đá quả bóng trách nhiệm sang cho các nhà phát triển độc lập - những người tạo ra các sản phẩm có sẵn trong App Store.
Bloomberg News gần đây đã tiết lộ rằng trong nhiều năm, các nhà phát triển ứng dụng iPhone đã được phép lưu trữ và bán dữ liệu từ những người dùng cho phép truy cập danh sách liên hệ của họ, ngoài số điện thoại, có thể bao gồm ảnh và địa chỉ nhà của người khác. Theo một số chuyên gia bảo mật, phần Ghi chú (Notes) - nơi mọi người đôi khi liệt kê các số An sinh Xã hội cho vợ/chồng hoặc con cái của họ - đặc biệt nhạy cảm. Vào tháng Bảy, Apple đã thêm một quy tắc vào hợp đồng của mình với các nhà phát triển ứng dụng, đó là cấm lưu trữ và bán các dữ liệu đó. Điều này nghe có vẻ phô trương nhưng hầu như không tạo ra sự khác biệt thực sự nào.
Khi các nhà phát triển nhận được thông tin của chúng ta và của những người quen trong danh sách liên hệ (của chúng ta), họ sử dụng thông tin đó như thế nào là điều Apple không thể biết. Nó có thể được bán cho các nhà môi giới dữ liệu, được chia sẻ với các chiến dịch chính trị hoặc được đăng trên internet. Quy tắc mới cấm điều đó, nhưng Apple không làm gì để khiến các nhà phát triển khó thu thập thông tin về mặt kỹ thuật.
Đây là một tình huống khiến CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã phải điều trần 10 tiếng đồng hồ trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 4. Trong vụ này, nhà phát triển ứng dụng không chỉ thu thập thông tin người dùng Facebook mà còn chia sẻ nói với Cambridge Analytica, công ty tư vấn cho chiến dịch bầu cử của tổng thống Trump. Có tới 87 triệu người bị ảnh hưởng, mặc dù chỉ có 270.000 người sử dụng ứng dụng của nhà phát triển trên. Các thượng nghị sĩ đã thẩm vấn Zuckerberg về lý do tại sao công ty không có phương tiện để biết dữ liệu đã đi đến đâu. CEO Facebook cho biết: "Một khi nó đã ra khỏi hệ thống của chúng tôi, chúng tôi rất khó để biết được điều gì xảy ra với nó".
Apple cũng có các đối tác dạng như Cambridge Analytica, nhưng họ đã thành công trong việc thuyết phục người dùng rằng chính sách của họ mang lại lợi ích tốt nhất cho người dùng. Thật vậy, thông tin từ Bloomberg cho thấy các nhà lập pháp và những người ủng hộ quyền riêng tư hầu hết đều bày tỏ sự ủng hộ đối với quy tắc của Apple. Mark Warner, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, một trong những người phê phán Facebook gay gắt nhất cho biết Cook và công ty của ông "nên được hoan nghênh vì những động thái giúp người dùng kiểm soát tốt hơn dữ liệu".
Nhưng thực chất Apple không có quyền kiểm soát những dữ liệu này.
Lập luận chính của Apple về việc tại sao họ là người bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn cả là vì họ không hề hứng thú với việc thu thập dữ liệu. Apple đơn giản không cần phải làm vậy, vì vốn họ không kiếm tiền từ quảng cáo. Một số dữ liệu đúng là sẽ an toàn hơn khi lưu trữ trên thiết bị thay vì giao cho bên thứ ba, nhưng khi nói đến nhà phát triển ứng dụng thì điều đó giống như trường hợp một phụ huynh – trong trường hợp này là Apple – tuyên bố rằng trẻ em (nhà phát triển) được giám sát tốt. Tuy nhiên, mọi thứ không phải như vậy. Sau khi Apple xem xét phê duyệt các ứng dụng, họ không thể xem các dữ liệu mà những ứng dụng này thu thập.
Apple đã không trả lời được câu hỏi liệu họ có cấm bất kỳ ứng dụng nào khi thực hiện chính sách bảo mật mới đây của mình hay không. Joseph Jerome, một luật sư chính sách về dự án quyền riêng tư và dữ liệu của Trung tâm Dân chủ & Công nghệ, một nhóm ủng hộ người tiêu dùng tại Washington tập trung vào chính sách công nghệ nói: "Các quy tắc của App Store luôn được thực thi có chọn lọc". Apple luôn luôn có thể tìm thấy một số nhà phát triển để làm ví dụ điển hình cho chính sách của mình. Apple cũng có thể đe dọa thực hiện kiểm tra đối với các ứng dụng mà họ nghi ngờ thu thập dữ liệu người dùng bất hợp pháp. Nhưng rõ ràng Apple không thể đảm bảo rằng các ứng dụng của bên thứ 3 sẽ sử dụng dữ liệu thu thập một cách có trách nhiệm. Jerome nói: "Thật sự để xem cách các nhà phát triển sử dụng dữ liệu cũng đã là khó khăn".
Mạng lưới các nhà phát triển của iOS mạnh mẽ hơn và có ảnh hưởng hơn so với mạng lưới đối tác của Facebook. Các lập trình viên đã tạo ra mọi thứ mà khách hàng sử dụng trên iPhone của họ trong 10 năm qua (trừ những ứng dụng cho Apple phát triển). Các nhà phát triển đã kiếm được 100 tỷ USD doanh thu trong thời gian đó, ngay cả khi Apple thu phí trung bình 30% dựa trên doanh thu của họ.;
Những thông tin thu thập được từ khách hàng của Apple giúp cho trò chơi, chuyển tiền và ứng dụng trò chuyện hoạt động tốt hơn. Tính năng này hữu ích khi quảng cáo cho những người biết nhau nhưng chưa xài cùng ứng dụng. Facebook nói với các nhà lập pháp rằng dữ liệu của người dùng được đưa vào tính năng "People You May Know" để gợi ý những người họ muốn trở thành bạn bè. Theo blog công nghệ Gizmodo, một người đàn ông đã sắp xếp riêng với một cặp vợ chồng để hiến tặng tinh trùng, nhiều năm sau đó ông sẽ được nhắc nhở để thêm đứa bé như là một người bạn trên Facebook. Ông chưa bao giờ nhìn thấy đứa con gái về mặt sinh học của mình nhưng anh vẫn liên lạc với cặp đôi, vì vậy Facebook có thể đã kết nối ông qua danh bạ.
Apple đã xây dựng 2 lựa chọn điều khiển trực tiếp cho người dùng: một, khi bạn đồng ý chia sẻ thông tin của mình với nhà phát triển; cái còn lại là khi bạn bật tính năng cài đặt (settings) để từ chối quyền này. Nhưng có vẻ mọi thứ không đơn giản như vậy. Lựa chọn đầu tiên cung cấp cho nhà phát triển quyền truy cập vào mọi thứ bạn đã lưu trữ về những người bạn biết, nhiều hơn số điện thoại của họ và không được họ cho phép. Tùy chọn thứ 2 chỉ mang tính hình thức. Việc tắt chia sẻ chỉ chặn nhà phát triển truy cập liên tục — nó không xóa dữ liệu đã được thu thập.
Điện thoại chạy hệ điều hành Android của Google cũng gặp phải vấn đề tương tự. Trên trang trợ giúp người tiêu dùng, công ty cho biết việc xóa quyền truy cập của các nhà phát triển vào danh sách liên hệ sẽ không xóa thông tin mà họ đã có.
Cook nhận được một lá thư từ Ủy ban Năng lượng và Thương mại vào tháng Bảy với câu hỏi về cách Apple xử lí dữ liệu của người tiêu dùng. Trong đó có câu: "Liệu Apple có thể kiểm soát hoặc hạn chế dữ liệu được thu thập bởi các ứng dụng của bên thứ ba có sẵn trên App Store không?".
Vào ngày 7/8, Apple đã trả lời bằng một tài liệu nhiều trang bao gồm tuyên bố này: "Apple không và không thể giám sát những gì các nhà phát triển thực hiện với dữ liệu khách hàng mà họ đã thu thập hoặc ngăn chặn việc chuyển dữ liệu đó. Chúng tôi không có khả năng để đảm bảo sự tuân thủ của nhà phát triển với chính sách bảo mật của riêng họ hoặc luật pháp địa phương. Mối quan hệ giữa nhà phát triển ứng dụng và người dùng là trực tiếp. Trách nhiệm thu thập và sử dụng dữ liệu thuộc về nhà phát triển".
Nếu Apple muốn thực sự trở thành người ủng hộ quyền riêng tư của người dùng, họ có thể dẫn đầu trong việc xây dựng một hệ thống tốt hơn - một hệ thống cho phép khách hàng của mình kiểm soát trực tiếp hơn những người có dữ liệu của họ. Jennifer King, giám đốc về quyền riêng tư người tiêu dùng tại Trung tâm Internet và Xã hội của Stanford cho rằng các công ty không cố gắng để người dùng kiểm soát sâu hơn danh sách liên lạc của họ vì nó không có ích cho lợi nhuận.
Nhà phát triển có quyền truy cập vào hàng chục điểm dữ liệu khác nhau khi người dùng chấp nhận cho họ thu thập. Vì vậy, bước đầu tiên mà công ty phải làm là: Hạn chế họ nhận bất kỳ thông tin nào từ danh sách của người dùng ngoài số điện thoại và địa chỉ email. Bước tiếp theo là thiết kế lại bảng điều khiển ứng dụng để cho phép người dùng mã hóa hoặc từ chối chia sẻ một số liên hệ nhất định.
Đây chỉ là các bước — không phải là giải pháp hoàn chỉnh. Điều đó yêu cầu Apple phải biết chúng ta là ai và ai đang theo dõi dữ liệu của chúng ta trên internet. Đối với tất cả các vấn đề riêng tư của Facebook, ít nhất người dùng cũng nhận được những cảnh báo về việc ai có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự rò rỉ của Cambridge Analytica. Apple không có cơ chế như vậy. Nếu công ty nhất quyết không biết điều gì sẽ xảy ra với dữ liệu riêng tư của chúng ta thì ít nhất họ cũng phải giúp đảm bảo rằng chúng ta không chia sẻ dữ liệu nhiều hơn mức cần thiết.
Bạch Đằng