Bạn biết gì về “burn-in” trên màn hình OLED? Và làm sao để giảm thiểu nguy cơ?


Hẳn bạn đã từng ít nhất nghe thấy một lần cụm từ "burn-in" hay "lưu ảnh". Một hiện tượng không ai mong muốn gặp phải trên thiết bị của mình.

"Burn-in" từ lâu được xem là một "tính năng" của màn hình OLED. Bạn sẽ không thể sửa chữa nó, theo MakeUseOf, tuy nhiên có thể phòng tránh bằng nhiều cách khác nhau để giảm nguy cơ xuống mức thấp nhất. Nếu phát hiện thấy màn hình trên chiếc Galaxy S10 hay iPhone X bị mắc kẹt một hình ảnh mờ mờ, bất kể hiển thị nội dung gì, rất có thể điện thoại bạn đã bị burn-in.

"Burn-in" là hiện tượng gì?

Hiện nay trên thị trường smartphone có hai công nghệ màn hình chủ đạo là LCD và OLED. Trong đó, loại OLED là nguyên nhân gây nên nỗi ám ảnh mang tên "burn-in" khiến nhiều người không thích. Giữa ma trận tên gọi mà các hãng đặt ra, nhiều người vẫn còn bị lầm lẫn về màn hình OLED. AMOLED, Super AMOLED, P-OLED, tất cả chúng đều là OLED, trong đó AMOLED và P-OLED đề cập đến đặc tính kỹ thuật của màn hình OLED, còn Super AMOLED là thuật ngữ tiếp thị. Một khi bạn đã chọn màn hình OLED thì dù là loại nào, cũng đều phải đối mặt với nguy cơ bị burn-in.

Các smartphone trên thị trường đều có hai lựa chọn về công nghệ màn hình: LCD hay OLED?

Chúng ta biết OLED còn có tên gọi Organic LED (màn hình LED hữu cơ) để nhắc đến chất hữu cơ dùng trong từng điểm ảnh phụ, khi phát sáng sẽ ra các màu Red, Green, Blue. Các chất này có vòng đời không giống nhau, sau một thời gian phát sáng, các điểm ảnh phụ sẽ dần bị thoái hóa với tốc độ khác nhau. Chính điều này dẫn đến burn-in. Thường thì các khu vực hiển thị ảnh tĩnh trong thời gian dài sẽ dễ bị nhất, ví dụ thanh trạng thái, thanh điều hướng, icon.

Tại các khu vực này, điểm ảnh được lệnh hiển thị cố định một nội dung, trong khi những điểm ảnh khác xung quang lại thay đổi nội dung liên tục. Kéo dài trong một thời gian, sẽ dẫn đến chênh lệch giữa các điểm ảnh, bạn càng dùng với cường độ cao thì chênh lệch càng lớn. Điều đó giải thích tại sao các máy Galaxy, iPhone có màn hình OLED được trưng bày thường rất nhanh bị burn-in. Đôi khi in nguyên mảng màu với bốn ô vuông bo tròn bên trong, đặc trưng của thanh đế iOS.

Một chiếc iPhone X trưng bày bị burn-in

OLED có đặc tính khi hiển thị giao diện nhiều mảng màu trắng, chúng sẽ bật tất cả các điểm ảnh phụ Red, Green, Blue để tạo ra ánh sáng trắng. Việc này tiêu tốn điện năng khá nhiều và đặc biệt, bơm dòng điện vào các diode hữu cơ đó chẳng khác nào đẩy nhanh quá trình thoái hóa. Bởi vì trong ba điểm ảnh phụ, loại Blue có vòng đời ngắn nhất. Hiện nay người ta sử dụng hai vật liệu hữu cơ là huỳnh quang (Fluorescence) và lân quang (PHOLED). Trong khi Red và Green thường sử dụng lân quang có hiệu suất phát sáng cao, Blue lại phải dùng huỳnh quang do chất lân quang phát sáng xanh dương có tuổi thọ quá kém.

Huỳnh quang của điểm ảnh phụ Blue có hiệu suất phát sáng kém hơn Red và Green làm từ lân quang, nên cần kích thích dòng điện mạnh hơn để cân bằng với hai điểm ảnh phụ kia. Điều này bào mòn tuổi thọ hơn nữa, tăng nguy cơ bị burn-in. Tất cả màn hình OLED trên smartphone hiện nay đều là loại phát sáng RGB (phân biệt với White OLED trên TV), nhưng không hãng nào dùng ma trận điểm ảnh RGB Stripe mà chỉ dùng Pentile (RGBG hoặc RBGB), chính là vì lí do này.

Ma trận Pentile RGBG đặc trưng của màn hình OLED Samsung

Khi điểm ảnh phụ Blue xuống quá mức, Red và Green sẽ chiếm ưu thế và bạn có thể thấy màn hình ngả hồng, xanh lá, hoặc vàng một cách thái quá. Tuy nhiên trong thời gian đầu sử dụng, bạn không cần lo lắng quá mức. Burn-in chỉ xuất hiện sau một thời gian dài sử dụng, với cường độ sử dụng cao. Các màn hình trên flagship đều có chất lượng rất tốt, trừ một số ít bị lỗi.

Kiểm tra như thế nào?

Đầu tiên, hãy cài đặt ứng dụng Screen Test của nhà phát triển Hajime Namura. Sau đó chạm vào màn hình để đổi liên tục giữ các bảng màu đơn sắc. Nếu bạn thấy có hình ảnh lờ mờ xuất hiện, hoặc màu sắc loang lổ không đều, rất có thể bạn đã bị burn-in.

Vì burn-in là một "tính năng" của màn hình OLED, chúng ta chỉ còn cách "sống chung với lũ". Người dùng Samsung lâu năm hẳn rất có kinh nghiệm với chuyện này, khi công ty Hàn Quốc là hãng có nhiều mẫu máy trang bị màn hình OLED nhất.

Một chiếc điện thoại Galaxy bị burn-in

Biện pháp giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất?

Sau khi đã tìm hiểu về nguyên nhân, cách kiểm tra, giờ là lúc chúng ta phải đối phó với nó.

1. Độ sáng màn hình.

Như ở trên đã trình bày, hãy giảm tải áp lực mà điểm ảnh phụ Blue phải chịu đựng. Bằng cách không để màn hình độ sáng cao trong thời gian dài. Hạn chế thời gian bật màn hình (có vẻ khá cực đoan!), hoặc giảm thời gian màn hình tự tắt.

Các hãng sản xuất đôi khi cũng khuyên bạn làm như này, ví dụ Apple. Chế độ tự động điều chỉnh độ sáng cũng có thể là một lựa chọn.

2. Thanh thông báo và điều hướng.

Đây là hai thành phần dễ bị burn-in nhất, như đã đề cập ở phần đầu. Tốt nhất bạn hãy ẩn nó đi được càng nhiều càng tốt, tránh để icon thông báo, nút ảo hiển thị quá lâu.

Một số nhà sản xuất bắt đầu dùng cử chỉ điều hướng vuốt để thay thế hàng phím ảo, cho phép nội dung tràn toàn màn hình không vướng bận. Cách này tỏ ra lợi ích cả về trải nghiệm lẫn chống burn-in.

Cuối cùng, tự bản thân hãng sản xuất phải chỉnh các icon di động một chút, ví dụ Samsung.

Hàng phím ảo trên Galaxy S8 tự động xê dịch các icon một chút để tránh burn-in

3. Màu sắc giao diện.

Bạn có thể tận dụng đặc tính của chính màn hình OLED, hiển thị màu đen càng nhiều càng tốt. Điểm ảnh phụ sẽ đỡ phải làm việc vất vả hơn. Ngày nay, với sự phổ biến của màn hình OLED, các hãng phần mềm đã chú ý hơn đến Dark Mode. Chế độ này chính là "cặp bài trùng" để bạn khai thác cả lợi ích màu đen sâu lẫn tiết kiệm năng lượng của công nghệ này.

Hạn chế hiển thị các nội dung nhiều mảng màu trắng, xanh dương quá lâu. Rất có lợi cho điểm ảnh phụ Blue vốn "yếu đuối".

Thường xuyên thay đổi hình nền, giao diện. Bên cạnh độ sáng cao trong thời gian dài, các thành phần hiển thị tĩnh cũng khiến burn-in dễ xảy đến hơn, theo Android Authority. Tuy nhiên một số ứng dụng như Youtube thường đặt khung video cố định, tốt nhất bạn nên tránh xem video chiều dọc quá lâu, nhất là sử dụng đa nhiệm chia đôi màn hình, vừa xem video Youtube vừa lướt Facebook.

Không có cách nào có thể giúp bạn loại bỏ hoàn toàn vấn đề nhức nhối này. Chúng ta có thể hy vọng trong tương lai, các hãng tìm đến những giải pháp mang tính gốc rễ hơn. Ví dụ chuyển qua thương mại hóa vật liệu hữu cơ mới TADF Blue, thay thế cho huỳnh quang hiện tại.

Ambitious Man

Top