VnReview
Hà Nội

Chương trình bảo vệ nhân chứng của Mỹ hoạt động ra sao?

Chương trình bảo vệ nhân chứng liên bang Hoa Kỳ, còn được gọi là Chương trình an ninh nhân chứng (WITSEC), là một hệ thống được xây dựng nên để bảo vệ các cá nhân trước những mối nguy hiểm bằng cách thay đổi toàn bộ danh tính của họ.

Nó tập trung vào những người đóng vai trò nhân chứng trong một phiên toà và từng bị đe doạ hoặc nghi ngờ đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, chính xác thì chương trình này hoạt động ra sao, và nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến những người tham gia?

Lịch sử của WITSEC

WITSEC được quy định tại Chương V của Đạo luật Kiểm soát Tội phạm Có tổ chức vào năm 1970. Sau đó, nó được chỉnh sửa lại trong Đạo luật Kiểm soát Tội phạm Toàn diện vào năm 1984. Vào giữa những năm 1960, vị thẩm phán được giao phụ trách Đơn vị Tình báo và Đặc trách thuộc cục Tội phạm có tổ chức và Làm tiền phi pháp, Gerald Shur, là người đã bắt đầu xây dựng chương trình cho đến khi nó chính thức được công nhận vào năm 1970.

Nguyên nhân ra đời của WITSEC nhiều khả năng xuất phát từ sự gia tăng đáng quan ngại hoạt động bạo lực băng đảng vào thập niên 1950 và 1960, cũng như việc ngày càng ít nhân chứng sẵn sàng đứng ra vạch trần tội phạm.

Hầu hết các nhân chứng tham gia vào chương trình đều sẽ được bảo vệ bởi Cục Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ ở cấp độ liên bang. Một số bang có các chương trình của riêng họ dành cho những người không nằm trong diện này. Ví dụ, Cục Nhà tù Liên bang sẽ đảm nhận việc bảo vệ các tù nhân đã bị đưa vào trại. Kể từ năm 1971, Cảnh sát Hoa Kỳ đã hỗ trợ hơn 8.600 nhân chứng và 9.900 thành viên gia đình họ đến nơi ở mới.

Cách thức hoạt động của WITSEC

Một nhân chứng phải đáp ứng những yêu cầu bắt buộc nhất định mới được tham gia vào WITSEC. Đầu tiên, nhân chứng này phải nắm trong tay bằng chứng vô giá đảm bảo sự thành công cho quá trình khởi tố một trường hợp phạm tội. Thứ hai, mạng sống của nhân chứng hay các thành viên gia đình họ phải đang gặp nguy hiểm. Thứ ba, bằng chứng của nhân chứng phải đáng tin cậy và phải được khai đầy đủ tại toà.

Có nhiều nguy cơ và yếu tố cần cân nhắc khi quyết định liệu một người có nên hay không nên tham gia vào WITSEC. Ví dụ, mối đe doạ đối với nhân chứng đó phải đủ nghiêm trọng để cân nhắc những chi phí và nỗ lực bỏ ra cho quá trình di chuyển. Ngoài ra, chính phủ còn phải xem xét nguy cơ nhân chứng có thể gây ra đối với cộng đồng mới nơi họ đến sinh sống dựa trên tình trạng đặc trưng họ đang gặp phải. Cuối cùng, lịch sử phạm tội, các giải pháp bảo vệ thay thế, từng chứng cứ riêng biệt, và những hệ quả tiềm tàng đều phải được cân nhắc.

Nhiều buổi phỏng vấn giữa Cục Cảnh sát Tư pháp, Bộ Tư pháp: Văn phòng Thi hành Pháp luật, và các nhân chứng cùng các thành viên gia đình họ sẽ được tổ chức. Nếu các bên đồng ý rằng lợi ích tốt nhất đối với mọi người là nhân chứng được tham gia vào chương trình, văn phòng của Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Một cuộc sống mới

Các nhân chứng có thể tham gia WITSEC một mình hoặc với các thành viên hạt nhân trong gia đình, trừ một số trường hợp cụ thể. Mọi người trong chương trình phải đồng ý cắt đứt hoàn toàn mọi mối liên hệ với cuộc sống trước đây của họ và nhận những danh tính hoàn toàn mới. Mọi hoạt động giao tiếp với những mối quen cũ đều phải diễn ra thông qua Cục Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ.

Cảnh sát Tư pháp sẽ gúp các thành viên trong chương trình chọn tên mới và một lai lịch mới. Các nhân chứng còn được cấp số an sinh xã hội, giấy chứng sinh, và các tài liệu mới liên quan khác. Chính phủ sẽ giúp họ mua nhà mới và tìm việc mới. Một số khoản tiền hỗ trợ khác cho nhân chứng hay gia đình họ sẽ được cấp tuỳ tình hình.

Ngoại trừ các thủ tục tiêu chuẩn, không có nhiều thông tin được cung cấp về cuộc sống của một thành viên WITSEC, bởi mục đích của toàn bộ chương trình là bảo vệ danh tính của bất kỳ ai tham gia vào đó. Những cuộc phỏng vấn duy nhất xoay quanh quy trình này thường diễn ra sau khi vỏ bọc của các nhân chứng bị lộ. Tuy nhiên, một số thành viên từng tham gia WITSEC cho biết họ luôn sống trong lo sợ mặc dù được bảo vệ. Một số người buộc phải chuyển chỗ ở nhiều lần, trong khi số khác không bao giờ gặp lại ai nữa, tức đã hoàn thành được mục tiêu của chương trình.

WITSEC không buộc người tham gia phải cam kết trọn đời. Các nhân chứng có thể chọn rời chương trình bất kỳ khi nào họ muốn, và có thể được khuyến khích làm điều đó nếu các mối đe doạ đối với họ không còn nũa. Nhưng không ai bị buộc phải rời chương trình miễn là họ tuân thủ mọi quy định. Tuy nhiên, nhiều người đã chọn quay lại cuộc sống cũ khi họ cảm thấy đã đủ an toàn để làm vậy.

Minh.T.T;(theo Mindbounce)

Chủ đề khác