Công nghệ đèn nền miniLED trên TV là gì? Vì sao nó quan trọng?


Thời gian gần đây, một số hãng nhắc đến công nghệ miniLED khi giới thiệu TV hoặc màn hình mới. Có tin đồn sản phẩm của Apple năm sau cũng sẽ tích hợp miniLED. Vậy nó là gì? Mang lại lợi ích gì cho chúng ta? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn làm rõ điều đó.

Bài viết của trang công nghệ How-To Geek, VnReview xin lược dịch cho bạn đọc.

Công nghệ ‘miniLED' hay ‘Mini LED' là gì?

Là một công nghệ màn hình mới, miniLED đang thu hút được sự chú ý của nhiều người. Đây là những chip LED phát sáng có kích thước rất nhỏ, nhỏ hơn loại LED truyền thống và thường được quy ước kích cỡ lớn hơn 100 micron nhưng nhỏ hơn 200 micron. Đối với TV hay màn hình LCD, miniLED được nhắm đến ứng dụng làm hệ thống đèn nền chiếu sáng.

Công nghệ miniLED hiện đang được triển khai làm đèn nền chiếu sáng cho tấm nền LCD (ảnh: TCL)

Bản thân tấm nền LCD không tự phát sáng, do vậy nó cần có nguồn sáng bên ngoài, hiện nay thì LED là công nghệ đèn nền chủ đạo. So với LED truyền thống, miniLED có kích cỡ nhỏ hơn nên có thể bố trí dày đặc hơn, từ đó triển khai công nghệ làm mờ cục bộ (FALD) để kiểm soát ánh sáng tốt hơn khi có nhiều vùng làm mờ hơn.

Mặc dù không thể sánh với công nghệ OLED về màu đen và tương phản, miniLED vẫn cải thiện hai khía cạnh này của màn hình LCD vượt bậc. Trong khi đó, quy trình sản xuất của miniLED lại tương tự LED truyền thống, vậy nên chi phí áp dụng không đội quá cao. So với OLED, các màn hình LCD dùng đèn nền miniLED sẽ có hình ảnh tiệm cận hơn trước đây trong khi giá lại rẻ hơn nhiều.;

TV của TCL hứa hẹn cải thiện tương phản, màu đen gần với OLED, trong khi giá lại rẻ hơn (ảnh: TCL)

Cơ chế hoạt động của đèn nền miniLED là gì?

Điểm yếu chí mạng của LCD là chúng không thể tạo ra màu đen sâu hoàn hảo như OLED. Với các cảnh tối, ánh sáng bị lọt qua lớp tinh thể lỏng sẽ khiến màu đen trở nên ngả xám, hình ảnh bị rửa trôi mất đi chiều sâu vốn có. Rất nhiều người dùng cảm thấy khó chịu với vấn đề nhức nhối này của LCD, chất lượng hiển thị khi chẳng may bị quầng sáng, hở sáng giảm sút rõ rệt.

Như đã nói ở trên, tính năng làm mờ cục bộ (FALD) sinh ra là để giảm thiểu hiện tượng tồi tệ này. Sony là một trong những hãng triển khai sớm nhất với mẫu XBR-8 năm 2008. Khi ra mắt, chiếc TV với công nghệ mới đã cho thấy hiệu quả chặn đứng ánh sáng ấn tượng, chất lượng hình ảnh được xem là khá gần với 'nhà vô địch' Plasma thời bấy giờ.

Nhờ hệ thống đèn nền LED FALD, XBR-8 của Sony được Cnet khen là TV LCD tốt nhất thế giới vào năm 2008

Với TV LED truyền thống, đa phần số vùng làm mờ chỉ khoảng vài trăm. Và do chi phí bị đội lên, nhà sản xuất thường chỉ trang bị FALD trên các dòng cao cấp, hoặc số vùng làm mờ nhiều hơn mẫu dưới nó, hoặc thuật toán điều khiển làm mờ đèn nền chính xác hơn. 

Đối với miniLED, hệ thống đèn nền có thể đạt tới trên 1.000 vùng làm mờ, ví dụ màn hình của Asus hay TV TCL. Kết quả, màu đen và tương phản cải thiện rõ rệt, hình ảnh có chiều sâu hơn, ít bị rửa trôi hơn. Chính vì vậy, công nghệ này nhận được nhiều sự kỳ vọng sẽ giúp LCD cạnh tranh tốt hơn trước OLED.

Vậy miniLED và microLED có gì khác biệt?

Khác biệt đầu tiên là microLED có kích thước nhỏ hơn miniLED rất nhiều. Theo quy ước chung của ngành công nghiệp, chip LED từ 100 micron đến không quá 200 micron là miniLED, nhưng microLED thậm chí còn nhỏ hơn thế, chỉ dưới 100 micron. Do vậy, việc thương mại cũng trở nên khó khăn hơn nhiều. 

Quy ước chung của ngành công nghiệp về LED truyền thống, miniLED và microLED (ảnh: LEDinside)

Với miniLED, có hai hướng ứng dụng là làm đèn nền cho màn hình LCD (đang rất phổ biến hiện nay) và làm điểm ảnh phát sáng, tạo nên các màn hình LED. Còn microLED thì được nhắm thẳng tới làm màn hình LED hiển thị. Lúc này, điểm ảnh sẽ được cấu thành từ các con chip LED cực nhỏ chỉ vài chục micron, bật tắt độc lập tương tự OLED (màn hình LED hữu cơ).

Chúng ta có thể mua TV trang bị đèn nền miniLED chưa?

Hiện nay, rất nhiều bài viết về miniLED chưa hẳn chính xác. Người ta hay gọi trực tiếp "màn hình miniLED" hay "TV miniLED" rất dễ gây hiểu nhầm. Với hướng ứng dụng làm đèn nền đang dần trở nên phổ biến, màn hình và TV về cơ bản vẫn sử dụng tấm nền LCD với hệ thống chiếu sáng LED, chưa thể gọi là "màn hình miniLED" hay "TV miniLED".

TV LCD đang bị gọi sai bằng cái tên "TV LED", dẫn đến cả "TV miniLED" cũng là một cách gọi không đúng (ảnh: Samsung)

Thực tế, người ta cũng đã chế tạo ra các màn hình LED sử dụng công nghệ miniLED. Các điểm ảnh tự phát sáng sẽ dùng các con chip LED nhỏ hơn loại LED truyền thống nhưng chưa đạt tới cỡ microLED. Và đây mới chính là cách gọi đúng "màn hình miniLED", khi điểm ảnh tự phát sáng được. Ngay cả cách gọi TV LCD thành "TV LED" của nhiều người hiện nay cũng là sai.

Quay trở lại với câu hỏi, vậy chúng ta có thể mua TV dùng công nghệ miniLED được chưa? Tất nhiên là rồi. Tuy "TV miniLED" không tồn tại nhưng TV LCD dùng đèn nền miniLED thì đã có. TCL là hãng đầu tiên công bố sản phẩm như vậy, đi trước Sony hay Samsung. Giá khởi điểm cho cỡ 65 inch là 2.000 USD còn 75 inch là 3.000 USD.

TCL hiện đang là hãng hiếm hoi bán các TV QLED sử dụng đèn nền miniLED (ảnh: Youtube)

Tuy vậy, ngoài TCL ra thì chưa thấy các công ty khác quảng bá về sản phẩm tương tự. Trong khi Asus, HP hay MSI đã rục rịch triển khai miniLED tới các laptop và màn hình máy tính của họ. Có lẽ vì chi phí trong thời gian đầu của miniLED còn cao, năng suất chưa đạt đủ quy mô, nên các hãng làm TV còn chần chừ áp dụng.

Vậy tôi có nên mua chúng thay vì OLED hay QLED?

Rõ ràng so với OLED hay QLED thì miniLED còn ít được biết tới hơn. Nhưng cũng xin lưu ý với bạn, các "TV QLED" hiện nay thực ra cũng chỉ dùng công nghệ LCD mà thôi, tức tương tự đèn nền miniLED. Và mẫu TV có miniLED ở trên cũng trang bị luôn cả chấm lượng tử tương tự các TV QLED. Vậy nên phân vân vẫn quay về là bạn thích OLED hay LCD hơn, dù đèn nền nâng cấp lên miniLED hay bổ sung QDEF, LCD vẫn là LCD.

Nếu tiền bạc rủng rỉnh, OLED vẫn là lựa chọn nên được cân nhắc đầu tiên (ảnh: LG)

Nếu tiền bạc không thành vấn đề, OLED là lựa chọn số một hiện nay về chất lượng hình ảnh. Giá của TV OLED cũng đang được đẩy dần xuống, chỉ hơn 30 triệu đồng là bạn có thể sở hữu một chiếc. Nhược điểm của chúng vẫn là nguy cơ bị burn-in và mẫu mã kém đa dạng. Đôi khi, dù có tiền cũng chưa chắc bạn mua được chỉ vì sản phẩm đã hết hàng.

Còn QLED hay miniLED rõ ràng có lợi thế là sự cải thiện chất lượng hình ảnh cho LCD, vậy nên chúng là sự thay thế lý tưởng nếu bạn e ngại burn-in, hầu bao hạn hẹp. Hiện tại thì miniLED mới xuất hiện nên còn chưa phổ biến, tạm thời chưa cần quan tâm về chúng. Trong khi QLED đã được Samsung, TCL và nhiều hãng khác triển khai, sẽ dễ kiếm hơn.

Ambitious Man

Thành viên mới đăng
Top