Có thể nói, MSI GeForce RTX 3080 Suprim X là chiếc card đồ hoạ RTX 3080 mạnh nhất mà bạn có thể mua trên thị trường hiện nay, một cách để MSI khẳng định vị thế với dòng sản phẩm hoàn toàn mới của mình. Tuy nhiên, đi kèm với nó là một mức giá không hề "dễ thở" chút nào.
Trình làng vào cuối tháng 11 vừa qua, Suprim X là dòng card đồ hoạ cao cấp mới nhất đến từ "Rồng đỏ" MSI, được định vị ở phân khúc cao hơn Gaming X Trio và tất nhiên là cả Ventus. Nhiều khả năng, Suprim X sẽ đóng vai trò như sự thay thế cho dòng Gaming Z của hãng, vốn thường bị hiểu nhầm chỉ là phiên bản nâng xung của Gaming X, trong khi trên thực tế chúng thường có cả những sự cải tiến về phần cứng bên trong.
Bên cạnh việc khoác trên mình một thiết kế mới mẻ hơn, Suprim X còn được thiết lập sẵn xung nhịp cao "ngất ngưởng" ngay khi xuất xưởng và một vài tính năng độc quyền khác. Hiện tại, dòng Suprim X mới chỉ được giới hạn ở những mẫu card đồ hoạ cao cấp, đó là RTX 3090, RTX 3070 và RTX 3080 – nhân vật chính trong bài đánh giá này. Tại thị trường Việt Nam, MSI RTX 3080 Suprim X có giá bán khoảng 26-27 triệu đồng tuỳ hệ thống bán lẻ và các chương trình khuyến mãi, tuy nhiên, do tình trạng khan hiếm card đồ hoạ, một số nơi sẽ chỉ bán sản phẩm khi mua cùng với PC. Mức giá này cũng cao hơn 3 triệu đồng so với phiên bản MSI RTX 3080 Gaming X Trio.
Các thông số đáng chú ý của MSI RTX 3080 Suprim X bao gồm bộ nhớ 10GB GDDR6X, giao thức PCIe Gen 4, xung nhịp boost lên tới 1905 MHz ở hai chế độ Gaming và Silent và 1920 MHz ở chế độ Extreme Performance. Để dễ hình dung, phiên bản RTX 3080 Gaming X Trio có xung nhịp boost là 1815 MHz, trong khi phiên bản Founder Edition của Nvidia là 1710 MHz. Như vậy, MSI RTX 3080 Suprim X có xung nhịp cao hơn tới 210 MHz so với mẫu card đồ hoạ tham chiếu của Nvidia. Đổi lại, công suất nguồn khuyến nghị mà MSI đưa ra cho RTX 3080 Suprim X lên tới 850W – thậm chí còn cao hơn cả RTX 3090.
Thiết kế: Xứng danh flagship
Bên trong hộp sản phẩm, ngoài sách hướng dẫn, sticker và các loại giấy tờ khác, MSI RTX 3080 Suprim X còn được tặng kèm một chân chống đỡ card cao cấp, và một pad chuột Suprim X cỡ M – không nhầm thì đây là lần đầu tiên MSI tặng kèm pad chuột khi mua card đồ hoạ như vậy. Đáng tiếc, tuy là một phần quà tặng kèm mang ý nghĩa "phiên bản giới hạn", mẫu pad chuột Suprim X này rất… bình thường, cả về thiết kế lẫn chất liệu. Một pad chuột RGB, chẳng hạn, ít ra sẽ nổi bật hơn và góp phần tô điểm cho góc chơi game của người dùng.
Đến với chiếc card MSI RTX 3080 Suprim X, chưa bàn đến thiết kế, ấn tượng đầu tiên mà bạn sẽ không thể bỏ qua chính là nó rất to, nặng và hầm hố. Trên thực tế, với kích thước lần lượt 336 x 140 x61 mm, chiếm ba slot PCIe cùng trọng lượng 1,882 kg, MSI RTX 3080 Suprim X thậm chí còn to và nặng hơn chiếc MSI RTX 3090 Gaming X Trio mà tôi từng đánh giá, lớn hơn bất kỳ chiếc card nào khác mà VnReview có dịp trải nghiệm. Do đó, hãy đảm bảo case của bạn có đủ chỗ trống để lắp cũng như lưu thông không khí cho con quái vật này, cũng như sử dụng chân chống đỡ đi kèm để tránh tổn hại đến khe PCIe của bo mạch chủ.
Có vẻ như đã "đoạn tuyệt" với tông màu đỏ đen trước đây, MSI khoác lên chiếc RTX 3080 Suprim X lớp vỏ kim loại tông màu xám gunmetal cao cấp, các đường cắt cứng cáp thông minh giúp cải thiện lưu thông khí. Nếu so thiết kế tổng thể, RTX 3080 Suprim X trông đẹp hơn hẳn so với thiết kế của Gaming X Trio, vốn đã được đánh giá cao trong cộng đồng game thủ.
Trên dòng Suprim X, hệ thống tản nhiệt đã được MSI nâng cấp với tên gọi Tri Frozr 2S, so với Tri Frozr 2 trên Gaming X Trio. Chúng bao gồm ba cánh quạt tản nhiệt TORX Fan 4, trang bị Double Ball Bearing liên kết theo cặp mỗi hai cánh quạt với nhau giúp luồng gió tập trung vào các lá nhôm; mỗi mô-đun bộ nhớ có phần tản nhiệt riêng để tăng độ hiệu quả; đế tản nhiệt đồng mà niken giúp truyền nhiệt từ GPU đến ống dẫn nhiệt tốt hơn,… Về cơ bản, Tri Frozr 2S là tinh hoa công nghệ tản nhiệt của MSI ở thời điểm hiện tại.
Giống như các phiên bản Gaming X Trio, MSI RTX 3080 Suprim X vẫn dùng cổng cấp nguồn 8-pin với tổng cộng 3 cổng, thay vì sử dụng cổng 12-pin như phiên bản Founder Edition của Nvidia.
Hệ thống đèn LED RGB của MSI RTX 3080 Suprim X tập trung ở phần trên, sẽ hướng ra phía bên ngoài case khi cắm vào khe PCIe. Cùng với chiếc chân chống đỡ tặng kèm, có thể thấy MSI muốn người dùng cắm chiếc card theo cách truyền thống, thay vì dựng đứng card bằng cáp riser. Như thường lệ, người dùng có thể đồng bộ, tuỳ biến đèn LED thông qua phần mềm Mystic Light tích hợp trong Dragon Center của MSI.
Phía sau, backplate của MSI RTX 3080 Suprim X được làm từ kim loại (có vẻ như MSI không còn dùng graphene như RTX 3080 và 3090 Gaming X Trio nữa) phay xước dày dặn, với logo rồng MSI có đèn LED RGB. Đây có thể nói là đỉnh cao về thiết kế backplate của MSI, hãng có thể tiếp tục sử dụng thiết kế này trên mọi sản phẩm sau này mà chắc chắn sẽ không có game thủ nào "ý kiến".
Về cổng kết nối, MSI RTX 3080 Suprim X trang bị ba cổng DisplayPort 1.4a và một cổng HDMI 2.1. Cổng USB-C dành cho kính thực tế ảo VR đã bị loại bỏ. Các cổng DisplayPort 1.4a đều hỗ trợ Display Stream Compression (DSC) 1.2a, cho phép bạn kết nối các màn hình lên tới 4K 120Hz hoặc 8K 60Hz.
Thế hệ RTX 3000 cũng là dòng GPU đầu tiên hỗ trợ chuẩn HDMI 2.1, tăng băng thông lên tới 48 Gbps để hỗ trợ các độ phân giải cao hơn, như 4K 144Hz hay 8K 30Hz chỉ với một sợi cáp duy nhất. Cùng với DSC, con số này có thể lên tới 4K 240Hz và 8K 120Hz.
Đáng chú ý, MSI RTX 3080 Suprim X còn được tích hợp dual bios với công tắc chuyển đổi ngay trên thân card. "Silent" (yên lặng) là chế độ mặc định, trong khi "Gaming" có xung nhịp và fan curve (đường cong chỉ mức % tốc độ quạt khi card đạt ngưỡng nhiệt độ nhất định) cao hơn. Cả hai bios đều có chế độ Zero RPM, tức quạt tản nhiệt sẽ không chạy khi nhiệt độ của card vẫn ở trong ngưỡng cho phép để hạn chế tiếng ồn.
Về phần mềm, người dùng thông thường chỉ cần Dragon Center là đủ để theo dõi tình hình hoạt động, nhiệt độ của card, thay đổi User Scenario để tối ưu hiệu năng dựa trên nhu cầu của mình cũng như tuỳ biến đèn LED. Với những người dùng nhiều kinh nghiệm hơn, tính đến chuyện ép xung để khai thác tối đa tiềm năng của chiếc card, chúng ta sẽ dùng đến phần mềm MSI Afterburner.
Hiệu năng ấn tượng, có thể ép xung nhưng không mang nhiều ý nghĩa
Đánh giá hiệu năng của MSI RTX 3080 Suprim X, VnReview sử dụng hệ thống gồm:
CPU: AMD Ryzen 5 3600
GPU: MSI RTX 3080 Suprim X
Bo mạch chủ: MSI B450m Mortar Max
RAM: Teamgroup T-Force Xtreem ARGB 16GB 3600 MHz
Nguồn: Antec EA750G Pro 750W
Hệ điều hành: Windows 10 Pro version 20H2
Driver: 460.89 (mới nhất tại thời điểm viết bài)
Benchmark hiệu năng:
3D Mark
-TimeSpy Extreme: Bài benchmark giả lập chơi game độ phân giải 4K DirectX 12
-Port Royal: Bài benchmark Ray Tracing thời gian thực, mặc định ở độ phân giải 2K
-DLSS feature test: Bài benchmark Port Royal nhưng có bật DLSS để cải thiện khung hình. Với thế hệ RTX 3000, Nvidia cũng đã giới thiệu DLSS (Deep Learning Super Sampling) 2.0 cải thiện hơn nữa hiệu năng trong khi hạn chế tối thiểu đến chất lượng hiển thị.
Unigine
-Unigine Superposition: Công cụ benchmark đòi hỏi khả năng xử lý của toàn bộ hệ thống. VnReview chọn hai độ phân giải 4K Optimized và 8K Optimized, thư viện đồ họa DirectX.
Gaming benchmark: Các tựa game có tích hợp sẵn trình benchmark trong cài đặt, độ phân giải 4K, thiết lập đồ họa cao nhất
- Shadow of the Tomb Raider
- Far Cry New Dawn
- Final Fantasy XV
Gaming, trải nghiệm thực tế
-Red Dead Redemption 2
Các bài test khác
-Ép xung
-Nhiệt độ
-Điện năng tiêu thụ
Đây không thực sự là một hệ thống lý tưởng để đánh giá hiệu năng của MSI RTX 3080 Suprim X, đặc biệt là nguồn ở dưới mức khuyến nghị của MSI. Tuy nhiên, đây là hệ thống duy nhất mà VnReview hiện có sẵn, và chúng tôi cũng đã tiến hành những thử nghiệm về độ ổn định trước khi thực hiện bài viết đánh giá.
*Độc giả có thể click vào ảnh để xem kích thước lớn hơn
MSI RTX 3080 Suprim X đạt 6950 điểm trong bài benchmark TimeSpy Extreme
11.442 điểm trong bài test Ray Tracing Port Royal
Với DLSS 2.0 ở độ phân giải 4K, fps của MSI RTX 3080 Suprim X tăng lên tới 65, so với 25 khi không bật DLSS
Superposition, độ phân giải 4K Optimized, MSI RTX 3080 Suprim X đạt 14.908 điểm
Trong khi đó, điểm số ở độ phân giải 8K Optimized là 6.523
Rất tiếc, VnReview chưa có bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn để có thể so sánh MSI RTX 3080 Suprim X với những mẫu card đồ hoạ RTX 3080 khác như cách thường làm với smartphone, và kết quả cũng không thể tham khảo từ các nguồn khác do hệ thống thử nghiệm không giống nhau, tuy nhiên, những kết quả benchmark hiệu năng trên cũng đã phần nào cho thấy được sức mạnh của mẫu card đồ hoạ cao cấp của MSI. Chẳng hạn, 3D Mark Time Spy Extreme cho thấy chiếc card có thể "cân" Battlefield V ở độ phân giải 2K với khung hình trên giây (fps) trên 170 với điểm số đạt được. Đáng chú ý nhất có lẽ là bài test DLSS, khi ở độ phân giải 4K chế độ performance, DLSS 2.0 của Nvidia giúp số khung hình tăng từ 25 lên 65, tương đương 2,5 lần. Trong tương lai gần, khi DLSS 2.0 được nhiều tựa game hỗ trợ hơn, RTX 3080 sẽ là sự lựa chọn phù hợp khi chơi game ở độ phân giải 4K.
Shadow of the Tomb Raider, fps trung bình đạt 93
Far Cry: New Dawn, fps trung bình đạt 98
Final Fantasy XV, MSI RTX 3080 Suprim X đạt 7.137 điểm ở độ phân giải 4K, thiết lập đồ hoạ cao nhất
Trong các bài benchmark tích hợp của các tựa game, ở độ phân giải Full HD thiết lập đồ hoạ cao nhất, MSI RTX 3080 Suprim X đạt fps trung bình 93 với Shadow of the Tomb Raider và 98 fps với Far Cry: New Dawn. Trong khi đó, trình benchmark của Final Fantasy XV chấm chiếc card này 7.137 điểm ở độ phân giải 4K thiết lập đồ hoạ cao nhất, tương đương có thể chơi mượt tựa game này ở mức trên 60 fps theo cách tính điểm.
Gameplay Red Dead Redemption 2 với MSI RTX 3080 Suprim X. Lưu ý, video có một số cảnh bạo lực, độc giả cần cân nhắc trước khi xem
Trải nghiệm gaming thực tế, VnReview lựa chọn tựa game thế giới mở Red Dead Redemption 2 của Rockstar. Đây là một trong những tựa game nặng nhất về đòi hỏi phần cứng ở thời điểm hiện tại, và đoạn đầu game với tuyết rơi dày đặc cũng là một thách thức rất lớn đối với bất kỳ chiếc card nào. Quá trình chơi được ghi lại bởi công cụ Windows Capture (không rõ vì lý do gì mà chúng tôi không thể dùng Nvidia Shadowplay), mức tăng dao động từ 10-20fps khi không ghi hình.
TimeSpy Extreme sau khi ép xung đạt 7.112 điểm
Fps trong bài benchmark DLSS tăng lên thành 27 khi không bật DLSS và 68 khi bật DLSS 2.0
Về ép xung, do có nguồn dưới mức khuyến nghị nên chúng tôi cũng rất thận trọng trong việc thiết lập xung nhịp của chiếc card. Chưa kể, xung nhịp mặc định khi xuất xưởng của MSI RTX 3080 Suprim X vốn đã rất cao so với mẫu card tham chiếu của Nvidia. Cuối cùng, chúng tôi tạm hài lòng với Core Clock +100 MHz và Memory Clock +650 MHz, nhưng mức tăng hiệu năng chỉ đạt khoảng 2-3% so với thông số bios "Gaming". Nhìn chung, bạn sẽ không cần phải quan tâm nhiều đến ép xung với những chiếc card như MSI RTX 3080 Suprim X.
Nhiệt độ tối đa ghi nhận là 70 độ C
Điện năng tối đa tiêu thụ đạt 437.4 W
Nhiệt độ và điện năng tiêu thụ được chúng tôi đo lường và theo dõi sau khi chạy benchmark Superposition. Trong điều kiện case đóng kín, nhiệt độ phòng dưới 20 độ C, MSI RTX 3080 Suprim X có nhiệt độ lúc nghỉ khoảng 34-35 độ C, nhiệt độ tối đa ghi nhận là 70 độ C. Mức điện năng tiêu thụ tối đa của chiếc card, thông qua phần mềm GPU-Z, là 437,4 W.
Kết luận
Nhìn chung, RTX 3080 Suprim X hoàn toàn xứng danh "flagship" của MSI, với thiết kế mới mẻ, đẹp mắt cùng hiệu năng mạnh mẽ, chinh phục độ phân giải 4K trong tầm tay với DLSS của Nvidia. Vấn đề lớn nhất của chiếc card này là mức giá, khi nó đắt hơn 3 triệu đồng so với phiên bản RTX 3080 Gaming X Trio. Tất nhiên, khi đã đặt những cái tên như RTX 3080 Suprim X lên bàn cân, 3 triệu đồng không phải là một số tiền lớn, nhưng bạn sẽ cần cân nhắc liệu những thay đổi, nâng cấp của dòng Suprim X có xứng đáng với số tiền đó, hay sẽ tốt hơn nếu bạn đầu tư vào một bộ bàn phím cơ hay tai nghe gaming mới để nâng cao kỹ năng chơi game của mình.
Hoàn Đặng