Đây chính là tầm nhìn tương lai của Adidas: cá nhân hóa và tốc độ


Trừ các vận động viên chuyên nghiệp, đối với hầu hết mọi người, mua giày thể thao có thể chỉ là một việc hên xui. Đi đến cửa hàng, vất vả tìm kiếm mẫu vừa mắt, thử từng chiếc một cho đến khi tìm được đôi vừa vặn.

Adidas nhìn thấy một tương lai, nơi công nghệ theo dõi chuyển động, phần mềm phân tích dữ liệu, và in 3D cùng nhau làm ra những đôi giày thiết kế, đáp ứng chính xác nhu cầu khách hàng. Một bên chân to còn một bên chân nhỏ ư? Không sao cả. Lòng bàn chân bạn hơi "dị"? Đừng lo lắng. Công nghệ sẽ mang lại một mẫu giày hoàn hảo.

Tất cả những công ty giày lớn đều đang chạy đua về cùng một mục tiêu đó. Adidas đã cho chúng ta thấy một phần của tương lai đó khi đưa trải nghiệm Speedfactory Lab Experience đến Brooklyn, New York.

Trải nghiệm này tái hiện phần việc mà Adidas đang làm tự động tại các phòng thí nghiệm Speedfactory ở Atlanta và Ansbach, Đức. Các trung tâm nghiên cứu cho thấy những kỹ thuật và công nghệ Adidas đã sử dụng để sản xuất những đôi giày được tùy biến một cách hoàn hảo và nhanh chóng.

Chuyến tham quan của phóng viên trang tin CNN;đến Speedfactory Lab Experience bắt đầu với việc anh được các nhà thiết kế quét chân nhằm xác định chính xác độ dài, rộng và vị trí chân. Camera ghi lại từng nhịp bước đi, tốc độ và dáng đi khi anh chạy trên máy chạy bộ.

Tất cả những dữ liệu này xuất hiện trên hai màn hình đối diện. Hóa ra, anh có bàn chân trái dài và rộng hơn chân phải, và anh là kiểu "người chạy bộ điển hình" theo cách gọi sinh lý học. Điều đó nghĩa là chân anh hơi cuộn vào trong sau khi tiếp xúc với mặt đất, phân bổ đều trọng lượng khi tác động với mặt đất.

Biết những điều như vậy là điều cần thiết để chọn đúng giày chạy. Nhưng Adidas muốn tiến thêm một bước nữa và sử dụng thông tin đó nhằm tạo ra đôi giày hoàn hảo nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.

Adidas chưa thể làm điều đó ngay, nhưng họ đang tiến rất gần. Zachary Coonrod, chuyên gia thiết kế của nhóm tại Adidas, cho biết các phòng thí nghiệm Speedfactory của họ đang nỗ lực hết sức có thể. "Chúng tôi nhanh hơn [các đối thủ] gấp ba lần trong việc đưa sản phẩm từ ý tưởng ra thị trường", ông nói

Tốt, nhưng chưa đủ tốt, Sucharita Kodali, nhà phân tích bán lẻ tại Forrester Research, cho biết.

"Tầm nhìn của họ rất tuyệt vời, nhưng những gì (mà Adidas) có thể thực sự làm chỉ là tạo ra vài mặt hàng theo yêu cầu với tốc độ cao thôi", cô nói. "Không hề ấn tượng. Giả như họ có thể tạo được nhiều mặt hàng tùy biến nhanh chóng, đó sẽ là thứ làm 'thay đổi cục diện thị trường', nhưng đó không phải những gì họ đang làm -- trong hiện tại".

Một dây chuyền lắp ráp tại Speedfactory của Adidas.

Speedfactory sử dụng công nghệ in 3D, sản xuất tự động, và nhiều công nghệ khác để sản xuất những đôi giày phiên bản giới hạn. Tới nay, điều đó có nghĩa là phát triển những mẫu sneaker phù hợp với nhu cầu của người dùng ở những vùng địa lý cụ thể. Dự án bắt đầu năm 2016 với mẫu giày chạy bộ chỉ dành cho Đức; thiết kế mẫu giày chạy bộ ở London, Paris và New York với dòng AM4 (Adidas Made For). Giày chạy bộ dành cho Tokyo và Thượng Hải đang trong quá trình triển khai.

Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên tại sao chạy ở những thành phố khác nhau lại cần những đôi giày khác nhau. Vâng, Adidas phát hiện ra rằng những người chạy bộ ở Big Apple có xu hướng thực hiện các bước ngoặt ở tốc độ cao hơn so với ở London. Tinh chỉnh tinh tế cho phần trên cùng của giày - trên AM4NYC giúp cải thiện sự ổn định và nhanh nhẹn trong những trường hợp như vậy.

Sneaker AM4NYC được trưng bày tại Speedfactory Lab Experience tại Brooklyn, New York

Sneaker AM4NYC được trưng bày tại Speedfactory Lab Experience tại Brooklyn, New York

Để tiếp tục tùy chỉnh giày, Adidas đang làm việc với Carbon, một start-up tại thung lũng Silicon, để điều chỉnh đế giữa – phần được cho là quan trọng nhất của giày. Carbon sử dụng một quy trình sản xuất 3D có tên Digital Light Synthesis sản xuất đế giữa đàn hồi cứng, chất liệu có thể phản ứng tốt hơn với một số loại bọt và gel. Cuối cùng, Adidas lên kế hoạch kết hợp quy trình sản xuất của Carbon vào Speedfactory nhằm mở rộng sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm cá nhân hóa hơn.

Đế giữa Futurecraft 4D được kéo lên khỏi thùng nhựa lỏng

Adidas ra mắt sản phẩm đầu tiên với đế Carbon vào năm 2015, Futurecraft 4D. Mẫu giày chạy giới hạn số lượng-- có giá $300 / đôi -- đã hết hàng hết ngay lập tức. Adidas có kế hoạch tung ra hơn 100,000 đôi vào cuối năm nay. Nghe có vẻ nhiều, nhưng không có gì so với 400 triệu đôi đã được sản xuất hồi năm ngoái.

Với quy mô này, bạn có thể thấy được tại sao Adidas gấp gáp muốn có khả năng sản xuất giày tùy chỉnh: Không phải mình Adidas theo đuổi mục tiêu này. Brook Running đã hợp tác với HR tạo ra FitStation, sử dụng công nghệ in 3D để làm đế lót và chất liệu khuôn đúc đàn hồi (polyurethane injection-molded) cho đế giữa, tạo nên giày tủy chỉnh. Nike bắt đầu thử nghiệm nguyên liệu in 3D của riêng mình, Flyprint, hồi tháng Tư. Vật liệu này cho phép Nike điều chỉnh phần thân trên của chiếc giày theo hình dáng, dáng đi và nhu cầu của người chạy bộ.

Công nghệ in 3D Flyprint của Nike

Tuy vậy, chúng không hề rẻ. Nike Zoom Vaporfly Elite Flyprint được bán với giá $600, và Nike cũng mới chỉ tung ra số lượng rất nhỏ. Công ty không trả lời liệu có mở rộng loại hình giày này mới này trong tương lai hay không, bởi chi phí và khả năng sản xuất vẫn là rào cản lớn nhất giữa người dùng và những đôi giày được thiết kế riêng.

"Thương hiệu có thể tạo ra những sản phẩm được cá nhân hóa trong hiện tại, nhưng bản thân loại hình giày cá nhân hóa hay giày tủy chỉnh lại quá đắt để có thể thương mại hóa", Matt Powell, một chuyên viên phân tích của NPD cho biết. "Không quan trọng ai là người đầu tiên làm ra – vấn đề là, ai sẽ là người đầu tiên bán chúng".

Đến nay, chỉ những vận động viên ưu tú nhất mới được hưởng khả năng tùy biến ở mức này. Nhưng nếu Adidas và các công ty đối thủ có thể nắm trong tay công nghệ, có thể đến một ngày, bạn sẽ chọn được ngay tại cửa hàng đôi giày ưng ý vừa như in.

Phương Trang

  

Thành viên mới đăng
Top