Chiều cao của người trưởng thành trên thế giới rất đa dạng. Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao chiều cao của các vận động viên bóng rổ thường vượt trội trong khi có những người lại trông rất thấp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chiều cao của con người phần lớn liên quan đến gen. Các nghiên cứu về chỉ số và biến số được sử dụng để dự đoán chiều cao của một người đã phát hiện ra rằng di truyền là chỉ số cực kỳ quan trọng. Nói cách khác, những người có bố mẹ cao thì thường cũng sẽ sở hữu chiều cao vượt trội. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số vấn đề về dinh dưỡng và bệnh tật thời thơ ấu cũng có thể quyết định một người cao bao nhiêu khi trưởng thành.
Nghiên cứu vào năm 2016 được đăng trên tạp chí eLife, được thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học Hoàng gia London cho biết những người đàn ông sở hữu chiều cao trung bình cao nhất thế giới đến từ Hà Lan và những phụ nữ sở hữu chiều cao trung bình cao nhất thế giới là ở Latvia. Tuy nhiên, trong một số báo cáo khác, chúng ta có thể thấy rõ sự phát triển chiều cao ở một số quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh.
Hàn Quốc đứng thứ 133 thế giới về chiều cao trung bình của người dân trong bảng xếp hạng năm 1985. Đến năm 2019, nước này đã đứng ở vị trí thứ 60, một sự thăng hạng đáng kể. Các nhà khoa học giải thích rằng tình trạng này xuất phát từ việc người trẻ Hàn Quốc được chăm sóc tốt, được ăn uống đầy đủ hơn trước rất nhiều nhờ sự phát triển kinh tế của đất nước này trong vài thập kỷ gần đây.
Stephen Hsu, giáo sư về khoa học và kỹ thuật tại Đại học bang Michigan cho biết: 'Ở Hàn Quốc và Trung Quốc, việc tăng chiều cao rất mạnh trong 1 - 2 thế hệ gần đây có liên quan chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng được cải thiện'. Một số nghiên cứu cho biết chiều cao của một người cũng được quyết định qua lượng protein, canxi và tổng lượng calo mà người đó hấp thụ thời nhỏ.
Trong khi đó, một số quốc gia trên thế giới có vị trí xếp hạng chiều cao trung bình giảm trong thời gian vừa qua. Ví dụ, vào năm 1985, chiều cao trung bình của người Mỹ đứng thứ 38 thế giới nhưng vào 2019 thì vị trí của họ là thứ 58. Nguyên nhân chính của việc này đến từ có một lượng lớn người nhập cư đến Mỹ trong quãng thởi gian kể trên.
Ngoài ra, theo ông Hsu, nhiều người đưa ra giả thuyết rằng vị trí về chiều cao trung bình của người Mỹ giảm so với các nước khác do dân Mỹ gặp vấn đề về dinh dưỡng, ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, nước ngọt.
Theo các nhà khoa học, dinh dưỡng không phải là yếu tố môi trường duy nhất ảnh hưởng đến tầm vóc của một người nào đó. Các bệnh nghiêm trọng xảy ra khi còn nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng. Những căn bệnh điển hình có thể lấy làm ví dụ trong vấn đề này là bệnh celiac, bệnh về xương (chẳng hạn như còi xương hoặc loãng xương), bệnh thiếu máu...
Dù chế độ ăn uống và bệnh tật có thể ảnh hưởng đến chiều cao của một người nhưng các nhà khoa học cũng khẳng định rằng gen di truyền là thứ có ảnh hưởng lớn nhất. Năm 2018, trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Genetics, Hsu đã chỉ ra rằng gen rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao. Cùng với các đồng nghiệp của mình, ông đã sử dụng thuật toán để phân tích gần nửa triệu bộ gen của những người sống tại Vương quốc Anh. Sau khi thu thập đủ các con số, nhóm nghiên cứu có thể dự đoán chính xác chiều cao và mật độ xương của một người nào đó chỉ từ dữ liệu về gen của họ.
Hơn nữa, đột biến gen và mất cân bằng nội tiết tố cũng liên quan đến tầm vóc thấp bé, bao gồm chứng lùn, tình trạng một người nào đó cao dưới 147cm khi trưởng thành. Tình trạng lùn có thể chia thành 2 loại phụ là lùn không cân đối và lùn cân đối.
Chứng lùn không cân đối là khi một số bộ phận của cơ thể có thể khá nhỏ nhưng các bộ phận khác lại sở hữu kích thước trung bình hoặc trên trung bình. Trong khi đó, chứng lùn cân đối là tất cả các bộ phận của cơ thể đều nhỏ hơn trung bình một cách tương xứng. Cả 2 dạng lùn này đều có tính chất di truyền và có khoảng 200 biến thể di truyền có thể tạo ra. Một số gen này có tính trội về mặt di truyền, có nghĩa là một người chỉ cần thừa hưởng gen từ bố hoặc mẹ là đã có thể sở hữu chiều cao khiêm tốn.
Ngược lại, con người cũng có thể trở thành 'người khổng lồ'. Trong quá khứ, Robert Wadlow được coi là người cao nhất lịch sử từng được ghi nhận khi sở hữu chiều cao 272 cm. Sự phát triển cao quá mức như vậy đôi khi là một dấu hiệu của bệnh ung thư. Ví dụ, trẻ em có khối u trong tuyến yên có thể sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng.
Nguyễn Dương Theo LiveScience