Ngành công nghiệp sản xuất phim hoạt hình của đất nước tỷ dân đang bùng nổ mạnh mẽ, với khả năng tạo ra được các bộ phim bom tấn ngày càng tinh vi hơn, có sức hút kỷ lục, đặc biệt được khán giả trong nước đón nhận.
Doanh thu phòng vé năm 2019 đạt kỷ lục, cao gấp ba lần kỷ lục từng được ghi nhận trước đó. Số lượng tác phẩm gốc cũng ngày càng nhiều, phát hành rộng rãi trên các trang phân phối phim hoạt hình trực tuyến và thu về một lượng lớn người hâm mộ. Những viên gạch nền tảng giúp ngành công nghiệp có thể đi lên mạnh mẽ như vậy, xuất phát từ số lượng rất nhiều các tài năng trẻ, những họa sĩ và diễn viên lồng tiếng.
Bộ phim thành công nhất năm 2019 của phòng vé Trung Quốc (ảnh: cartoonbrew)
Thậm chí với tình hình thuận lợi, các công ty nội địa hoàn toàn có thể đánh bật được Disney và các xưởng anime Nhật, vốn thống trị nhiều năm qua. Minh chứng là thành công của Ne Zha (tựa Việt: "Natra: Ma đồng giáng thế"). Một nữ nhân viên văn phòng tại Thượng Hải tên Liu, 34 tuổi, cho biết: "Bộ phim thực sự quá đẹp, đến nỗi cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có thể say mê nó".
Được xây dựng bằng kỹ xảo tinh vi, gam màu tươi sáng bắt mắt cùng các cảnh hành động hoành tráng, phim nhanh chóng thiết lập kỷ lục tại phòng vé Trung Quốc. Đạt doanh thu khoảng 5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 717 triệu USD) tính đến hết tháng Mười Hai năm 2019, trong khi với một phim bom tấn, chỉ cần đạt 3 tỷ nhân dân tệ đã được xem là chiến thắng.
Bilibili, nền tảng phân phối anime lớn nhất Trung Quốc (ảnh: walkthechat)
Kỷ lục trước đó thuộc về Zootopia của Disney, thu về 1,5 tỷ nhân dân tệ. Do vậy, con số mà Ne Zha đạt được là mức nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Đi sâu phân tích vào thắng lợi khó tin của bộ phim, người ta tin có hai yếu tố chính. Đầu tiên là kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, thúc đẩy tinh thần yêu nước bùng nổ, đẩy mạnh tiêu thụ hàng nội địa. Không chỉ phim Trung Quốc mà cả mỹ phẩm, quần áo, đồ điện tử,... đều chứng kiến sức hút lên cao.
Yếu tố thứ hai là trang trực tuyến chia sẻ video, Bilibili, đã đầu tư tiền mua bản quyền phát sóng và rót vốn vào nhiều dự án anime Nhật. Những hành động đó đã thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản với Trung Quốc. Công ty đã đầu tư vào lực lượng lao động trẻ Trung Quốc, thúc đẩy họ nâng cao trình độ và tiếp thu kỹ năng để mài giũa tay nghề sản xuất phim hoạt hình.
Công ty không chỉ làm cầu nối đưa sản phẩm tới khán giả, mà còn giúp các công ty địa phương về vốn và nhiều cách khác (ảnh: Tech in Asia)
Cùng với đó, Bilibili hỗ trợ các công ty sản xuất trong việc phát hành sản phẩm lên nền tảng của họ, tiến hành nhiều cuộc thi với giải thưởng lớn. Số người dùng trên nền tảng đã xem phim hoạt hình tăng lên 300 triệu người năm 2019. Một lượng khán giả đủ lớn để họ đầu tư thật nhiều cho các dự án. Tại một sự kiện anime, Bilibili đã cho công chiếu 40 bộ phim mới do Trung Quốc sản xuất, hầu như được họ giúp đỡ tài chính hoặc bằng cách nào đó.
Bilibili trở thành đối thủ cạnh tranh với Youku Tudou, một nền tảng chia sẻ video do Alibaba chống lưng, Tencent Video do gã khổng lồ Internet Tencent hậu thuẫn, và iQiyi có Baidu đầu tư. Các doanh nghiệp này thâu tóm bản quyền phát sóng phim anime Nhật tại đây, sau đó khuếch đại lực lượng hâm mộ nguyên tác trở nên đông đảo hơn bao giờ hết. Ở Trung Quốc, ước tính có hàng trăm triệu người say mê nét văn hóa anime, manga Nhật Bản.
Rất nhiều người không hề biết Sony cũng là một ông lớn trong ngành công nghiệp anime (ảnh: Anmino Apps)
Tất nhiên, khi thị trường bùng nổ cũng thu hút sự chú ý của chính các công ty đến từ xứ hoa anh đào. Sony đã thiết lập một chi nhánh địa phương tại Thượng Hải để phụ trách hoạt động kinh doanh tại đây. Bên cạnh hợp tác sản xuất anime cùng các công ty địa phương, còn bán mô hình nhân vật anime và nhiều món phụ kiện ăn theo khác. Sony là công ty đứng sau nhiều bộ anime nổi tiếng do xưởng A-1 Pictures sản xuất, như Fairy Tail, AnoHana: The Flower We Saw That Day, Sword Art Online, Oreimo 2, Your Lie In April, Saekano: How to Raise a Boring Girlfriend, Eromanga Sensei,...
Đài truyền hình Nhật Bản là TV Tokyo cũng đã thông báo thành lập một công ty con mới tại Trung Quốc, liên doanh sản xuất anime với đối tác tại đây. Năm 2019 đã cho thấy mối đe dọa từ ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc mới nổi, đủ khiến các đối thủ nước ngoài như Disney đến từ phương Tây hay anime Nhật Bản của phương Đông phải dè chừng. Chắc chắn cuộc chiến tranh giành doanh thu và người hâm mộ sẽ ngày càng trở nên gay cấn hơn.
Ambitious Man