Tiếp bước Alibaba và ByteDance, Tencent Holdings quyết định chọn Singapore làm mảnh đất phát triển mới sau những khó khăn tại Mỹ và Ấn Độ, với mục tiêu mở rộng quy mô hoạt động trong khu vực Đông Nam Á.
Ban lãnh đạo Tencent đề cao Singapore như một trung tâm phát triển tiềm năng của châu lục. Và do những căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc với các nước, nhiều công ty công nghệ đã thúc đẩy kế hoạch di cư sang "đảo quốc sư tử".
Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, Tencent hiện đang xem xét chuyển một số hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc, bao gồm bộ phận quản lý và phát hành trò chơi ở thị trường quốc tế. Giờ đây, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng phát triển sang khu vực Đông Nam Á trước những áp lực thù định ngày càng gia tăng từ Mỹ và các quốc gia đồng minh.
Được biết, Đông Nam Á hiện có 650 triệu dân với lượng người dùng điện thoại thông minh đông đảo. Vì vậy, nó được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc.
Ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã cấm các công ty trong nước giao dịch với siêu ứng dụng WeChat của Tencent kể từ ngày 20/9. Trong khi một số tựa game ăn khách của công ty như PUBG Mobile hay Arena of Valor đều bị cấm ở Ấn Độ.
Trong một tuyên bố, Tencent cho biết việc mở trụ sở mới ở Singapore là để "hỗ trợ các hoạt động kinh doanh đang phát triển ở Đông Nam Á và hơn thế nữa". Công ty hiện đã có mặt tại một số quốc gia như Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Để xây dựng "nhà mới" ở Singapore, Tencent tuyển dụng rất nhiều vị trí khác nhau liên quan đến mảng phát triển công nghệ và kinh doanh. Song thông tin chi tiết về việc làm không được tiết lộ. Xét về mặt lợi ích, công ty cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong;nước chuyên hoạt động về lĩnh vực thương mại đa quốc gia, điện toán đám mây và thể thao điện tử.
Đặc biệt, Singapore đang có sức hút rất lớn đối với cả các tập đoàn phương Tây và Trung Quốc nhờ hệ thống tài chính và luật pháp tiên tiến. Trước bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc thế giới, Singapore bày tỏ thái độ trung lập và Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết sẽ vẫn là "bạn tốt" với cả Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.
Công ty mẹ của TikTok, ByteDance được cho là đang có kế hoạch chi vài tỷ đô la đầu tư vào Singapore trong vòng ba năm tới. Trước đó, công ty cũng đã xin giấy phép thành lập ngân hàng số từ ngân hàng trung ương Singapore, bên cạnh Ant Group và Sea do Alibaba và Tencent hậu thuẫn.
Trong khi đó, Alibaba đã chi 4 tỷ USD để nắm quyền kiểm soát nền tảng thương mại điện tử Lazada có trụ sở tại Singapore. Hiện Lazada đang mục tiêu phục vụ 300 triệu người dùng trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Vào tháng 5/2020, Alibaba đã đạt được thỏa thuận mua một nửa tòa nhà AXA Tower của Singapore trị giá khoảng 1,2 tỷ USD, cho thấy tham vọng mở rộng thị trường hơn bao giờ hết. Vào hôm thứ Hai, hãng tin Bloomberg còn cho biết Alibaba đang trong giai đoạn thỏa thuận để đầu tư 3 tỷ USD vào Grab, doanh nghiệp đặt xe lớn nhất nhì Singapore.
Về phần mình, Tencent đến nay vẫn chưa xuất hiện nhiều ở Đông Nam Á. Các hoạt động của công ty giải trí trực tuyến phần lớn được điều hành từ trụ sở chính ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Riêng chỉ có một số sản phẩm toàn cầu trong lĩnh vực stream nhạc hay nội dung số thì được quản lý ở Hồng Kông. Được biết, Tencent sẽ lấy Singapore làm địa điểm đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng.
Trong những năm gần đây, Tencent đã tập trung nỗ lực mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu khi thị trường Trung Quốc đang dần bão hòa và bị kiểm soát bởi các quy định nghiêm ngặt khiến mảng game trong nước bị chững lại.
Được biết, việc khai thác nhượng quyền các thương hiệu thương mại từ một số công ty phát triển game như Activision Blizzard được xem là thành công lớn của Tencent trên trường quốc tế. Trong quý cuối năm 2019, các tựa game do công ty Trung Quốc quản lý như Call of Duty Mobile và PUBG Mobile chiếm 23% thị phần mảng trò chơi toàn cầu, tương đương với 17 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực phát triển của Tencent, tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc với các nước có thể cản trở khả năng mở rộng của công ty ra thế giới. Hiện đơn vị chủ quản PUBG tại Hàn Quốc đã rút quyền phát hành của Tencent đối với PUBG Mobile ở Ấn Độ, ngay sau khi quốc gia này cấm cửa tựa game bắn súng phổ biến cùng với hàng trăm ứng dụng khác do Trung Quốc sản xuất trong bối cảnh xung đột biên giới.
Trong khi đó, lệnh hành pháp vào ngày 6/8 của Tổng thống Trump đã cấm các giao dịch không xác định giữa công ty Mỹ với WeChat lẫn Tencent. Trong khi Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa xác định được liệu có nên ngừng các hoạt động chơi game của Trung Quốc từ ngày 20/9 hay không.
Minh Hoàng