Thái tử Samsung và truyền thống \"cha truyền con nối\" của chaebol Hàn


Trước khi Thái tử Samsung Lee Jae-yong tuyên bố không cho con nối nghiệp, các đại gia công nghệ Hàn Quốc đều có truyền thống nhường vị trí lãnh đạo cao nhất cho người nhà.

Hôm 6/5, người thừa kế đế chế Samsung đã cúi đầu xin lỗi vì hành vi sai trái của công ty, bao gồm cả kế hoạch gây tranh cãi để ông lên lãnh đạo tập đoàn lớn này của Hàn Quốc.

Người thừa kế Samsung đã cúi đầu ba lần trước báo giới tại một văn phòng Samsung Electronics ở Seoul. Với giọng điệu bình tĩnh, ông Lee tuyên bố sẽ không cho con cái mình nối nghiệp tại tập đoàn.

Thái tử Samsung và truyền thống 'cha truyền con nối' của chaebol Hàn

Ông Lee Jae-yong xin lỗi và tuyên bố sẽ không cho con mình nối nghiệp tại tập đoàn Samsung. Ảnh: Reuters.

Cha truyền con nối tại Samsung

Ông Lee Jae-yong, 51 tuổi, là con trai của Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee, cháu nội của người sáng lập tập đoàn Lee Byung-chul. Ông được mệnh danh là "thái tử Samsung" bởi từ lâu đã được coi như người thừa kế vị trí chủ tịch của ông Lee Kun-hee.

Thành công của Samsung trên thị trường di động phần lớn tới từ tài năng của ông Lee Kun-hee khi tiếp quản lại Samsung từ người cha Lee Byung-chul vào năm 1987. Ông Lee Kun-hee đã tiến hành cải tổ công ty với cách thức quản lý kinh doanh mới, giúp Samsung trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Tuy có được vị trí lãnh đạo nhờ "cha truyền con nối", ông Lee Kun-hee tư duy rất cởi mở để đem tới thành công cho Samsung. Vào năm 1993, Samsung là tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử lớn ở Hàn Quốc nhưng chưa nổi tiếng thế giới. Ông Lee Kun-hee, với tham vọng cải cách để đưa Samsung thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu giống nhưGeneral Electrics hay Sony đã mạnh dạn thay đổi.

Thái tử Samsung và truyền thống 'cha truyền con nối' của chaebol Hàn

Ông Lee Kun-hee mang lại thành công cho Samsung và hiện vẫn giữ vị trí chủ tịch, nhưng đã không xuất hiện từ năm 2014 vì sức khỏe. Ảnh: Reuters.

Ông yêu cầu các công ty con của Samsung phải thuê quản lý là người phương Tây, và gửi các quản lý trẻ tuổi người Hàn Quốc sang thực tập tại các công ty phương Tây. Ông cũng phổ biến cách thức làm việc theo kiểu phương Tây cho doanh nghiệp. Samsung đã trả lương cho nhân viên dựa theo hiệu quả công việc cũng như những thành tích của bộ phận nơi nhân viên đó công tác.

Chủ tịch Lee Kun-hee cố gắng tạo ra sự cạnh tranh càng nhiều càng tốt giữa các bộ phận trong tập đoàn. Khi bộ phận A cần một linh kiện mà bộ phận B có, ví dụ bộ phận sản xuất điện thoại di động cần mua màn hình LCD để lắp vào điện thoại, thì họ được khuyến khích đặt mua linh kiện này từ 2 nhà cung cấp khác nhau - một của Samsung và một bên ngoài.

Những chính sách phát triển tập đoàn giống như thuyết tiến hóa của Darwin đã tạo ra sự thành công cho Samsung trong những năm đầu tham gia cuộc chiến điện thoại thông minh. Từ năm 2012, hãng thường xuyên nắm giữ vị trí nhà sản xuất smartphone số một thế giới. Nhiều mảng kinh doanh điện tử khác như TV, chip nhớ của Samsung cũng đứng top đầu.

Ông Lee Kun-hee gặp nhiều vấn đề sức khỏe từ những năm 2000, nên ông đã chuẩn bị từ lâu để nhường vị trí lãnh đạo cho con trai duy nhất của mình, ông Lee Jae-yong. Tuy tới nay chức danh vẫn là Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong được coi như đã kế nhiệm khi ông Kun-hee nằm viện từ năm 2014.

Các con của ông Lee Kun-hee đều nắm giữ vị trí lãnh đạo tại công ty con hoặc tập đoàn Samsung. Ảnh: Business Insider.

Ngoài Lee Jae-yong, Chủ tịch Samsung còn 3 người con gái. Cô con gái út Lee Yoon-hyung đã tự tử vào năm 2005 khi đang theo học tại Mỹ. Con gái lớn Lee Boo-jin là chủ tịch kiêm CEO của chuỗi khách sạn Shilla, công ty con của Samsung. Bà từng có thời gian ngắn được chờ đợi thừa kế vị trí lãnh đạo Samsung khi anh trai Lee Jae-yong bị bắt năm 2017.

Người con gái thứ hai Lee Seo-huyn là chủ tịch bộ phận thời trang của Tập đoàn Samsung C&T, cũng là một trong những người phụ nữ giàu nhất Hàn Quốc.

Chuyện quen thuộc trong văn hóa Hàn Quốc

Chuyện cha truyền con nối không xa lạ với các tập đoàn khổng lồ (chaebol) xứ Hàn. LG, tập đoàn lớn Hàn Quốc cũng có 4 đời lãnh đạo là con trai trong nhà. Tập đoàn này được ông Koo In-hwoi sáng lập năm 1947, sau đó vị trí lãnh đạo được truyền cho con trai ông là Koo Cha-kyung. Vị trí cao nhất của Samsung tiếp tục được dành cho con trai ông Cha-kyung là Koo Bon-moo.

Chủ tịch hiện tại của LG là ông Koo Kwang-mo, cháu của ông Bon-moo vì con trai ông Bon-moo đã mất từ lâu. Ông Kwang-mo hiện là cổ đông lớn nhất của LG Holdings với 15% cổ phần. Theo The Investor, khi một người được chỉ định là lãnh đạo tương lai của LG, tất cả các anh em trai và chú, bác của anh ta sẽ phải rời vị trí lãnh đạo hoặc chỉ được nắm các vị trí nhỏ nhằm tránh xung đột.

Chủ tịch LG Koo Kwang-mo, 41 tuổi, là một trong những lãnh đạo chaebol trẻ tuổi nhất. Ảnh: Yonhap.

Tại Huyndai Motor, vị trí lãnh đạo cao nhất cũng được dành sẵn cho ông Chung Eui-sun, 50 tuổi. Ông là cháu nội của nhà sáng lập tập đoàn Chung Ju-yung, con trai của chủ tịch, CEO Chung Mong-koo.

Chưa có tới thế hệ thứ ba như Huyndai, SK Group hiện do ông Chey Tae-won, con trai của nhà sáng lập Chey Jong-hyon lãnh đạo.

Đã diễn ra hàng chục năm nay, việc nhường lại vị trí lãnh đạo cho con, cháu tại Hàn Quốc được nhiều người Hàn Quốc coi là lỗi thời. Trong bài viết trên tờ Korea Herald năm 2018, các tác giả bình luận chaebol cần phải lựa chọn lãnh đạo hợp lý hơn.

"Để nhìn ở một góc độ sâu sắc hơn, mọi lãnh đạo chaebol dù bảo thủ đến đâu cũng sẽ cười vào Microsoft hay Apple nếu họ truyền lại vị trí CEO giống như cách chaebol hay làm", bài viết này khẳng định.

Khi cần phải cạnh tranh toàn cầu, bài viết này cho các tập đoàn cần chọn lãnh đạo "đúng", chứ không phải người nhà.

"Ngày nay, chaebol ngày càng bị cạnh tranh nhiều hơn từ nước ngoài cũng như bị soi xét trong nước. Việc đảm bảo họ chọn đúng lãnh đạo là cần thiết hơn bao giờ hết", các tác giả kết luận.

Theo Zing

Thành viên mới đăng
Top