VnReview
Hà Nội

Thua lỗ và nợ nần, Pioneer chấp nhận bán mình cho quỹ đầu tư Hồng Kông với giá 904 triệu USD

Hãng điện tử Nhật Bản thông báo vào hôm nay sẽ bán toàn bộ công ty cho một quỹ đầu tư Hồng Kông. Baring Private Equity Asia (BPEA) đã đồng ý mua lại Pioneer với giá 904 triệu USD, nhằm theo đuổi một kế hoạch giải cứu "kẻ thất thế" ngập chìm trong nợ và thua lỗ.

Pioneer đang trong tình cảnh hết sức hiểm nghèo. Họ đã lỗ 9,9 tỷ Yên trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Chín vừa qua (tương ứng nửa đầu năm tài chính của Nhật). Trước đó, năm tài khóa gần nhất kết thúc vào cuối tháng Ba đầu năm nay, ghi nhận khoản thâm hụt lên đến 7.2 tỷ yên. Và đến hết tháng Ba năm 2019, công ty sẽ âm 5 tỷ yên. Treo trên đầu họ bây giờ là khoản nợ lãi suất 443 triệu USD, chưa kể thiếu tiền đầu tư cho những dự án tương lai khác.

Thương hiệu Nhật Bản không còn cách nào ngoài chấp nhận sự bảo trợ đến từ quỹ Hồng Kông. Đánh đổi lại việc có nguồn tài chính giúp đỡ vượt qua khó khăn, công ty sẽ hủy toàn bộ số cổ phần của họ, trở thành công ty con sở hữu hoàn toàn bởi BPEA. Ngoại trừ Chủ tịch Koichi Moriya và hai vị giám đốc bên ngoài, các thành viên của Ban giám đốc sẽ bị thay thế dưới sự chỉ định của BPEA. Công ty cũng có kế hoạch giảm bớt lực lượng lao động, cắt giảm 15% nhân viên trong tổng số 17.000 người trên toàn cầu.

"Huyền thoại" của ngành điện tử 10 năm trước, TV Plasma Kuro từng được ca tụng là tác phẩm nghệ thuật trong việc biểu diễn hình ảnh

Đối với người yêu công nghệ Việt Nam, đây là cái tên từng tượng trưng cho sản phẩm nghe nhìn. Pioneer thành lập năm 1938, cùng với Sansui và Kenwood (sau này hợp nhất với JVC thành công ty JVC Kenwood), là bộ ba công ty điện tử chuyên về âm thanh tại gia thời kì đầu Nhật Bản. Không ít người bây giờ vẫn đang sử dụng một dàn âm thanh nội địa Nhật với chữ Pioneer trên đó. Và cũng không ít người đã từng mơ về một chiếc TV Plasma của Pioneer, vốn dĩ là chuẩn mực hình ảnh 10 năm trước với dòng flagship Kuro "huyền thoại". CNET từng đánh giá ngay cả chiếc LCD đẹp nhất thời bấy giờ, mẫu XBR-8 của Sony cũng phải chịu xếp hạng hai dưới Kuro. Cái tên "Pioneer" của hãng có nghĩa là "người tiên phong", hoàn toàn đúng trong trường hợp họ là công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất hàng loạt màn hình OLED năm 1997. Đó là các màn hình thông tin giải trí trên xe hơi, công nghệ PMOLED khác với AMOLED ngày nay trên smartphone và TV.

Thương vụ bán mình cho quỹ đầu tư Hồng Kông chỉ là "giọt nước tràn ly" khi công ty không thể thích nghi với thời thế. Năm 2014, bán bộ phận chuyên về thiết bị âm thanh DJ cho công ty Mỹ KKR với giá 550 triệu USD. Đến 2015, họ lại bán mảng kinh doanh âm thanh cho Onkyo, rồi từ đây ra đời những chiếc máy nghe nhạc như XDP-100R. Kể từ đó cho đến nay, công ty đặt cược vào hệ thống thông tin giải trí và hệ thống định vị trên xe hơi.

Không chỉ Pioneer, một số công ty Nhật khác trong lĩnh vực này cũng gặp khó khăn. Hitachi hồi tháng Mười đã bán đơn vị sản xuất hệ thống định vị xe hơi Clarion cho công ty phụ tùng ô tô Pháp Faurecia. Alps Electric thì sáp nhập với công ty mẹ Alps Electric. Nhìn chung, ngành công nghiệp xe hơi đang có sự xáo trộn mạnh mẽ, kéo nhiều công ty vào giai đoạn khó khăn vì chi phí sản xuất, đầu tư nghiên cứu tăng vọt.

Ambitious Man

Chủ đề khác