Từng là hình mẫu chống dịch, vì sao châu Á vẫn chưa thể thoát khỏi Covid-19?


Trong khi Mỹ đang tiến tới trạng thái bình thường mới, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn khi các chiến dịch tiêm chủng chỉ đang trong giai đoạn đầu thực hiện.

Trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các quốc gia từng đi đầu trong việc phòng chống Covid-19 hiệu quả lại đang chật vật trong cuộc đua thoát khỏi dịch bệnh.

Trong khi đó, quốc gia phải hứng chịu nhiều đợt bùng phát kinh hoàng với số ca tử vong nhiều nhất thế giới, Mỹ hiện đang lấp đầy các sân vận động với hàng nghìn người hâm mộ đã tiêm vắc-xin. Cuộc sống Mỹ dần quay về mốc trước đại dịch khi người dân đổ xô ra biển hay đi máy bay tận hưởng mùa hè.

Ở miền Nam Trung Quốc, biến thể Delta (nguồn gốc từ Ấn Độ) lây lan nhanh chóng khiến Quảng Châu, thủ phủ công nghiệp lớn của nước này, phải đóng cửa và phong tỏa.

Trong khi Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan và Úc về cơ bản đang tạm thời kiểm soát tình hình dịch thì riêng Nhật Bản, đất nước mặt trời mọc phải gồng mình chống lại làn sóng dịch bệnh thứ tư, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng trước thềm Thế vận hội Olympic Tokyo 2021.

Tại nhiều nơi, mọi người vẫn tiếp tục cuộc sống nhờ việc đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và thực hiện những chuyến đi chơi gần nhà. Về mặt kinh tế, khu vực này đã vượt qua đại dịch tương đối tốt vì hấu hết quốc gia đều xử lý thành công giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát.

Nhưng với hàng trăm triệu người chưa được tiêm ngừa vắc–xin trải dài từ Trung Quốc đến New Zealand, cộng thêm việc đóng cửa biên giới quốc tế tạm thời, khả năng chống chịu trước một cuộc sống hạn chế của nhiều người ngày càng yếu đi, ngay cả khi các biến thể virus mới làm gia tăng mối đe dọa.

Nói một cách đơn giản, người dân tại các vùng này bắt đầu chán nản và đặt câu hỏi vì sao họ bị bỏ lại phía sau? Và khi nào đại dịch mới kết thúc để có quay về cuộc sống bình thường mới?

Terry Nolan, trưởng Nhóm Nghiên cứu Vắc–xin và Tiêm chủng tại Viện Doherty ở Melbourne, Úc, cho biết: "Trước bối cảnh cấp bách hiện tại, chúng ta giống như đang bị mắc kẹt và chờ đợi trong vũng bùn lầy. Mọi người đều tìm cách cố thoát ra ngoài".

Dù tình hình dịch ở mỗi nước là khác nhau, nhưng nhìn chung vấn đề bắt nguồn từ việc không đủ nguồn cung vắc–xin Covid-19, New York Times nhận định.

Thiếu hụt vắc–xin khiến cho công tác chống dịch gặp khó khăn

Một chốt tiêm phòng ở;Melbourne, Úc

Ở một số nơi, như Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan, các chiến dịch tiêm chủng hầu như chưa được tiến hành. Trong khi những nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đã bắt đầu đi vào hoạt động các chiến tiêm chủng trong vài tuần trở lại đây. Song, vẫn còn đó những người dân chưa được tiêm đủ.

Khác với tình hình ảm đạm ở phương Đông, người dân Mỹ đang ăn mừng cho một "bình minh mới" khi Nhà Trắng đi đầu trong việc thu mua vắc–xin và thực hiện tiêm ngừa rộng rãi. Theo ước tính, có khoảng 4,6 tỷ người châu Á sẽ phải trải qua một năm 2021 đầy khó khăn, lo lắng về dịch bệnh không khác gì so với một năm trước là bao. Hay thậm chí có thể chứng kiến nhiều biến động hơn.

Trên toàn thế giới, các doanh nghiệp đang theo dõi xem liệu đợt bùng phát mới ở miền nam Trung Quốc có ảnh hưởng đến khả năng hoạt động giao thương của nước này hay không.

Hay ở khắp châu Á, sự chậm trễ trong khâu triển khai vắc–xin có thể làm mất đi cơ hội lý tưởng để dập tắt được dịch, khiến biến thể virus mới phát triển và gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế các nước.

Những rủi ro này bắt nguồn từ vài tháng trước, thời điểm trước khi đại dịch gây ra cuộc tàn sát khủng khiếp.

Bắt đầu từ mùa xuân năm ngoái, Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã đặt cược vào vắc–xin. Họ thực hiện đánh giá phê duyệt nhanh chóng và chi hàng tỷ USD để có được những lô hàng đầu tiên. Nhu cầu vắc–xin của các nước này thời điểm bấy giờ là rất khẩn cấp.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, đợt cao điểm dịch bệnh ghi nhận hàng nghìn người chết mỗi ngày do Covid-19, cùng với sự yếu kém trong khâu quản lý dịch tễ.

Nhưng ở Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan thời điểm này, tỷ lệ lây nhiễm và tỷ vọng được giữ ở mức tương đối thấp. Cùng với việc chính phủ đề ra những biện pháp nghiêm ngặt như siết chặt cửa khẩu, biên giới, yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm diện rộng và tích cực truy vết.

Tình hình dịch phần lớn được kiểm soát cùng với khả năng sản xuất, phát triển trong nước hạn chế nên các quốc gia này không thực hiện đặt hàng số lượng lớn vắc–xin hay tin vào những giải pháp chưa đủ độ tin cậy.

Ôtô xếp hàng dài chờ đợi tại chốt tiêm chủng ở Mỹ vào đầu năm 2021

"Công chúng không cảnh giác và đánh giá thấp mối đe dọa dịch bệnh. Và chính phủ các nước đó đã phải trả giá", Tiến sĩ C. Jason Wang, phó giáo sư tại Đại học Y khoa Stanford chuyên về nghiên cứu các chính sách liên quan Covid-19, cho biết.

"Để kết thúc đại dịch, chúng ta cần lên chiến lược phòng thủ và tấn công. Trong đó, chiến lược tấn công là tiêm ngừa vắc–xin", Tiến sĩ Wang nói thêm.

Đầu năm nay, hàng loạt quốc gia thông báo ký hợp đồng mua vắc–xin với các nhà sản xuất, nhưng số lô hàng được chuyển giao trên thực tế vẫn rất ít. Vào tháng 3, Ý đã ngăn không cho xuất khẩu 250.000 liều vắc–xin AstraZeneca nhằm mục đích giải quyết nhu cầu cấp bách trong nước. Các lô hàng khác cũng bị trì hoãn phân phối vì một số vấn đề liên quan trong khâu sản xuất.

Richard Maude, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á ở Úc cho biết: "Công bằng mà nói, nguồn cung cấp vắcxin thực tế vẫn đang rất nhỏ giọt và xa so với các cam kết đã mua".

Hiểu nôm na là "các nước sản xuất vắc–xin đang dự trữ nguồn hàng cho chính nước họ", Peter Collignon, bác sĩ kiêm giáo sư vi sinh tại Đại học Quốc gia Úc, người từng làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cho biết.

Trước thực tế đó cùng với biến chứng đông máu hiếm gặp đối với vắc–xin AstraZeneca, giới chức các nước châu Á – Thái Bình Dương ra sức kêu gọi công ty phát triển không nên vội vàng. Và giờ đây, hố sâu ngăn cách giữa tốc độ tiêm chủng giữa Mỹ, châu Âu và châu Á ngày một mở rộng.

Covid-19 chưa thể kết thúc trong năm nay

Một quán cà phê ở Pháp vào tháng trước, nơi mọi người có thể ngồi trò chuyện mà không cần đeo khẩu trang

Ở châu Á, khoảng 20% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc–xin, điển hình như Nhật Bản chỉ mới đạt 14% tỷ lệ tiêm chủng. Ngược lại, con số này lên đến gần 45% ở Pháp, hơn 50% ở Mỹ và hơn 60% ở Anh.  

Giờ đây, người dùng Instagram ở Mỹ đã thỏa thích đăng tải hình ảnh cười tươi, ôm, hôn, bắt tay cùng những người bạn vừa được tiêm phòng. Trong khi ở Paris, Pháp, không khó bắt gặp cảnh tượng các quán cà phê đông kín thực khách mà không cần đeo khẩu trang.

Ở Seoul, người dân Hàn Quốc tỏ ra lo lắng tìm kiếm các trung tâm tiêm ngừa vắc–xin, nhưng tất cả đều vô ích. "Liệu có vắc-xin nào còn sót lại không? Hay nó hết sạch trong 0,001 giây giống như cách mà tấm vé hàng ghế đầu thường cháy hàng trong một buổi hòa nhạc của thần tượng Kpop", một cư dân mạng Hàn Quốc chia sẻ trên Twitter.

Ở chiều hướng tích cực hơn, một số nước châu Á đang đẩy mạnh việc tiêm vắc–xin với mong muốn chấm dứt đại dịch.

Trung Quốc, quốc gia đã phải vật lộn với sự do dự trong việc tiêm chủng vắc–xin của riêng mình sau khi kiểm soát dịch bệnh được một thời gian, đã hoàn thành 22 triệu mũi tiêm cho người dân vào ngày 2/6, một kỷ lục tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay của đất nước. Tổng cộng, Trung Quốc đã tiêm gần 900 triệu liều trên tổng số gần 1,4 tỷ người.

Nhật Bản cũng cho thấy nỗ lực khi mở rộng đối tượng tiêm chủng ra ngoài phạm vi y tế. Nhà chức trách nước này đã thành lập các trung tâm tiêm chủng tập trung ở Tokyo và Osaka, đồng thời mở rộng các chương trình tiêm chủng đến các cơ sở làm việc và giáo dục. Hiện Thủ tướng Yoshihide Suga đặt ra mục tiêu hoàn tất tiêm vắc–xin cho tất cả người trưởng thành vào tháng 11.

Ngoài ra, Đài Loan cũng thúc đẩy chương trình tiêm chủng với khoảng 1,2 triệu liều vắc–xin AstraZeneca được chính phủ Nhật Bản tài trợ. Nhưng số vắc–xin mà hòn đảo này nhận được cho tới nay cũng chỉ đủ để tiêm cho ít hơn 10% dân số, khoảng 23,5 triệu người.

Các Phật tử người Hàn Quốc đến chùi dọn dẹp và tuân theo việc đeo khẩu trang

Một hiệp hội Phật giáo ở Đài Loan gần đây đã đề nghị mua vắc–xin Covid-19 nhằm tăng tốc độ tiêm chủng, song họ lại nhận được thông báo rằng chỉ có chính phủ mới được phép mua những loại vắc–xin này.

Và khi quá trình tiêm chủng bị tụt hậu ở toàn châu Á, mọi hoạt động mở cửa trở lại biên giới đều không khả thi. Trong một tuyên bố gần đây, chính phủ Úc cho biết có khả năng sẽ phải đóng cửa biên giới thêm một năm nữa.

Phía Nhật Bản thì ngừng tiếp nhận khách du lịch nước ngoài nhập cảnh. Cho tới nay, cách các quốc gia châu Á phản ứng với các đợt bùng phát dịch vẫn không khác gì nhiều so với trước đó.

Đối phó với làn sóng dịch bệnh ở Quảng Châu, Trung Quốc đã có kinh nghiệm và phản ứng nhanh khi thực hiện xét nghiệm hàng loạt và đóng cửa một số hoạt động không thiết yếu. Rất ít người dân trong nước kỳ vọng tình hình này sẽ sớm thay đổi, đặc biệt là khi biến thể Delta từ Ấn Độ đang lan rộng ở nhiều nước.

Trung Quốc và các quốc gia châu Á đang phải chạy đua với thời gian, tiêm cho người dân hết số lượng vắc–xin dự trữ trước khi chúng hết hạn sử dụng. Ở Indonesia, người dân có thể bị phạt 450 USD nếu cố tình không tiêm vắc–xin. Hay ở Hong Kong, giới lãnh đạo ra sức khuyến khích mọi người đi tiêm vắc–xin.

Nhiều khả năng, tình hình dịch bệnh sẽ không thể sớm kết thúc trong năm nay, nhất là đối với khu vực châu Á. Ngay cả những người được tiêm cũng không tránh khỏi cảm xúc lẫn lộn, tờ New York Times nhận định.

Ngọc Diệp (Theo New York Times)

Top