Cuộc chiến văn hóa Trung – Hàn: Kim-chi có phải là cải muối của Trung Quốc?

Kim-chi không chỉ là một món ăn kèm có vị cay nồng, thường xuất hiện trong các bữa ăn gia đình hay nhà hàng của người Hàn Quốc trên khắp thế giới, mà đây còn là một món ăn mang tính biểu tượng của đất nước này. Tuy nhiên, một lần nữa kim-chi lại trở thành tâm điểm của cuộc chiến văn hóa Trung – Hàn.
Cuộc chiến văn hóa Trung – Hàn: Kim-chi có phải là cải muối của Trung Quốc?

Châm ngòi từ tên gọi phiên âm​

Cuộc chiến này đã kéo dài từ lâu và lại được châm ngòi vào tháng 7 khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hàn Quốc thông báo, Bộ này này đã sửa đổi các hướng dẫn chính thức về việc sử dụng “tên gọi thích hợp bằng ngoại ngữ” cho một số món ăn Hàn Quốc.
Trong đó, có một quy định nêu rằng “xinqi” là tên gọi chính thức của kim-chi bằng tiếng Trung Quốc. Trước đó, kim-chi thường được dịch sang tiếng Trung là pao cai (rau củ muối lên men).
Quy định này bắt nguồn từ việc tiếng Trung không có ký tự nào thể hiện cách phát âm của kim-chi. Do đó, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đã xem xét khoảng 4.000 ký tự tiếng Trung và lựa chọn xinqi vì nó nghe giống với kim-chi.
Xinqi (辛奇) bao gồm 2 ký tự, “Xin” có nghĩa là cay và “Qi” có nghĩa là độc đáo, tò mò.
Với tên gọi mới này, Hàn Quốc hy vọng sẽ có thể phân biệt rõ ràng giữa kim-chi Hàn Quốc và pao cai của Trung Quốc.
“Với việc sử dụng ‘xinqi’ trong tiếng Trung cho kim-chi của Hàn Quốc, Bộ hy vọng rằng kim-chi của Hàn Quốc và pao cai của Trung Quốc sẽ có sự phân biệt rõ ràng hơn và nhận thức về món ăn truyền thống của Hàn Quốc tại Trung Quốc sẽ được nâng cao”, thông báo cho biết.
Bản hướng dẫn mới được áp dụng cho các cơ quan nhà nước Hàn Quốc và các tổ chức liên kết. Nhưng với các công ty tư nhân, đây chỉ là bản khuyến nghị dịch thuật khi bàn luận về ẩm thực Hàn Quốc trên các phương tiện truyền thông sử dụng tiếng Trung.
Tuy nhiên, thông báo của Hàn Quốc đã làm dấy lên một làn sóng tranh luận sôi nổi giữa giới truyền thông và cư dân mạng ở cả hai quốc gia.

Kim-chi và pao cai có gì khác nhau?​

Trước khi đi sâu vào cuộc tranh luận, trước hết chúng ta cần biết kim-chi và pao cai khác nhau như thế nào.
Kim-chi là từ dùng để chỉ hơn 100 loại rau củ lên men của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nó thường được sử dụng nhiều nhất cho món bắp cải lên men cùng các gia vị ớt đỏ, tỏi, gừng và hải sản muối.
Món rau củ lên men được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau, như chonggak kimchi (kim-chi củ cải lên men), với độ cay ít hơn, chúng ta có baek kimchi (kim-chi bắp cải trắng không cay), tất cả đều được gọi chung là kimchi.
Cuộc chiến văn hóa Trung – Hàn: Kim-chi có phải là cải muối của Trung Quốc?
Lễ hội làm kim-chi tại tỉnh Goesan, Hàn Quốc vào tháng 11/2020, hầu hết kim-chi bán ở Hàn Quốc hiện nay được sản xuất tại Trung Quốc (Ảnh: Jun Michael Park/The New York Times/Redux)
Mặt khác, pao cai của Trung Quốc có nghĩa là “rau củ ngâm”. Món này được chế biến bằng cách ngâm các loại rau củ sống trong dung dịch nước muối, như bắp cải, cà rốt, mà không cần thêm gia vị. Quá trình muối rau củ thường diễn ra ở nhiệt độ thường.
Vì chúng có một vài điểm giống nhau, nên người Trung Quốc thường gọi kim-chi là rau củ muối Hàn Quốc (hanguo pao cai).

Cuộc chiến kéo dài​

Đây không phải lần đầu tiên Hàn Quốc nỗ lực đưa “xinqi” thành tên tiếng Trung của kim-chi.
Năm 2013, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đã vận động sử dụng tên gọi mới để giải quyết việc xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm kim-chi do Trung Quốc sản xuất ở thị trường quốc tế và cả trong nội địa Hàn Quốc. Kể từ năm 2006, Hàn Quốc đã bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc đối với sản phẩm kim-chi. Từ năm 2007 đến năm 2011, lượng kim-chi Hàn Quốc nhập khẩu từ Trung Quốc tăng ít nhất gấp 10 lần.
Nhưng sau khi chính quyền Hàn Quốc thông báo về tên gọi mới vào năm 2013, quyết định này đã nhanh chóng vấp phải phản ứng dữ dội. Vì tên gọi “xinqi” không thông dụng tại Trung Quốc, nên bản dịch cũ là “pao cai” lại tiếp tục được sử dụng.
Mặt khác, cũng cùng năm đó, Hàn Quốc đã thành công trong việc đưa “kimjang” (truyền thống làm và chia sẻ kim-chi) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Và kim-chi cũng trở thành món ăn mang tính “biểu tượng văn hóa Hàn Quốc” đầy tự hào.
Cuộc chiến văn hóa Trung – Hàn: Kim-chi có phải là cải muối của Trung Quốc?
Nước sốt cay dùng để làm kim-chi được chuẩn bị theo một quy trình truyền thống có tên “kimjang” (Ảnh: Ed Jones/AFP/Getty Images)
“Kim-chi là món ăn quốc dân của Hàn Quốc, không chỉ vì mọi người Hàn đều ăn nó trong bữa cơm thường ngày, mà nó còn là món ăn Hàn Quốc phổ biến nhất trên thế giới – nhiều người nước ngoài không thể phân biệt gimbap với sushi, nhưng họ có thể nhận ra kim-chi là của Hàn Quốc”, Elaine Chung, giảng viên môn Trung Quốc học tại Trường Đại học Cardiff và là nhà nghiên cứu về văn hóa Đông Á, cho biết.
Chuyên môn của bà Chung chủ yếu tập trung nghiên cứu văn hóa Trung Quốc và Hàn Quốc, và bà đã thực hiện một báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về tác động của việc gọi kim-chi là xinqi thay cho pao cai vào năm 2014. Trả lời CNN Travel, bà cho biết cuộc tranh luận đã bắt đầu căng thẳng hơn kể từ khi đó.
“Khi tôi viết bài báo cáo đó, cuộc tranh cãi về kim-chi/xinqi chỉ mới là một cuộc tranh luận giữa cư dân mạng Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhưng lần này, dường như nó đã có tác động mạnh đến thế giới thật”, bà Chung cho biết.
“Thông báo của chính phủ về tên gọi mới có thể xem là động thái phản hồi người dân của mình, cho thấy họ đang nỗ lực lấy lại quyền sở hữu đối với món kim-chi”.

Tranh cãi trên mặt trận truyền thông giải trí​

Vì sao Hàn Quốc phải giành lại kim-chi? Sự quan tâm về tên gọi tiếng Trung của kim-chi lại nổi lên một lần nữa sau một loạt xung đột văn hóa xảy ra trong năm vừa qua.
Tháng 11/2020, Trung Quốc được cấp chứng nhận IOS cho món rau củ muối Tứ Xuyên (Sichuan pao cai). Trong một bài báo được đăng tải trên Thời báo Hoàn Cầu, kênh truyền thông nhà nước của Trung Quốc, tác giả tuyên bố rằng “Rau củ muối Tứ Xuyên đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu” cho ngành công nghiệp sản xuất pao cai.
“Cái gọi là ‘kim-chi thuộc sỡ hữu nhà nước’ chỉ mới tồn tại trên danh nghĩa mà thôi”, trích bài viết.
Cư dân mạng và truyền thông Hàn Quốc đã rất bất mãn và cho rằng bài báo trên muốn “cướp” món kim-chi và văn hóa của Hàn Quốc. Sự việc này đã làm phong trào “bài Trung” nổi lên mạnh mẽ ở Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi “loại bỏ văn hóa Trung Quốc khỏi Hàn Quốc”.
Một đoạn phim ghi lại cảnh một người đàn ông trần truồng, lội trong bể bắp cải ngâm với thứ du dịch màu nâu trong nhà máy sản xuất kim-chi tại Hàn Quốc, đăng tải trên Youtube và được các cơ quan truyền thông chia sẻ lại. Đoạn phim này đã đẩy cuộc chiến căng thẳng thêm một bậc. Sau đó, Hàn Quốc ra nhiều tiêu chuẩn để siết chặt chất lượng thực phẩm món kim-chi.
Chính phủ Hàn đã có những nỗ lực để phân biệt hai món ăn này. Đầu năm nay, một cuốn sách mới về kim-chi Hàn Quốc đã được cơ quan quảng bá nhà nước xuất bản. Trong đó, cuốn sách có một chương đề cập đến sự khác biệt giữa pao cai và kim-chi.
Cuộc chiến văn hóa Trung – Hàn: Kim-chi có phải là cải muối của Trung Quốc?
Năm 2013, “kimjang” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể (Ảnh: Ed Jones/ AFP/Getty Images)
Tuy nhiên, nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc không thể làm giảm căng thẳng, cuộc chiến văn hóa đã vượt ra khỏi thế giới ẩm thực và lan sang cả lĩnh vực du lịch và giải trí.
Tháng 4/2021, kế hoạch xây dựng “Phố người Hoa” tại khu du lịch tỉnh Gangwon, Hàn Quốc đã bị đình chỉ sau khi hàng nghìn người dân ký vào bản kiến nghị thư. Bên cạnh đó, bộ phim “Triều Tiên Khu ma sư” cũng bị ngừng chiếu tại Hàn Quốc chỉ sau 2 tập phát sóng vì khán giả phản đối những cảnh nhân vật chính mặc trang phục kiểu Trung Quốc, uống rượu Trung Quốc và ăn các món ăn Trung Quốc, như bánh trung thu, bánh bao.
Thậm chí, cả những thành viên của nhóm nhạc BTS cũng vướng vào cuộc chiến này.
Tháng 6/2021, một chương trình có sự tham gia của BTS đã dịch kim-chi trong phụ đề tiếng Trung là pao cai, cư dân mạng nước này ngay lập tức bày tỏ sự phẫn nộ. Các bình luận cho rằng phụ đề của chương trình quảng bá cho pao cai của Trung Quốc.
Naver, công cụ tìm kiếm lớn nhất Hàn Quốc và là nền tảng sản xuất chương trình, giải thích bản dịch được thực hiện dựa trên hướng dẫn dịch thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. “Chúng tôi sẽ sửa lại bản dịch có vấn đề khi nhận được hướng dẫn mới của Bộ”, người phát ngôn của Naver trả lời tờ Korea Herald sau sự việc.
Khoảng 1 tháng sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hàn Quốc đã ban hành hướng dẫn mới và cuộc chiến tiếp tục diễn ra cho đến nay.

Cuộc chiến của hiện tại có gì khác?​

Một số công ty đã có động thái trước sự thay đổi tên gọi.
Công cụ dịch thuật của Naver đã chuyển sang sử dụng tên gọi xinqi cho kim-chi. Trên trang chủ của Bibigo (thương hiệu độ ăn Hàn Quốc nổi tiếng toàn cầu) tại Trung Quốc, sản phẩm kim-chi cũng đã được thay đổi tên gọi thành xinqi.
Tuy nhiên, tên gọi mới dường như không thể làm nguôi ngoai cuộc tranh luận của cư dân mạng hai nước.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, các bình luận về tên gọi mới của kim-chi chủ yếu là tiêu cực. Một số còn từ chối sử dụng cái tên mới và cho rằng kim-chi của Hàn Quốc được lấy cảm hứng từ pao cai của Trung Quốc. Một số khác thì cho rằng họ biết là hai món khác nhau những không thích việc bị bảo rằng phải dịch kim-chi ra tiếng Trung như thế nào.
Cuộc chiến văn hóa Trung – Hàn: Kim-chi có phải là cải muối của Trung Quốc?
Chuẩn bị cải thảo để làm kim-chi truyền thống theo “kimjang” (Ảnh: Ed Jones/AFP/Getty Image)
“Tôi không hiểu vì sao chúng ta phải nghe theo bản dịch ‘xinqi’ do Hàn Quốc đề xuất. Chẳng phải ngôn ngữ phát triển dựa trên thói quen sử dụng của người dùng sao?”, một tài khoản bình luận.
Bà Chung cũng lưu ý rằng việc đổi tên vào năm 2013 thất bại là do hầu hết những người nói tiếng Trung không sử dụng tên gọi mới. Và dường như hiện tại cũng vậy.
“Rất khó để thuyết phục mọi người chuyển sang sử dụng một ký tự rỗng để thay thế một cái tên họ đã sử dụng nhiều năm – “xinqi” là sự kết hợp giữa hai ký tự tiếng Trung nhưng không có bất kỳ ý nghĩa nào”, bà Chung cho biết.
Đồng thời, có thể cái tên “xinqi” không được công nhận hợp pháp ở Trung Quốc.
Tài liệu do chính phủ Hàn Quốc ban hành lưu ý các công ty Hàn Quốc xuất khẩu kim-chi qua Trung Quốc phải cẩn trọng, vì luật pháp Trung Quốc quy định các công ty phải sử dụng những tên gọi quen thuộc với người tiêu dùng Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có thể sẽ không được sử dụng một mình từ “xinqi” để chỉ món kim-chi; họ vẫn cần phải sử dụng cái tên pao cai.
Hướng dẫn mới cho biết Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc sẽ tư vấn cho các công ty ảnh hưởng bởi việc thay đổi tên gọi nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
“Cũng có ý kiến cho rằng Hàn Quốc đang biến truyền thống văn hóa của riêng mình thành của Trung Quốc, vì cách phát âm của xinqi khác xa so với cách phát âm của kim-chi. Họ cho rằng từ kim-chi (phát âm theo tiếng Hàn) đã được quốc tế ghi nhận, chính phủ không nên tạo ra một cái tên tiếng Trung gây tổn hại đến phát âm gốc theo tiếng Hàn”, bà Chung cho biết.
Kim Byeong-gi, nguyên là giáo sư tại Đại học Quốc gia Jeonbuk, viết trên tờ Korea Joongang Daily rằng tên gọi mới “hoàn toàn vớ vẩn”.
“Việc chính phủ Hàn Quốc đưa ra một thuật ngữ kỳ lạ (xinqi) để quảng bá và phân biệt kim-chi với pao cai của Trung Quốc là một sai lầm lớn. Nó có thể làm lu mờ ý nghĩa của kim-chi, một cái tên đáng tự hào đã được cả thế giới biết đến”, ông Kim viết trong bài bình luận.
Trong bối cảnh đó, rất khó để nhận định liệu nỗ lực thay đổi tên tiếng Trung của kim-chi lần này được chính phủ Hàn Quốc thực hiện có thành công hơn hay không.
Tuy nhiên, như bà Chung nói, “cuộc chiến văn hóa đại chúng đang diễn ra sẽ chẳng ảnh hưởng nhiều đến một món ăn đã quá nổi tiếng”.
Nguồn: CNN Travel
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top