Khám phá mới: Du hành vũ trụ đẩy nhanh tốc độ lão hóa xương

Du hành vũ trụ, nghe thì thú vị, nhưng đi kèm hàng loạt rủi ro đối với sức khỏe do ảnh hưởng bởi tình trạng phi trọng lực và bức xạ. Một trong những ảnh hưởng đáng chú ý nhất của việc sinh hoạt thời gian dài trong môi trường không gian là tình trạng giảm khối lượng xương, điều mà NASA đã và đang tích cực nghiên cứu thời gian qua. Và nay, một nghiên cứu mới cho biết sống trong không gian còn có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa xương.
Được xuất bản trên trang Nature Scientific Reports, nghiên cứu được thực hiện bởi Anna-Maria Liphardt, một nhà khoa học chuyên về thể thao tại Đại học Friedrich Alexander, cùng với các chuyên gia từ Canada, Đức và Mỹ. Trong nghiên cứu dài hơi này, các nhà khoa học đã đánh giá mật độ xương chày và xương quay của 14 phi hành gia nam và 3 phi hành gia nữ, cũng như độ cứng chắc của xương khi họ trở về Trái đất sau một sứ mệnh dài.
Kết quả cho thấy, kể cả khi đã xuống mặt đất được 12 tháng, độ cứng chắc và mật độ khoáng chất trong xương của hơn một nửa số phi hành gia nói trên vẫn bị suy giảm 2%. Con số này nghe có vẻ không đáng kể, nhưng theo Liphardt thì, “nó tương đương với việc xương bị lão hóa do một quá trình kéo dài ít nhất một thập kỷ”. Chưa hết, một số phi hành gia còn có những biểu hiện bị thương tổn không thể chữa lành được ở một cơ quan cực kỳ quan trọng gọi là xương trabeculae.
Khám phá mới: Du hành vũ trụ đẩy nhanh tốc độ lão hóa xương
Theo trang SlashGear, càng sinh hoạt lâu trong không gian, nguy cơ không thể phục hồi được do bị suy giảm mật độ và độ cứng chắc của xương càng tăng cao. Trong nghiên cứu nói trên, sự suy giảm khối lượng xương do du hành vũ trụ được miêu tả là một hiện tượng tương tự suy giảm khối lượng xương do lão hóa, trừ việc trong không gian, tốc độ suy giảm diễn ra nhanh hơn khá nhiều.
Tuy nhiên, sự suy giảm này diễn ra như thế nào và trong khu vực nào của cơ thể, thì có sự khác biệt so với quá trình lão hóa tự nhiên trên Trái đất.
Dẫu vậy, hệ quả tiêu cực để lại là giống nhau. Du hành vũ trụ thời gian dài có thể khiến nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe, như loãng xương, xuất hiện sớm hơn bình thường, và các phi hành gia cũng đứng trước nguy cơ bị gãy/nứt xương cao hơn so với mặt bằng chung.
Nghiên cứu cho rằng việc thay đổi phương thức điều trị và quy trình tập luyện có thể giúp các phi hành gia chống lại một số tổn thương liên quan đến xương do việc sinh hoạt lâu ngày trong không gian gây ra.
Theo các nghiên cứu trước đó, với mỗi tháng ở trong không gian, mật độ khoáng chất xương của các phi hành gia sẽ bị giảm từ 1 - 2%. Vào năm 2018, khi đánh giá sức khỏe của phi hành gia Scott Kelly thuộc NASA, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quá trình ở trong không gian đã khiến tốc độ hình thành xương của ông bị chậm lại, ngoài ra khả năng nhận thức của ông cũng bị ảnh hưởng.
Một nghiên cứu khác xuất bản trên trang Nature Medicine tiết lộ rằng các tế bào máu đỏ bị phá hủy trong không gian ở tốc độ nhanh hơn đến 54% so với khi ở Trái đất, dẫn đến nguy cơ bị chứng thiếu máu đối với các phi hành gia trong các sứ mệnh xa xôi hơn như lên Sao Hỏa chẳng hạn!
Tham khảo: SlashGear
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng

Gợi ý cộng đồng

Top