Quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa thanh toán bằng Bitcoin giờ ra sao?

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Khi El Salvador chính thức công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp vào tháng 9/2021, Jose Bonilla trở thành một trong những công dân đầu tiên đăng ký sử dụng ví điện tử do chính phủ ban hành, nhằm cho phép ai cũng có thể sử dụng tiền mã hóa tại quốc gia này. Anh chàng 23 tuổi này, hiện làm chủ một cửa hàng giày dép với gia đình ở thị trấn du lịch Concepcion de Ataco, vô cùng háo hức được dùng thử công nghệ đang hot trên toàn cầu. Anh được nghe rằng tiền mã hóa nói chung và Bitcoin nói riêng có thể giúp giảm chi phí và tăng tốc hoạt động thanh toán thường ngày.
Sau vài ngày tìm cách giải quyết những vấn đề kỹ thuật, Bonilla cuối cùng cũng thiết lập thành công và chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin đối với mọi khách hàng.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đến tháng 2/2022, danh sách những than phiền về Bitcoin của Bonilla hiện dài vô tận: cây ATM Bitcoin duy nhất có sẵn đặt cách nơi anh ở quá xa, đường dây hỗ trợ của chính phủ quá chậm chạp, và giá đồng tiền mã hóa này thì biến động quá mạnh. Có ngày, anh mất 25 USD trong một giao dịch từ khách hàng do vấn đề kỹ thuật, trong khi đội ngũ hỗ trợ dịch vụ của ví điện tử thì bặt vô âm tín. “Tôi quyết định không dùng nó nữa” - anh nói.
Quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa thanh toán bằng Bitcoin giờ ra sao?
Tổng thống El Salvador, Nayib Bukele
Bonilla không phải người duy nhất. Sáu tháng trôi qua kể từ khi Đạo luật Bitcoin của El Salvador đi vào hiệu lực, quá trình đưa đồng tiền mã hóa này vào đời sống vẫn gặp không ít vướng mắc. Ngay cả “Bãi biển Bitcoin”, một dải đất dọc bờ biển Salvador được xem là thánh địa crypto, cũng không phải ngoại lệ. Khi phóng viên của trang tin RestOfWorld có chuyến thăm ngắn ngủi đến đây sau khi đạo luật được thực thi, họ nhận thấy rằng một số người vẫn chưa chắc chắn về Bitcoin.
Chủ trại dừa Dina Ponce cho biết, cô có thể bán được nhiều hơn bằng thử chấp nhận thanh toán qua phương thức kỹ thuật số, nhưng bản thân cô thực ra chưa hiểu rõ về công nghệ này, và giá trị của Bitcoin vào thời điểm đó vẫn chưa tăng đủ cao để mang lại cho cô khoản tiền tích lũy kỳ vọng.

Quay lại tiền mặt, chưa thực hiện giao dịch Bitcoin nào​

Các doanh nghiệp khác tại Bãi biển Bitcoin thì nói đã từ bỏ Bitcoin và chuyển sang chỉ chấp nhận tiền mặt như trước đây. “Chúng tôi mất tiền vì cái cách mà giá trị Bitcoin trồi sụt” - theo Axel Medina, 21 tuổi, điều hành một doanh nghiệp gia đình chuyên về đào tạo lướt sóng và nhà hàng. “Rất khó để duy trì kinh doanh như thế”
Khi Tổng thống Nayib Bukele lần đầu công bố Đạo luật Bitcoin vào tháng 6/2021, ông đã đưa ra một lời hứa to tát với người dân. Theo đó, việc chấp nhận sử dụng Bitcoin sẽ giúp số hóa nền kinh tế, giảm lệ thuộc vào đô-la Mỹ, hạ phí gửi tiền ngân hàng - vốn chiếm khoảng 20% GDP của nước này - và thu hút đầu tư. El Salvador có thể trở thành đất nước đầu tiên chứng minh được sức mạnh thay đổi xã hội của tiền mã hóa trên quy mô quốc gia.
Rất khó để có được một bước tranh toàn cảnh về tình hình phổ cập Bitcoin tại El Salvador. Hồi tháng 1, chính phủ đã xác nhận trong một báo cáo rằng ít nhất 4 triệu người dùng - tức gần toàn bộ dân số quốc gia - được xác nhận là người dùng chính thức của ví do họ ban hành. Nhưng hồi tháng 3, một cuộc khảo sát do Văn phòng Thương mại và Công nghiệp El Salvador thực hiện lại cho thấy, 86% số doanh nghiệp được liên hệ nói rằng chưa tiến hành 1 giao dịch Bitcoin nào cả.
Các cuộc phỏng vấn với hàng chục công dân, các nhà kinh tế học, và các nhà phát triển công nghệ ở El Salvador đã làm hé lộ những kẻ hở trong dự án. Kể từ khi ra mắt, sáng kiến của Tổng thống Bukele đã phải đối mặt với vô số lỗi kỹ thuật, trong khi căng thẳng bắt đầu xuất hiện do sự thiếu nhất quán giữa tính phi tập trung của Bitcoin và chính phủ chuyên quyền El Salvador.
Khi mà Bukele tiếp tục đi đến cùng với Bitcoin, điều ông quan tâm nhất hiện nay dường như không phải thuyết phục người dân sử dụng tiền mã hóa nữa, mà làm sao để giải quyết những rắc rối kinh tế của chính quyền và đánh bóng hình ảnh của bản thân.
Tại sao ông ấy lại làm điều này?” - Alex Gladstein, Giám đốc Chiến lược của Tổ chức Nhân quyền và là một người ủng hộ Bitcoin trên toàn cầu, nói. “Đối với tôi, điều đó thật hiển nhiên. Ông ấy làm điều đó vì lợi ích bản thân và để trở nên nổi tiếng”
Quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa thanh toán bằng Bitcoin giờ ra sao?

Quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa thanh toán bằng Bitcoin giờ ra sao?
Bãi biển Bitcoin

Quốc gia đầu tiên chấp nhận thanh toán Bitcoin

“Mối quan hệ” giữa El Salvador với Bitcoin bắt đầu vào năm 2019 ngay tại Bãi biển Bitcoin, trong một thị trấn tên El Zonte. Đó là nơi một tay lướt sóng tên Mike Peterson từng hợp tác với một người địa phương, Jorge Valenzuela, để biến thị trấn ven biển nhỏ xinh thành một nền kinh tế tuần hoàn xoay quanh tiền mã hóa.
Thấy được tiềm năng ứng dụng trên toàn quốc, Tổng thống Bukele đã công bố Đạo luật Bitcoin của mình tại một hội thảo tiền mã hóa ở Miami vào tháng 6/2021. Đạo luật này biến El Salvador thành quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán hợp pháp, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận nó như một phương tiện thanh toán.
Tại El Salvador, chúng tôi đang bắt đầu thiết kế nên quốc gia của tương lai” - Bukele tuyên bố trong thông điệp phát qua video đến hội thảo.
Để đặt nền móng cho cuộc chuyển đổi, chính phủ đã tiên phong phát triển công nghệ giúp công dân có thể mua và bán bằng Bitcoin. Tạo một ví điện tử tên Chivo (Chivo có nghĩa là “con dê” trong tiếng Tây Ban Nha, nhưng cũng là một từ lóng mà người Salvador dùng để chỉ sự “cool ngầu”). Người dùng có thể thông qua ví Chivo này để nhận hoặc gửi tiền mã hóa - giống như Venmo hay PayPal nhưng dành riêng cho Bitcoin. Chính phủ từ chối cung cấp thêm thông tin về công ty phát triển và sở hữu công nghệ này, nhưng theo một số nguồn tin thì một công ty tiền mã hóa có trụ sở tại Mỹ, tên Athena Bitcoin, đóng góp lớn nhất trong dự án này.
Phóng viên trang RestOfWorld đã gặp gỡ CEO Athena Bitcoin, Eric Gravengaard, và được nghe ông kể về quá trình công ty tham gia dự án đầy tham vọng của El Salvador.
Quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa thanh toán bằng Bitcoin giờ ra sao?
CEO Athena Bitcoin, Eric Gravengaard tại Tuần lễ Bitcoin ở El Salvador
Athena Bitcoin ban đầu chỉ tập trung xây dựng các cây ATM Bitcoin, cho phép người dùng giao dịch tiền định danh (fiat) với tiền mã hóa tại Mỹ. Năm 2019, Gravengaard, quen biết với nhà sáng lập Bãi biển Bitcoin là Peterson thông qua một người bạn chung, đã đề nghị cung cấp một máy ATM như vậy cho dự án ở El Salvador.
Ông đã ghé thăm quốc gia này vào tháng 2/2020 để giúp lắp đặt máy, và đây cũng là máy ATM đầu tiên của El Zonte. Trong nhiều tháng sau đó, ông nhận được cuộc gọi từ một số người ở El Salvador, nói rằng họ phải lái xe từ San Salvador đến El Zonte, vốn cách nhau đến 50 km, để sử dụng cây ATM. Thế là ông quyết định gửi tặng thêm vài cây ATM nữa.
Khi Bukele công bố Đạo luật Bitcoin, thì những cây ATM đang chờ được thông quan. Gravengaard nói rằng chính quyền hỏi liệu công ty có muốn làm lễ cắt băng khánh thành và lắp đặt hơn 200 cây ATM trên toàn El Salvador hay không. Những cây ATM này về sau sẽ được mang nhãn Chivo.
Chúng tôi đến El Salvador không phải vì chính trị” - theo Matias Goldenhorn, giám đốc châu Mỹ Latin của Athena. “Chúng tôi đến El Salvador vì chúng tôi là dân chơi Bitcoin”
Không lâu sau đó, Athena còn tham gia vào một dự án lớn hơn: thiết kế nên phần mềm hướng người dùng (front end) cho ví Chivo, cũng như một hệ thống PoS gọi là Athena Pay, cho phép các cửa hàng chấp nhận Bitcoin. Việc gửi và nhận Bitcoin có thể tốn khá nhiều phí và có tốc độ chậm chạp, đồng thời yêu cầu một ít kiến thức công nghệ. Các cây ATM của Athena sẽ vô dụng nếu người Salvador bình thường không có ví điện tử mà họ có thể sử dụng để mua và bán Bitcoin vừa nhanh, vừa ít phí. Đến tháng 12 năm đó, đã có 950 máy thanh toán Athena Pay được lắp đặt và sử dụng trên toàn El Salvador.
Quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa thanh toán bằng Bitcoin giờ ra sao?
Lính gác vũ trang trước một cây ATM Bitcoin ở San Salvador
Số tiền được chính phủ trả cho từng công ty tham gia vào dự án Chivo không được tiết lộ. Theo các bản báo cáo thì chính phủ El Salvador đã chi ra đến hàng triệu USD. Vào tháng 9, khi Đạo luật Bitcoin đi vào hiệu lực, giá trị cổ phiếu của Athena nhanh chóng tăng vọt hơn 600%.
Gravengaard miêu tả bản thân là một người theo chủ nghĩa tự do, không nề hà việc hệ sinh thái Bitcoin của El Salvador bị kiểm soát bởi chính quyền Bukele. “Tiền là xã hội” - ông nói. Đến một thời điểm nào đó, là một người tham gia vào nền kinh tế, bạn phải từ bỏ vài quyền kiểm soát và tin người khác, bất kể đó là nhà phát triển một ứng dụng, một ngân hàng, hay một chính phủ. “Tôi không muốn sống trong một thế giới mà mình không thể tin bất kỳ ai. Đó không phải là một thế giới vui vẻ” - ông nói.

Quá trình phổ cập Bitcoin không diễn ra như kỳ vọng

Đầu tiên, El Salvador là một quốc gia nơi tiền mặt vẫn là vua; gần 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng. Giới phê bình nói rằng cuộc chuyển đổi sang Bitcoin của El Salvador khiến những người không có smartphone - chủ yếu là người lớn tuổi - và những người không có điều kiện kết nối internet - bị bỏ rơi lại đằng sau. Vào năm 2019, khoảng 50% dân số quốc gia này vẫn sống trong tình trạng không có internet.
Quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa thanh toán bằng Bitcoin giờ ra sao?
Tại El Salvador, tiền mặt vẫn là vua
Chưa hết, nhiều người Salvador không biết gì về Bitcoin khi nghe tin đất nước mình đang sống dự định biến nó thành một phương tiện thanh toán hợp pháp. Một cuộc khảo sát tiến hành trên khoảng 1.300 người Salvador bởi Đại học Trung tâm Hoa Kỳ trước khi Đạo luật được thông qua cho thấy, chỉ khoảng 10% những người tham gia hiểu được tường tận về tiền mã hóa. Alejandro Molins, làm việc tại Athena Bitcoin với vai trò thúc đẩy các thương nhân ở El Salvador tải về và sử dụng ví Chivo, cho biết chính mẹ anh cũng chưa đăng ký ví Chivo nữa!
Một số người đã đăng ký ví này thì than phiền về những vấn đề kỹ thuật, bao gồm tài khoản được lập bởi những kẻ trộm cắp danh tính, giao dịch gây lỗi mất tiền, và nhận về nhiều mã lỗi khi tìm cách thực hiện thanh toán.
Vào tháng 9/2021, Eunice Melara, một sinh viên y khoa 22 tuổi, đã chờ cả hàng dài hàng chục người tại một cây ATM Chivo ở San Salvador, chỉ một thời gian ngắn sau khi nó đi vào hoạt động. Cô háo hức được thử qua ứng dụng, nhưng thất vọng khi thấy số dư hiện ra không đúng trong tài khoản của mình. Khi liên hệ với trung tâm trợ giúp của chính phủ, vấn đề vẫn không thể được giải quyết, và họ nói với cô là sẽ xem xét kỹ hơn. “Nó bị lỗi cả ngày trời, và tôi phải gọi trung tâm hỗ trợ, và họ nói với tôi rằng họ đã tiếp nhận yêu cầu”. Cô hi vọng vấn đề sẽ được giải quyết sau khi liên hệ các nhân viên nói trên.
Số khác lại than phiền về ý tưởng công nghệ. Mario Gomez, một nhà phát triển phần mềm hơn 30 tuổi, biết về dự án Bitcoin của El Salvador khi Bukele công bố vào tháng 6/2021. “Nó khiến tất cả chúng tôi ngạc nhiên” - anh nói.

Không còn tính phi tập trung​

Gomez quan tâm đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mà chính phủ Salvador đang xây dựng để phục vụ cuộc chuyển đổi sang Bitcoin, bao gồm ví Chivo, một ví custodial. Ví custodial giải quyết được một vấn đề phổ biến đối với người dùng tiền mã hóa. Các thanh toán Bitcoin được thực hiện thông qua blockchain, một quy trình mà mọi giao dịch tài chính đều được ghi lại trong một sổ cái điện tử và sau đó được xác thực thông qua một quy trình điện toán. Người dùng nắm giữ một public key, tức địa chỉ dẫn đến số Bitcoin đang có, và một private key, thứ cho phép họ truy xuất đến số tiền này. Nhưng biết cả public key lẫn private key có thể là vấn đề với nhiều người, ví dụ, nếu họ làm mất hoặc quên private key, thì số Bitcoin của họ cũng vĩnh viễn không thể khôi phục được. Với ví custodial, một bên thứ ba nắm giữ các key nói trên, do đó người dùng không còn phải lo lắng về việc làm mất chúng nữa.
Việc ví Chivo đi theo hướng custodial cũng là điều hợp lý - chính quyền phải xây dựng nên một ví có thể được dễ dàng sử dụng bởi tất cả người dân, mà đại đa số cho đến nay chưa bao giờ lập một tài khoản ngân hàng nào. Nhưng với Gomez thì không như vậy. Nhiều người sành sỏi Bitcoin chỉ trích các ví custodial đi ngược lại với quan điểm về phi tập trung, vốn là xương sống của ý tưởng tiền mã hóa. Trong thế giới tiền mã hóa, có một câu nói nổi tiếng rằng “Bạn không cầm key thì bạn không cầm tiền”. Nói cách khác, nếu một bên thứ ba có private key của bạn, nghĩa là bạn không thực sử sở hữu số Bitcoin của mình. Dù rằng Chivo về mặt kỹ thuật là một công ty tư nhân, nó lại là công ty do nhà nước sở hữu đến 99% và được vận hành bởi một quỹ công 150 triệu USD. Tóm lại, chính phủ hoàn toàn kiểm soát key của công dân.
Gomez đã đăng một bài viết khá dài trên Twitter về phát hiện của mình. Ngày hôm sau, chỉ một vài ngày trước khi ví Chivo ra mắt, cảnh sát gọi anh vào lề với lý do xe anh đang đi có vấn đề, rồi dẫn anh qua hai đồn cảnh sát, tịch thu luôn điện thoại của anh. Chính quyền thông báo anh đang bị điều tra vì lừa đảo tài chính, nhưng Gomez chưa bao giờ chính thức bị bắt hoặc bị khởi tố vì tội gì. Hai tổ chức phi chính phủ đã gửi đơn khiếu nại với tổng chưởng lý của El Salvador, cáo buộc hành vi bắt giữ Gomez là chuyên quyền. Bản thân anh cho rằng mình đang bị nhắm đến bởi lên tiếng về Chivo.
Người dân Salvador không bị bắt buộc phải sử dụng ví Chivo - họ có thể chọn sử dụng một ví Bitcoin khác - nhưng người dùng sẽ được tặng 30 USD khi đăng ký ví, một khoản tiền tương đương với mức lương tối thiểu của gần 3 ngày trời.
Một số người ủng hộ việc phổ cập tiền mã hóa cũng chỉ trích ví Chivo vì xa rời lý tưởng phi tập trung của Bitcoin. “Chivo không phải Bitcoin” - theo Gladstein. “Chivo như một hứa hẹn sẽ trả lãi bằng Bitcoin hoặc đô-la. Nó không khác gì một tài khoản ngân hàng”.
*Xem thêm: 'Giữa Bitcoin và tiền mặt, tôi thích khách hàng trả tiền mặt hơn'.
Tham khảo: Rest of World
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top