Thần thoại kỳ lân bắt nguồn từ đâu?

M
Minh Ngọc Nguyễn Hoàng
Phản hồi: 0
Kỳ lân có thể được lấy cảm hứng từ một số loài động vật ngoài đời thực.
[IMG alt="Thần thoại kỳ lân bắt nguồn từ đâu?
"]https://image.vnreview.vn/img.php?s...3fa1df1a80220f376b31da048245&width=1080[/IMG]
Kỳ lân là một trong những sinh vật thần thoại nổi tiếng nhất. Kỳ lân thường được miêu tả là sở hữu thân mình của một con ngựa trắng với chiếc sừng hình xoắn ốc mọc ra từ trán. Không khó để tưởng tượng ra một con ngựa có sừng và phần lớn mọi người nghĩ rằng nó thực sự tồn tại. Nhưng huyền thoại này bắt nguồn từ đâu?
Hình ảnh giống kỳ lân đã xuất hiện từ nền Văn minh Thung lũng Indus cổ đại (khoảng 3300 TCN đến 1300 TCN) ở Nam Á, bao gồm các phần của Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ ngày nay. Tuy nhiên, những hình ảnh này có khả năng là aurochs (một loài bò rừng hiện đã tuyệt chủng), theo Bảo tàng St Neots ở Anh.
Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (New York), các mô tả bằng văn bản của Trung Quốc về kỳ lân châu Á có niên đại khoảng năm 2700 trước Công nguyên. Theo đó, kỳ lân được miêu tả là sự kết hợp của các loài động vật khác nhau và sở hữu thân mình của một con hươu, đuôi của một con bò với bộ lông nhiều màu hoặc có vảy giống như rồng và có một chiếc sừng (hoặc nhiều sừng). Bất chấp sự khác biệt về hình dáng, kỳ lân châu Á được mô tả là những sinh vật sống đơn độc, giống như những ghi chép của châu Âu sau này.
Sự đề cập đến kỳ lân đầu tiên được ghi nhận trong văn học phương Tây là vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Nhà sử học Hy Lạp Ctesias đã viết lại mô tả sinh vật thần thoại là một loài động vật hoang dã thuộc về Ấn Độ và có sự tương đồng với ngựa, với thân hình trắng, mắt xanh, đầu đỏ và một chiếc sừng nhiều màu dài khoảng 0,5 mét. Kỳ lân của Ctesias có thể dựa trên mô tả của nhiều loài động vật như lừa hoang dã và tê giác Ấn Độ.


[IMG alt="Thần thoại kỳ lân bắt nguồn từ đâu?
"]https://image.vnreview.vn/img.php?s...0209c19eb225007609a5b3e1e253&width=1080[/IMG]

Vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, các học giả dịch Kinh thánh từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp đã lấy từ tiếng Do Thái "re'em", có thể là tên của bò rừng aurochs, và biến nó thành từ tiếng Hy Lạp "monokeros," có nghĩa là "một sừng". Sau đó, từ này trở thành "unicornus" trong bản dịch tiếng Latinh của Kinh thánh Hy Lạp và "unicorn" trong bản tiếng Anh, theo Merriam-Webster. Do đó, kỳ lân đã trở thành một con vật trong Kinh thánh gắn liền với Chúa Giê-xu và sự thuần khiết.
Tuy nhiên, nhà thám hiểm người Ý Marco Polo nhận thấy những câu chuyện về kỳ lân không hoàn toàn khớp với thực tế khi ông du ngoạn qua châu Á và lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh mà ông nghĩ là kỳ lân vào thế kỷ 13. "Chúng thích thú khi sống trong vũng lầy và trong bùn", ông viết. "Đó là một con quái vật gớm ghiếc, và không giống như những gì chúng ta nghĩ và bàn tán ở đất nước của chúng ta".

[IMG alt="Thần thoại kỳ lân bắt nguồn từ đâu?
"]https://image.vnreview.vn/img.php?s...5a50cb2cb3f977e63f01841e55eb&width=1080[/IMG]
Theo Thư viện Đại học Brown, Polo mô tả sinh vật này có một chiếc sừng lớn, màu đen, với bộ lông giống trâu và chân như voi. Ngày nay, người ta đã chấp nhận rằng "kỳ lân" mà Polo thấy là một con tê giác.
Vào thời Trung cổ, các thủy thủ và thương nhân đã đưa ngà của kỳ lân biển (Monodon monoceros) đến các thị trường châu Âu và bán chúng như sừng "kỳ lân". Kỳ lân biển là loài cá voi có răng đến từ Bắc Cực. Theo Trung tâm Khoa học Địa cực của Đại học Washington, kỳ lân biển đực sở hữu một chiếc răng dài từ 2 đến 3m, trông giống như một chiếc sừng.
Người châu Âu không có mô tả nhất quán về sừng kỳ lân trông như thế nào trước khi ngà kỳ lân biển được đem ra mua bán. Sau khi những chiếc ngà này xuất hiện ở thị trường thời Trung cổ, sừng kỳ lân gần như luôn được mô tả là dài, trắng và có hình xoắn ốc, giống như ngà kỳ lân biển.
Một nghiên cứu năm 2004 được công bố trên Tạp chí Khảo cổ học Châu Âu lưu ý rằng kỳ lân biển phần lớn không được biết đến ở Châu Âu vào thời Trung cổ, mặc dù một số người đã săn lùng và mua lại ngà của chúng. Tác giả của nghiên cứu viết: “Kỳ lân được biết đến nhiều trong văn hóa tranh ảnh và chữ viết thời Trung cổ, đặc biệt là vào thế kỷ XIV và XV, trong khi kỳ lân biển thì không”. Mặc dù kỳ lân biển thực sự tồn tại nhưng hầu hết mọi người chưa từng nghe nói về chúng, vì vậy chiếc ngà đã giúp củng cố câu chuyện về kỳ lân thần thoại. Tuy nó không có thật nhưng vẫn được mọi người tin tưởng.
Dù vậy, niềm tin của người châu Âu về sự tồn tại của kỳ lân đã mất dần vào thế kỷ 18, theo Bảo tàng St Neots. Bởi sau cùng không ai có thể tìm thấy một con vật thực sự phù hợp với mô tả về kỳ lân.
Nguồn: Live Science
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top