Tôi bị đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền có phải trả nợ không? Bị đòi nợ thì xử lý thế nào?

T
Thanh Phong
Phản hồi: 0

TienCM

Pearl
Ngày nay, việc vay tiền ngày càng trở nên đơn giản, chỉ với một số thông tin cá nhân trên CCCD hay số điện thoại,... là đã có thể “giải ngân”. Vậy nếu bị đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền thì có phải trả nợ không?
Tôi bị đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền có phải trả nợ không? Bị đòi nợ thì xử lý thế nào?

1. Thông tin cá nhân và quy định về bảo vệ thông tin cá nhân​

Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 64/2007/NĐ-CP, thông tin cá nhân được quy định như sau:
- Thông tin cá nhân là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất một trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số CMND, số hộ chiếu.
- Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác.
Theo căn cứ trên, thông tin cá nhân có thể coi là bí mật cá nhân cá nhân được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015. Việc sử dụng thông tin liên quan đến bí mật cá nhân phải được sự đồng ý của người đó.
Theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Bất kỳ người nào có hành vi đánh cắp thông tin, tiết lộ những thông tin đời tư cá nhân của người khác đều phạm pháp
Cụ thể, tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
- Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Có phải trả nợ khi bị đánh cắp thông tin để vay tiền?​

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
- Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay;
- Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo đó, quan hệ vay tiền chỉ được hình thành khi có sự thỏa thuận giữa các bên là bên cho vay và bên vay về việc vay tiền, giao tiền cho vay, hạn trả nợ, lãi suất (nếu có).
Ngoài ra, tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay, trường hợp vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì bên vay tài sản mới là người có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay. Do đó, một người bị lấy cắp thông tin nhưng trên thực tế lại không vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, người bị lấy cắp thông tin phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền.

3. Không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ thì phải làm gì?​

Trong trường hợp này, người bị đánh cắp thông tin có thể trình báo sự việc trên cho các cơ quan công an theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020/TT-BCA để được cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như đưa ra phương án xử lý với người lấy cắp thông tin:
- Công an xã, phường, thị trấn: Có nhiệm vụ phân loại, xử lý tin báo về tội phạm;
- Công an điều tra cấp huyện: Có nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện;
- Công an điều tra cấp tỉnh: Có nhiệm vụ điều tra những tội phạm thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, có yếu tố nước ngoài,…
Riêng trường hợp giấy tờ nhân thân bị rơi, mất thì phải nhanh chóng thông báo với cơ quan có thẩm quyền về việc làm rơi, mất giấy tờ nhân thân của mình.
Trong trường hợp bị giấy tờ chưa thông tin cá nhân bị đánh rơi, mất thì phải thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

4. Xử phạt đối với hành vi lấy cắp thông tin cá nhân của người khác​

Hành vi sử dụng trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác sẽ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
- Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;
- Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
Ngoài ra, người có hành vi lấy cắp thông tin, gây thiệt hại cho người khác còn phải thực hiện bồi thường thiệt hại theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Theo Thuvienphapluat.vn

>> Chiêu lừa kiểu mới: mở hội thảo, lấy thông tin cá nhân khách dự để làm hồ sơ vay tiền

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top