Vì sao uống cà phê xong chúng ta buồn đi vệ sinh?

Đối với một số người, ngoài việc bổ sung năng lượng, cà phê còn khiến họ phải lao ngay vào nhà vệ sinh vì lý do tế nhị.
Vì sao uống cà phê xong chúng ta buồn đi vệ sinh?
Uống cà phê có thể kích thích ruột kết của bạn co bóp.
Mặc dù loại thức uống này đã quá phổ biến, nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu lý giải tại sao cà phê lại khiến nhiều người phải tìm đến phòng vệ sinh chỉ sau vài phút thưởng thức như vậy.
Tiến sĩ Kyle Staller, Giám đốc Phòng thí nghiệm Hệ tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết: “Trong một số trường hợp, đơn cử như giữa cà phê và đi vệ sinh, có thể vì không xuất hiện nhu cầu về mặt y tế nên không có sự đầu tư điều tra nghiêm túc”.
“Có thể do đó là một trường hợp hiển nhiên, nghĩa là không cần nhiều nghiên cứu để biết rằng cà phê kích thích nhu động ruột khi nó là một phần trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người”.

Vì sao uống cà phê xong chúng ta buồn đi vệ sinh?
Tác dụng của cà phê đối với ruột kết có thể liên quan nhiều hơn đến các hợp chất đặc biệt chứ không chỉ riêng caffeine.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa uống đủ nước là không cần thiết cho sức khỏe tổng thể của chúng ta. “Khoảng 60% cơ thể là nước”, Jerlyn Jones, một chuyên gia dinh dưỡng, phát ngôn viên của Academy of Nutrition and Dietetics cho biết.
Cà phê có chứa caffein hay không chứa caffein dường như không quan trọng trong tất cả các nghiên cứu vì những nghiên cứu khác cho thấy rằng trong một số trường hợp, các hợp chất cà phê không phải caffein lại kích thích vấn đề vệ sinh đột ngột.
Người ta chưa xác định rõ các hợp chất này và cách chúng tương tác với đường tiêu hóa, nhưng dưới đây là những gì mà các nhà nghiên cứu đã khám phá được cho đến nay.

Cà phê có thể gây co thắt ruột kết​

Đại tràng trải qua ba loại co bóp cùng phối hợp với nhau để nhào trộn và cuối cùng là tống phân ra ngoài. Sự xuất hiện, thời gian và tần suất của những cơn co bóp này chịu ảnh hưởng của các yếu tố cơ, thần kinh và hóa học.
Staller cho biết cà phê có thể kích thích hoạt động của ruột kết trong vòng vài phút sau khi uống. Trong một nghiên cứu năm 1998, 12 người khỏe mạnh đã đồng ý đưa một đầu dò cảm biến vào ruột kết của họ. Trong khoảng thời gian 10 giờ vào ngày hôm sau, những người này được cho uống cà phê ấm, cà phê decaf, nước hoặc một bữa ăn theo thứ tự ngẫu nhiên. Cà phê và bữa ăn đều gây ra nhiều cơn co thắt và áp lực cho ruột kết hơn so với nước. Cà phê chứa caffein kích thích hoạt động của ruột kết hơn 60% so với nước và hơn 23% so với cà phê decaf.
Ngoài ra, những người tham gia một nghiên cứu khác cho biết uống cà phê khiến họ muốn đi đại tiện. Ruột kết của họ ngay lập tức bị kích thích chỉ trong vòng 4 phút sau khi uống cà phê đen không đường, và hiệu ứng đó kéo dài ít nhất 30 phút.
Những kết quả trên có thể cho thấy cà phê không tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc ruột già mà ảnh hưởng đến nó thông qua “cơ chế dạ dày-ruột kết”, Staller nói. Điều đó có nghĩa là cà phê tiếp xúc “với niêm mạc dạ dày, nó kích hoạt hệ thống thần kinh hoặc phản ứng nội tiết tố khiến ruột kết bắt đầu co bóp. Các cơn co thắt ruột kết di chuyển phân trong đại tràng về phía trực tràng và tất nhiên, bạn bắt đầu phải thỏa mãn nhu cầu vệ sinh của mình”, ông nói.
Melanoidin - hợp chất được hình thành trong quá trình rang cà phê - có chất xơ, giúp tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón, Jones cho hay.

Cà phê có thể tác động đến hormone và axit dạ dày​

Staller cho biết, cà phê dường như cũng kích thích giải phóng gastrin, hormone sản xuất ra axit dạ dày. Axit dạ dày giúp tiêu hóa thức ăn và thúc đẩy hoạt động của ruột kết. Vào năm 1986, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống cà phê có chứa caffein hoặc cà phê decaf ảnh hưởng đến nồng độ gastrin một cách nhanh chóng và đáng kể.
Sau khi nhịn ăn qua đêm, những người đàn ông trong một nghiên cứu nhỏ năm 2009 được phép dùng một bữa ăn kèm cà phê đen hoặc chỉ dùng một bữa ăn. Thí nghiệm cho thấy uống cà phê làm tăng đáng kể thời gian để thức ăn rời dạ dày và đi vào ruột non sau giờ ăn.
“Một số hợp chất trong cà phê cũng có thể tương tác với các thụ thể opioid trong ống tiêu hóa”, Staller cho biết thêm.

Sản phẩm bơ sữa và sức khỏe tiêu hóa​

Nếu bạn mắc phải hội chứng không dung nạp lactose nhưng vẫn thích thưởng thức kem sữa cùng với một tách cà phê, thì lớp bột kem này có thể là thủ phạm khiến bạn phải đi đại tiện đột ngột.
“Một cách để tìm ra nguyên nhân khiến bạn phải đi vệ sinh là uống cà phê mà không kèm theo kem hoặc sữa và theo dõi các triệu chứng trong vài ngày”, Jones nói.
Mặc dù nghiên cứu cho thấy một lợi ích tiêu hóa của việc uống cà phê, nhưng liệu thói quen sử dụng cà phê thường xuyên mỗi buổi sáng có phải là thứ bạn nên duy trì? Nếu đang bị táo bón, uống cà phê để giúp cải thiện tình hình có vẻ không phải là ý kiến hay.
“Đừng dựa vào nó để điều khiển hoạt động ruột của bạn. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn gặp vấn đề với việc đi vệ sinh thường xuyên”, Jones nói.
Jones khuyến nghị hãy từ từ tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống “với trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, quả hạch và các loại hạt. Một người Mỹ trưởng thành tiêu thụ trung bình 12 đến 14 gam chất xơ mỗi ngày và trong Hướng dẫn Chế độ ăn uống 2020-2025 đã khuyến nghị 25 đến 30 gam chất xơ mỗi ngày cho người trưởng thành”.
Những người hay đi tiêu lỏng hoặc bất ngờ “cũng nên xem xét, vì cà phê có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng khó chịu đó”, Staller nói.
Nguồn: CNN
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top