Câu chuyện Zalo sẽ tiến hành những thay đổi được xem là lớn nhất cả về kinh doanh và chính sách đối với người dùng trong 10 năm trở lại đây bắt đầu từ tháng 8.2022, đang được dư luận đặc biệt chú ý.
“Kỷ niệm” 10 năm bằng việc thu phí và bóp tính năng người dùng
Với những thông tin khá ít ỏi mà Zalo công bố trong thời gian qua, bắt đầu từ tháng 8.2022, nền tảng ứng dụng OTT này được cho rằng sẽ chính thức bắt đầu tiến hành thu phí khối khách hàng doanh nghiệp là các tài khoản official account (OA), với 3 mức 10.000 đồng – 59.000 đồng và 399.000 đồng. Việc Zalo tiến hành thu phí đối với OA không gây ra nhiều bàn tán hay phản đối. Bởi trên thực tế, một ứng dụng OTT khác từ nước ngoài (gốc Nga) và có lượng người dùng cũng không ít tại Việt Nam là Telegram, cũng đã ra mắt gói cước Premium cho khách hàng doanh nghiệp gần đây, với những hỗ trợ và tiện ích nhiều hơn, phong phú hơn.
Tuy nhiên, câu chuyện của Zalo lại mang một động thái và sắc thái khác. Đó là, Zalo một mặt triển khai xây dựng các gói cước thu phí khách hàng OA, nền tảng này cũng đồng thời tiến hành bóp tính năng đối với các tài khoản người dùng thông thường. Chính sách bóp tính năng mạnh nhất và gây phản ứng, sự không hài lòng nhiều nhất mà Zalo cho rằng chỉ là sự “thay đổi, điều chỉnh” với “chiêu bài” bảo mật, chính là bóp danh bạ xuống không còn được quá 1.000 liên hệ. Tiếp đến, Zalo cũng bóp nhiều tính năng khác như không cho phép người lạ xem hoặc bình luận trên nhật ký, mỗi tài khoản Zalo sẽ chỉ mặc định được 5 mẫu tin nhắn nhanh, mỗi tài khoản được phản hồi tối đa 40 hội thoại từ người lạ; không hỗ trợ tính năng username, tài khoản thông thường hiển thị tối đa 40 lần/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại… Chính vì 2 động thái song song cho nên động thái thứ hai đã mang một sắc thái khác, và Zalo bị cho là cố tình bóp tính năng để gián tiếp ép người dùng thông thường chuyển sang sử dụng các gói trả phí, hoặc cũng có thể Zalo bóp tính năng để thăm dò dư luận người dùng để từ đó có thể tính tiếp việc tiến đến thu phí đối với tài khoản người dùng thông thường. Việc Zalo kỷ niệm 10 năm bằng các thay đổi và đưa ra những đường hướng mới đặc biệt là phát triển kinh doanh cũng là thông lệ thường thấy đối với nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp truyền thông số nói riêng trên thế giới. Song trong sự thay đổi đó
bỗng dưng quay ngoắt bóp tính năng người dùng là điều đầy khó lường và bất ngờ, khiến người dùng không thể chấp nhận. Bởi theo thông lệ, khi tung ra chính sách mới trong đó có việc thu phí, các nhà cung cấp dịch vụ thường đưa ra những gói cước với tính năng cùng sự hỗ trợ cao hơn, tốt hơn, nhiều lợi ích hơn cho khách hàng trả phí; chứ không ai lại song song đó quay ra bóp tính năng đối với những khách hàng đang sử dụng ổn định, không hề vi phạm, thậm chí còn đang đóng góp cho cộng đồng Zalo sự đông đúc, nhộn nhịp từ đó giúp Zalo thu hút được các OA tham gia mua gói cước.
Động thái cho thấy Zalo luẩn quẩn đường phát triển?
Những thay đổi được Zalo công bố, tưởng chừng là một sự thay đổi nhân kỷ niệm 10 năm mang ý nghĩa tốt lên và đặc biệt là nhằm phát triển đường hướng kinh doanh. Nhưng từ sâu xa, có thể thấy một sự bế tắc ngược lại, đó là Zalo bí đường phát triển kinh doanh đã kéo dài trong nhiều năm qua, chưa tìm thấy lối mở thực sự ổn định, khả quan và có triển vọng trong tương lai. Hãy nhìn sang các ứng dụng, phổ biến như Facebook hay Messenger, Viber…,
có nền tảng nào vì để phát triển kinh doanh, thương mại hóa nhằm tạo nguồn thu, lại đi bóp tính năng người dùng như Zalo đang tính thực hiện từ tháng 8.2022? Có thể nói cách làm này của Zalo là hạ sách. Bởi một khi người dùng thông thường cảm thấy không hài lòng hay chán nản rời bỏ Zalo, thì các OA lấy ai xem, lấy đâu ra sự tương tác để mà bán được hàng và có doanh thu, tăng doanh thu? “Ông lớn” như Facebook, mạnh hơn Zalo cả tỉ lần, cũng không dám làm thế với người dùng, hoặc nếu có bóp thì cũng khéo léo, ở những khía cạnh thực sự quan trọng về bảo mật. Bởi nếu các động thái thay đổi và bóp tính năng dẫn đến hệ lụy giảm lượng người dùng thì sẽ gây hậu quả nặng nề đến hoạt động kinh doanh. Đơn cử, quý IV/2021 lượng người dùng Facebook sụt giảm khiến giá cổ phiếu của Meta (công ty mẹ của Facebook) đã “bay hơi” đến 26%. Đến quý I/2022 lượng người dùng của Facebook hồi phục lại phần nào, giá cổ phiếu tại thời điểm công bố thông tin tăng 18%. Đó có lẽ là bài học mà Zalo phải nghiền ngẫm rất kỹ trước khi đụng tới quyền lợi, lợi ích của các “thượng đế”. Bởi tại một thời điểm quan trọng, tiếng nói và phản ứng của “thượng đế” sẽ là đòn giáng rất mạnh đối với nhà cung cấp dịch vụ. Ở điểm này, rất may là VNG – công ty mẹ của Zalo – chưa lên sàn. Giả thiết VNG đã lên sàn, động thái bóp tính năng người dùng một cách lộ liễu của Zalo, hoàn toàn có thể dẫn đến hậu quả khôn lường đối với giá cổ phiếu trên sàn, “bứt dây động rừng” tới giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Quay trở lại đường hướng phát triển kinh doanh của Zalo, ứng dụng này đã trải qua 2 chu kỳ 5 năm tính từ khi ra mắt. Tuy nhiên xét về mặt nền tảng công nghệ, 10 năm qua Zalo vẫn cơ bản là một ứng dụng OTT về truyền thông chứ không hơn. Hơn thế nữa, đường hướng phát triển kinh doanh để thu hồi những khoản tiền khổng lồ hàng ngàn tỉ đồng đã đầu tư trước đây của Zalo đã không đạt như kỳ vọng. Nền tảng này đang bên bờ vực rơi vào cái bẫy của chính mình, đó là trở thành một “ốc đảo” về nhiều nghĩa, đó là sự đều đều, thiếu động lực sáng tạo, chưa cho thấy tạo ra được một nền tảng công nghệ mới để sẵn sàng thay thế, kế thừa và nâng cấp nền tảng Zalo hiện tại trong tương lai…
Dạ Thảo