Ba lý do khiến Apple và Samsung vẫn "nói không" với pin silicon-carbon

Thảo Nông
Thảo Nông
Phản hồi: 0
Những chiếc smartphone Trung Quốc gần đây liên tục gây sốt với công nghệ pin silicon-carbon, mang lại dung lượng siêu cao trong một thân máy mỏng nhẹ. Điều này đã khiến không ít người dùng đặt câu hỏi: tại sao các ông lớn như Apple và Samsung lại chậm chân đến vậy? Tuy nhiên, đằng sau sự im lặng của họ là những lý do kỹ thuật và chiến lược hoàn toàn có cơ sở.

1753280953985.jpeg

Dung lượng cao nhưng... tuổi thọ thấp


Ưu điểm lớn nhất của pin silicon-carbon là khả năng lưu trữ năng lượng vượt trội. Về mặt lý thuyết, vật liệu silicon có thể chứa nhiều ion lithium gấp gần 10 lần so với than chì (graphite) truyền thống, cho phép các nhà sản xuất tạo ra những viên pin có dung lượng cao hơn trong cùng một kích thước.

Tuy nhiên, sự đánh đổi lại nằm ở độ bền. Theo các nghiên cứu hiện tại, pin silicon-carbon có tuổi thọ thấp hơn đáng kể. Chúng chỉ đạt khoảng 800 chu kỳ sạc-xả trước khi dung lượng thực tế giảm xuống còn 80%. Trong khi đó, các tiêu chuẩn mới tại châu Âu yêu cầu pin smartphone phải duy trì được hiệu suất tốt hơn, và Samsung được cho là đã hứa hẹn các viên pin của họ có thể đạt tới 2.000 chu kỳ sạc trước khi bắt đầu bị chai.

Đối với các thương hiệu đang cạnh tranh khốc liệt để chiếm thị phần, việc tung ra một sản phẩm có dung lượng pin "khủng" có thể là một lợi thế marketing ngắn hạn. Nhưng đối với Apple hay Samsung, những công ty có quy mô toàn cầu và luôn đặt trải nghiệm lâu dài của người dùng lên hàng đầu, việc sử dụng một công nghệ chưa thực sự bền vững sẽ là một canh bạc quá rủi ro.

1753280962335.jpeg

Nỗi lo giãn nở và bài học từ Galaxy Note7


Một trong những thách thức kỹ thuật lớn nhất của silicon là sự giãn nở về mặt vật lý. Khi được sạc đầy, các điện cực làm từ silicon có thể giãn nở thể tích lên tới 300%. Sự giãn nở quá mức này có thể gây ra nứt gãy cấu trúc bên trong viên pin, làm mất kết nối điện và trong trường hợp xấu nhất, có thể dẫn đến các lỗi nghiêm trọng như chập cháy.

Đây chính là điều mà Samsung không thể để xảy ra một lần nữa, sau bài học nhớ đời từ vụ nổ pin của Galaxy Note7 vào năm 2016. Dù công nghệ hiện tại đã có nhiều biện pháp kiểm soát, nhưng với quy mô sản xuất hàng trăm triệu thiết bị mỗi năm, Apple và Samsung cần phải đảm bảo rủi ro an toàn ở mức gần như bằng không, một điều mà công nghệ pin silicon-carbon có thể vẫn chưa đáp ứng được.

1753280970095.jpeg

Chi phí sản xuất cao và áp lực kinh tế


So với pin lithium-ion sử dụng than chì truyền thống, pin silicon-carbon có chi phí sản xuất cao hơn đáng kể, từ giá vật liệu thô cho đến sự phức tạp của quy trình sản xuất.

Trong bối cảnh hiện tại, khi các chính sách thuế quan và kiểm soát linh kiện công nghệ đang tạo ra nhiều áp lực, cả Samsung và Apple đều phải tối ưu hóa chi phí để có thể giữ được biên lợi nhuận ổn định. Họ không thể "nằm gai nếm mật", chấp nhận giảm lãi để chiếm thị phần như một số thương hiệu khác.

Vậy Apple và Samsung đang làm gì?


Thực tế, sự im lặng của hai gã khổng lồ không có nghĩa là họ đang đứng ngoài cuộc chơi. Nhiều nguồn tin cho biết cả hai đều đang âm thầm nghiên cứu và thử nghiệm các thế hệ pin silicon-carbon của riêng mình. Mục tiêu của họ là phát triển một cấu trúc ổn định hơn, kết hợp với các công nghệ quản lý nhiệt và mạch bảo vệ tiên tiến, để có thể tăng dung lượng pin mà không phải hy sinh độ bền, độ an toàn hay trải nghiệm lâu dài của người dùng.

Khi thời điểm chín muồi, rất có thể họ sẽ "đặt cược" vào công nghệ này. Và thời điểm đó đang được kỳ vọng là vào năm 2026, khi thế hệ Galaxy S26 và iPhone 18 ra mắt.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly92bnJldmlldy52bi90aHJlYWRzL2JhLWx5LWRvLWtoaWVuLWFwcGxlLXZhLXNhbXN1bmctdmFuLW5vaS1raG9uZy12b2ktcGluLXNpbGljb24tY2FyYm9uLjY1NjU5Lw==
Top