"Bí ẩn thiên niên kỷ" về cái chết và ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn

Lan Thanh

Moderator
Cho đến nay, vị trí chính xác của lăng mộ Thành Cát Tư Hãn vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải, cũng như nguyên nhân cái chết của vị Đại Hãn này.

Thành Cát Tư Hãn qua đời vào mùa hè năm 1227 trong một chiến dịch quân sự chống lại Tây Hạ, dọc theo thượng nguồn sông Hoàng Hà. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của ông vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo ghi chép của Marco Polo, Thành Cát Tư Hãn có thể đã mất vì vết thương trong một trận chiến. Trong khi đó, "Mông Cổ Bí Sử" - một bộ sử về hoàng tộc Mông Cổ được viết sau này - lại cho rằng ông chết do ngã ngựa khi đi săn. Sự thiếu hụt thông tin chính xác về cái chết của Thành Cát Tư Hãn đã khiến nó trở thành chủ đề hấp dẫn cho nhiều giả thuyết và suy đoán.

1721274580305.png

Chân dung của Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh: Wikipedia).

Theo sử sách, Thành Cát Tư Hãn đã bày tỏ mong muốn được chôn cất bí mật tại núi Burkhan Khaldun - một địa điểm linh thiêng gắn liền với nhiều dấu mốc quan trọng trong cuộc đời ông. Truyền thuyết kể rằng, khi bị bộ tộc Miệt Nhi Khất truy đuổi, Thành Cát Tư Hãn đã tìm được nơi ẩn náu an toàn tại ngọn núi này và được một bà lão cứu mạng. Sau này, trong một lần đi săn gần Burkhan Khaldun, ông đã vô cùng ấn tượng trước vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi và quyết định chọn nơi đây làm nơi an nghỉ cuối cùng.

Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, thi hài ông được đưa về Burkhan Khaldun và chôn cất bí mật theo đúng di nguyện. Không có bất kỳ dấu hiệu nhận biết nào về ngôi mộ như lăng tẩm, đền thờ hay bia mộ được xây dựng, khiến cho việc tìm kiếm vị trí chính xác của nó trở nên vô cùng khó khăn.

Để bảo vệ sự yên nghỉ của vị Đại Hãn, một khu vực rộng lớn xung quanh núi Burkhan Khaldun (khoảng 620km2) đã bị phong tỏa và được gọi là "Ikh Khorig" - "Cấm địa". Nơi đây được canh gác nghiêm ngặt bởi đội quân Darkhad - những chiến binh tinh nhuệ được giao nhiệm vụ bảo vệ lăng mộ và ngăn chặn mọi sự xâm phạm. Hình phạt dành cho kẻ xâm nhập là cái chết. Nhiệm vụ bảo vệ lăng mộ được Darkhad và con cháu họ kế thừa qua nhiều thế hệ, ngay cả sau khi đế quốc Mông Cổ sụp đổ.

Trong những thập kỷ qua, đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn được triển khai, nhưng đều không thu được kết quả. Vào những năm 1990, một đoàn thám hiểm Nhật Bản - Mông Cổ đã sử dụng công nghệ siêu âm để khảo sát khu vực núi Burkhan Khaldun và xác định được 1.380 địa điểm tiềm năng. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm đã phải dừng lại do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân địa phương.

Hiện nay, núi Burkhan Khaldun đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, khiến cho việc khai quật khảo cổ tại khu vực này càng trở nên khó khăn hơn.

Một số nhà nghiên cứu đã chuyển sang sử dụng ảnh vệ tinh để tìm kiếm lăng mộ. Năm 2010, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khoa học Albert Yu-Min Lin đã kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng mạng để phân tích hàng nghìn bức ảnh vệ tinh có độ phân giải cao về Mông Cổ, nhằm tìm kiếm những dấu hiệu bất thường. Dự án đã thu hút được hàng nghìn người tham gia và giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm xuống 100 địa điểm. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn là con số 0.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top