Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc: cơn ác mộng bao giờ đến hồi kết?

Vào ngày 22/12/2021, toàn bộ thành phố Tây An ở phía tây Trung Quốc bị đưa vào tình trạng phong tỏa. “Mọi chuyện diễn ra một cách bất ngờ” - theo Fan, một sinh viên đại học gốc Tây An. “Trường không cho chúng tôi ra khỏi ký túc. Mọi hoạt động đều bị hạn chế, và mọi lớp học bị ngừng lại. Tôi không thể rời trường, cũng không thể về nhà. Chúng tôi bị mắc kẹt”. Thành phố 13 triệu dân này đã phải trải qua nửa cuối tháng 12/2021 và phần lớn tháng 1/2022 trong một trong những đợt phong tỏa gay gắt nhất của Trung Quốc. Nguyên nhân do đâu? Số lượng ca mắc Covid-19 quá lớn.
Kể từ đầu đại dịch, Trung Quốc đã bám sát chiến lược zero-Covid, bao gồm một loạt các biện pháp ngăn chặn cứng rắn nhưng hiệu quả cao. Tổng số ca tử vong do Covid tại Trung Quốc vẫn được duy trì dưới 5.000, và tổng số ca đang chữa trị là 124.900, thấp hơn đáng kể so với con số 78 triệu tại Mỹ và 18,4 triệu tại Anh. Trừ việc hạn chế di chuyển, cuộc sống hầu như diễn ra bình thường - và thành công trong việc chặn đứng virus của Trung Quốc được xem như một niềm kiêu hãnh của quốc gia này.
Thế nhưng sự xuất hiện của những biến thể với khả năng lây nhiễm mạnh hơn, như Omicron, đang thay đổi tình hình một cách nhanh chóng. Trong khi các quốc gia khác phản ứng với sự tiến hóa của Covid bằng cách chuyển dần sang chiến lược chung sống với virus, Trung Quốc tiếp tục dựa vào những chính sách hạn chế gắt gao đã áp dụng từ khi đại dịch bùng nổ. Trong dịp Tết Âm lịch và Thế vận hội mùa đông, những đợt bùng dịch Omicron và Delta nhỏ nhưng liên tục đã khiến chính quyền Trung Quốc lúng túng. Sau khi thất bại trong việc truy lùng nguồn gốc ca nhiễm Omicron đầu tiên hồi tháng 1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tất của nước này lập tức đổ lỗi cho một...lá thư chuyển về từ Canada, buộc nhiều thành phố trong nước điên cuồng khử khuẩn thư tín quốc tế và xét nghiệm cả những người nhận bưu phẩm.
Sau hai năm ngẩng cao đầu nhờ câu chuyện chống dịch thành công, Trung Quốc nay có dấu hiệu sa lầy. Trong đợt phong tỏa Tây An nói trên, dư luận cả nước đã nổi giận khi biết về tình trạng thiếu hụt hàng hóa, cùng trường hợp một người phụ nữ xấu số mất đi đứa con chưa ra đời ở tháng mang thai thứ 8 vì bị từ chối hỗ trợ y tế trong nhiều giờ.
Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc: cơn ác mộng bao giờ đến hồi kết?
Ở Trung Quốc và nước ngoài, người ta bắt đầu đặt ra những câu hỏi về hướng đi không khoan nhượng của chính phủ. “Tôi hiểu nhiều người vẫn sợ virus và sẵn sàng chấp nhận chính sách zero-Covid, nhưng tôi cảm thấy rằng chúng tôi đã đạt đến giới hạn” - Fan cho biết. Bố mẹ anh đã phải cách ly trong hai tuần, tự trang trải mọi chi phí, sau khi gặp mặt một người bạn từng đến một tiệm tạp hóa có liên quan ca mắc Covid. “Nó gây tác động lớn đến chúng tôi”. Vậy tại sao chính quyền Trung Quốc cứ khăng khăng theo đuổi chiến lược này? Lý do được đưa ra là nếu từ bỏ, một đợt bùng dịch khủng khiếp có thể xảy ra, gây quá tải cho hệ thống y tế trong nước, và gây bất ổn cho xã hội. Các chuyên gia Trung Quốc đồng ý với điều đó - nhưng chỉ ở một mức độ nhất định mà thôi. Trên thực tế, mọi thứ không đơn giản như vậy.
Một thách thức lớn đối với Trung Quốc là vắc-xin của họ kém hiệu quả hơn so với các loại vắc-xin khác. Dù xấp xỉ 87% tổng dân số Trung Quốc đã được tiêm vắc-xin, đại đa số đều là các mũi vắc-xin Sinovac và Sinopharm của nước nhà, vốn là loại vắc-xin bất hoạt sử dụng virus đã chết để tạo kháng thể cho người được tiêm. Khoảng 1/3 dân số Trung Quốc cũng đã được tiêm các mũi bất hoạt tăng cường.
Vào tháng 12, các nhà nghiên cứu tại Hong Kong phát hiện ra rằng 2 liều Sinovac không đủ để tạo kháng thể chống biến chủng Omicron. Các vắc-xin Pfizer và Moderna, dù kém hiệu quả trước Omicron so với các chủng trước đó, vẫn giúp đủ sức bảo vệ cơ thể - đặc biệt sau khi tiêm mũi thứ ba. Và kể cả trước khi các chủng Covid mới xuất hiện, các vắc-xin của Trung Quốc vẫn tụt hậu đằng sau các vắc-xin mRNA của phương Tây. Những con số thống kê cho thấy một sự thật khó nuốt: Sinovac chỉ cho hiệu quả 51% trong ngăn chặn các ca nhiễm Covid có triệu chứng. Con số này của Pfizer lên đến 95%. Trung Quốc hiện vẫn chưa cho phép sử dụng vắc-xin Pfizer và Moderna đối với người dân trong nước, dù công ty Fosun Pharmaceuticals ở Thượng Hải đã có được quyền phân phối vắc-xin Pfizer tại Hong Kong, Macau, và Đài Loan.
Bên cạnh tính hiệu quả của vắc-xin, một vấn đề khác là sự phân bổ không đồng đều vắc-xin trên toàn Trung Quốc. Hầu hết dân số già của nước này vẫn chưa được tiêm mũi nào, và đứng trước nguy cơ mắc bệnh cao - bởi chính quyền đã quyết định trì hoãn tiêm cho người già nhằm ưu tiên thành phần người lao động đảm đương những công việc nguy cơ cao, và nhằm đảm bảo vắc-xin an toàn khi sử dụng cho người già. (Các nhà sản xuất vắc-xin Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm trên ít người cao tuổi hơn trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng so với các nước phương Tây) Dù Trung Quốc đã mở đợt tiêm vắc-xin cho người từ 60 tuổi trở lên vào tháng 3, các cơ quan y tế vẫn thực hiện một cách thận trọng, và tỉ lệ người từ chối tiêm vắc-xin vẫn cao - gần 9 tháng sau khi Trung Quốc bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho người từ 60 trở lên, khoảng 50 triệu người trong nhóm tuổi này vẫn chưa tiêm mũi nào. Đối với người từ 80 tuổi trở lên, tỉ lệ tiêm vắc-xin giao động từ hơn 40% đến dưới 30% ở một số vùng - theo một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia.
Zhang Wenhong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, người được xem là nguồn tin đáng tin cậy nhất tại Trung Quốc trong đại dịch,khẳng định vào đầu tháng này rằng tỉ lệ tử vong trong nhóm người cao tuổi vẫn cao kể cả sau khi tiêm 3 liều. Trung Quốc ước tính có 4,37 giường ICU/100.000 người, thấp hơn nhiều so với với nước phát triển như Mỹ và Đức, lần lượt có số giường ICU trên 100.000 người là 34,7 và 29,2.
Lý do ban đầu của việc triển khi chiến lược zero-Covid là để có thêm thời gian để một phần vừa đủ dân số được tiêm vắc-xin, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng” - theo Yanzhong Huang, nghiên cứu về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một cơ sở nghiên cứu đóng tại Mỹ. “Nhưng vắc-xin Trung Quốc lại không đủ hiệu quả để ngăn lây nhiễm. Họ không thể chấp nhận dù chỉ một số lượng nhỏ các ca lây nhiễm”
Điều mà từ trước đến nay luôn được xem là niềm kiêu hãnh quốc gia, nay hóa ra lại là một cái bẫy. Sự kém hiệu quả của vắc-xin, cùng với lớp bảo vệ yếu ớt từ các đợt lây nhiễm trước, dẫn đến hậu quả là một đợt bùng phát Covid quy mô lớn có thể đe dọa các cộng đồng dễ bị tổn thương và làm quá tải hệ thống y tế của Trung Quốc. Để đối phó với mối đe dọa này, Trung Quốc phải thích ứng. Trước sự xuất hiện của biến chủng Delta hồi tháng 8 năm ngoái, chính phủ đã chuyển mục tiêu của chính sách zero-Covid từ chỗ không có ca nhiễm sang chiến lược “zero-Covid linh động”, trong đó tìm cách chặn đứng nhanh chóng các đợt bùng dịch khi chúng xảy ra (vốn là điều không thể tránh khỏi).
Sự chuyển đổi chiến lược này không đồng nghĩa Trung Quốc nới lỏng các hạn chế. Trong ngắn hạn, nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nghiêm ngặt, như phong tỏa, bởi không như nhiều quốc gia khác - nơi các lệnh phong tỏa bị phản ứng dữ dội do lo sợ ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế - Trung Quốc có thể thực hiện được và sẵn sàng trả giá, theo Ben Cowling, Trưởng khoa Dịch tễ học tại Đại học Hong Kong. Và xét về mặt kinh tế thuần túy, chính sách này cũng không gây ra tác động quá lớn đến Trung Quốc. Một báo cáo gần đây của Australia and New Zealand Banking Group cho thấy chiến lược zero-Covid linh động chỉ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đi 2,6%. “Trung Quốc thực sự giỏi trong việc ngăn chặn và triệt tiêu Covid” - Cowling nói. “Dù là những đợt phong tỏa gay gắt, đi kèm xét nghiệm số lượng lớn và cách ly người bệnh, nhưng điều đó chỉ ảnh hưởng đến một cộng đồng nhỏ. Nếu họ có thể hạn chế được sự lây lan, thì tôi cho đó là một chiến lược tối ưu”
Và cũng như phần còn lại của thế giới, Trung Quốc đang cố cầm cự càng lâu càng tốt, để có thể tận dụng những tiến bộ khoa học đánh bại virus - nhưng theo cách của riêng họ. Trong những tháng tới, chính phủ Trung Quốc kỳ vọng sẽ tự phát triển được các loại vắc-xin mRNA tốt hơn để đối phó Omicron và các biến chủng khác. Vắc-xin mRNA đầu tiên của họ, ARCoV, đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ nhất (trên 120 người tuổi từ 18 - 59) và cho thấy tỉ lệ hiệu quả đạt từ 80 - 95%, ngang ngửa các vắc-xin của Pfizer và Moderna.
Và ARCoV thậm chí còn có ưu thế về mặt kho vận nữa. Không như Pfizer và Moderna, vốn rất khó để phân phối và lưu trữ, vaccinne mRNA mới của Trung Quốc có thể được lưu trữ trong 6 tháng ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường, từ 2 - 8 độ C. Trong khi đó, Pfizer và Moderna phải được giữ lần lượt ở -70 độ C và -20 độ C. Các chuyên gia dự báo rằng sẽ có ít nhất một vaccine mRNA Trung Quốc ra mắt vào cuối năm nay, và vaccine chuyên trị Omicron có thể sẽ sẵn sàng trong 2 - 6 tháng nữa.
Ấy thế nhưng, các nhà khoa học như Dongyan Jin - một giáo sư y sinh tại Đại học Hong Kong - cho rằng việc chờ phát triển các loại vaccine trong nước thay vì phê chuẩn Pfizer hay Moderna là điều “hoàn toàn không khôn ngoan”. Chờ đợi không chỉ làm chậm đi quá trình xây dựng miễn dịch cộng đồng tốt hơn, mà cũng không có bằng chứng nào đảm bảo vaccine trong nước sẽ hiệu quả. Hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, các nhà khoa học phát hiện ra rằng hoạt động của các kháng thể trung hòa trước Omicron có sự suy giảm mạnh, dù rằng trong các bài thử nghiệm trên động vật, mũi tiêm tăng cường thứ 3 quả thực giúp gia tăng hoạt động của các kháng thể này.
Không có lý do khoa học nào giải thích được việc tại sao lại không phê chuẩn chúng” - ông Jin nói như vậy về các vaccine Pfizer và Moderna, nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc đã từng phạm sai lầm tương tự trong quá khứ. Jin lấy ví dụ về việc trì hoãn phê chuẩn vaccines HPV chống ung thư cổ tử cung, vốn là căn bệnh ung thư phổ biến thứ ba trong số phụ nữ từ 15 - 44 tuổi tại Trung Quốc, và phổ biến thứ 6 trong tổng dân số nữ giới trên toàn quốc. Dù vaccine HPV đầu tiên đã được cấp phép bởi Mỹ vào năm 2006, và sau đó là bởi 80 quốc gia khác chỉ sau đó một năm, vaccine HPV nhập khẩu chỉ được Trung Quốc phê chuẩn từ năm 2016 - 2018 do những trì hoãn trong luật pháp (Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Trung Quốc đòi hỏi nhiều đợt thử nghiệm lâm sàng để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trước khi phê chuẩn). Trung Quốc hiện vẫn đang thiếu hụt nguồn cung vaccine HPV, dù rằng quốc gia này đã tung ra loại vaccine HPV nội địa đầu tiên vào năm 2020.
Trong cuộc chiến chống Covid, trì hoãn có thể gây ra những hậu quả còn tốn kém hơn nhiều. Kể cả nếu vaccine nội địa được phát triển thành công, Trung Quốc vẫn cần phải chế tạo và quản lý chúng. Vào năm 2021, chỉ mất 10 tháng để phủ vaccine Covid cho 1 tỷ người - khá nhanh, nhưng Huang cho rằng vẫn chưa đủ nhanh. “Đến khi Trung Quốc đạt được tỉ lệ phủ vaccine cao, thì làn sóng ca nhiễm Omicron có lẽ đã giảm đi. Chúng ta nhiều khả năng sẽ thấy sự xuất hiện và thống trị của các biến chủng mới” - ông nói.
Vậy tại sao Trung Quốc không phê chuẩn vaccine phương Tây? Bên cạnh việc bảo vệ thị trường nội địa, Calvin Ho - nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong - nói rằng việc đó còn có thể rất tốn kém và có thể dẫn đến khủng hoảng nguồn cung toàn cầu. “Kể cả nếu họ phê chuẩn Pfizer, sẽ mất một thời gian để phủ vaccine cho mọi người. Bỏ qua tổn thất về tài chính, hãy tính đến sự công bằng toàn cầu. Nếu Trung Quốc phê chuẩn nó và sẵn sàng trả tiền, điều gì sẽ xảy ra với các quốc gia khác vốn không thể chấp nhận chi phí? Nói một cách thực tế, cách duy nhất là hi vọng sẽ có thêm nhiều vaccine hiệu quả được phát triển ở đại lục hoặc Hong Kong”
Lập trường của Trung Quốc có lẽ đang thay đổi. Trong một động thái bất ngờ, quốc gia này trong tuần vừa qua đã phê chuẩn có điều kiện thuốc Paxlovid của Pfizer - dù cho đang phát triển thuốc chống virus và các liệu pháp chữa bệnh của riêng mình. Hồi đầu tháng này, một loại thuốc chống virus tên Favilavir được cho là đã được phê chuẩn để thử nghiệm lâm sàng, nhằm tìm hiểu khả năng sử dụng nó để chữa trị Covid, và cơ quan quản lý thuốc Trung Quốc cũng đã phê chuẩn khẩn cấp một loại kháng sinh đơn dòng hồi tháng 12 năm ngoái. Nhưng loại thuốc đơn dòng đó vẫn cần được đưa vào cơ thể qua đường tiêm, mà theo Huang là vẫn sẽ khiến hệ thống y tế của Trung Quốc phải hoạt động hết công suất bởi các bệnh nhân phải đến bệnh viện mới tiêm được.
Và kể cả nếu Trung Quốc có thể phát triển vaccine và liệu pháp chữa trị riêng, điều đó không có nghĩa họ sẽ dẹp bỏ chiến lược zero-Covid. Các quan chức nước này từng nói rằng, “Cho đến khi Trung Quốc có các biện pháp mới để ngăn chặn những biến chủng virus corona từ nước ngoài lây lan trên diện rộng, và có biện pháp để ngăn chặn đại dịch, đất nước sẽ không điều chỉnh chính sách zero-Covid linh động” - trích lời Wu Zunyou, giám đốc dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn bệnh dịch Trung Quốc. “Lệ thuộc vào vaccines không thể giúp ngăn chặn Covid-19”
Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc: cơn ác mộng bao giờ đến hồi kết?
Không phải ai cũng cho rằng một đợt bùng dịch quy mô lớn sẽ là thảm họa như cách chính phủ tuyên bố. Trên thực tế, có nhiều bước đi mà Trung Quốc có thể cân nhắc để giảm thiểu thiệt hại đối với các cộng đồng dễ tổn thương và hệ thống y tế nếu dự định ngừng chiến lược zero-Covid. Những biện pháp đó bao gồm chọn những loại vaccine hiệu quả hơn từ Pfizer và Moderna, cho phép sử dụng nhiều loại thuốc chống virus hơn nữa, và tuyên truyền cộng đồng về những nguy cơ sức khỏe do virus gây ra. “Nếu bạn sẵn sàng những biện pháp đó, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ để biến nó trở nên dễ quản lý hơn” - Huang nói. Ông nhấn mạnh rằng chi phí duy trì chính sách zero-Covid sẽ tăng dần theo thời gian. “Bạn phải từ bỏ chiến lược. Bạn không thể trông chờ cho virus biến mất”
Nhưng dù cho có những bằng chứng về khoa học đã nêu, không thể tách biệt chiến lược phản ứng với virus của Trung Quốc với chính trị. Tại đại lục, những cuộc thảo luận xoay quanh chiến lược zero-Covid và các loại vaccine nội địa đều mang đậm màu sắc chính trị. Các nhà khoa học tìm kiếm những giải pháp ít khắt khe hơn thường bị tấn công trên mạng xã hội, và vào tháng 1 vừa qua, một nhà làm luật tại Hong Kong cho biết các chuyên gia y tế đưa ra ý tưởng “sống chung với Covid” sẽ bị xem là vi phạm an ninh quốc gia. “Họ nhìn nhận chiến lược này như là niềm kiêu hãnh quốc gia. Nhiều người Trung Quốc rất tự hào về điều đó” - Jin nói. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng khi tạo ra một góc nhìn sai lệch cho thấy phần còn lại của thế giới đang chật vật vì căn bệnh này như thế nào.
Những giới hạn được đặt ra nhằm phòng chống dịch còn cho phép nhà nước Trung Quốc thắt chặt kiểm soát người dân trong nước. Các chuyên gia an ninh nói rằng virus đã trở thành một lý do để chính phủ đẩy nhanh các kế hoạch giám sát trên diện rộng và xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Hồi tháng 2/2020, chính quyền Hàng Châu đã đưa ra một ứng dụng bắt buộc tên là Alipay Health Code, trong đó cho mọi người biết họ cần phải bị cách ly hay được phép đi đến những nơi công cộng nhất định. Ứng dụng này dường như chia sẻ thông tin người dùng cho cảnh sát, và hiện đã được sử dụng rộng khắp trên toàn Trung Quốc, trở thành một phần bình thường của đời sống hàng ngày.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học nói rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ từ bỏ chiến lược zero-Covid khi người dân đã được tiêm đủ vắc-xin nội địa, hiệu quả với Omicron. Một tình huống khác là virus sẽ tiến hóa thành một dạng mới, đủ nhẹ để cho phép quốc gia này mở cửa trở lại mà không lo ngại quá nhiều ca nhiễm - tuy nhiên, điều này không thể đoán trước được.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ không mạo hiểm thay đổi chính sách cho đến sau khi hoàn tất Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng sản, dự kiến diễn ra vào mùa thu này. Tại Đại hội Đảng năm nay - một sự kiện chính trị quan trọng với những thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo, diễn ra mỗi 5 năm một lần - chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ đưa ra ý định tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba vốn chưa từng có tiền lệ. Giống như phần còn lại của thế giới, con đường duy nhất giúp Trung Quốc chấm dứt đại dịch là dựa vào khoa học. Nhưng chính trị là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua vào thời điểm này.
Tham khảo: Wired
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top