Cứ đà này, không có điện mà dùng điều hòa đâu!

Kiều My

Editor
Thành viên BQT
Nắng nóng cực đoan ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu, kéo theo nguy cơ mất điện kéo dài nhiều ngày, khiến điều hòa nhiệt độ - vốn được coi là cứu cánh - trở nên vô dụng.

Nhu cầu sử dụng điều hòa đang tăng mạnh và dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050 do nhiệt độ toàn cầu tăng cao và thu nhập cải thiện. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là không có điện, điều hòa cũng chỉ là vật trang trí. Nhiều hệ thống lưới điện đang bị đẩy đến giới hạn khi phải đối mặt với tình trạng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.

1720196992436.png


Điển hình như khi cơn bão Ida đổ bộ vào bang Louisiana (Mỹ) vào tháng 8/2021, với sức gió khủng khiếp và lũ lụt nghiêm trọng, hơn một triệu người đã rơi vào cảnh mất điện. Ngay sau đó, nắng nóng ập đến với nhiệt độ lên tới hơn 32,2 độ C, đe dọa tính mạng của những người dân không thể sử dụng điều hòa do mất điện kéo dài.

Sự kết hợp giữa bão, nắng nóng và mất điện kéo dài là cơn ác mộng, và đáng tiếc là tình trạng này sẽ càng trở nên phổ biến khi con người tiếp tục làm Trái đất nóng lên, châm ngòi cho các hiện tượng thời tiết cực đoan với sức tàn phá khủng khiếp. Điều này cũng phơi bày một sự thật phũ phàng về điều hòa, giải pháp vốn được coi là lá chắn bảo vệ con người khỏi nắng nóng.

Theo báo cáo của Climate Central, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, thời tiết là nguyên nhân gây ra 80% số vụ mất điện lớn ở Mỹ từ năm 2000 đến năm 2023. Tại Mỹ, hệ thống lưới điện cũ kỹ được thiết kế dựa trên điều kiện thời tiết trong quá khứ chứ không phải cho tương lai, theo Michael Webber, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Texas, Austin.

Mối đe dọa chính là bão, có khả năng gây đứt đường dây điện và làm đổ cột điện. Tuy nhiên, nắng nóng cũng có tác động tiêu cực đến lưới điện. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, hiệu suất hoạt động của hệ thống sẽ giảm. Lưới điện cũng có thể bị quá tải do nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến khi mọi người đồng loạt bật điều hòa để chống chọi với cái nóng.

Brian Stone Jr., giáo sư chuyên ngành quy hoạch thiết kế môi trường đô thị tại Viện Công nghệ Georgia, cho biết số vụ mất điện lớn ở Mỹ (ảnh hưởng đến hơn 50.000 khách hàng và kéo dài ít nhất một giờ) đã tăng gấp đôi từ năm 2017 đến năm 2020. Phần lớn sự gia tăng này xảy ra trong những tháng mùa hè.

Nhu cầu làm mát tăng vọt trong đợt nắng nóng vào tháng 8/2020 tại California đã buộc nhà điều hành lưới điện chính của bang phải cắt điện luân phiên hàng trăm nghìn hộ gia đình lần đầu tiên sau 20 năm. Năm 2021, đợt nắng nóng thiêu đốt khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương khiến thiết bị điện bị quá tải, dẫn đến việc cắt điện luân phiên hàng chục nghìn hộ gia đình khi nhiệt độ leo lên trên 37,8 độ C.

Vào tháng 6/2024, khi nhiệt độ ở Nam Âu lên tới 40 độ C, nhiều khu vực tại Albania, Bosnia, Croatia và Montenegro đã trải qua tình trạng mất điện kéo dài hàng giờ do nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Theo Webber, ngay cả việc mất điện trong thời gian ngắn cũng có thể gây nguy hiểm. Nắng nóng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng quan trọng, dẫn đến kiệt sức, sốc nhiệt, thậm chí tử vong. Khi trời lạnh và mất điện, mọi người có thể mặc thêm quần áo, đốt lửa sưởi ấm và túm tụm lại với nhau. Nhưng khi trời nóng, cách duy nhất để làm mát là dùng điện. Sự kết hợp giữa nắng nóng và mất điện là tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu, theo Stone.

Stone và một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động tiềm ẩn của tình trạng nắng nóng kết hợp với mất điện kéo dài nhiều ngày do thời tiết cực đoan hoặc tấn công mạng. Tập trung vào Atlanta, Detroit và Phoenix, họ đã xem xét kịch bản người dân phải ở trong nhà khi xảy ra sự cố. Kết quả nghiên cứu cho thấy Phoenix là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong trường hợp xảy ra nắng nóng kèm theo mất điện từ 3 đến 4 ngày, một nửa dân số thành phố (gần 800.000 người) sẽ phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến nắng nóng. Hơn 13.000 người có thể tử vong. Theo Stone, khí hậu khắc nghiệt của thành phố và khả năng thích ứng kém của người dân là nguyên nhân dẫn đến con số đáng báo động này. Việc lạm dụng điều hòa khiến người dân dễ bị tổn thương hơn vì họ quá phụ thuộc vào hệ thống làm mát tại nhà và nơi làm việc.

Arizona Public Service, một trong những công ty cung cấp điện ở Phoenix, cho biết họ đã lên kế hoạch để ngăn chặn tình trạng mất điện trên diện rộng và thường xuyên bảo trì lưới điện. Mặc dù khả năng mất điện kéo dài nhiều ngày trong đợt nắng nóng ở Phoenix là khá thấp, nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra và sẽ ngày càng phổ biến hơn khi khủng hoảng khí hậu trở nên trầm trọng. Theo Stone, giải pháp lâu dài và hiệu quả nhất để đối phó với nắng nóng và thời tiết cực đoan là giảm thiểu ô nhiễm gây nóng lên toàn cầu.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top