Giả mạo sao kê, biên lai đối mặt với án phạt nào?

Trong ngày hôm qua và ngày hôm nay cộng đồng mạng đã liên tục hoang mang khi biết thông tin hàng loạt người giả mạo sao kê trong quá trình ủng hộ người bị lũ lụt sau cơn bão số 3. Cụ thể, Ban Phong trào - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đã công khai tài liệu gồm hơn 12.000 trang sao kê các khoản tiền ủng hộ đồng bào gặp thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra. Ngay sau khi công bố, bản danh sách sao kê đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.
1726236418580.png

Theo nhiều người đăng tải trên mạng xã hội FaceBook, đã xuất hiện nhiều người nổi tiếng đã công khai khoe khoang về số tiền đóng góp "khủng" cho các quỹ từ thiện trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi đối chiếu với số liệu thực tế từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ), nhiều trường hợp đã bị phát hiện "nói một đằng, làm một nẻo". Khoản tiền mà họ thực sự chuyển đến MTTQ thấp hơn rất nhiều so với những gì đã được "tô vẽ" trên mạng xã hội.
Một số trường hợp còn tổ chức bán đấu giá sản phẩm với mục đích từ thiện. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm được bán với giá cao, chủ sở hữu lại không sử dụng toàn bộ số tiền thu được để ủng hộ như đã cam kết.
Điển hình là trường hợp một người nổi tiếng bán đấu giá sản phẩm với giá 10 triệu đồng, nhưng sau đó chỉ đóng góp 100.000 đồng từ số tiền này cho quỹ từ thiện. Hành vi này đã khiến nhiều người cảm thấy bị lừa dối và mất niềm tin vào hoạt động từ thiện của người nổi tiếng.
Việc "sống ảo" từ thiện không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của người nổi tiếng, mà còn làm xói mòn lòng tin của cộng đồng vào hoạt động từ thiện nói chung. Khi người dân mất niềm tin, việc kêu gọi ủng hộ cho các hoạt động từ thiện sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, ảnh hưởng đến những người thực sự cần được giúp đỡ.
Ngoài ra, điều này cũng khiến nhiều người cảm thấy bức xúc với những gì đã xảy ra và đặt ra câu hỏi liệu với những trường hợp giả mạo sao kê, biên lai có bị phạt hay không?
Theo thông tin đăng tải trên Báo điện tử Dân trí: "Luật sư Đỗ Văn Luận, Giám đốc Công ty Luật Lập Phương, Đoàn luật sư TPHCM, cho biết trường hợp đăng các hình ảnh chuyển khoản ngân hàng đã qua chỉnh sửa lên mạng xã hội nhằm "phông bạt", đánh bóng tên tuổi sẽ được chia làm 2 trường hợp.
Nếu chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội".
Vi phạm hành chính này được quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022 của Chính phủ. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của tổ chức là từ 10-20 triệu đồng, đối với cá nhân là từ 5 đến 10 triệu đồng.
Cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...
Tùy thuộc vào tính chất hành vi, người thực hiện hành vi đăng các hình ảnh chuyển khoản ngân hàng đã qua chỉnh sửa nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hoặc "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Luật sư Luận cũng cho biết người có hành vi nhận được tài sản của người khác thông qua kêu gọi quyên góp rồi dùng thủ đoạn gian dối như chỉnh sửa số tiền quyên góp để chiếm đoạt một phần hay toàn bộ số tiền, tài sản quyên góp đó thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", nếu có đủ cấu thành tội phạm của tội này.
"Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Đối với "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, nếu có đủ cấu thành tội phạm, người nào bằng thủ đoạn gian dối, có thể là đưa ra thông tin giả để làm cho người khác tin và giao tài sản, rồi chiếm đoạt một phần hay toàn bộ tài sản quyên góp đó, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Người thực hiện hành vi nêu trên có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm đối với tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", có thể lên đến mức phạt là tù chung thân đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tổng hợp theo Báo điện tử Dân Trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top