Những mánh khóe quảng cáo camera cần lưu ý khi mua điện thoại mới

Mua điện thoại mới không phải là việc đơn giản, đặc biệt nếu bạn không phải là một người sành công nghệ, thường xuyên theo dõi tin tức cũng như các bài review sản phẩm. Nhiều nhà sản xuất di động vì lẽ đó luôn tìm cách lợi dụng lỗ hổng kiến thức này bằng những chiến thuật quảng cáo “gây lú”, nhất là về khoản camera.
Tuy nhiên, trong bài viết này, VNReview sẽ giúp bạn vạch trần những mánh khóe quảng cáo camera smartphone được các nhà sản xuất sử dụng rộng rãi nhất để che mắt người tiêu dùng. Hãy luôn ghi nhớ trước khi “xuống tiền” nhé!
Dùng thiết bị chuyên nghiệp
Những mánh khóe quảng cáo camera cần lưu ý khi mua điện thoại mới
Ảnh mẫu trong các chiến dịch và clip quảng cáo được chụp bằng thiết bị chuyên dụng (dùng trong studio) là một chiêu trò cực kỳ phi đạo đức. Bạn có thể thấy những bức ảnh này trên website của nhà sản xuất - chúng đẹp không tì vết, quá xuất sắc đến nỗi khó mà tin được đó là ảnh thật.
Trên thực tế, chúng ra đời nhờ sự trợ giúp của một số thiết bị phụ trợ như hệ thống ánh sáng studio, tripod, gimbal... chưa kể còn được biên tập bằng các phần mềm chuyên nghiệp khác nữa. Bạn có thể chắc mẩm rằng hầu hết các nhà sản xuất đều dùng đèn studio cho ảnh selfie, macro, và nhiều ảnh mẫu khác trên website của họ. Ví dụ, Redmi sử dụng ảnh macro ở trên trong trang sản phẩm Redmi Note 11. Có mơ cũng không có chuyện camera macro chỉ 2MP của máy chụp được bức ảnh như vậy khi không có thêm sự trợ giúp nào!
Việc sử dụng thiết bị hỗ trợ không phải lúc nào cũng tiêu cực. Ảnh phơi sáng lâu hiển nhiên cần đến tripod. Nhưng vấn đề là một số nhãn hiệu thoải mái đăng tải những nội dung như vậy mà không hề chú thích rõ ràng, khiến người đọc tin rằng đó là kết quả mà họ có thể dễ dàng có được chỉ với duy nhất một chiếc điện thoại. Bạn đừng quá tin vào ảnh mẫu dùng để quảng cáo mà các công ty khẳng định được chụp từ camera điện thoại nhé!
Hoặc dùng luôn ảnh/video giả
Những mánh khóe quảng cáo camera cần lưu ý khi mua điện thoại mới
Một số nhà sản xuất còn cao tay hơn, chứ không chỉ dừng ở việc sử dụng thiết bị studio rồi biên tập bằng phần mềm để giúp ảnh từ điện thoại trông đẹp hết cỡ. Họ nói rằng đó là ảnh chụp từ smartphone, trong khi trên thực tế lại là sản phẩm của một camera hoặc máy quay chuyên nghiệp.
Một trong những ví dụ điển hình nhất của mánh khóe này là chiến dịch quảng cáo Lumia 920 vào năm 2012 của Nokia. Công ty này đã sử dụng một camera DSLR gắn trên ô tô thay vì điện thoại để phô diễn khả năng chống rung quang học (OIS). Hay chiến dịch quảng cáo Nova 3i vào năm 2018 của Huawei: ảnh đăng Instagram, nhưng sau đó bị xóa, của cô người mẫu tiết lộ rằng họ không hề chụp ảnh selfie bằng điện thoại, mà được chụp bởi một nhiếp ảnh gia sử dụng máy ảnh DSLR (ảnh trên).
Không cần phải nói nhiều, bạn nên tìm hiểu ảnh do một bên thứ ba chụp, hoặc tự mình chụp để trải nghiệm, thay vì đánh giá dựa trên ảnh của chính nhà sản xuất cung cấp.
Mập mờ thông số camera
Những mánh khóe quảng cáo camera cần lưu ý khi mua điện thoại mới
Các nhà sản xuất thích khoe khoang về những tính năng đặc sắc khiến điện thoại của họ nổi bật, nhưng đồng thời tỏ ra mập mờ về những chi tiết ít gây ấn tượng hơn. Và với camera smartphone, điều này diễn ra hết sức thường xuyên.
Ví dụ, trang giới thiệu sản phẩm và thông số chính thức dành cho chiếc điện thoại Realme 8 5G thiếu một chi tiết quan trọng về ống kính macro và monochrome: độ phân giải. Trong khi đó, những chi tiết ấn tượng hơn liên quan camera chính vẫn được liệt kê đầy đủ. Các nhà sản xuất dường như không muốn tiết lộ thông tin về kích cỡ cảm biến đối với những camera selfie và zoom, vốn khá bé, nhưng luôn cho bạn biết mọi thứ về cảm biến chính, thường là cảm biến lớn nhất trên thiết bị. Nói cách khác, bạn nên kiểm tra các bài review hoặc các bảng thông số do bên thứ ba cung cấp nếu website của nhà sản xuất “bỏ quên” các chi tiết quan trọng về camera.
Dùng những thuật ngữ kỹ thuật gây hiểu nhầm
Những mánh khóe quảng cáo camera cần lưu ý khi mua điện thoại mới
Một số công ty smartphone thích “vờn” người tiêu dùng bằng cách giới thiệu những thuật ngữ quảng cáo camera smartphone giả dạng thuật ngữ kỹ thuật, gây “lú” cho những ai không nắm rõ công nghệ. Chiến thuật này được áp dụng nhiều nhất khi nói về công nghệ zoom.
Ví dụ, Samsung phát minh ra thuật ngữ “zoom quang học lai” thay vì nói một cách đơn giản là Galaxy S20 và S21 sử dụng công nghệ zoom lai, khiến một số người nghĩ rằng hai mẫu điện thoại này có zoom quang học/telephoto trong khi sự thật thì ngược lại. Khi ra mắt Galaxy S22 và S22 Plus, Samsung mới thực sự trang bị camera telephoto quang học cho các bản base và Plus. Do đó hãy chú ý đến những điện thoại với zoom telephoto, zoom tiềm vọng, hay zoom quang học nếu bạn muốn có camera với khả năng chụp cận cảnh.
Huawei và Realme là hai công ty khác thường xuyên sử dụng những thuật ngữ kỹ thuật gây hiểu nhầm. Cụ thể, họ quảng cáo rằng các điện thoại của mình có công nghệ chống rung AIS (Huawei) và UIS (Realme). AIS sử dụng công nghệ AI để giảm ảnh hưởng của những cú rung, do đó nó có phần khác biệt so với công nghệ EIS bằng phần mềm truyền thống. Tuy nhiên, chúng vẫn là những giải pháp phần mềm, không thể tốt bằng các giải pháp OIS phần cứng. Do đó, bạn phải luôn đảm bảo chiếc điện thoại mình sắp mua có OIS nếu muốn chụp được những bức ảnh không mờ nhòe và video ít giật lắc.
Đề cao số chấm (megapixel)
Những mánh khóe quảng cáo camera cần lưu ý khi mua điện thoại mới
Đếm số chấm là một trong những chiêu trò quảng cáo camera smartphone xưa nhất Trái đất, và cho đến nay vẫn được cả ngành công nghiệp di động áp dụng. Nó dựa vào một suy nghĩ sai lầm rằng số chấm càng nhiều, ảnh càng đẹp.
Nhưng bạn cần biết rằng, kích cỡ điểm ảnh camera và những tính năng như OIS, khẩu độ ống kính, và xử lý phần mềm đóng vai trò lớn hơn so với số điểm ảnh trong quyết định chất lượng bức ảnh, đặc biệt trong những khung cảnh ánh sáng yếu thì điểm ảnh lớn hơn sẽ giúp thu được nhiều ánh sáng hơn và từ đó cho ra ảnh đẹp hơn. Đồng thời, OIS có thể giúp giảm hiện tượng mờ nhòe khi chụp ảnh cả ngày lẫn đêm.
Số chấm cao có thể hữu ích trong điều kiện ánh sáng đầy đủ, mang lại nhiều chi tiết hơn để phục vụ việc cắt ảnh. Tuy nhiên, bạn không phải lúc nào cũng được sử dụng tính năng này. Nhiều điện thoại ngày nay sẽ mặc định chụp ảnh ở độ phân giải thấp hơn thông qua công nghệ ghép điểm ảnh. Nói cách khác, một cảm biến 108MP vẫn cho ra ảnh 12MP. Do đó, thay vì nhìn vào số chấm, hãy tìm hiểu kích cỡ điểm ảnh. Điểm ảnh dưới 0.8 micron được xem là nhỏ nếu như camera có độ phân giải 48MP trở lên.
Ảnh và video nội suy
Những mánh khóe quảng cáo camera cần lưu ý khi mua điện thoại mới
Các nhà sản xuất smartphone còn “nhờ vả” phần mềm để tạo ra những bức ảnh và video độ phân giải cao hơn, tốc độ khung hình nhanh hơn... so với khả năng thực sự của phần cứng. Dù việc này không phải luôn gây hiểu nhầm, một số điện thoại lại tuyên bố hỗ trợ một tính năng mà phần cứng của chúng không hề có.
Mánh khóe này từng được nhiều nhãn hiệu Trung Quốc như Oukitel và Doogee tận dụng nhiều năm về trước. Cụ thể, điện thoại của họ khẳng định có camera sau 13MP trong khi thực tế chỉ là cảm biến 8MP và upscale hình ảnh lên 13MP. Những nhãn hiệu này thường đề cập đến việc upscale/nội suy một cách ngắn gọn trong hướng dẫn sử dụng sản phẩm (đó là trong trường hợp còn tử tế nhắc đến!). Ngày nay, mánh khóe này hiếm khi được sử dụng.
Một tuyệt chiêu phần mềm phổ biến khác là tuyên bố hỗ trợ video super slow-mo 960fps, nhưng thực tế chỉ là nội suy từ tốc độ khung hình chậm hơn, như 240fps hoặc 480fps. Samsung là cái tên nổi tiếng trong trường hợp này. Chiếc Galaxy S22 Ultra của hãng quay phim ở 480fps trước khi sử dụng phần mềm để cho ra video 960fps! Huawei cũng làm điều này từ vài năm trở lại đây. Trên thực tế, những mẫu flagship gần đây nhất của công ty Trung Quốc cung cấp tính năng quay video slow-mo 7.680fps, nhưng chỉ là nội suy từ 1.920fps mà thôi.
Cả Huawei và Samsung thường giải thích điều này trong một số tài liệu quảng cáo, nhưng không phải lúc nào cũng nói rõ. Người mua nên lưu ý điều này.
Chú ý những gì nếu muốn mua điện thoại có camera tốt?
Những mánh khóe quảng cáo camera cần lưu ý khi mua điện thoại mới
Một trong những yếu tố quan trọng nhất là phần mềm/khả năng xử lý hình ảnh, và mỗi hãng lại có điểm mạnh/yếu riêng về vấn đề này. Ví dụ, camera Samsung thường cho màu sắc rực rõ, dải động rộng, trong khi smartphone Sony thì có màu chân thực hơn và ảnh HDR dịu hơn. Trong khi đó, Google nổi tiếng về màu sắc rực rõ và chất lượng thiếu sáng tuyệt vời. Không phải mọi điện thoại của một hãng nhất định đều cho kết quả chụp ảnh như nhau, nhưng những đặc điểm vừa nêu có thể được xem là điểm nổi bật trong khả năng chụp ảnh của từng hãng mà bạn nên cân nhắc.
Về mặt phần cứng, bạn sẽ muốn một cảm biến camera chính cỡ lớn với OIS và điểm ảnh tương đối to. Ví dụ, hầu hết điện thoại flagship trên thị trường, như Galaxy S22, Xiaomi Mi 11 Ultra, và Google Pixel 6 đều có OIS và kích cỡ cảm biến camera chính từ 1 micron trở lên. Tránh mua những điện thoại có camera 48MP, 50MP, 64MP và 108MP với kích cỡ điểm ảnh dưới 0.8 micron. Những chiếc điện thoại 200 USD với camera 50MP không thể cho ảnh ngang ngửa điện thoại 1.000 USD với camera 50MP, bởi cảm biến của chúng quá nhỏ.
Cuối cùng, bạn hãy cân nhắc về số lượng camera phụ cần đến. Nếu không chắc, hãy nghĩ về loại ảnh muốn chụp (cận cảnh, phong cảnh, thể thao...). Các điện thoại flagship hàng đầu thường có một camera siêu rộng và một ống kính telephoto hoặc tiềm vọng để đáp ứng mọi nhu cầu. Bạn có thể thấy camera siêu rộng trên các điện thoại giá rẻ, nhưng camera telephoto/tiềm vọng có giá cao hơn, do đó không phổ biến trong phân khúc tầm trung và bình dân.
Tham khảo: AndroidAuthority
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top