Nơi mong manh nhất của mạng Internet toàn cầu

TienCM

Pearl
Vùng Biển Đỏ, với 16 tuyến cáp quang chạy qua, trong đó có AAE-1 kết nối Việt Nam đi quốc tế, được coi là nơi mong manh nhất của Internet.
Tuyến cáp quang dài 25.000 km dưới đáy biển, nối Hong Kong với Marseille, đang cung cấp kết nối Internet đến hơn một chục quốc gia và vùng lãnh thổ, từ Việt Nam, Ấn Độ đến Hy Lạp. Nhưng khi tuyến cáp bị đứt ngày 7/6, hàng triệu người bị gián đoạn và không thể kết nối mạng thời gian dài. Tuyến cáp này có tên AAE-1 (Asia Africa Europe 1).
"Việc đứt cáp gây tác động ngay lập tức", Rosalind Thomas, CEO của công ty xây dựng cáp quang biển SAEx International Management, nhận xét. "Ít nhất bảy quốc gia và một số dịch vụ hàng đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng".
Nơi mong manh nhất của mạng Internet toàn cầu
Tuyến cáp AAE-1 kết nối nhiều quốc gia từ châu Âu sang châu Á, trong đó có Việt Nam. Nguồn: TeleGeography
SAEx International Management đang có có kế hoạch tạo một tuyến cáp quang biển mới kết nối châu Phi, châu Á và Mỹ. Thomas cho biết, chỉ một tuyến cáp gặp sự cố, hàng loạt điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Chẳng hạn, Ethiopia mất 90% kết nối, hay Somalia bị ảnh hưởng 85%. Các dịch vụ đám mây của Google, Amazon và Microsoft gián đoạn khiến doanh nghiệp và các cá nhân gặp khó khăn.
Dù việc kết nối được khôi phục sau đó, các sự cố như của AAE-1 đang cho thấy sự mong manh của hơn 550 tuyến cáp Internet dưới biển. Mạng lưới cáp dưới nước toàn cầu hình thành thành xương sống của Internet, đưa phần lớn dữ liệu khắp toàn cầu đến những trạm phát sóng và cuối cùng có mặt trên modem Wi-Fi hoặc cột sóng mạng di động.
Nhưng quan trọng hơn, nhiều trong số các tuyến cáp, như AAE-1, đang đi qua vùng Biển Đỏ thuộc Ai Cập.

Biển Đỏ - nơi mong manh của Internet toàn cầu​

Điểm nhạy cảm nhất thuộc về khu vực Biển Đỏ ở Ai Cập, nơi giao thoa của 16 tuyến cáp quang biển lớn đi qua các khu vực từ biển Địa Trung Hải, nối châu Âu với châu Á. Trong hai thập kỷ qua, khu vực này được xem là một trong những điểm kết nối Internet lớn nhất thế giới, nhưng lại dễ bị tấn công nhất. Chúng thường gặp sự cố do mỏ neo tàu kéo qua và động đất.
"Ở đâu có sự tập trung cao độ, ở đó dễ xảy ra vấn đề. Đây là điểm tập trung rất cao của các tuyến cáp quang biển toàn cầu, khiến nó dễ bị tổn thương hơn nhiều nơi trên thế giới", Phó giáo sư Nicole Starosielski của Đại học New York nhận xét.
Vùng Biển Đỏ gần đây cũng nhận được sự chú ý từ Nghị viện Châu Âu. Trong một báo cáo hồi tháng 6, cơ quan này nhấn mạnh khu vực này có nguy cơ gây gián đoạn Internet diện rộng. "Điểm nghẽn nguy hiểm nhất đối với EU liên quan đến tuyến đường giữa Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải qua Biển Đỏ, vì các kết nối cốt lõi đến châu Á đều qua tuyến này", báo cáo nêu, đồng thời lo ngại nó có thể bị tấn công từ những người theo chủ nghĩa cực đoan, khủng bố hoặc cướp biển.
Nơi mong manh nhất của mạng Internet toàn cầu
Mạng lưới cáp quang chằng chịt đi qua "điểm nghẽn" Ai Cập. Nguồn: TeleGeography
Bản đồ các tuyến cáp quang biển chạy qua Ai Cập ở trên cho thấy rõ vì sao các chuyên gia Internet lại quan tâm đến khu vực này nhiều năm. 16 tuyến cáp tập trung gần một chỗ và xuyên qua Biển Đỏ. Theo TeleGeography, 17% lưu lượng Internet toàn cầu đi qua khu vực này năm ngoái, tương đương 178 triệu Mb/giây. Để so sánh, tốc độ Internet trung bình của Mỹ hiện là 167 Mb/giây.
Doug Madory, chuyên gia phân tích Internet tại công ty giám sát Kentik, cho biết Ai Cập trở thành một trong những điểm nghẽn tiêu biểu của Internet vì một số lý do. Nước này có vị trí địa lý quan trọng, là con đường ngắn nhất xuyên từ châu Âu sang châu Á. "Mỗi khi ai đó cố gắng vẽ ra một tuyến đường thay thế, họ sẽ phải đi qua Syria, Iraq, Iran hoặc Afghanistan - những nơi đều có rất nhiều vấn đề khác", Madory nói.

Tham vọng xây các tuyến cáp mới​

Các loại cáp quang, cáp ngầm cho Internet hiện nay được đánh giá tương đối mỏng manh và dễ hư hại. Thống kê cho thấy có hơn 100 sự cố đứt cáp diễn ra hàng năm, phần lớn do sự qua lại của tàu thuyền, tác động của môi trường hay thậm chí bị phá hoại.
Bất chấp những nguy hiểm, Internet được xây dựng dựa trên khả năng phục hồi. Mỗi khi có một tuyến cáp bị đứt, các nhà cung cấp sẽ điều hướng sang tuyến mới trong khi sửa chữa tuyến cũ. Càng nhiều tuyến, việc xử lý càng dễ dàng mà không làm gián đoạn kết nối của người dùng.
Nơi mong manh nhất của mạng Internet toàn cầu
Toàn cầu có khoảng 550 tuyến cáp quang biển đang hoạt động. Nguồn: TeleGeography
Nhiều công ty và các quốc gia đang chạy đua xây dựng càng nhiều tuyến cáp quang càng tốt. Tháng 7 năm ngoái, Google thông báo khởi động tuyến cáp ngầm Blue-Raman kết nối Ấn Độ với Pháp qua Biển Đỏ, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2024. Một tuyến khác của SAEx cũng sắp được xây dựng, nối châu Âu với châu Phi, châu Mỹ và Singapore.
Một số giải pháp đã được đưa ra để giảm phụ thuộc vào cáp quang biển, chẳng hạn Internet vệ tinh Starlink của Elon Musk. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hình thức này chỉ nên áp dụng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc dùng trong trường hợp dự phòng. Nó không phù hợp để truyền tải hàng trăm TB mỗi giây giữa các lục địa.
Theo Alan Mauldin, Giám đốc nghiên cứu của TeleGeography, dù xây dựng bao nhiêu tuyến cáp nối các vùng Á - Âu đi nữa, chúng vẫn phải đi qua Ai Cập. "Ai Cập luôn là trung tâm của các kết nối Internet của châu Âu và châu Á. Điều đó là vĩnh viễn vì vị trí địa lý không thể thay đổi", ông nhấn mạnh. "Cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ cáp quang biển, vì mọi người đều phụ thuộc vào chúng. Giữ cho nó luôn hoạt động là điều cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia và đối với nền kinh tế của bất kỳ nước nào".
Theo VnExpress
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top