Philippines khẩn trương chuẩn bị đối phó núi lửa phun

Với các dòng khí, mảnh vụn và đá nóng bắt đầu đổ xuống sườn Núi lửa Mayon cho thấy có khả năng xảy ra trước một "vụ phun trào nguy hiểm" trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới. Người đứng đầu Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines Teresito "Toto" Bacolcol cho biết, nguy cơ phun trào nguy hiểm ngày càng tăng, chính quyền địa phương phải đảm bảo dân làng bị ảnh hưởng được sơ tán đến các khu vực an toàn.
Trước đó, cơ quan này đang xem xét mở rộng vùng nguy hiểm lên 8 km, buộc nhiều cư dân phải sơ tán hơn. Kế hoạch sẽ được thực thi nếu cơ quan này nâng cảnh báo lên mức 4. Hiện lượng khí thải sulfur dioxide (SO2) đã tăng vượt quá mức cơ bản lên 1.205 tấn mỗi ngày. Các cơ quan chức năng đang giám sát chặt chẽ hoạt động của Mayon như thông số sulfur dioxide, sự gia tăng địa chấn và các biểu hiện khác như phun dung nham và dòng dung nham.
Tình hình sơ tán trở nên phức tạp với một cơn bão đang hình thành và tiến vào Philippines. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. kêu gọi người dân địa phương hợp tác và làm theo khuyến nghị cũng như hướng dẫn sơ tán do các đơn vị chính quyền địa phương (LGU) ban hành.


Chính quyền tỉnh Albay đặt toàn bộ tỉnh dưới tình trạng thiên tai để cho phép các đơn vị chính quyền sử dụng quỹ thiên tai ứng phó với thảm họa. Tổng thống Marcos cho biết chính phủ, thông qua Bộ Phúc lợi và Phát triển Xã hội (DSWD), đã chuẩn bị 179.000 gói thực phẩm cho các gia đình và đảm bảo chính quyền địa phương có đủ quỹ dự phòng. Văn phòng Phòng vệ Dân sự (OCD), Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Môi trường và Tài nguyên, Viện Núi lửa và Địa chấn Philippines (Phivolcs) đang phối hợp với các cơ quan chính phủ liên quan để đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với thảm họa.
Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cũng chuẩn bị các phương tiện vận chuyển thay thế do hoạt động vận tải hàng không ở Albay đã bị đình chỉ.
Là điểm thu hút khách du lịch quan trọng nhờ hình dạng hình nón đẹp như tranh vẽ, núi lửa Mayon cao 2.462 mét (8.077 foot) là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất của Philippines. Lần cuối cùng Mayon phun trào dữ dội vào năm 2018, khiến hàng chục nghìn dân làng phải di dời.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top