Sim không chính chủ - Hệ lụy chính chủ chịu

Cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc nhưng những hệ luỵ từ sim không chính chủ vẫn chưa chấm dứt.

Dễ dàng mua sim đã được kích hoạt sẵn​

Sim không chính chủ - Hệ lụy chính chủ chịu
Tính đến thời điểm cuối tháng 3 còn khoảng 30.000 sim thuê bao di động có thông tin đăng ký không chính xác. Ảnh minh họa.
Tình trạng mua bán sim điện thoại không chính chủ (sim rác) từ lâu vẫn là vấn nạn tại Việt Nam. Mặc dù, từ cuối năm 2021 đến hết quý I năm nay, đã có trên 1 triệu sim không chính chủ đến đăng ký lại thông tin nhưng sim rác vẫn xuất hiện trên thị trường và người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng mua những chiếc sim như vậy.
Không giấy tờ tùy thân, nhưng người mua vẫn có thể dễ dàng mua sim đã kích hoạt sẵn tại những đại lý bán sim thẻ. Đầy đủ các loại mạng điện thoại đều được bày bán. Không chỉ những gian hàng nhỏ lẻ, mà tại nhiều cửa hàng bán sim thẻ khác, người mua cũng có thể dễ dàng mua sim mà không cần giấy tờ tùy thân.
100.000 đồng và không cần giấy tờ tùy thân, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu những chiếc sim điện thoại với đầy đủ chức năng như nghe, gọi và data 4G miễn phí.

Những hệ lụy từ sim không chính chủ

Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, khách hàng phải đến các điểm cung cấp dịch vụ, cùng giấy tờ tùy thân, phải chụp ảnh trực tiếp tại đây mới được cấp lại sim. Tuy nhiên, quy định có những việc thực hiện lại chưa chặt chẽ.
Như gần đây, một người dân ở Hà Nội bị mất gần 600 triệu đồng trong tài khoản sau khi bị mất quyền sử dụng sim điện thoại của mình, hay một đại lý đã kích hoạt 1.000 số điện thoại không chính chủ… đây chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện mà nhóm phóng viên VTV đã ghi nhận khi lực lượng chức năng ra quân xử lý tình trạng này.
Quy trình thì khá đầy đủ nhưng trên thực tế vẫn có những điểm cung cấp dịch vụ chưa thực hiện đúng. Một đối tượng tại Nghệ An đã sử dụng hình ảnh thông tin cá nhân của một người ở Hà Nội để chiếm quyền sử dụng số điện thoại. Theo điều tra, sự việc trên do một nhân viên viễn thông tại Nghệ An đã sử dụng phần mềm để đổi sim trái phép.
"Em vào là sếp giao cho em làm trên máy tính có phần mềm đổi sim", nhân viên điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của một nhà mạng tại tỉnh Nghệ An nói.
Chủ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông nói: "Cái phần mềm android đó giống như điện thoại luôn, nó sẽ sử dụng camera của máy tính làm camera chụp ảnh AI luôn".
Nhân viên và chủ điểm cung cấp dịch vụ không ai nhận trách nhiệm. Nhưng theo cơ quan chức năng, thậm chí tài khoản nhà mạng dùng để sửa thông tin thuê bao trong vụ việc này cũng không chính chủ, vì đại lý ở Nghệ An đã dùng tài khoản của đại lý ở một tỉnh khác. Kết quả là một người ở Hà Nội đã bị chiếm đoạt 600 triệu đồng. Tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, một số nhà mạng đã có những báo cáo về vấn đề này.
Sim không chính chủ - Hệ lụy chính chủ chịu
Tình trạng mua bán sim điện thoại không chính chủ (sim rác) từ lâu vẫn là vấn nạn tại Việt Nam. Ảnh minh họa.
Một câu chuyện ở một nhà mạng khác đó là mới đây hàng loạt thuê bao di động tại Hải Phòng bất ngờ nhận được tin nhắn vay tiền từ số máy 0564805806. Người nhắn tự xưng là lãnh đạo của thành phố, muốn vay một số tiền lớn.
Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh số điện thoại trên đứng tên một người hiện sống ở TP Hồ Chí Minh. Người này khẳng định mình bị mạo danh và không liên quan đến sự việc.
Theo điều tra, không chỉ có số điện thoại nói trên mà 1.000 số điện thoại khác cũng được kích hoạt từ cùng một đại lý nhà mạng Vietnam Mobile với thông tin không chính xác chỉ trong 3 tháng.
Rõ ràng các nhà mạng, các đại lý đều nắm chắc về vai trò và trách nhiệm của mình trong tiếp nhận, quản lý thông tin thuê bao hưng khi sự cố xảy ra chỉ chủ các thuê bao này là chịu thiệt hại.

Giải pháp ngăn chặn sim không chính chủ

Kinh tế số, thanh toán số, giao dịch số đang được kỳ vọng là đòn bẩy cho nền kinh tế. Tài nguyên số điện thoại di động là một trong những nguồn lực quan trọng gắn liền với Mobile Money cũng đã được thí điểm. Vậy để có thể tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích người dùng thì tình trạng thuê bao mạo danh cần phải được xử lý triệt để.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi làm việc với các nhà mạng. Nhiều giải pháp mới được đề xuất như: ứng dụng xác thực điện tử bằng sinh tắc học trong xác minh tài khoản, tạm dừng toàn bộ việc cấp sim mới ra thị trường để rà soát.
"Qua đợt kiểm tra này khi phát hiện ra các sai phạm trong việc quản lý thông tin thuê bao chúng tôi sẽ có đề xuất với Bộ trong việc xử lý vi phạm nếu có và sẽ tham mưu đề xuất khi phát hiện ra những lỗ hổng về mặt pháp luật để các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật", ông Đỗ Đình Rô - Trưởng phòng Thanh tra viễn thông và công nghệ thông tin, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Hàng ngày, trong quá trình phát triển thông tin thuê bao, thuê bao mới của các doanh nghiệp thì chúng tôi cũng cùng các doanh nghiệp rà soát để giảm thiểu được tối đa lượng thông tin thuê bao không chính xác trên toàn mạng. Hy vọng tất cả các thông tin thuê bao trên toàn mạng đã được đăng ký, khai báo đúng quy định".
Theo thông tin từ Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm cuối tháng 3 còn khoảng 30.000 sim thuê bao di động có thông tin đăng ký không chính xác. Vì vậy, với các giải pháp mới được áp dụng ngành viễn thông kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất việc đăng ký thông tin chính xác tiến tới thông tin chính chủ cho các thuê bao di động.
Theo VTV
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top