Smartphone góp phần tàn phá môi trường không hề nhỏ

nhhgiap

Pearl
Điện thoại di động ngày nay đã trở thành vật bất ly thân của hầu hết mọi người. Tuy nhiên, sử dụng chúng trong thời gian dài có thể gây nóng máy, thậm chí bỏng rát tay. Quá trình đó là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng tình trạng biến đổi khí hậu.

Thói quen tiêu dùng độc hại

Theo báo cáo gần đây của công ty phân tích bền vững Greens Inspector, các ứng dụng phổ biến như TikTok, Facebook và Snapchat, với hàng tỷ người dùng đang thúc đẩy tiêu thụ năng lượng cũng như phát thải nhiều hơn. Nghiên cứu khẳng định rằng nếu dùng 10 ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất mỗi ngày sẽ giống như di chuyển quãng đường dài 1.4 km bằng xe hạng nhẹ, tổng đạt được 537 km nếu dùng trong một năm.
Smartphone góp phần tàn phá môi trường không hề nhỏ
Lotfi Belkhir, phó giáo sư kỹ thuật tại Đại học McMaster, cho biết cơn nghiện điện thoại kèm với các ứng dụng giải trí góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
“Từ góc độ bền vững, người tiêu dùng cần biết lượng thời gian dùng cho điện thoại càng nhiều thì lượng ô nhiễm cùng rác thải kỹ thuật số cũng tăng theo. Số lượng người dùng khổng lồ chính là rắc rối lớn nhất ở đây. Tầm ảnh hưởng của nó cũng tệ như khi bạn vứt rác nhựa ra đường”, phó giáo sư nói.
Rất khó để xác định chính xác có bao nhiêu điện thoại thông minh hiện có. Theo dự báo từ công ty dữ liệu người dùng Statista, có khoảng 15 tỷ thiết bị di động đang hoạt động trên toàn cầu - bao gồm cả điện thoại thông minh và máy tính bảng. Một số lượng cũng khủng khiếp như số lượng rác thải nhựa.
Mặc dù đã vượt qua cả dân số toàn cầu, số lượng điện thoại được mua vẫn tiếp tục tăng lên hàng năm. Nguyên nhân có thể là do thị trường điện thoại vốn cạnh tranh rất khốc liệt. Các ông lớn như Apple, Samsung và Huawei đang trong cuộc chạy đua tranh giành thị phần với các sản phẩm mới nhất của mình.
Thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đã khiến cuộc đua càng bùng nổ hơn. Trong báo cáo thu nhập quý 3 vừa rồi, doanh số bán Iphone của Apple ghi nhận 38,87 tỷ USD - tăng hơn 12 tỷ USD so với năm trước, doanh số bán hàng của Samsung cũng tiếp tục tăng cao.

Smartphone góp phần tàn phá môi trường không hề nhỏ
Vào năm 2018, Belkhir và các đồng nghiệp của ông đã xuất bản một bài báo liên quan đến quỹ đạo phát thải của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Trớ trêu thay, từ đó đến nay nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số chỉ tăng lên.

5G - con dao hai lưỡi

Thói quen tích trữ điện thoại của người tiêu dùng khiến các công ty sản xuất phải tăng cường mở rộng cơ sở hạ tầng để có thể đáp ứng. “Nếu chúng ta không có điện thoại thông minh, sẽ không có các trung tâm dữ liệu hay năng lượng để vận hành chúng. Ta không cần đối mặt với tình trạng bùng nổ khí thải carbon như bây giờ”, Belkhir nói.
“Nhìn chung, các nhà sản xuất đã cố gắng để tiết kiệm năng lượng cho người dùng nhưng việc liên tục mở rộng mạng kết nối, chẳng hạn như 5G có thể đi phá hủy mọi công sức”, Stefan Koester, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, trả lời CNBC.
Ông nói thêm:
“Tất cả chúng tôi đều thấy lợi ích của việc tăng cường tiếp cận các dịch vụ viễn thông đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, nhưng 5G nói riêng sẽ yêu cầu mức tiêu thụ năng lượng rất lớn. Tùy thuộc vào mức độ cải tiến trong hiệu suất năng lượng mà hậu quả của nó là lớn hay nhỏ”.
Theo Ericsson, lượng người đăng ký 5G bùng nổ hơn nhiều những phiên bản tiền nhiệm. Ước tính sẽ có 580 triệu người đăng ký vào cuối năm nay, vào năm 2026 mạng 5G sẽ chiếm hơn một nửa lưu lượng điện thoại thông minh trên thế giới.
Giảm phát thải là một trong những mục tiêu quan trọng mà các gã khổng lồ công nghệ hướng đến giải quyết trong thời gian tới. Apple cho biết đã đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo đồng thời cam kết đạt mức trung hòa carbon vào năm 2030. Trong khi đó, một đại diện đến từ Trung Quốc - Huawei gần đây tuyên bố sẽ sớm xây dựng các cơ sở hạ tầng tiết kiệm năng lượng, nổi bật là sáng kiến ăng ten làm cho mạng 5G “xanh” hơn. Snap cũng cam kết đạt mức âm ròng vào năm 2030.

Trung tâm dữ liệu - kẻ đầu não đốt năng lượng

Cái giá cho các mẫu điện thoại lung linh trong tay người dùng là sự nâng cấp liên tục của cơ sở hạ tầng. Hàng loạt máy chủ lưu trữ và xử lý dữ liệu mỗi ngày, giúp mọi email, tweet và video TikTok truyền tải trơn tru. Những máy chủ này bị chỉ trích vì áp lực nó đặt lên lượng điện tiêu thụ cũng như tác động với biến đổi khí hậu.
Smartphone góp phần tàn phá môi trường không hề nhỏ
Theo ước tính từ một số nhà nghiên cứu, chúng có thể ngốn đến 200 terawatt giờ điện hàng năm và sẽ tiếp tục tăng. Con số đó chiếm khoảng 1% lượng điện toàn cầu sử dụng.
Dù chứng kiến những tác động lớn như vậy, các công ty sản xuất điện thoại vẫn tiếp tục xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu siêu lớn, theo John Dinsdale, nhà phân tích trưởng của Synergy Research Group.

“Chúng tôi đã chứng kiến 60-70 trung tâm dữ liệu siêu cấp mới ra đời và nó sẽ còn tiếp tục mở rộng trong 5 năm tới, dẫn đến dung lượng cần để vận hành cũng tăng lên nhanh chóng. Họ thúc đẩy các quảng cáo xanh về cam kết sử dụng năng lượng sạch nhưng hành động của họ lại không đi đôi với lời nói. Quá trình chuyển đổi đó diễn ra không đủ nhanh”, ông nói thêm.

Sự phát triển

“Tất cả các chỉ số đều dẫn đến sự bùng nổ khí thải carbon, nó chỉ khác khi chúng ta chuyển sang dùng năng lượng tái tạo trên tất cả các lớp cơ sở hạ tầng như trung tâm dữ liệu và mạng lưới truyền thông”, Belkhir nói.
Phát triển mạng lưới truyền thông cũng góp phần làm kiệt quệ môi trường. Nhu cầu sử dụng những tính năng mới như phát video trực tiếp hay thực tế tăng cường khiến trạm gốc vô tuyến phải chạy đua để theo kịp.
Koester của ITIF cho biết:
“Chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tạo điện vận hành nhà máy. Bằng cách mở rộng kết nối cũng như đẩy nhanh tốc độ tiến bộ, ta hy vọng nó đủ để giảm tác động xấu của ngành công nghiệp lên môi trường, tạo ra một mạng lưới sạch hơn mỗi năm”.
Trong khi đó, toàn bộ quy trình sản xuất đằng sau mỗi chiếc điện thoại thông minh tiếp tục là một nỗ lực thải ra nhiều carbon, từ khai thác kim loại đất hiếm, sản xuất và lắp ráp thiết bị, đến vận chuyển sản phẩm tới các kệ hàng trên toàn thế giới.

Nên làm gì?

“Tạo ra một chiếc điện thoại đòi hỏi nhiều năng lượng hơn chúng ta nghĩ”, Kerry Sheehan, giám đốc chính sách tại trang web sửa chữa iFixit, cho biết. iFixit là một tổ chức được biết đến với khả năng “mổ bụng” những chiếc Iphone để xem cấu tạo bên trong cũng cách thức hoạt động của chúng, từ đó cung cấp thông tin để khách hàng có thể thay thế hoặc sửa chữa chúng dễ dàng hơn.
Smartphone góp phần tàn phá môi trường không hề nhỏ
Theo iFixit, một yếu tố chính trong việc giảm lượng khí thải carbon của điện thoại thông minh là làm cho chúng “sống” lâu hơn. Sheehan cho biết vòng đời trung bình của một chiếc điện thoại ở Mỹ là khoảng 2 năm rưỡi. Tuy nhiên, cô không còn thấy điều đó rõ rệt trong vài năm qua.
Mọi người thường ném điện thoại vào ngăn kéo hoặc đơn giản ném chúng vào thùng rác sau khi họ nâng cấp lên mẫu điện thoại mới. Điều đó dẫn đến 57,4 triệu tấn rác thải điện tử có thể bị thải ra trong năm nay.

“Các nhà sản xuất đang trong quá trình thảo luận phương án dán pin vào điện thoại thay vì dùng ốc cố định. Mục đích là để làm cho pin khó tiếp cận hơn, từ đó trực tiếp ngăn cản nỗ lực sửa chữa hay thay thế linh kiện, pin trong máy. Kết quả là ép người dùng phải mua điện thoại mới”, Sheehan cho biết.
Đồng nghiệp của cô Elizabeth Chamberlain, giám đốc phụ trách tính bền vững, nói rằng tái chế điện thoại là một động thái tích cực mà người tiêu dùng có thể làm nhưng tính ứng dụng của nó vẫn còn nhiều hạn chế.

“Phần lớn việc tái chế điện thoại di động là cắt nhỏ nhưng điện thoại chỉ có thể thu hồi một nửa vật liệu, số còn lại buộc phải thải ra. Việc tái chế chỉ có hiệu quả ở một mức độ nào đó, làm sao để kéo dài tuổi thọ của điện thoại mới là manh mối quan trọng nhất”, cô nói.
Chamberlain cho biết bắt đầu từ tháng 1 năm nay tại Pháp, các công ty điện thoại buộc phải cung cấp chỉ số về khả năng sửa chữa. Chỉ số cho biết liệu chiếc điện thoại có dễ sửa chữa khi bị hư hay có thể tháo rời một cách an toàn không, giúp người dùng yên tâm trước khi bỏ tiền ra mua. Điều quan trọng là người dùng cần có ý thức nâng cao tuổi thọ của chiếc điện thoại, từ đó các nhà sản xuất sẽ thay đổi theo .
Ngoài Pháp, Tây Ban Nha là quốc gia tiếp theo thử nghiệm chính sách này. Một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực điện thoại bền vững là công ty Fairphone của Hà Lan. Gần đây, họ ra mắt dòng điện thoại mới, Fairphone 4, sử dụng các bộ phận có thể sửa chữa và thay thế dễ dàng.
Monique Lempers, giám đốc đổi mới của công ty cho biết họ đang hướng đến mục tiêu kéo dài tuổi thọ điện thoại từ 4 năm rưỡi đến 5 năm.
“Chúng tôi cố gắng chống lại thói quen của người tiêu dùng và những nhà sản xuất. Chúng tôi muốn ngăn cản hành vi gây lãng phí không cần thiết”, cô nói.
“Việc tái sử dụng có rất nhiều lợi ích cho môi trường nhưng phương pháp này chưa hoàn hảo 100%. Vì vậy điều quan trọng bây giờ vẫn là phải sử dụng điện thoại lâu hơn trong khi chờ những phương án tái chế tối ưu”, cô kết luận.
Nguồn: CNBC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top