Smartphone màn hình gập ba: Concept thú vị nhưng lúc bắt tay làm mới thấy "khoai"

Mẫn Nhi

Admin xinh gái
Từ khi điện thoại màn hình gập đôi xuất hiện, giới công nghệ đã hướng đến một đích đến mới đầy tham vọng: smartphone gập ba. Tương lai hứa hẹn những thiết bị biến hóa linh hoạt, khi thì nhỏ gọn trong lòng bàn tay, khi cần lại bung rộng thành máy tính bảng màn hình lớn, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng đa dạng của người dùng. Tuy nhiên, hành trình chinh phục đỉnh cao này đầy chông gai với vô số rào cản về công nghệ.

Huawei, Samsung, TCL là những cái tên tiên phong được đồn đoán đang ấp ủ dự án smartphone gập ba. Huawei là một trong những hãng được cho là sẽ thương mại hóa điện thoại này, nhưng đang gặp hàng loạt thách thức. Jasonwill, chuyên gia công nghệ và nhà phát triển phần mềm, chia sẻ trên X: "Vấn đề lớn nhất nằm ở việc tối ưu hóa phần mềm cho màn hình gập ba. Các nhà cung cấp phần mềm vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe này. Thêm vào đó, hệ thống quản lý nhiệt trên dòng chip 9000 mới cũng chưa được hoàn thiện."

Samsung cũng không kém cạnh trong cuộc đua này. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc thậm chí còn đặt mục tiêu ra mắt smartphone gập ba trước cả Huawei. Năm 2022, Samsung từng giới thiệu ý tưởng về Flex S và Flex G với khả năng gập đa hướng độc đáo. Tuy nhiên, đến nay, người dùng vẫn chưa được tận mắt chứng kiến sản phẩm nào chính thức lên kệ.

1718758299464.png

Nguyên mẫu smartphone màn hình gập ba chưa thương mại hóa của TCL

TCL cũng gia nhập đường đua với nguyên mẫu smartphone gập ba từ năm 2019. Chiếc Tri-Fold sở hữu màn hình 10 inch ấn tượng khi mở rộng hoàn toàn. Dù vậy, sau hơn 5 năm, TCL vẫn chưa thể thương mại hóa sản phẩm này. Mẫu smartphone gập ba hoạt động được gần đây nhất của hãng chỉ dừng lại ở mức giới thiệu tại Triển lãm Hiển thị Thông tin SID 2024 vào tháng 5 vừa qua.

Theo GizChina, hai thách thức lớn nhất cho smartphone gập ba chính là khả năng thích ứng phần mềm và bài toán về quản lý nhiệt. Thiết kế gập ba phức tạp đặt ra yêu cầu cao hơn hẳn so với smartphone màn hình gập đôi. Hệ điều hành phải được tối ưu hóa để chuyển đổi mượt mà giữa ba màn hình, đồng thời xử lý hiệu quả các trường hợp sử dụng riêng biệt.

Các nguồn tin rò rỉ cho thấy Huawei vẫn đang loay hoay với giao diện người dùng cho smartphone gập ba. Trải nghiệm kém trực quan, thậm chí gây khó chịu cho người dùng là điều khó tránh khỏi. Mặc dù vậy, Huawei được cho là đang phát triển tính năng chuyên biệt trên HarmonyOS Next dành riêng cho thiết kế màn hình độc đáo này.

Về phía Google, hãng đã liên tục cập nhật Android để tương thích tốt hơn với điện thoại gập đôi. Tuy nhiên, theo WccfTech, nền tảng này có thể chưa sẵn sàng cho smartphone gập ba do Google chưa tính đến loại thiết bị này.

Bên cạnh phần mềm, quá nhiệt là một bài toán hóc búa khác. Thiết kế mỏng nhẹ để đảm bảo tính di động khi gập lại khiến không gian dành cho hệ thống tản nhiệt bị hạn chế. Màn hình lớn cũng là một trong những nguyên nhân gây tiêu hao năng lượng, khiến máy dễ nóng lên. Nếu không có giải pháp làm mát hiệu quả, smartphone gập ba có nguy cơ đối mặt với tình trạng giảm tuổi thọ pin, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Chưa dừng lại ở đó, bản lề và nếp gấp màn hình cũng là những yếu tố khiến việc phát triển smartphone gập ba thêm phần khó khăn. Samsung từng lao đao với sự cố bụi lọt vào bản lề trên Galaxy Fold thế hệ đầu tiên là minh chứng rõ ràng nhất.

Theo các chuyên gia, chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề trên, smartphone gập ba mới có thể ra đời. Trong khi đó, điện thoại màn hình gập đôi hiện vẫn trong giai đoạn đầu chinh phục thị trường, nên người dùng có thể phải đợi thêm vài năm mới cho sản phẩm mới.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top