Sự thật về xăng pha chì: ngành công nghiệp ô tô đã lừa dối chúng ta suốt một thế kỷ qua như thế nào?

Vào một buổi sáng mù sương ngày 9/12/1921, tại Dayton, Ohio, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của General Motors đổ một hỗn hợp nhiên liệu mới vào một trong các động cơ thử nghiệm của họ. Ngay lập tức, động cơ bắt đầu hoạt động êm ái hơn và sản sinh công suất lớn hơn trước.
Loại nhiên liệu này là tetraethyl chì. Nhận thấy cái lợi trước mắt quá lớn – cộng với những quy định về sức khoẻ công cộng còn quá lỏng lẻo vào thời đó – General Motors đã nhanh chóng đưa xăng pha tetraethyl chì ra thị trường mặc dù biết về những nguy cơ đối với sức khoẻ mà chì có thể mang lại. Họ đặt tên cho nó là xăng “Ethyl”.
Sự thật về xăng pha chì: ngành công nghiệp ô tô đã lừa dối chúng ta suốt một thế kỷ qua như thế nào?
Các nhà khoa học làm việc cho General Motors đã khám phá ra rằng chì tetraethyl có thể cải thiện đáng kể tuổi thọ và hiệu suất động cơ vào thập niên 1920

Chì và cái chết

100 năm đã trôi qua kể từ ngày người ta phát minh ra xăng pha chì. Vào đầu thập niên 1920, sự độc hại của chì đã được biết đến khá rộng rãi – ngay cả Charles Dickens và Benjamin Franklink đều đã có những tác phẩm viết về những nguy hiểm của nhiễm độc chì.
Khi GM bắt đầu bán xăng pha chì, các chuyên gia sức khoẻ công cộng đã lên tiếng về quyết định đó. Một người nói chì là một bóng ma nghiêm trọng đe doạ sức khoẻ cộng đồng, người khác gọi tetraethyl chì đậm đặc là một thứ thuốc “nguy hiểm và đáng sợ”.
General Motors và Standard Oil hiển nhiên dẹp bỏ những cảnh báo đó sang một bên cho đến khi tai ương ập đến vào tháng 10/1924. Hơn 20 công nhân tại nhà máy lọc dầu ở Bayway, New Jersey xuất hiện triệu chứng nhiễm độc chì nghiêm trọng sau thời gian làm việc trong một dây chuyền được thiết kế cẩu thả của GM. Ban đầu, họ bị choáng váng, sau đó trở nên cáu gắt một cách điên cuồng rồi cười phá lên như một kẻ loạn thần. Nhiều trong số đó bị trói vào áo bó vốn dành cho bệnh nhân tâm thần. Sáu người không qua khỏi, số còn lại phải nhập viện. Cũng thời điểm đó, 11 công nhân khác từ bỏ cõi đời và hàng chục người khác rơi vào tình trạng xấu tại các nhà máy của GM và DuPont trên khắp nước Mỹ.
Sự thật về xăng pha chì: ngành công nghiệp ô tô đã lừa dối chúng ta suốt một thế kỷ qua như thế nào?
Báo chí chỉ trích Standard Oil và bày tỏ quan ngại về xăng Ethyl với nhiều bài viết và tranh ảnh minh họa

Đối phó với truyền thông

Thái độ của ngành công nghiệp xăng dầu và ô tô đối với truyền thông ban đầu còn khá thân thiện. Tại cuộc họp báo đầu tiên của Standard Oil về thảm họa Ethyl năm 1924, một người phát ngôn khẳng định ông không biết chuyện gì đã xảy ra, đồng thời khuyến nghị giới truyền thông rằng "Không có gì đáng để nói về vấn đề này trước công chúng cả".
Nhiều tháng sau sự kiện, sự thật dần được vén màn, và đến mùa xuân năm 1925, nhiều bài báo chuyên sâu bắt đầu xuất hiện, với nội dung xoay quanh lựa chọn giữa sức khỏe cộng đồng hay tiến bộ công nghiệp. Một bài viết trên tờ New York World đã hỏi chuyên gia xăng dầu của Đại học Yale, Yandell Henderson, và nhà nghiên cứu trưởng về tetraethyl của GM, Thomas Midgley, liệu xăng pha chì có gây nhiễm độc cho mọi người hay không. Midgley đã đùa cợt về những quan ngại đối với sức khỏe cộng đồng và vô tình khẳng định xăng pha chì là cách duy nhất để tăng công suất của nhiên liệu. Để minh họa những tác động tiêu cực của nhiên liệu pha chì, Henderson ước tính rằng chúng có thể gây ra những cơn mưa bụi chứa 30 tấn chì đổ xuống Đại lộ số 5 của New York mỗi năm.
Các quan chức trong ngành công nghiệp đã phát cáu vì những bài viết đó. Một nhân viên PR của GM vào năm 1948 gọi bài báo của New York World là "một chiến dịch công khai chống lại việc bán xăng chứa hợp chất chống kích nổ của công ty". GM còn khẳng định rằng giới truyền thông gọi xăng pha chì là "xăng ngu xuẩn", trong khi trên thực tế, đó là cách các công nhân đặt tên cho loại xăng này.
Sự thật về xăng pha chì: ngành công nghiệp ô tô đã lừa dối chúng ta suốt một thế kỷ qua như thế nào?
Xăng pha chì được quảng cáo là Ethyl, một nhãn hiệu hợp tác giữa Standard Oil và General Motors

Nỗ lực quản lý

Vào tháng 5/1925, Cơ quan Y tế Cộng đồng Mỹ đã yêu cầu GM, Standard Oil, và các nhà khoa học y tế cộng đồng tham dự một phiên điều trần mở về xăng pha chì tại Washington. Vấn đề được nêu ra, theo GM và Standard, xoay quanh an toàn trong quá trình tinh lọc dầu, chứ không phải sức khỏe cộng đồng. Frank Howard đến từ Standard Oil nói rằng chì tetraethyl được pha loãng với tỉ lệ hơn 1.000:1 trong xăng và do đó không gây nguy hại gì cho người bình thường.
Các nhà khoa học y tế cộng đồng phản bác sự cần thiết phải chuyển sang sử dụng xăng pha chì. Alice Hamilton, một bác sỹ đến từ Harvard, nói rằng "có hàng nghìn thứ tốt hơn chì có thể đưa được vào xăng". Và bà đã đúng. Có rất nhiều giải pháp thay thế đã được biết đến vào thời điểm đó, và một số thậm chí đã được đăng ký bằng sáng chế bởi GM. Nhưng không ai trong báo giới biết làm sao để tìm được thông tin đó, và Cơ quan Y tế Cộng đồng, dưới áp lực của ngành công nghiệp ô tô và dầu, đã hủy bỏ ngày thứ hai của phiên điều trần mở mà lẽ ra sẽ là nơi thảo luận về những sản phẩm thay thế tốt hơn xăng như ethanol, carbonyl sắt, và reforming xúc tác (tạo lại xúc tác).
Đến năm 1926, Cơ quan Y tế Cộng đồng công bố họ không tìm được lý do hợp lý nào để cấm xăng pha chì, dù những tài liệu nội bộ tranh cãi rằng nghiên cứu của họ là "nửa vời".
Sự thật về xăng pha chì: ngành công nghiệp ô tô đã lừa dối chúng ta suốt một thế kỷ qua như thế nào?
Xăng pha chì càng ít được sử dụng, nồng độ chì trong máu người dân cũng giảm theo

Sự trỗi dậy và cái chết của xăng pha chì

Sau sự việc nêu trên, xăng pha chì dần thống trị thị trường nhiên liệu toàn cầu. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng hàng thập kỷ đốt xăng pha chì đã gây ra hàng triệu cái chết sớm, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể mức độ IQ, và nhiều vấn đề xã hội khác.
Vào thập niên 1960 và 1970, những vụ việc liên quan sức khỏe cộng đồng mà nguyên nhân từ xăng pha chì bắt đầu xuất hiện trở lại. Một nhà địa chất học thuộc Viện Công nghệ California, Clair Cameron Patterson, phát hiện ra rằng rất khó để đo được đồng vị chì trong phòng thí nghiệm bởi chì từ xăng tỏa ra khắp nơi, và những mẫu thử của ông liên tục bị nhiễm độc. Patterson đã xây dựng "căn phòng sạch" đầu tiên để thực hiện nghiên cứu đồng vị của mình, nhưng vào năm 1965, ông còn xuất bản một nghiên cứu khác là "Contaminated and Natural Lead Environments of Man" và nói rằng "người dân Mỹ đang hứng chịu nhiều căn bệnh mạn tính nghiêm trọng do chì"
Đến thập niên 1970, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ quyết định rằng xăng pha chì phải bị ngừng sử dụng bởi nó gây nghẽn bộ chuyển đổi xúc tác trong ô tô và gây ra nhiều khí thải hơn. Các nhà sản xuất xăng pha chì phản đối, nhưng những lập luận của họ đã bị tòa bác bỏ.
Những mối quan ngại đối với sức khỏe cộng đồng tiếp tục là đề tài được bàn luận trong thập niên 1970 và 1980 khi bác sỹ nhi khoa Herbert Needleman của Đại học Pittsburgh tiến hành nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra mối liên hệ giữa nồng độ chì trong trẻ em với những vấn đề về phát triển và chỉ số IQ thấp. Cả Patterson và Needleman đều đối mặt với những làn sóng tấn công từ ngành công nghiệp chì, với cáo buộc rằng nghiên cứu của họ là trò lừa đảo.
Nhưng cả hai cuối cùng đã được minh oan khi vào năm 1996, Mỹ chính thức cấm bán xăng pha chì vì những lý do sức khỏe cộng đồng. Châu Âu cũng tiếp bước vào những năm 2000, và sau đó là các quốc gia đang phát triển khác. Vào tháng 8/2021, quốc gia cuối cùng trên thế giới còn bán xăng pha chì là Algeria cũng đã cấm sản phẩm này.
Một thế kỷ xăng pha chì tung hoành trên thị trường đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người, và cho đến ngày nay, nó vẫn để lại chất độc trong những lớp đất đai của nhiều thành phố, từ New Orleans cho đến London.
Câu chuyện về xăng pha chì là một ví dụ nhãn tiền cho thấy những quyết định vì lợi nhuận trong công nghiệp - một khi không được kiểm chứng và kiểm soát - có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng và lâu dài.
Tham khảo: TheNextWeb
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top