Tào Tháo và Thái Văn Cơ rốt cuộc là mối quan hệ gì?

Tào Tháo thích phụ nữ xinh đẹp, đã có chồng. Ông ta muốn gì được nấy. Ông ta đã tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để cứu Thái Văn Cơ, một kỳ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng không bao giờ lấy Thái Văn Cơ. Vậy, giữa Tào Tháo và Thái Văn Cơ rốt cuộc là mối quan hệ gì?

Chuyện kể như thế này:

1717743391072.png

Tào Tháo sau khi thất bại trận Xích Bích đã trải qua mấy năm chỉnh đốn, chỉnh đốn quân uy, tự phong làm Ngụy Công. Năm 216, ông lại được phong tước làm Ngụy Vương (Định đô tại Nghiệp thành). Tại phương bắc, uy vọng của ông rất cao, khiến ngay cả Hô Trù Tuyền Thiền Vu của Nam Hung Nô cũng đặc biệt đến Nghiệp Thành yết bái chúc mừng. Tào Tháo giữ Hô Trù Tuyền Thiền Vu lại Nghiệp Thành, chiêu đãi giống như khách quý, phái Hữu Hiền Vương của Hung Nô trở về thay Thiền Vu quản lý quốc gia.

Sau khi Nam Hung Nô và Hán triều có quan hệ hòa hảo rồi, Tào Tháo liền nhớ tới một vị bằng hữu đã qua đời của ông là Thái Ung có một người con gái còn lưu lạc ở Nam Hung Nô, muốn đem nàng trở về.

Thái Ung là một danh sĩ cuối thời Đông Hán, trước kia bởi vì đắc tội với hoạn quan, bị trục xuất tới phương Bắc (nay là phía Bắc Kỳ Hàng Cẩm, Nội Mông Cổ). Thời điểm Đổng Trác cầm quyền, Thái Ung đã trở lại Lạc Dương. Khi đó, Đổng Trác đang muốn lung lạc lòng người, ông ta nghe tiếng Thái Ung danh khí lớn, bèn mời đến, phong ông làm quan, đối đãi hết sức kính trọng, trong ba ngày thăng liền ba cấp. Thái Ung cảm thấy làm thuộc hạ dưới tay Đổng Trác cũng tốt hơn nhiều so với thời Hán Linh Đế.

Đến khi Đổng Trác bị giết, Thái Ung nhớ tới Đổng Trác đối đãi mình không tệ, liền thở dài. Việc này đã chọc giận Tư Đồ Vương Doãn, cho rằng Thái Ung là người của Đổng Trác nên đã bắt giữ ông. Mặc dù trong triều đình có rất nhiều đại thần ra sức can ngăn, nhưng Vương Doãn vẫn không đồng ý, kết quả Thái Ung chết trong nhà ngục.

Con gái Thái Ung tên là Thái Diễm, còn gọi Thái Văn Cơ, nàng cũng giống như phụ thân mình, là một người học rộng tài cao. Sau khi phụ thân nàng chết, tại Quan Trung xảy ra hỗn chiến giữ Lý Giác, Quách Tỷ, bách tính của cả một vùng Trường An phải chạy nạn khắp nơi. Thái Văn Cơ cũng đi theo nạn dân lưu vong khắp nơi. Khi đó, quân binh Hung Nô lợi dụng hỏa hoạn mà đi hôi của, cướp giật bách tính. Một ngày nọ, Thái Văn Cơ đụng phải quân binh Hung Nô, bị bọn chúng cướp đi. Quân Hung Nô thấy nàng trẻ đẹp, liền đem nàng hiến tặng cho Tả Hiền Vương của Hung Nô.

Từ đó về sau, thái Văn Cơ trở thành phu nhân, Tả Hiền Vương rất yêu nàng. Nàng đã sống ở Nam Hung Nô mười hai năm, mặc dù đã quen với cuộc sống ở Hung Nô, nhưng vẫn không nguôi lòng nhớ quê hương của mình.

Lần này, Tào Tháo nhớ tới Thái Văn Cơ, liền phái sứ giả mang theo lễ vật đến Nam Hung Nô, đưa nàng trở về.

Tả Hiền Vương đương nhiên không nỡ để Thái Văn Cơ rời đi, nhưng cũng không dám chống lại ý chỉ của Tào Tháo, nên đành phải để nàng trở về. Thái Văn Cơ vốn ngày đêm nhớ nhung cố hương, nên đương nhiên rất nguyện ý. Nhưng nàng phải rời xa những đứa con sinh ra ở Hung Nô nên cũng cảm thấy vô cùng bi thương. Trong lúc tâm tình mâu thuẫn giằng co như vậy, nàng đã viết bài thơ ca trứ danh "Hồ già thập bát phách".

Thái Văn Cơ đến Nghiệp thành, Tào Tháo thấy nàng một mình lẻ loi hiu quạnh, bèn đem nàng tái giá cho một đồn điền Đô úy tên là Đổng Tự.

Không lâu sau, Đổng Tự phạm pháp, bị thủ hạ Tào Tháo bắt đi, phán quyết tội chết, sắp sửa thi hành án.

Thái Văn Cơ lo lắng đến mức vội vàng chạy đến phủ Ngụy Vương xin cầu gia ân. Lúc ấy Tào Tháo đang mở tiệc chiêu đãi công khanh danh sĩ của triều đình. Thị tòng báo cáo lại tình hình Thái Văn Cơ đến cầu xin gia ân. Tào Tháo biết trong các đại thần, danh sĩ có mặt ở đây, nhiều người quen biết Thái Ing, bèn nói với khách khứa rằng:"Con gái của Thái Ung lưu lạc bên ngoài nhiều năm, lần này đã trở về rồi. Hôm nay để cô ấy đến cho mọi người gặp được chứ?".

Đương nhiên mọi người đều bày tỏ muốn được tiếp kiến Thái Văn Cơ. Tào Tháo liền lệnh cho thị tòng dẫn Thái Văn Cơ đến. Thái Văn Cơ xõa tóc, đi chân trần, vừa bước vào liền quỳ xuống trước mặt Tào Tháo dập đầu tay chồng thỉnh tội. Nàng nói chuyện trật tự rõ ràng, tình cảm chua xót bi thương, khách khứa trong chính đường có nhiều người vốn là bằng hữu của Thái Ung, thấy dáng vẻ bi thương của Thái Văn Cơ, bất giác nhớ tới Thái Ung, cảm động xót xa.

Tào Tháo nghe xong lại nói: “Hoàn cảnh mà phu nhân nêu ra quả thật đáng được thông cảm, nhưng công văn giáng tội đã phát đi, làm sao bây giờ?”.

Thái Văn Cơ nói: "Đại vương có hàng ngàn hàng vạn tuấn mã, võ sĩ dưới trướng như cây trong rừng. Chỉ cần ngài phái một võ sĩ một tuấn mã, phi ngựa nhanh, truy hồi công văn, thì chẳng phải Đổng Tự được cứu sao".

Tào Tháo rốt cuộc bị Thái Văn Cơ cảm động, đích thân phê lệnh ân xá và phái một kỵ binh đuổi theo, tuyên bố miễn tội chết cho Đổng Tự.

Khi ấy đúng vào ngày đông giá rét, Tào Tháo trông thấy Thái Văn Cơ trời đông lạnh mà còn tháo giày bới tóc, bèn cấp cho bà khăn trùm đầu và một đôi giày vớ giữ tạm ấm.

1717743498758.png

Nhân khi xưa Thái Ung chứa rất nhiều sách trong nhà, Tào Tháo nhớ lại bèn hỏi: "Nghe nói nhà của phu nhân khi trước có rất nhiều sách cổ, hiện tại còn giữ không?".

Thái Văn Cơ cảm khái nói: "Lúc trước phụ thân để lại cho tôi bốn nghìn cuốn sách, nhưng bởi vì chiến loạn trôi dạt khắp nơi, thất lạc đến một quyển cũng không còn giữ được. Nhưng tôi có thể ghi nhớ được hơn 400 thiên".

Tào Tháo nghe thấy cô còn nhớ được nhiều như thế này bèn nói:"Ta phái 10 người đến nhà để hầu phu nhân viết, để họ viết những văn chương mà phu nhân nhớ đọc ra, phu nhân thấy thế nào?".

Thái Văn Cơ đáp: "Không cần đến. Chỉ cần đại vương thưởng cho tôi một chút giấy bút, tôi về nhà sẽ tự tay tôi viết".

Về sau, Thái Văn Cơ quả nhiên đem 400 chương sách mà nàng nhớ kỹ ghi chép lại, đưa cho Tào Tháo. Tào Tháo nhìn thấy, hết sức hài lòng.

Tào Tháo đưa Thái Văn Cơ trở về cố hương, chính là đã làm rất tốt việc bảo tồn văn hóa truyền thống Trung Hoa. Câu chuyện về sau được gọi là "Văn Cơ quy Hán" được ca tụng trong lịch sử. Câu chuyện cũng đã trở thành một đề tài của Kinh Kịch và hội họa.

Tóm lại, sự việc có thật là Thái Văn Cơ là con gái của danh sĩ Thái Ung, bạn của Tào Tháo. Thái Văn Cơ là một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, cầm kỳ thi họa đủ cả. Nhưng số phận cô hồng nhan bạc mệnh, bị bán làm nô lệ, được Tào Tháo cứu, lấy chồng thì chồng không thương, mãi đến cuối đời mới bình yên gia thất.

Nhưng mối quan hệ giữa Tào Tháo và Thái Văn Cơ được thêu dệt thành nhiều bản, trong đó được nhiều người biết đến nhất là Tào Tháo và Thái Văn Cơ yêu thương thắm thiết nhưng bị Thái Ung ngăn cản kịch liệt. Theo ghi chép lịch sử, Tào Tháo sinh năm 155, trong khi Thái Văn Cơ sinh năm 177. Chưa kể hai người phải luôn cận kề với cái chết bởi những âm mưu ám hại. Và cuối cùng chính Thái Văn Cơ đã xa lánh từ chối Tào Tháo vì phát hiện những thủ đoạn quá độc ác và tàn nhẫn của ông đối với người ông nghi ngờ…

Một lần chạy lạc, bị bắt cóc trong cuộc cướp bóc thành Lạc Dương của quân hung nô, Thái Văn Cơ lưu lạc tha hương rồi may mắn gặp dược gia đình, Tào Tháo dù phải bỏ ra nhiều tài sản để chuộc lại nàng, nhưng với tình yêu tha thiết ông không hề màng đến của cải vật chất, chỉ cốt sao mang được người yêu thương về lại cùng ông, nhưng trớ trêu cho ông là khi không cón chia cắt bởi khoảng cách của không gian thì trong tim của Thái Văn Cơ đã có một vết đen chua xót: tình yêu dù bao dung cũng không thể mãi tha thứ cho người đã vì danh lợi mà hãm hại nhiều người, niềm vui chưa trọn nàng đã phải đứng trước chọn lựa giữa tình nhà và nghĩa lớn…

Nhưng cũng có phiên bản nói rằng Tào Tháo tuy gian hùng nhưng là người yêu văn thơ sẵn sàng làm nên những chuyện khó tin nhất vì lòng mến mộ văn chương của mình. Thực tế có chi tiết Thái Văn Cơ ghi lại 400 chương sách mà nàng nhớ được đưa cho Tào Tháo.

Sự thật mối quan hệ Tào Tháo và Thái Văn Cơ đến nay vẫn còn là bí ẩn. Nhưng nó cũng chính là một minh chứng cho thấy một bộ mặt khác của Tào Tháo: yêu chuộng văn thơ, chữ nghĩa chứ không phải chỉ là tay võ biền hữu dũng vô mưu.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top