Thỏa thuận AUKUS là gì?

Rạng sáng 16-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Anh Boris Johnson đã công bố quan hệ đối tác ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS. Cú bắt tay này không chỉ đơn thuần là cùng hợp tác để chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia.
Thỏa thuận AUKUS là gì?
Tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Anh hộ tống tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong một đợt đi biển - Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh
AUKUS gồm AU, UKUS là thỏa thuận hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao giữa ba nước Australia, Anh, Mỹ, vừa được ký kết đã gây chú ý của đông đảo dư luận quốc tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Australia hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp trị giá 40 tỷ USD khiến Pháp vô cùng tức giận, nhằm đổi lấy thỏa thuận AUKUS.
Pháp cho rằng họ đã “bị đâm sau lưng” vì chỉ 2 tuần trước đó, các bộ trưởng cấp cao của Pháp đã họp trực tuyến với những người đồng cấp Australia – Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton, để củng cố quan hệ giữa 2 nước với cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng.
Chính phủ Australia khẳng định AUKUS là yếu tố then chốt để Australia trở thành một cường quốc có năng lực hơn trong thế kỷ 21.
Theo nhà nghiên cứu về quân sự và an ninh biển Nguyễn Thế Phương cho biết trên báo Tuổi Trẻ, để đạt được AUKUS, Australia đã chủ động khá nhiều, điển hình là hủy bỏ thỏa thuận mua 12 tàu ngầm thông thường từ Pháp.
"Canberra đã dẹp bỏ các chướng ngại đó để ký kết AUKUS. Đây là điển hình của chính sách đối ngoại của cường quốc bậc trung (Australia)", thạc sĩ Thế Phương, hiện là giảng viên khoa Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM, nhận xét.
Theo ông Thế Phương, AUKUS sẽ kết nối nền công nghiệp quốc phòng của cả ba quốc gia. "Từ trí tuệ nhân tạo (AI), drone (máy bay/thiết bị bay không người lái) cho tới công nghiệp đóng tàu, cả ba nước sẽ có thể tiết kiệm chi phí nhờ chia sẻ chung mọi thứ như nền tảng và chi phí sáng tạo, nghiên cứu. Australia sẽ là nước hưởng lợi lớn ở mặt này".
Mỹ và Anh cũng sẽ có lợi ích từ quá trình này. "Mỹ có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân ở Australia, tăng cường hiện diện ngoài chuỗi đảo thứ hai và ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Đối với Vương quốc Anh, hợp tác này đang giúp họ hiện thực hóa cam kết can dự nhiều hơn vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", chuyên gia Thế Phương lưu ý.
Thỏa thuận AUKUS là gì?
Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong lễ công bố AUKUS rạng sáng 16-9 - Ảnh: REUTERS
Một số nhà quan sát nhận định AUKUS là cơ chế hợp tác quân sự và an ninh lớn đầu tiên được Mỹ thiết lập sau khi Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) tan rã năm 1977. Sự xuất hiện của AUKUS được dự báo sẽ tạo ra những biến chuyển đáng chú ý trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia chỉ gọi AUKUS là "Hiệp định đối tác an ninh tăng cường ba bên".
Theo Bộ Quốc phòng Australia, hải quân nước này sẽ tìm kiếm việc sở hữu ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân thông qua sự hỗ trợ của Mỹ và Anh trong khuôn khổ AUKUS.
Bộ Quốc phòng Australia cũng tìm cách làm rõ đây là các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, khác với việc sở hữu vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh Australia luôn tuân thủ các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hạm đội tàu ngầm mới sẽ được chế tạo tại thành phố Adelaide thuộc bang Nam Australia. Hiện đang có nhiều tranh luận và suy đoán lớp tàu ngầm nào sẽ được chọn, đó có thể là lớp Astute của Anh hoặc lớp Virginia của Mỹ.
Cựu Thủ tướng Australia Paul Keating đã phản đối mạnh mẽ AUKUS và kế hoạch mua tàu ngầm hạt nhân. Theo ông Keating, Australia vận hành các tàu ngầm thông thường còn chưa xong thì làm sao vận hành được tàu ngầm hạt nhân vì chúng quá phức tạp và tốn kém.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top