Việt Nam chính thức tắt sóng 2G từ tháng 9/2024, điện thoại cục gạch sẽ không dùng được nữa?

Ánh Mai

Editor
Thành viên BQT
Chỉ còn 9 tháng nữa là các nhà mạng Việt Nam sẽ không còn cung cấp sóng 2G, ngừng hẳn việc cung cấp dịch vụ thoại và tin nhắn SMS cho các dòng điện thoại chỉ hỗ trợ mạng 2G. Điều đó có nghĩa là những người dân đang sử dụng loại điện thoại mà chúng ta quen gọi là điện thoại “cục gạch” sẽ không thể nhắn tin gọi điện được nữa.
Đây là chủ trương của Chính phủ và đã có lộ trình thực hiện, trong đó các nhà mạng đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền vận động, hỗ trợ tài chính để người dân chuyển sang dùng thiết bị mới và hiện đã dần tắt sóng 2G. Theo lộ trình, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu dừng công nghệ di động 2G chậm nhất đầu tháng 9/2024. Đây cũng là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Tại buổi Toạ đàm: “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức sáng 5/12 tại Hà Nội, đại diện Bộ Thông tin Truyền thông và các nhà mạng đã nêu các vấn đề xoay quanh chủ trương có tác động xã hội lớn này.
Việt Nam chính thức tắt sóng 2G từ tháng 9/2024, điện thoại cục gạch sẽ không dùng được nữa?
Tại sao phải tắt sóng 2G?
Mạng di động thế hệ thứ hai - 2nd Generation - viết tắt là 2G, được ra mắt lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991 bởi nhà mạng Radiolinja, tính đến nay đã hơn 30 năm. Hiện nay, khi mạng di động đã tiến đến thế hệ thứ 5, thứ 6 (5G, 6G), thì việc duy trì hỗ trợ mạng 2G sẽ gây cồng kềnh cho mạng viễn thông, lãng phí nguồn lực, lãng phí nhân sự bảo trì bảo dưỡng, tốn kém trong vận hành.
Đơn cử như một trạm BTS sẽ phải treo 4 loại ăng-ten phục vụ cho 4 công nghệ khác nhau sẽ phải gánh tải trọng lớn và cồng kềnh, tốn chi phí lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng. Ngoài ra, việc duy trì mạng 2G còn chiếm tài nguyên tần số, khi mà hiện nay các dịch vụ 2G đang được triển khai trên băng tần 900MHz, nếu giải phóng được tần số này thì các nhà mạng sẽ có thêm băng tần để triển khai các dịch vụ cao cấp hơn thuộc các thế hệ công nghệ mạng viễn thông mới, phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số.
Giống như WiFi, các kết nối di động chính là các sóng vô tuyến và các nhà cung cấp mạng chỉ có một phổ tần số vô tuyến nhất định để dùng cho mạng lưới của họ. Vì thế, việc loại bỏ dần mạng di động 2G giúp giải phóng không gian phổ tần số vô tuyến cho các tiêu chuẩn mới, cụ thể là giúp mạng 4G chạy nhanh hơn.
Theo các nhà mạng, chi phí nâng cấp mạng 4G, 5G rẻ hơn việc duy trì các mạng lưới cũ 3G, 2G nên việc mạng 2G dần bị cắt sóng là điều hiển nhiên. Không chỉ mạng 2G, tiến tới đây mạng 3G cũng sẽ bị tắt sóng để nhường chỗ cho các công nghệ mới hơn. Các băng tần 1800MHz, 1900MHz tới đây sẽ không phục vụ cho máy 2G Only.
Mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người Nhân dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số... một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn. Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.

Điện thoại cục gạch 2G only sẽ bị khóa, không thể sử dụng​

Điện thoại 2G only là những chiếc điện thoại di động chỉ hỗ trợ tiếp nhận sóng di động công nghệ 2G và chỉ cho phép dùng dịch vụ thoại và tin nhắn SMS công nghệ 2G. Đây là những thiết bị đã quá cũ và sử dụng công nghệ lạc hậu nhưng vẫn còn được người dân ở các vùng sâu vùng xa và cả những người thu nhập thấp sử dụng khá nhiều do giá rẻ, cách sử dụng đơn giản.
Đầu năm 2023, theo thống kê của các nhà mạng, Việt Nam có hơn 26 triệu thuê bao di động 2G, chiếm 20% trong tổng số 126 triệu thuê bao di động trên toàn quốc. Đến tháng 8/2023, còn khoảng 23 triệu thuê bao di động 2G. Tại buổi Tọa đàm sáng 5/12, số liệu thuê bao 2G do ông Nguyễn Thanh Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, cung cấp hiện là 15 triệu thuê bao.
Việt Nam chính thức tắt sóng 2G từ tháng 9/2024, điện thoại cục gạch sẽ không dùng được nữa?
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, còn 15 triệu thuê bao 2G tính đến đầu tháng 12/2023
Việc tắt sóng 2G không có nghĩa là xóa sổ hoàn toàn những dòng điện thoại có chức năng nghe gọi cơ bản, còn gọi là feature phone. Hiện nay thị trường đã có những dòng điện thoại feature phone hỗ trợ 4G, trong đó nhà sản xuất chỉ thay thế con chip sóng 2G trên những chiếc điện thoại đó bằng chip sóng 3G, 4G,...
Những chiếc điện thoại "cục gạch" được sản xuất theo công nghệ cũ sẽ không thể hoạt động được, người dùng vẫn có thể mua những chiếc điện thoại có thiết kế tương tự nhưng nhận được sóng 3G, 4G, 5G,... Như vậy, chỉ điện thoại 2G only mới bị ngắt kết nối hoàn toàn từ tháng 9/2024.

Điện thoại 3G, 4G non-VoLTE vẫn được dùng đến tháng 9/2026​

Điện thoại 3G, 4G non-VoLTE là gì? Đây là những dòng điện thoại hỗ trợ mạng 3G, 4G thời kỳ đầu chưa tích hợp tính năng VoLTE, tức là tính năng trao đổi thoại và tin nhắn qua nền tảng 4G, buộc phải dùng thoại qua nền tảng 2G, 3G thì vẫn được tiếp tục sử dụng đến tháng 9/2026.
Thông tin này do bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số, Cục Tần số vô tuyến điện cung cấp tại buổi Tọa đàm. Bà Hiền cho biết, tháng 9/2024 sẽ không còn thuê bao 2G Only, nhưng các thuê bao smartphone 3G, 4G thời kỳ đầu, chưa tích hợp tính năng VoLTE, còn gọi là 3G, 4G non-VoLTE, sẽ tiếp tục được sử dụng đến tháng 9/2026. Tức là, Bộ TT&TT sẽ xem xét cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp thêm 2 năm trên băng tần 900 MHz để cung cấp dịch vụ thoại trên nền tảng 2G cho thuê bao 3G, 4G non-VoLTE.
“Sau thời điểm tháng 9/2026, băng tần 900 MHz sẽ được xem xét quy hoạch lại, và chúng tôi dự kiến quy hoạch mới sẽ đảm bảo việc phân chia phù hợp với sự phát triển của các công nghệ 4G, 5G. Tần số sau tháng 9/2026 sẽ được thu hồi, đấu giá và cấp phép cho các đơn vị phát triển công nghệ 4G, 5G; không còn công nghệ 2G trên băng tần 900 Mhz”, bà Hiền cho biết.

Nhiều chính sách đồng bộ cho việc tắt sóng 2G được thuận lợi, ít tác động​

Bộ TT&TT cho biết, để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, một loạt chính sách đã được đưa ra. Theo đó, Từ ngày 1/7/2021, “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất chính thức có hiệu lực bắt buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Được biết, thời gian qua, các nhà mạng đã triển khai phát triển giải pháp kỹ thuật để có thể loại các thiết bị thuần 2G, 3G ra khỏi mạng. Cục Viễn thông cũng yêu cầu các nhà mạng báo cáo số lượng thuê bao sử dụng máy thuần 2G, 3G. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra nhập khẩu, phân phối, lưu thông máy thuần 2G, 3G cũng sẽ được triển khai. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị kiểm tra các chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh mô hình chuỗi, các hộ kinh doanh đơn lẻ để đảm bảo không còn máy điện thoại di động 2G only lưu thông trên địa bàn; phải phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường, hải quan, công an, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán lưu thông thiết bị điện thoại 2G only vi phạm quy định.
Cùng với chính sách trên, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, công nghệ VoLTE là công nghệ cho phép gọi điện thoại với chất lượng cao trên nền tảng mạng 4G,mang lại những trải nghiệm mới cao cấp hơn cho khách hàng. Trong thời gian qua, Cục Viễn thông đã phối với các doanh nghiệp di động, nhà sản xuất đại diện nhà sản xuất/đại lý cung cấp điện thoại smartphone như Apple, Samsung. Oppo,Vivo, Nokia, Realme... thống nhất thực hiện: rà soát và phát hành phiên bản phần mềm hệ thống cho các điện thoại 4G còn mới và đủ khả năng để hỗ trợ, cập nhật bật tính năng VoLTE. Từ ngày 1/7/2021, các smartphone mới sản xuất sẽ tích hợp 4G, bật mặc định tính năng VoLTE.
Hiện chu kỳ sử dụng của một thiết bị đầu cuối khoảng 3 năm. Kể từ năm 2020, Bộ TT&TT đã ra quy định cấm nhập khẩu máy 2G, các máy nhập vào thị trường Việt Nam hiện nay là theo đường tiểu ngạch. Như vậy, các máy 2G tại Việt Nam đang ở vào cuối của chu kỳ sử dụng, khi máy hỏng sẽ được người dùng thay thế.
Để bảo vệ quyền lợi người dân khi thực hiện tắt sóng trạm 2G, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các sở TT&TT triển khai cuộc kiểm tra trên địa bàn cả nước nhằm phát hiện,ngăn chặn, xử lý việc nhập khẩu, phân phối, lưu thông, mua bán thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất trái quy định của pháp luật.
Bộ TT&TT đề nghị TT&TT chủ động rà soát, và dưa theo tình hình thực tế để lên kế hoạch kiểm tra chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh mô hình chuỗi, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đơn lẻ trên địa bàn, đảm bảo không còn máy điện thoại di động 2G Only, 3G Only lưu thông trên địa bàn.
Các Sở TT&TT tỉnh, thành phố cũng có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng quản lý thị trường, hải quan, công an... để kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán, lưu thông máy điện thoại di động 2G Only, 3G Only vi phạm quy định.
Để chuẩn bị cho lộ trình các nhà mạng viễn thông di động hiện đang xây dựng các chính sách hỗ trợ người dùng khi dừng sóng 2G, tập trung vào 2 hỗ trợ chính là hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone.
Hiện một số nhà mạng lớn đã tiến hành tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực có nhu cầu dịch vụ này thấp. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng đã chuẩn bị các dòng điện thoại “cục gạch” 4G giá rẻ chỉ khoảng gần 300.000 đồng chỉ để dùng dịch vụ thoại và nhắn tin để phục vụ cho một lớp khách hàng nhỏ có chỉ có nhu cầu này.
Không chỉ có các nhà mạng mà, một số địa phương cũng xin được đề xuất tắt sóng 2G. Sau thời gian thí điểm tắt sóng 2G tại một số địa bàn, Lạng Sơn dự kiến sớm tắt sóng 2G toàn bộ thành phố, thị trấn, góp phần đẩy nhanh việc phổ cập.smartphone.
Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ tịch ICT Press Club cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi tổ chức buổi tọa đàm này để chúng ta cùng lắng nghe tiếng nói của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông về lộ trình tắt sóng 2G. Để người dân chủ động chuyển đổi thiết bị và không gây ảnh hưởng thông tin liên lạc khi tắt sóng 2G, thì hoạt động truyền thông rất quan trọng. Các doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân. Và hôm nay CLB Nhà báo ICT bắt đầu đồng hành cùng chính phủ và doanh nghiệp để thúc đẩy câu chuyện đó.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top