Ngày 5/10, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards – VDA) do Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức, đã vinh danh 45 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các sản phẩm giải pháp chuyển đổi số xuất sắc năm 2024.
Gần 400 bộ hồ sơ tham dự đã trải qua 2 vòng xét duyệt khắt khe với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ hàng đầu. Ngoài những bộ hồ sơ từ các cơ quan trung ương và doanh nghiệp công nghệ lớn như Bộ Công an, Bộ Công thương, Viettel, FPT, MobiFone… năm nay, giải thưởng còn nhận được hồ sơ tham dự từ các đơn vị cấp cơ sở như Uỷ ban Nhân dân cấp phường xã, các trường đại học, trung học và nhiều cá nhân.Ban tổ chức trao Giải đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế
Theo TS Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Giải thưởng năm nay đã thu hút nhiều hồ sơ có chất lượng nổi bật, ứng dụng nhiều công nghệ mới như: AI, dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), điện toán đám mây (cloud computing); nhiều giải pháp công nghệ, mô hình chuyển đổi số tiêu biểu, có điểm nhấn nổi bật về dữ liệu số trong lĩnh vực hành chính công, tài chính, giáo dục, sản xuất công nghiệp, truyền thông…
Giải thưởng vinh danh theo 5 hạng mục, gồm: cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc; sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng; sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ nước ngoài.
Sau 2 vòng chấm giải, Ban tổ chức đã lựa chọn 45 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số xuất sắc để tôn vinh trao Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2024.
Năm 2024 là năm đầu tiên giải thưởng này tôn vinh 4 sản phẩm và giải pháp mang tính nhân văn, không nhấn mạnh yếu tố thương mại mà hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng. Điển hình là Violympic - sân chơi trực tuyến dành cho học sinh từ lớp 1-12 trên toàn quốc - được trao giải ở cả 2 hạng mục “Sản phẩm giải pháp công nghệ số tiêu biểu” và “Giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng”. AppotaPay, với bộ sản phẩm cổng thanh toán và SmartPOS, đã giành giải “Sản phẩm, dịch vụ giải pháp công nghệ số tiêu biểu” nhờ khả năng thanh toán quốc tế linh hoạt và hỗ trợ quản lý chuỗi cửa hàng thông minh.
Theo Ban tổ chức, nét mới của Giải thưởng năm nay là ưu tiên tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số của cơ quan nhà nước (11 cơ quan). Đây là nhóm đơn vị có tốc độ chuyển đổi số chậm hơn doanh nghiệp, nhưng trong thời gian gần đây, các cơ quan đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc cải thiện dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. 11 cơ quan nhà nước được vinh danh gồm có: Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng với giải pháp Hệ thống Giám sát điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng; Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn với giải pháp Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn; Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng với pháp luật Nền tảng Hành trình số (xe 115 số); Kho bạc Nhà nước với giải pháp Giải pháp Chuyển đổi số từ Kho bạc giao dịch truyền thống sang Kho bạc điện tử; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh với giải pháp Bộ giải pháp công nghệ số hỗ trợ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Cùng với đó, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư - Cục CSQLHC về TTXH, Bộ Công an với giải pháp Dịch vụ công trực tuyến cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh với giải pháp Ứng dụng Tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp với giải pháp Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản; Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an với giải pháp Dịch vụ công trực tuyến cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước và Dịch vụ công trực tuyến cấp thị thực điện tử theo đề nghị của người nước ngoài; Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức với giải pháp Bộ giải pháp thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Thủ Đức; Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh với giải pháp Phần mềm quản lý án hình sự cũng được vinh danh.
Trong số các đơn vị có sản phẩm được vinh danh còn có những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số như FPT, Viettel, MobiFone... Trong đó, FPT có 3 sản phẩm nổi bật là akaCam - nền tảng phân tích dữ liệu video sử dụng trí tuệ nhân tạo, Confidon - giải pháp số hóa trong lĩnh vực bảo hiểm và Violympic đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế và giáo dục. Ban tổ chức cũng vinh danh Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel với “Giải pháp công nghệ trong quy trình vận hành”. Sản phẩm Hệ sinh thái giáo dục số MobiEdu của Tổng công ty Viễn thông MobiFone nhận giải thưởng ở hạng mục sản phẩm, giải pháp công nghệ số xuất sắc. Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain) và điện toán đám mây (Cloud Computing) đang ngày càng trở nên phổ biến, tạo nền tảng cho những cải tiến đột phá trong các ngành từ tài chính, sản xuất công nghiệp đến truyền thông và hành chính công.
Đại diện cho Tổng Công ty Cổ phẩn Bưu chính Viettel, ông Nguyễn Hải Bình, Giám đốc trung tâm CNTT nhận giải thưởng.
Trải qua 7 năm tổ chức, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã tạo ra một sân chơi uy tín cho các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực công nghệ số. Được tổ chức lần đầu vào năm 2018, giải thưởng này đã thu hút hơn 16.000 lượt cơ quan, doanh nghiệp trên 63 tỉnh, thành phố, hơn 2.000 hồ sơ tham dự, với gần 400 đơn vị được vinh danh qua các mùa giải.
Giải thưởng - Vietnam Digital Awards 2024 được phát động từ ngày 16/4, hướng tới chủ đề "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin; số hoá các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".