VnReview
Hà Nội

Một phần rừng Amazon thải ra nhiều khí CO2 hơn khả năng hấp thụ của mình

Rừng Amazon từng được xem là "lá phổi xanh" của Trái Đất, một bể chứa khối lượng lớn carbon và công cụ chính để ứng phó với biến đổi khí hậu nhờ khả năng giảm thiểu lượng khí carbon dioxide (CO2) đang ngày càng tăng. Nhưng giờ đây, rừng Amazon đã đảo ngược quá trình.

Theo một nghiên cứu vừa công bố hôm 16/7 trên Tạp chí Nature cho biết một phần của rừng Amazon đang thải ra lượng khí CO2 nhiều hơn khả năng hấp thụ của nó.

Mỗi năm, rừng Amazon tạo ra khoảng 1,5 tỉ tấn CO2 trong khi chỉ hấp thụ được 0,5 tỉ tấn, lượng khí CO2 còn lại trong khí quyển tương đương lượng khí thải của Nhật Bản trong một năm (Ảnh: Carl de Souza/AFP)

Các nhà nghiên cứu nhận định phần lớn lượng khí thải đến từ các vụ cháy rừng, chúng tạo ra sinh khối phát thải carbon và làm giảm khả năng dự trữ khí nhà kính của Amazon, nhưng hạn hán và nhiệt độ môi trường tăng cao cũng góp phần vào vấn đề này.

Nghiên cứu xác nhận điều đã được nhiều chuyên gia dự đoán từ lâu nhưng chưa được kiểm chứng. Nhóm nghiên cứu gồm 19 người, trong đó gồm nhiều nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Nghiên cứu Không gian (INPE) của Brazil. Từ năm 2010 đến năm 2018, các nhà nghiên cứu đã đưa 590 lượt máy bay đến khu rừng để kiểm tra nồng độ khí CO2 và CO. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những vụ cháy rừng tại Amazon tạo ra khoảng 1,5 tỉ tấn CO2 mỗi năm, trong khi cây xanh tại đây chỉ hấp thụ được 0,5 tỉ tấn CO2 mỗi năm.

Những khu vực đã xảy ra cháy rừng có lượng phát thải cao gấp ba lần khu vực chưa bị, Luciana Gatti, nhà nghiên cứu tại INPE và là tác giả thứ nhất của công trình nghiên cứu, trả lời tờ The Guardian hôm thứ 4. Ngoài ra, những khu vực rừng bị suy thoái từ 30% trở lên có lượng khí thải cao gấp 10 lần khu vực có tỉ lệ khai thác tận gốc dưới 20%, cô cho biết. Trong khi các nhà nghiên cứu lấy mẫu và xác định nguồn phát thải chính là các vụ cháy rừng, thì khu vực Đông Nam là nơi duy nhất là nguồn phát thải carbon thay vì dự trữ chúng. Đây cũng là khu vực khô hạn do hiện tượng ấm lên toàn cầu và lượng mưa sụt giảm. Kết quả là một cánh rừng lớn đang dần biến thành thảo nguyên, dẫn đến sự phân hủy cây cối và cháy rừng, cả hai đều là nguồn phát thải khí CO2.

"Chúng ta có một vòng lặp rất tiêu cực khiến cánh rừng dễ rơi vào tình trạng cháy rừng không kiểm soát", Gatti trả lời tờ The Guardian. "Chúng ta cần một thỏa thuận quốc tế để cứu lấy rừng Amazon".

Nhìn chung, cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cô lập carbon từ khí quyền thông qua quá trình quang hợp, quá trình này tổng hợp khí oxi và glucose (để tạo ra năng lượng cho cây) từ khí CO2 và nước. Lượng carbon này sau đó được dự trữ trong đất, và sinh khối của khu rừng được tạo thành từ các chất hữu cơ như cành cây, rễ cây và lá cây, cả còn sống và đã chết.

Các khu rừng trên thế giới chịu trách nhiệm hấp thụ khoảng 16 tỉ tấn khí CO2 từ khí quyển mỗi năm. Nhưng dù là cánh rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, các nhà khoa học từ lâu đã nhận ra khả năng đóng góp của Amazon vào quá trình này đang dần sụt giảm.

Từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2020, hơn 11.000 km2 rừng Amazon ở Brazil đã bị san phẳng (Ảnh: Christian Braga/Greenpeace)

Một khu rừng được xem là nguồn carbon nếu nó phát thải qua cháy rừng và cây cối bị phân hủy nhiều hơn lượng carbon chúng hấp thụ thông qua số cây còn sống và quang hợp. Và điều này đang xảy ra với rừng Amazon, một phần là do con người. Những vụ cháy lan rộng và kéo dài không phải là một phần trọng hệ sinh thái tự nhiên của Amazon, nhưng sự tác động của con người đã làm thay đổi điều đó. Tổng thống Brazil Jair Balsonaro, một người nổi tiếng về khả năng lobby cho ngành kinh doanh nông sản, đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành khai thác gỗ từ rừng mưa nhiệt đới kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2019. Cùng năm đó, một khu vực lớn gấp 7 lần Greater London đã bị tàn phá bởi cháy rừng, đây là diện tích rừng Amazon lớn nhất bị san phẳng kể từ năm 2008.

Theo dữ liệu của INPE, ước tính độ bao phủ rừng tại Amazon đã giảm khoảng 20% kể từ trước năm 1970. Và tỉ lệ khai thác tận gốc cũng biến động qua từng năm trong thời gian đó, tỉ lệ này vẫn tăng đều qua mỗi năm kể từ năm 2012, thậm chí ngay cả khi kiến thức về việc cây xanh đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu biến đổi khí hậu đã tăng lên.

Minh Bảo (theo VICE)

Chủ đề khác