VnReview
Hà Nội

Samsung khởi động dự án "Project C" sản xuất tấm nền OLED cho TV vào nửa cuối 2020

Công ty Hàn Quốc sẽ bắt đầu đi vào sản xuất nửa cuối năm 2020, cạnh tranh với LG Display. Dự án có tên ‘Project C' của Samsung Display sẽ là ván cược cho công nghệ QD-OLED.

Samsung đầu tư hàng tỷ USD vào kế hoạch quay lại thị trường OLED cỡ lớn.

Nguồn tin ngành công nghiệp nói với tờ The Elec rằng Samsung sắp khởi động một chương trình có tên ‘Project C', hướng đến đầu tư sản xuất tấm nền OLED cỡ lớn dành cho TV. Kế hoạch đầu tư gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2 sẽ được thảo luận và công bố chậm nhất là tháng Tám. Theo các thông tin ban đầu, Samsung sẽ chuyển đổi dây chuyền sản xuất nhà máy LCD sang OLED ở nhà máy đặt tại tỉnh Chungcheong.

Nhà máy màn hình của Samsung ở Chungcheong

Thiết bị CVD dùng để chế tạo lớp vật liệu phát sáng hữu cơ trong tấm nền sẽ mua từ Canon Tokki, Nhật Bản. Theo một nguồn tin thân cận với Canon Tokki, việc lắp đặt để sản xuất cho giai đoạn 1 sẽ bắt đầu tháng Hai năm tới. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành lắp đặt vào tháng Hai năm 2021. Một nguồn tin khác nói rằng Samsung dự định sản xuất hàng loạt vào tháng Sáu năm sau. Nếu chuyển đổi tất cả dây chuyền LCD sang OLED, sản lượng cao nhất có thể tăng lên 120.000 đơn vị mỗi tháng.

Không như công nghệ White OLED kết hợp bộ lọc màu mà LG Display đang sử dụng, OLED của Samsung là Blue OLED kết hợp với QDCC - bộ đổi màu chấm lượng tử. Kiến trúc phát sáng của họ cũng là phát sáng đỉnh (top emission), khó chế tạo hơn kiểu phát sáng đáy (bottom emission) của LG Display. Đổi lại, hiệu quả chiếu sáng cao hơn, màu sắc cũng tinh khiết hơn. Kiến trúc này cũng được dùng trên tấm nền OLED chuyên nghiệp của Sony, loại RGB OLED phát sáng đỉnh.

Tuy nhiên, Samsung đang phải đối mặt với nhiều thách thức kỹ thuật của công nghệ mới. Hiện tại hiệu suất chuyển đổi màu sắc của phần chấm lượng tử Red và Green chưa đạt được như ý. Samsung đang dùng phương pháp chế tạo in phun để xử lý triệt để vấn đề này. Cần phải làm cho phần chấm lượng tử hấp thu 100% ánh sáng từ Blue OLED, sau đó phát xạ lại ánh sáng Red và Green. Báo cáo cho biết công ty sử dụng một số máy từ hãng Kateeva của Mỹ.

Ngoài ra, góc nhìn rộng cũng là một thách thức. Các màn hình OLED di động bị phàn nàn màu sắc biến đổi khi nghiêng. Nhưng nó ít gây ảnh hưởng trong thực tế vì người dùng nhìn điện thoại ở khoảng cách gần, góc trực diện. Đối với TV đặt trong phòng lớn, người xem từ nhiều góc và khoảng cách xa có thể thấy khó chịu. Samsung đang dùng chất tán xạ trộn với chấm lượng tử để mở rộng góc nhìn. Cuối cùng, vấn đề chỉ còn là tạo hình và độ rộng hợp lý cho bộ đổi màu chấm lượng tử.

Chưa rõ công ty sẽ sử dụng loại vật liệu nào để chế tạo các diode Blue OLED. Với đèn nền LED trên TV LCD, Blue LED là các chất vô cơ nên có độ bền cao. Nhưng với TV OLED của Samsung, khả năng họ phải dùng chất huỳnh quang, tuy hiệu quả chiếu sáng thấp nhưng tuổi thọ cao hơn lân quang. Samsung có đầu tư vào các công ty Nhật và Mỹ để thương mại hóa loại TADF, hiệu suất cao và tuổi thọ bền bỉ tốt hơn lân quang, huỳnh quang khi dùng chế tạo diode Blue. Hơn nữa, do Blue OLED giống White OLED ở chỗ tất cả điểm ảnh đều là một loại diode hữu cơ, nên giảm thiếu tình trạng thoái hóa không đều giữa các diode sau thời gian dài chiếu sáng.

Ambitious Man

Chủ đề khác