VnReview
Hà Nội

Cảnh sát Mỹ "không hài lòng" với tính năng bảo mật của Apple khiến GrayKey vô dụng

Trên iOS 12, Apple đã áp dụng tính năng mới giúp ngăn cản bất kỳ ai muốn phá khóa thiết bị chạy iOS bằng các công cụ như GrayKey.

Ước mơ về chiếc iPhone "bất khả xâm phạm" của chúng ta đã trở thành sự thật

Theo Gizmodo, tính năng sẽ vô hiệu quyền truy cập dữ liệu qua cổng USB một giờ sau khi iPhone, iPad hay iPod bị khóa màn hình lần cuối cùng.

Vốn đã khan hiếm cách mở khóa iPhone, iPad bị khóa mật khẩu, cảnh sát và những người thực thi pháp luật thực sự không hài lòng về tính năng này.

Chuck Cohen, làm việc tại lực lượng đặc nhiệm thuộc cảnh sát bang Indiana trong lĩnh vực lạm dụng trẻ em trên internet cho rằng "nếu trở lại cảnh không có quyền mở khóa như trước, gần như mọi bằng chứng liên quan trực tiếp đều bị mất, những đứa trẻ là nạn nhân cũng không thể an toàn".

Cảnh sát bang Indiana cho biết đã phá khóa 96 chiếc iPhone trong nhiều trường hợp khác nhau bằng thiết bị mở khóa 15.000 USD mua từ tháng 3 do công ty Grayshift sản xuất. Mỗi trường hợp đều có lệnh từ cấp trên.

Các nhà thực thi pháp luật khác cũng kịch liệt phản đối, tuyên bố tính năng này tương tự việc "che giấu tội phạm".

GrayKey có thể phá khóa 2 chiếc iPhone cùng lúc

Hillar Moore, một luật sư ở Los Angeles cho biết văn phòng của ông đã chi hàng ngàn USD cho Cellebrite để phá khóa 5 chiếc iPhone từ 2017, trong đó có một chiếc phục vụ cuộc điều tra về cái chết tại một trường đại học. Những chiếc iPhone được phá khóa đều chứa nhiều thông tin quan trọng nên ông thấy "thất vọng" với tính năng mới của Apple.

"Họ rõ ràng đang bảo vệ hoạt động của tội phạm, nhưng che giấu chúng trong vỏ bọc về sự riêng tư của người dùng", Moore khẳng định.

Michael Sachs, trợ lý luật sư quận Manhattan cũng có suy nghĩ tương tự khi văn phòng của ông sử dụng phương pháp (không tiết lộ) để phá khóa iPhone vài lần trong tuần. Điều đó giúp giải quyết hàng loạt vụ việc, gồm chiếc iPhone chứa video của kẻ bị tình nghi tấn công tình dục trẻ em. Hắn đã bị kết án sau đó.

Văn phòng luật sư Manhattan, nơi Sachs làm việc đã xin lệnh phá khóa 702 chiếc điện thoại trong 10 tháng đầu năm 2017, 2/3 trong số đó là iPhone.

Sau khi kết nối GrayKey với iPhone bằng cổng Lightning và chạy chương trình, mật khẩu sẽ hiển thị trên màn hình iPhone sau một thời gian hoạt động

Về phía Apple, nguồn tin từ Times cho biết hãng đã phản hồi hơn 55.000 đơn từ chính phủ Mỹ yêu cầu cung cấp dữ liệu iCloud liên kết tới hơn 208.000 thiết bị từ năm 2013, đây là bằng chứng cho thấy Apple không phải không hợp tác với cảnh sát.

Tất nhiên sau khi tính năng này được cập nhật, cảnh sát vẫn có thể nhanh chóng làm việc trong một giờ đồng hồ trước khi máy bị khóa, lúc tính năng chưa được kích hoạt.

"Chúng tôi luôn cố gắng bảo vệ người dùng sản phẩm Apple khỏi tin tặc, các kẻ xấu muốn xâm nhập vào dữ liệu cá nhân của họ", Apple cho biết.

"Chúng tôi luôn tôn trọng việc thực thi pháp luật, những cải tiến bảo mật không nhằm cản trở công việc của họ".

Thực thi pháp luật và mã hóa dữ liệu từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi. Tháng 1 vừa rồi, giám đốc FBI Christopher Wray đã gọi mã hóa là "vấn đề bảo mật công khai khẩn cấp", các cơ quan phải đối mặt với "số lượng ngày càng nhiều vụ việc phụ thuộc vào các dữ liệu điện tử". FBI cũng không thể xác định có bao nhiêu chiếc điện thoại cài mật khẩu đã làm khó dễ các vụ án hình sự.

Nhưng mặt khác, các chuyên gia bảo mật cho rằng việc mở "cửa sau" (backdoor) cho cảnh sát về cơ bản sẽ tạo ra lỗ hổng bảo mật lớn, nghiên cứu cho thấy cảnh sát và gián điệp hoàn toàn có nhiều cách lấy dữ liệu từ mục tiêu dù thiết bị có khóa mã hay không. Ví dụ, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) không quan tâm nhiều đến rào cản mã hóa vì họ có thể lấy thông tin từ các siêu dữ liệu,… Họ cũng đầu tư mạnh vào các công cụ phân tích mật mã để vượt qua rào cản bảo mật này.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác